Ghi chép về hình thể của người Việt : Quan sát từ thực tế
(Thethaovanhoa.vn) - Từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, người Việt Nam căn bản không bị bệnh béo phì. Đa phần người già ở nông thôn càng về già càng nhỏ quắt lại, cộng thêm với chứng còng lưng theo tuổi tác khiến người ta càng nhỏ bé.
1. Năm 18 tuổi tôi cao 1,67m, lúc bấy giờ là loại trung bình. So với bạn bè trong cùng lớp phổ thông, thì tôi thấy, số ít cao hơn 1,70m và phần đông cao từ 1,55m đến 1,60m. Đó là chiều cao của nam lớp tôi những năm 1974, ở Hà Nội.
Ở nông thôn, tỷ lệ này thấp hơn nhiều, nghĩa là, phần đông nam nữ thanh niên tuổi 17, 18, chỉ đạt chiều cao trung bình 1,50 với nữ và 1,60 với nam. Rất nhiều người rất thấp. Người ta cho rằng lẽ ra thanh niên còn có thể phát triển hơn, nhưng trong chiến tranh đói kém, không đủ dinh dưỡng nên lùn đi.
Từ năm 1984 - 1992, khi đi dạy học ở các trường trung học nghệ thuật ở các tỉnh, tôi thường cao hơn học sinh 17, 18 tuổi. Sau năm 1992, thì thầy trò đã tương đối bằng nhau. Tình hình ở Hà Nội cũng vậy, sau năm 1992, đa phần sinh viên nam đã cao hơn tôi, cho đến những năm 2000, thì sinh viên có nhiều người hơn hẳn thầy một cái đầu.
Những năm 1974 - 1975, khi chúng tôi đi bộ đội thì chiều cao 1,60m là trung bình. Tuy nhiên tỷ lệ này không thống nhất trong từng vùng miền. Thanh niên Thanh Hóa, Hải Phòng nhiều người vượt lên, trong khi đó thanh niên Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, có phần thấp hơn.
Thanh niên người Tày và Mông lúc đó cũng khá thấp, nhưng thanh niên người Nùng lại rất cao và đậm người, phần đông đều trên 1,70. Trong thời kỳ chiến tranh và bao cấp, hầu hết người trong độ tuổi lao động đều rất vất vả, ở nông thôn người ta phải gánh gồng từ rất sớm, nên thực ra họ có thể cao hơn, nhưng hàng ngày gánh nặng trên vai hạ thấp chiều cao xuống. Người Mường thường bé nhỏ hơn người Kinh, nhưng người Mường và người Thái thường không gánh nặng, nên phụ nữ thường cao, hoặc nếu có thấp thì vẫn thon thả cân đối.
2. Xem xét kỹ những ngôi nhà cổ trước thế kỷ 19, ta thấy chúng khá thấp. Nhiều ngôi nhà từ giọt gianh xuống đất chỉ đạt 1,20 - 1,40m, thậm chí thấp hơn, nghĩa là người hơi cao hơn một chút luôn phải cúi đầu khi vào nhà.
Chiều cao của nhà từ nền lên đến xà nóc thường chỉ đạt từ 3,50 - 4,00m, trong bộ khung vì kèo chéo thì không gian bên trên là khá thấp, tường chỉ đạt 2m.
Người già thường bị còng lưng. Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: NaSon. Nguồn Internet |
3. Từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, người Việt Nam căn bản không bị bệnh béo phì và cũng ít người già trở nên to béo quá mức hay có bụng. Đa phần người già nông thôn càng về già càng nhỏ quắt lại, cộng thêm với chứng còng lưng theo tuổi tác khiến người ta càng nhỏ bé.
Đối với người hiện nay, dù không mắc bệnh béo phì, thì ngoài 40, ai nấy cũng to ra trông thấy và tăng cân có thể gấp đôi lúc 20 tuổi. Chiều cao 1,60m đã đạt được ngay cả đối với học sinh cấp hai ở độ tuổi 12,13, ở độ tuổi 16, 17, 18 nhiều người đã cao ngoài 1,70m. Bệnh béo phì cũng không hiếm ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Rõ ràng có sự thay đổi về hình thể và thể chất con người Việt Nam trong vòng hơn 100 năm qua, trong đó sự phát triển về chiều cao không tương xứng với sự phát triển đồng đều về thể chất. Nam nữ thanh niên ngày nay yếu và kém chịu đựng hơn nhiều so với thanh niên thời chiến tranh dù vóc người cao lớn hơn.
(*) Xem tiếp kỳ 3 trên TT&VH số Chủ nhật tuần tới (25/11)
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & văn hóa
Thể thao & văn hóa
Bạn vô Huế trong bảo tàng cung đình thì phảỉ, giường vua ngắn lắm.Chiều dài giường cỡ 1,6m hoặc hơn chút, từ đó xuy ra vua tối đa cao trên dưới 1,5 chút.
Trả lờiXóa