Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

(4) Vợ Đông chồng Tây: Hợp đồng (3)

Hợp đồng Vợ Đông chồng Tây (3)


Giữa rừng luật pháp
Trong suốt hai tuần học Định hướng xã hội, Wout luôn nhắc đi nhắc lại về sự khác biệt giữa vùng nói tiếng Pháp và vùng nói tiếng Hà Lan, sự giàu lên ở Flanders và nghèo đi ở Wallonia, gánh nặng kinh tế người Flanders phải chia sẻ cho người ở Wallonia. “Theo một tài liệu truyền hình từng công bố về sự suy thoái ở Wallonia, mỗi người ở vùng Flanders phải giúp đỡ ba euro mỗi ngày cho người anh em chiến hữu tại Wallonia. Thử nhẩm tính xem mỗi năm một người ở vùng Flanders gánh thêm bao nhiêu chi phí”. Hakan rất hào hứng với các thông tin về Bỉ tìm hiểu được trên internet, chia sẻ thêm: “Giờ tôi hiểu tại sao đài truyền hình RTBF vùng Wallonia từng làm một phóng sự giả định nhan đề Bye Bye Belgium đề cập vùng Wallonia ly khai khỏi Bỉ khiến nhiều người ở Wallonia sốc còn người ở Flanders nhún vai: Đó không phải ý kiến tồi!”

Minh họa của Trung Dũng
Mesfin, 35 tuổi đến từ Ethiopia, rất ít trò chuyện, nhưng khi lên tiếng, thường thú vị: “Nhưng dân số Flanders đang già đi, tới đây vùng này phải gánh khoản tiền hưu trí quá lớn trong khi dân số ở Wallonia trẻ hơn. Tôi giúp anh trước, sau này anh giúp lại tôi chăng? Ở Ethiopia nghèo, nhưng sự chia sẻ dành cho nhau diễn ra hàng ngày và thoải mái. Sống ở Bỉ được gần một năm, mỗi ngày tôi đi xe buýt đều thấy cảnh phụ nữ phải đứng trong khi nam giới thản nhiên ngồi. Nếu ở nước tôi, tôi nhường chỗ cho bất cứ phụ nữ nào, già hay trẻ. Không phải tôi galăng, chúng tôi quan niệm phụ nữ là MẸ”.
Hoan hô Mesfin! Mesfin còn có niềm tự hào vô biên về các vận động viên điền kinh nổi tiếng người Ethiopia và ngày càng nhiều cầu thủ bóng đá nước này xuất khẩu vào châu Âu. Trong khi đó, Ernest, người Ghana, trẻ trung cao gần hai mét thích nói chuyện với nhóm Romania về xe cộ, tìm việc làm lương cao và thừa nhận: “Có lẽ tớ chỉ chơi bóng rổ là dễ dàng”. Còn Serafin, người Congo, thường ngồi một chỗ quan sát mọi người.
Tôi cũng thích quan sát Serafin. Cô luôn mặc toàn màu đen hoặc xám, chỉ riêng mái tóc cầu kỳ, tết từng bím nhỏ, thắt nút chỉ màu, để lộ da đầu thành từng ô lục giác. Ôi Congo, nội chiến, hãm hiếp, đói nghèo, nhưng mái tóc người phụ nữ ở hoàn cảnh nào cũng thật độc đáo và kiêu hãnh! Ở Congo nghe nói cứ năm mươi năm mới có một lần ăn Tết. Có lẽ cũng phải... chờ đến Tết Congo Serafin mới chủ động bắt chuyện. Thường thì tôi hoặc Laura chào hỏi cô trước và chỉ moi được chút ít thông tin Serafin làm việc cho một tổ chức văn hóa cộng đồng, sang Bỉ học nâng cao nghiệp vụ sáu năm rồi lại về phụng sự quốc gia. Selina nhanh nhảu đoảng, duy nhất một câu cô hỏi Serafin trước cả lớp “Nghe nói có hàng trăm phụ nữ ở Congo bị lạm dụng tình dục mỗi ngày phải không?” Serafin khẳng định điều đó không sai, nhưng không nói gì thêm. Ngay cả chuyến đi thăm thành phố Leuven một ngày cô cũng tham gia nửa đường rồi bỏ về.
Roman, anh chàng Ba Lan có mái tóc buộc thành búi trên đầu, cũng thuộc dạng “no idea”. Selina phát hiện anh nghiện facebook, sẵn sàng trò chuyện với bất cứ ai lang thang trên mạng lúc nửa đêm, mọi chủ đề, từ âm nhạc của nhóm Sun O))) đến sự phẫn nộ trước sở thích giết hại dã man những con sói vùng Alaska: “Tớ làm thêm ở quán bar nên thường lờ vờ vào buổi sáng. Tớ như một con sói mắt sáng quắc trong đêm, ha ha. Nhưng chủ yếu tớ thoải mái hơn khi trò chuyện gián tiếp, không phải bận tâm người đối diện già hay trẻ, xấu hay đẹp, thơm tho hay hôi hám…”
Về khoản này Roman có hơi hướng phân biệt đối xử, ít ra theo cách nghĩ của Selina trong buổi cả lớp đến thăm Văn phòng tố cáo tệ phân biệt đối xử, chỉ cách lớp học mươi phút đi bộ. Karisa, người phụ nữ có mái tóc đỏ, gương mặt nhỏ thân thiện, khéo léo châm ngòi thế nào là phân biệt đối xử khiến mọi ấm ức, bức xúc được giải tỏa: chủ nghĩa phát xít, phân biệt giới, màu da và ngôn ngữ, gì nữa, Selina giơ tay “Mùi vị” đồng thời nháy mắt về phía Roman. Roman phân trần: “Đó là vấn đề cá nhân, thích hoặc không thích. Còn một người hôi hám vào quán bar mà tớ từ chối phục vụ mới là chuyện phải bàn”. Sau khóa học này nửa năm, qua Selina, tôi biết Roman phải trở lại Ba Lan vì bị bệnh. Anh không đủ tiền trả viện phí ở Bỉ, bắt buộc hồi hương, dù thích hay không.
Ernest nghĩ mình là nạn nhân của sự phân biệt đối xử, không phải do màu da, mà vì anh chỉ có thể nói tiếng Anh khi bước vào một nhà hàng ở Brussels chỉ nói tiếng Pháp, họ không phục vụ đúng bữa ăn như Ernest mong muốn, lấy cớ không hiểu anh muốn gì. Cặp vợ chồng Pakistan phàn nàn họ mang con đến trường bị từ chối vì hết chỗ. Laura ấm ức bà chủ nhà không muốn cho cô thuê phòng vì cô không nói tiếng Hà Lan...
Laura tóc vàng, mắt xanh da trời, không phải mặt Á như tôi và Selina, vậy mà hay gặp chuyện cô cho là phân biệt đối xử. Có lẽ ở đây còn vấn đề cá nhân, bạn may mắn hay không. Trong buổi ăn trưa hôm đó, Hakan tâm sự: “Tớ lớn lên trong một gia đình Hồi giáo, nhưng tớ đồng tính. Người quá khích có thể ném đá vào tớ, nhưng tớ nghĩ mình đơn giản là người sống đúng đức tin bản thân. Tôn trọng quyền của người khác, cư xử công bằng với mọi người, trong sạch trong tình cảm và tinh thần... trong các điều răn đó tớ thấy không phạm lỗi. Chẳng có gì không trong sạch tinh thần ở đây cả, nếu bạn đồng tính mà sống giả vờ như không đồng tính mới là không trong sạch về tình cảm. Tớ may mắn không phải đấu tranh nhiều để sống đúng con người tớ. Nhưng thực tế có những người đi trước dám đấu tranh. Chuyện này có thể so sánh như cách chúng ta nhìn nhận công việc của Karisa ở Văn phòng Tố cáo tệ phân biệt đối xử vậy. Mỗi người hàng ngày gặp vài chuyện bực mình, bất công nhưng không tố cáo vì nghĩ chuyện chẳng đi đến đâu. Kết quả chúng ta mãi không thay đổi được gì. Nhưng nếu tớ gọi điện tố cáo, Selina gửi thư khiếu nại, và Laura trực tiếp đến phàn nàn... chúng ta sẽ cho Lies đủ số liệu bắt tay vào cuộc”.
 Karisa không nói dối! Mọi người đùa vui khi cặp vợ chồng người Pakistan hôm sau thông báo con họ vừa được nhận vào trường học như mong muốn. Kết quả cuộc điện thoại của Karisa tới trường này.
Wout không ngờ đề tài kết hôn, ly hôn anh khơi mở cùng câu chuyện ba bước chữa bệnh ở Bỉ, càng sinh con nhiều trợ cấp càng nhiều... khiến mọi người thảo luận sôi nổi đến thế. Ở Bỉ, ba tháng sau khi kết hôn có thể ly dị, Selina bổ sung tại Singapore phải đợi ba năm còn Laura cho biết ở Romania sau khi ký giấy kết hôn vẫn có hai hoặc ba ngày suy nghĩ và hủy hôn. Hakan trầm ngâm: “Cho nên sống chung mà không kết hôn hợp lý nhất”.
Người thực sự đau đầu trong buổi học về bảo hiểm y tế là Eva. Cô không đồng tình khi Wout khuyên thực hiện theo ba bước nếu bạn bị bệnh: đến bác sĩ gia đình, sau đó đi bệnh viện và cuối cùng mới gõ cửa bác sĩ chuyên khoa, đừng một bước đến bác sĩ chuyên khoa ngay, rất đắt. “Anh khuyên tôi... kết hôn với bác sĩ gia đình, đồng ý, ông ta sẽ quản lý hồ sơ bệnh án của tôi, ông ta kết nối tôi với bác sĩ ở bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa. Nhưng như thế tôi phải trả chi phí ba lần, chưa kể đi lại nhiều, cái nào đắt hơn? Và làm thế nào biết bác sĩ gia đình này giỏi, bác sĩ kia kém, khi biết ông ta kém, tôi muốn đổi bác sĩ liệu ông ta có dùng hồ sơ bệnh án của tôi để chống lại tôi trong một trường hợp cụ thể nào đó không?...”
Không có câu trả lời chính xác. Wout cho rằng mọi mối ràng buộc với bác sĩ, luật sư... đều dựa theo luật pháp nhưng xây dựng từ sự tin tưởng lẫn nhau: “Bạn phải tin lựa chọn của mình, tin người mách cho bạn ai là bác sĩ tốt. Bác sĩ gia đình có thể làm thay bạn những công việc như gửi mẫu máu của bạn đến bệnh viện, thông báo kết quả, hướng dẫn phác đồ điều trị, kết nối với phòng ban và bác sĩ điều trị trực tiếp ở bệnh viện, chuyên gia khi cần... Như vậy, bạn không tốn thời gian lần tìm, không phải đến bệnh viện xét nghiệm máu…”
Selina trầm trọng: “Rốt cuộc, tất cả điều này là gì, chúng ta đang sống trong một cái lồng lớn, bác sĩ gia đình, bệnh viện, nhân viên bảo hiểm, luật sư... có mọi thông tin về ta, họ biết hết chúng ta ăn gì, mặc gì, sức khỏe ra sao... Hội nhập chẳng qua là từ một cái lồng này chạy sang cái lồng khác với lớp khóa tinh vi hơn”. Wout nhã nhặn: “Các bạn hãy cố gắng tìm hiểu, hòa nhập và sẽ dễ dàng chấp nhận hơn”. Tôi thắc mắc: “Việc cung cấp khóa học tiếng Hà Lan, đào tạo nghề, tìm hiểu cơ chế xã hội... miễn phí ở Inburgering rất có ích. Nhưng ở một khía cạnh khác, tại sao chúng tôi phải học tiếng Hà Lan trong khi những người Bỉ ở vùng Wallonia còn chẳng nói được thứ tiếng này nữa kìa”. Wout thở dài: “Đúng là người ở Flanders có thể nói cả tiếng Pháp nhưng người Wallonie thường không nói được tiếng Hà Lan. Tôi nghĩ điều đó hạn chế chính họ”.
Điều này Wout đúng. Kể từ khi quen biết Thư, tôi lại càng có thêm niềm tin vào ý chí: là người nhập cư càng phải hiểu luật để không làm tổn thương chính mình trước khi phấn đấu không trở thành gánh nặng mới cho quốc gia đó. Mới sang Bỉ được ba năm, Thư sòn sòn hai đứa con. Nếu an phận, cô có thể quanh quẩn ở nhà chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa - đó cũng là một việc làm có ích cho chồng và xã hội (đỡ phải thuê người trông trẻ và dọn nhà). Nhưng Thư quyết tâm “Phải học chị ạ. Học tiếng không gì nhanh bằng lao vào làm việc ở cửa hàng, tiếp xúc với khách mỗi ngày. Em không thích công việc bán thịt này đâu, nó hoàn toàn khác công việc kinh doanh du lịch của em ở Việt Nam. Nhưng mình phải dấn thân để hòa nhập xã hội, và rồi em có lương, tự trả góp cho chiếc xe Audi màu trắng mơ ước bấy lâu nay. Làm việc và hưởng thành quả từ chính sức lao động của mình, không nên quá phụ thuộc vào ai, đó là luật chung của cuộc sống này”.
Vân cũng vậy, là giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam, sang Bỉ cô không chịu ngồi yên, an phận hưởng lương hưu của chồng. Chỉ vài tháng sau Vân đã mở được lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em người Bỉ gốc Việt: “Chồng tớ thấy vợ chuẩn bị bài vở vất vả quá, mỗi buổi dạy chỉ nhận thù lao khoảng 50 euro, anh ấy khuyên thôi. Nhưng tớ vẫn mong được làm việc kiểu này, thấy mình có ích. Tớ không muốn mỗi người Bỉ ở đây nhìn vào mình chỉ thấy hình ảnh người đàn bà quanh quẩn ở nhà chờ trợ cấp xã hội. Thực tế mình đã cống hiến, làm việc và đóng được đồng thuế nào cho họ đâu mà đòi trợ cấp xã hội?”
Năm 2010 nước Bỉ ban hành thêm trên dưới 10.000 luật, Wout học luật nên có lẽ anh muốn đưa ví dụ này để thấy khối công việc đồ sộ của một sinh viên luật, một luật sư và ngầm giải thích rõ hơn cho tôi về thắc mắc tôi đặt ra trong buổi ăn trưa với anh hôm trước: “Sao anh phải đợi đến 32 tuổi mới lần đầu trở lại Ấn Độ?” “Tôi bận học. Tôi có em gái cũng người Ấn do bố mẹ tôi nhận nuôi, cô ấy là họa sĩ trong ngành triển lãm, đi nhiều nơi trên thế giới, trừ Ấn Độ”.
Mỗi lần nhìn Wout, tôi băn khoăn liệu anh có bao giờ muốn tìm hiểu bố mẹ đẻ là ai, còn hay mất, vì sao bỏ rơi anh? Nhưng hỏi điều đó với Wout trong mối quan hệ sơ giao quả là khiếm nhã. Thôi, giữ trong lòng vậy.
Nhưng có điều giữ mãi trong lòng thành ra ấm ức. Đó là chuyện lần nào vào nhà vệ sinh ở Inburgering tôi cũng buồn lòng vì tấm giấy vẽ hình một người ngồi xổm trên bồn cầu bị gạch chéo vào mông kèm dòng chữ sơ lược “no good”, phía dưới là hình người ngồi đúng tư thế với chú thích “good” cộng ba cái gạch hào phóng bên dưới. Chỉ nhà vệ sinh ở Inburgering dán tấm giấy nhắc nhở này, họ có kinh nghiệm với người nhập cư. Điều này nhắc tôi nhớ lại thuở mới vào nghề phóng viên. Hầu như buổi họp giao ban sáng thứ hai nào cũng phải nghe nửa tiếng về chuyện ai đó vô ý thức ngồi xổm trên bồn cầu, rồi chuyện quên giật nước như cơm bữa...
Gần cuối khóa học, tôi đem điều này chia sẻ với Selina, nào ngờ cô trợn mắt: “Tớ lần nào cũng phì cười vì tấm giấy này. Tưởng sạch lắm, văn minh lắm đấy hả? Theo tớ, ở hệ thống nhà vệ sinh công cộng nên dán biển Vệ sinh xong phải lau sạch thành cầu cho người dùng tiếp theo để người Bỉ hội nhập văn minh, sạch sẽ kiểu Singapore. Điều này phải được dạy ngay từ trong trường học”.
(Số sau đăng hết)
______________
Rút từ cuốn Vợ Đông chồng Tây, NXB Trẻ, 2012.
Kiều Bích Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét