Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Cam Bốt ký thỏa thuận cho Trung Quốc xây đập Hạ Sesan 2

Cam Bốt ký thỏa thuận cho Trung Quốc xây đập Hạ Sesan 2

Hơn 500 người thiểu số ở Stung Treng và Ratanak Kiri, Cam Bốt biểu tình chống dự án thủy điện Hạ Sesan 2 của Trung Quốc, ngày 28/02/2012.
Hơn 500 người thiểu số ở Stung Treng và Ratanak Kiri, Cam Bốt biểu tình chống dự án thủy điện Hạ Sesan 2 của Trung Quốc, ngày 28/02/2012.
@International Rivers

Anh Vũ
Chính quyền Cam Bốt đã tiến thêm bước mới trong dự án xây dựng đập thủy điện Sesan 2 ở hạ lưu sông Mêkông. Báo chí tại Cam Bốt hôm 26/11/2012 có đưa tin chính phủ Cam Bốt đã cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia xây dựng công trình thủy điện đang bị giới bảo vệ môi trường quốc tế phản ứng mạnh mẽ vì tác hại lên môi trường sống của hàng triệu người dân vùng hạ lưu sông Mêkông. Đặc biệt một nhà thầu của Việt Nam cũng được tham gia vào dự án này.


Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh
29/11/2012
Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh tường trình :
Theo nhận định của chính quyền Cam Bốt, hợp tác ba nước Trung Quốc, Cam Bốt và Việt Nam trong sự nghiệp khai thác thủy điện từ giòng sông Sesan đã được đánh dấu bằng cột mốc quan trọng qua việc ký kết mới đây với đối tác Trung Quốc.
Dự án được nói từ mấy năm trước và vẫn còn gây tranh cãi mang tên đập thủy điện Hạ Sesan 2 chảy ngang qua địa phận hai tỉnh ở Cam Bốt là Ratanakiri và Stungtreng đã được ký kết bởi nhà triệu phú Kith Meng, nhân vật điều hành tập đoàn Hoàng Gia, và công ty Năng lượng Quốc tế Trung Quốc, một thành phần của tập đoàn quốc doanh Huaneng.

Báo chí chỉ biết tổng quát rằng biên bản ghi nhớ mới được ký kết sẽ giúp cho tập đoàn Hoàng Gia đổ tiền vào dự án trong hai năm đầu tiên.
Nhiều chi tiết quan trọng khác không được các nhân vật chính yếu trong lễ ký kết công bố mặc dù ảnh hưởng đến tài sản, sinh mệnh của hàng ngàn dân cư địa phương.
Đại gia Kith Meng, là một người Úc gốc Khmer, nhân vật thân cận với Thủ tướng Hun Sen và cũng đang điều hành một hệ thống truyền thông thân nhà nước.
Trong buổi nói chuyện với 80 giới chức đại diện nhiều cơ quan chính quyền và các công ty, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Keat Chhon cho biết, đập thủy điện Hạ Sesan 2 với công suất 400MW khi hoàn thành, 100% sản lượng điện có được sẽ dành cho người dân Cam Bốt tiêu thụ, trong trường hợp thặng dư sẽ được bán cho các nước láng giềng nhưng chỉ với một số lượng nhỏ mà thôi.
Một đối tác trong dự án liên doanh này là Việt Nam đã không có mặt trong buổi lễ ký kết.

Phản ứng của giới bảo vệ môi trường và tình cảnh người dân địa phương
Sự kiện chính quyền hết sức kiên định tiến hành hợp tác với Trung Quốc xây dựng đập thủy điện Hạ Sesan 2 cho thấy họ đã bỏ ngoài tai nhiều lời chỉ trích đúng.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã phê phán mạnh mẽ dự án Hạ Sesan 2, họ nói đập thủy điện này là một trong những dự án phá hoại nhất trên giòng sông Mêkông, và nó cũng tàn phá môi sinh của con sông cũng như tiêu diệt môi trường sống của nhiều loài cá.
Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường lên tiếng than phiền các chủ đầu tư cho dự án Hạ Sesan 2 đã thiếu sự lượng định về tác hại môi sinh khi tiến hành xây dựng đập thủy điện. Các tổ chức bảo vệ môi sinh cũng đưa ra dự báo rằng công suất điện của đập thủy điện này sẽ không cao như dự đoán.
Tất nhiên đa phần cư dân Cam Bốt sống bằng ngư nghiệp sẽ bị mất đi nguồn lợi tức quan trọng trong sinh kế của họ. Nếu không muốn nói là họ phải chuyển đổi nghề nghiệp để tồn tại, chưa tính đến chuyện họ phải bị di dời đến một địa phương khác.
Ông Seak, một cư dân đang sống tại xã Srekor, huyện Sesan, tỉnh Stungtreng, một địa điểm nơi con sông Sesan và sông Srepok giao nhau, đã nói rằng các doanh gia với túi nặng đô la ở Phnom Penh không có nói gì về chuyện đền bù cho họ.
Tỉnh trưởng Stungtreng là Loy Sophat thông báo dự án Hạ Sesan 2 sẽ khởi sự vào đầu năm sau, và các xã ấp gần đó sẽ chìm trong biển nước.
Meach Mean, người hoạt động bảo vệ môi trường sống ở Cam Bốt cho biết, dân làng Tra Kol và Srekor đã đồng ý di chuyển đi khỏi nơi xây đập 15 km, chính quyền địa phương cũng đã mời đại diện dân làng đến tham khảo để tìm kiếm vùng đất mới cho họ sinh sống.
Thế nhưng quyền sở hữu đất mới, chuyện đền bù cho việc di dời, cơ sở vật chất như trường học, điện nước cho dân cư vẫn còn là chuyện chưa được biết đến, nếu không nói là mơ hồ.
Ông Seak, một cư dân đang sống tại xã Srekor nói rằng ông lo sợ điều kiện sống trong tương lai sắp đến đây của gia đình ông và láng giềng sẽ không khác gì thời kỳ sống dưới tay cộng sản Pol Pot. Và gia đình ông quá nghèo để kháng cự lại bọn doanh gia giàu có tiền bạc nhưng nghèo nàn lương tri.

Tổng quát về dòng sông Sesan và tham vọng phát triển thủy điện của Cam Bốt
Những dữ kiện tổng quát về giòng sông Sesan cho biết, sông này là một chi lưu lớn của sông Mekong, nó bắt nguồn từ hướng Bắc và Trung của Cao nguyên Trung phần Việt Nam, sau đó chảy ngang qua xứ Chùa Tháp rồi đi vào con sông Srepok thuộc địa phận tỉnh Stungtreng giáp Nam Lào.
Sông Sesan có lưu vực rộng đến 17.000 km vuông. Tại địa phận Việt Nam, sông Sesan chảy ngang hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với chiều dài 237 km, còn trên xứ Chùa Tháp, sông Sesan chảy qua hai tỉnh Ratanakiri và Stungtreng thuộc mạn Đông Bắc.
Về phía Việt Nam, từ năm 2001 đã và rồi sẽ có 6 đập thủy điện, bao gồm: Thượng Kon Tum, Plei Kroong, Yaly, Sesan 3, Sesan 3A, và Sesan 4.
Riêng về dự án đập thủy điện Hạ Sesan 2 của Cam Bốt, theo báo mạng Việt Nam thì gồm ba đối tác là Trung Quốc, Việt Nam, Cam Bốt với tổng giá trị đầu tư lên tới 781 triệu Mỹ Kim, dự kiến xây dựng trong 5 năm.
Về các tác hại do đập thủy điện trên giòng Mêkêng gây nên cho con người, thì vào năm 2011, ở Sài Gòn, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức buổi hội luận với tên gọi “Phía Sau Những Đập Thủy Điện” đã đưa ra các phân tích như sau:
Cam Bốt sẽ thu được 1,2 tỉ Mỹ Kim hàng năm do các đập thủy điện mang lại.
Việt Nam là quốc gia hạ lưu sông Mêkông nhưng lại là nước không có đập thủy điện trên giòng chính sông Mêkông, tuy thế lại chịu đựng sự thiệt hại không lường. Từ Phnom Penh sông Mêkông đổ về Việt Nam bằng hai nhánh sông gọi là Tiền Giang và Hậu Giang. Và lượng nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 60,4% lượng nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Và vì nằm ở hạ nguồn Mêkông nên lượng nước của con sông Cửu Long lệ thuộc đến 95% nguồn nước từ bên ngoài biên giới Việt Nam.
Việc Trung Quốc xây đập thủy điện trên thượng nguồn khiến cho nhiều năm qua nguồn nước đổ vào Việt Nam bị cạn kiệt làm ảnh hưởng đến môi sinh và hoàn cảnh sống của hơn 10 triệu người.
Theo báo mạng Bình Định, tại Cam Bốt có 9 đập thủy điện, trong đó có hơn 4 đập do Trung Quốc làm chủ đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét