Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Tại sao thiếu vắng người chiến sĩ trong văn học hôm nay?


Văn học về người chiến sĩ luôn là mối ưu tư hàng đầu của văn học Việt Nam thời hiện đại. Các cuộc chiến tranh thời hiện đại đã để lại dấu vết sâu đậm lên tâm lý, tính cách và ngôn ngữ người Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế văn học hiện nay, hình như dấu vết này đang mờ nhạt dần. Tại sao vậy? Có phải gánh nặng quá khứ, theo thời gian, đã phần nào nhẹ bớt? Hay cuộc đời mới với nhiều mối ưu tư đã tập trung vào mối ưu tư thường trực là các vấn đề quốc kế dân sinh?

"Dấu chân người lính" từng được đánh giá là tiểu thuyết hay nhất
về đề tài người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhìn lại lịch sử, không phải ngẫu nhiên mà thời điểm kháng chiến chống Mỹ lại là thời điểm nảy sinh và đạt thành tựu rất cao của cảm hứng anh hùng trong văn học Việt Nam. Chính trong những tổn thương tàn khốc nhất, người ta đã quyết tâm vươn lên để khẳng định sức sống của mình. Cuộc chiến tranh nào không tang tóc, đau thương. Không ai được quyền phủ nhận điều đó. Nhưng không vì thế mà nó hủy diệt được chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khi cách mạng đại diện cho chính nghĩa, cho dân tộc. Và quan trọng hơn, những người đại diện cho nền văn học ấy, những người chiến sĩ vừa cầm súng vừa cầm bút, lại là những con người đang tuổi trẻ. Mà sức sống nào, nhiệt huyết nào, niềm tin nào có thể cao hơn sức sống, nhiệt huyết, niềm tin của tuổi trẻ!

Thơ trẻ, văn trẻ thời chống Mỹ đều mang âm hưởng hùng ca. Lãng mạn và cách mạng đã chi phối việc lựa chọn hình tượng nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu, ở cả một lớp nhà văn, như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Phạm Ngọc Cảnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi, Hoàng Nhuận Cầm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Đình Văn,… trong thơ; và Hữu Mai, Phan Tứ, Chu Cẩm Phong, Trần Hiếu Minh, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Lê Minh Khuê, Xuân Thiều,… trong văn xuôi. Sẽ có lúc, về sau này, người ta nhìn nhận chiến tranh ở một khía cạnh khác, như sẽ được chỉ ra ở dưới đây. Nhưng ngay những năm 60-70 của thế kỷ XX, một cảm hứng như thế, những con người như thế, lời ăn tiếng nói của họ, hành vi cử chỉ của họ, ước mơ khát vọng của họ,… là hết sức chân thực, có sức lay động và tạo được niềm đồng cảm. Ở đấy, nhà văn, qua một vài nhân vật tiêu biểu – chủ yếu là người chiến sĩ-đã khắc họa thành công một thế hệ thanh niên Việt Nam dũng cảm, kiên cường mà vẫn rất hồn nhiên, tươi trẻ, yêu đời. Gian khổ chiến tranh, bom đạn kẻ thù không khuất phục được họ, thậm chí ngược lại, hun đúc họ thành những con người tiêu biểu cho phẩm chất và khí phách của con người Việt Nam.

Bước sang thời bình, dư hưởng của dòng văn học anh hùng cách mạng ấy vẫn còn được nối dài, dù bên cạnh thắng lợi vẻ vang, người chiến sĩ hậu chiến cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề mới, xuất phát từ cái nhìn của hoàn cảnh lịch sử mới, về cả quá khứ và hiện tại. Trên văn đàn, vẫn là người chiến sĩ hậu chiến trong mô hình của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Trí Huân, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Chu Lai… Người chiến sĩ hậu chiến được quan tâm khắc họa ở nhiều chiều cạnh cuộc sống của họ, mà trong đó, hồi tưởng về quá khứ và bất an về hiện tại là hai vấn đề được các nhà văn xoáy sâu khai thác. Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng đây là một bước tiến của văn học về chiến tranh và cách mạng, bởi lẽ nó đã dựng lên hình ảnh người chiến sĩ một cách đầy đủ và đa diện hơn, vì thế người hơn, mang tầm phổ biến và nhân loại hơn. Có thể coi đây là một chặng đường văn học hậu chiến. Tính chất tái nhận thức chiến tranh như thế kéo dài trong văn học đến khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Và cũng giống như sự sinh thành của nó (dựa vào sự thay đổi hoàn cảnh lịch sử: Hình thành bởi hoàn cảnh thời bình, thống nhất đất nước) thì sự kết thúc của nó cũng do bởi sự thay đổi hoàn cảnh lịch sử việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, WTO... Văn học về chiến tranh và người chiến sĩ sau chặng đường hậu chiến có những thay đổi rất đáng kể, đầu tiên là số lượng nhà văn và tác phẩm, cùng với đó là cảm hứng và vấn đề con người, nhân vật.

Văn học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa mang đến những sắc thái khác hẳn về cách thức tiếp cận đề tài chiến tranh và người chiến sĩ. Chiến tranh giờ đây được tiếp cận trên sự giao cắt của nhiều vấn đề khác, chứ không chỉ là tái nhận thức về chiến tranh hay số phận người chiến sĩ hậu chiến. Chiến tranh được đặt trong các không gian văn hóa khác nhau, trong những ngẫu nhiên lịch sử khác nhau, trong những tương quan xếp chồng khác nhau của các khuynh hướng vận động lịch sử,… Vì vậy, cái không khí chiến tranh nóng bỏng không chiếm ưu thế, mà thế vào đó là một cảm thức day dứt về chiến tranh, sự suy tư về nó như một thời khắc đã qua của lịch sử, không thể nguôi ngoai, cũng không thể bôi xóa. Chiến tranh quy định sự hình thành và phát triển của dân tộc. Chỉ tiếc rằng, những tiếp cận mới mẻ về chiến tranh kiểu này đã ít được các nhà văn phát triển, để có thể đẩy văn học về đề tài chiến tranh và cách mạng dấn sâu vào một không gian văn học khác, hứa hẹn nhiều bứt phá.

Có lẽ, sự thay đổi quá nhanh của đời sống kinh tế đất nước đã góp phần không nhỏ vào sự tàn phai của ký ức. Việt Nam, vốn chưa trải qua thời đại công nghệ để bước vào nền văn minh hậu công nghệ, nhưng luôn chứa trong nó những rạn nứt bất thường dễ dàng tạo cơ hội cho những thay đổi hệ hình tư duy kiểu như hiện đại/hậu hiện đại. Văn học về đề tài chiến tranh và người chiến sĩ đã dần vắng vẻ trong chính sự quy chiếu và vây bọc của không gian hội nhập và toàn cầu hóa ấy. Nó khiến cho quy luật tái nhận thức về chiến tranh trong văn học cổ điển trở nên bất khả vận hành: Độ lùi thời gian cần thiết để có cái nhìn đầy đủ và bao dung về chiến tranh kiểu “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tôn-xtôi.

Thời đại tiêu dùng với những nhu cầu vật chất và văn hóa đa dạng của nó đã thu hút hầu hết sự quan tâm của giới trẻ. Bước sang thế kỷ XXI, những chất vấn đại tự sự như về quốc gia dân tộc, về số phận con người, lùi bước trước những thụ cảm về đời sống. Dòng văn học phổ thông hướng về tiêu thụ các văn hóa thời thượng, sau Pop là MTV và Kpop, đã diễn dịch đời sống Việt Nam theo một đường hướng khác hẳn. Trong phạm vi văn học, văn học cổ điển chịu lép vế trước văn học phổ thông, mà nổi bật trong đó là xu hướng trinh thám và ngôn tình. Vẫn có một bộ phận các nhà văn trẻ cố gắng gián cách với không gian ấy để duy trì nền văn học tinh hoa, như Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Võ Diệu Thanh, Uông Triều,… Song quả thực, những nỗ lực như vậy là quá nhỏ bé so với bộ máy tiêu thụ văn hóa khổng lồ hiện tại. Dễ hiểu vì sao trong bối cảnh ấy, văn học về chiến tranh và người lính vắng bóng trong đời sống văn học. Chúng tôi đã quan sát cuộc thi truyện ngắn và thơ trên tạp chí Văn nghệ quân đội vài năm trước, gần đây cũng để tâm tới cuộc thi truyện ngắn đang dần vào chặng cuối của tuần báo Văn nghệ, trong sự có mặt của hàng trăm tác giả với cả ngàn tác phẩm dự thi như thế, đề tài chiến tranh và người chiến sĩ cũng chỉ chiếm một bộ phận khá nhỏ bé.

Có hay không hy vọng vào sự phát triển rực rỡ của văn học chiến tranh và người lính. Bởi đề tài của nó thực chất là tái dựng một thời đoạn tao loạn của dân tộc, mà rất nhiều người trong chúng ta hôm nay đang muốn nguôi quên để xây dựng một đời sống mới, dù thực tế là không dễ nguôi quên. Có lẽ phải đặt vấn đề vào chính cái sự không dễ nguôi quên ấy, thì văn học chiến tranh và người chiến sĩ mới tìm được vị thế của nó trong hiện tại, như cái cách mà nhà văn Phi châu Chi-nu-a A-chê-be đã làm: Sau những trang viết về quê hương tan rã (Things fall apart) là những trang viết về sự không nguôi ngoai về sự tan rã ấy (No longer at ease), trong hai tiểu thuyết thời danh của văn học lục địa đen đầy đau thương và mất mát bởi chiến tranh và phân biệt chủng tộc. Theo đó, những ưu tư về lịch sử và văn học đề tài lịch sử hiện nay đáng được xem là một cơ hội cho sự tái diễn của văn học về chiến tranh và người chiến sĩ. Tất nhiên là với tất cả sự nhạy bén và ý thức dân tộc, ý thức nghề nghiệp của người cầm bút.

(Quân đội nhân dân)

5 nhận xét:

  1. Mình là dân học Văn nhiều, dù không hiểu nhiều về văn chương, bạn Lai Tran Mai cho loạt bài này lên mình thấy hay quá. Bạn làm mình nhớ những bài văn về người chiến sỹ, ngày mình học có bài Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân tả về người chiến sỹ giải phóng quân ngã xuống trên đường bay TSN , hình ảnh đẹp oanh liệt và tráng lệ vô cùng..
    Ngày đó mình rất tin ở những hình tượng văn học, và người chiên sỹ rất đẹp trong mắt học sinh tụi mình..
    Giờ đất nước hòa bình rồi, hình ảnh người chiến sỹ nhạt nhòa dần đi.
    Mình rất tiếc..Lẽ ra dù sao họ cũng vẫn phải được tôn vinh, nhớ về..

    Trả lờiXóa
  2. Đồng ý với bạn quá, mình cũng rất trân trọng hình ảnh người chiến sĩ. Dù gì chăng nữa thì họ cũng đã hy sinh tất cả để đất nước được thống nhất, bình yên như hiện nay; cần phải ghi nhớ công ơn của họ. Nhưng tiếc thay ở ta cái này làm hơi bị ít.

    Trong bài gốc không có ảnh. Mình đưa ảnh tiểu thuyết "dưới chân người lính" vào minh họa vì hai lẽ:

    Một là cuốn này được đông đảo các nhà văn thừa nhận là cuốn truyện phản ánh tốt nhất cuộc sống thực, tình cảm thực của người lính thời kỳ chiến tranh. Chính bác Lê Đức Thọ, người lãnh đạo cao nhất của ta ơ Miền Nam giai đoạn cuối cuộc chiến cũng đánh giá như thế và còn gọi Nguyễn Minh Châu, tác giả, là người viết tiểu thuyết xuất sắc nhất Việt Nam về đề tài chiến tranh.

    Hai là, bản thân anh Châu rất thẳng thắn đánh giá, phê phán lại chính đứa con tinh thần của mình và ủng hộ bác Hoàng Ngọc Hiến trong cuộc đấu tranh giữa hai nền văn học : "Văn học phải là" và "Văn học phải đạo".

    Trả lờiXóa
  3. Nếu bạn nói là bạn Lai Tran Mai có nhận xét thì mình tin, chứ bạn dẫn bác Lê Đức Thọ thì mình nỏ tin!

    Trả lờiXóa
  4. Minh cũng nhận xét y hệt như thế; nhưng mình nói thì chẳng ai tin vì lúc đó còn bé. Bác Thọ cả đời chinh chiến trong đó nên biết rất rõ, bác ấy nói thì mới đúng sự thật và ai cũng tin.

    Trả lờiXóa
  5. Cái ni mình nghi ngờ đó nha!

    Trả lờiXóa