Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

(3) Cuộc chiến giành giật châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc: Điều chỉnh và tái cân bằng


(Petrotimes) - Khi cùng nhận ra “dung nhan” thật của người tình, với bản chất thật sự của nó, đằng sau lớp son phấn giả tạo bắt đầu rơi rớt, cả hai đều có những “ứng xử” đối phó. Với Mỹ, đó là một chính sách gồm ba bước. Với Trung Quốc là bắt đầu xây dựng chiến lược mới. Cách chọn lựa những gì cần làm và cách dứt khoát như thế nào những gì cần loại bỏ trong các đề mục của đối sách đối ngoại ở bối cảnh mới của mối quan hệ sẽ là những yếu tố quyết định thành bại, nếu không muốn nói là mang tính sinh tử, đối với cả hai…

Duy trì cân bằng

Với cái thế đang lên như rồng cuốn của Trung Quốc, cùng sự gắn kết móc xích kinh tế giữa Mỹ và nước này, Washington hiểu rằng sẽ là hạ sách nếu cố kiềm tỏa Bắc Kinh bằng chính sách cô lập triệt để như từng dùng thời Chiến tranh lạnh với Liên Xô và Đông Âu. Cho nên, phương án được chọn của Mỹ là tìm cách cân bằng. Cân bằng tốt sẽ là cách hữu hiệu để gián tiếp khống chế.

Ấn Độ là một chọn lựa trong thế trận khống chế Trung Quốc của Washington (ảnh: Tổng thống Bush và Thủ tướng Manmohan Singh tại New Delhi, tháng 3/2006)

Thứ nhất, đó là triển khai mạnh sự hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương. Đấu pháp này thật ra không phải bắt đầu sau khi Barack Obama ngồi ghế tổng thống (năm 2009) mà đã hình thành từ thời Bill Clinton, khi Clinton tiên liệu được sức mạnh mang tính đe dọa quyền lợi Mỹ của Trung Quốc tại đấu trường châu Á, đã quyết định duy trì một lực lượng ổn định với tối thiểu 100.000 quân tại Châu Á - Thái Bình Dương. Sang thời George W. Bush, trái với nhiều nhận định rằng, Bush đã bỏ lỏng châu Á cho Trung Quốc khi dồn lực vào cuộc chiến chống khủng bố, chính nội các Bush mới là nơi khai sinh khái niệm “tái phối trí”, khi Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld triển khai mạnh chương trình tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ khắp toàn cầu với sự tăng cường hiện diện khá rõ nét tại châu Á. Quân đội Mỹ được phân bổ dàn rộng hơn (không tập trung ở những căn cứ truyền thống như Okinawa và Hàn Quốc), với yếu tố tác chiến cơ động được đề cao - như lời Đô đốc William J. Fallon giải thích: “Chúng tôi đưa lực lượng mình đến những nơi mà chúng tôi nghĩ có thể sử dụng mà không cần phải xin phép bất kỳ ai”.
Đến trước khi Bush rời Nhà Trắng, hải quân lẫn không quân Mỹ đều đã tăng cường những đơn vị tinh nhuệ có khả năng chiến đấu cao nhất đến Thái Bình Dương. Năm 2007, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, hơn 1/2 tàu chiến của Mỹ đã được điều động đến Thái Bình Dương, trong đó có 6 (trong tổng số 11) hàng không mẫu hạm; gần như tất cả 18 chiếc khu trục hạm lớp Aegis (có khả năng bắn chặn tên lửa); 26 (trong tổng số 57) tàu ngầm tấn công... Cùng lúc, không quân cũng chuẩn bị triển khai các phi đội chiến đấu cơ F-22, oanh tạc cơ B-2 và máy bay do thám không người lái Global Hawk… Năm 2007, Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Timothy Keating, đã nói thẳng: “Chúng tôi phải duy trì khả năng vượt trội tại bất kỳ hoàn cảnh nào và bất kỳ môi trường nào. Không có ngoại lệ”.
Thứ hai, đó là việc tăng cường liên kết đồng minh. Một lần nữa, điều này cũng được dàn dựng vào thời Clinton và tiếp tục duy trì thời Bush. Năm 1997 rồi lần nữa vào năm 2005, giới chức Mỹ - Nhật đã thảo luận sâu về vấn đề hợp tác quốc phòng cũng như tìm cách tháo gỡ rào cản pháp lý liên quan việc mở rộng quân đội Nhật (vốn bị hạn chế bởi Hiến pháp Nhật được soạn sau Thế chiến thứ hai). Để tránh bị quy kết can thiệp nội bộ Tokyo, nội các Bush đã ngầm ủng hộ nhóm chính trị gia Nhật kêu gọi sửa đổi Hiến pháp. Ngoài Nhật, Washington cũng mở rộng liên kết hợp tác quân sự với Australia và một số nước trong đó có Philippines, Singapore và Thái Lan... Năm 1998, Singapore thậm chí đồng ý chi trả tổn phí xây một hải cảng đủ lớn để chứa hàng không mẫu hạm Mỹ (khánh thành năm 2001). Năm 2003, Singapore và Mỹ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc phòng… Với Ấn Độ, bang giao Washington - New Delhi từng có lúc căng thẳng sau khi Ấn thử nghiệm bom nguyên tử năm 1998. Đến thời Bush, quan hệ Mỹ - Ấn được tái lập. Vài tháng sau vụ khủng bố Mỹ 11/9/2001, Washington đã bày tỏ “thiện chí” cụ thể (xóa cấm vận; mở rộng hợp tác an ninh - tình báo - quốc phòng; tập trận chung; bán vũ khí…). Mỹ muốn Ấn phải mạnh. Một láng giềng sát nách Trung Quốc, với nguồn lực kinh tế lẫn quân sự đủ lớn, sẽ là một thách thức thật sự, nếu không muốn nói là một đe dọa “kỳ đà cản mũi”, đối với kế hoạch bành trướng và thống trị châu Á của Bắc Kinh.
Thứ ba, đó là sự hạn chế đà phát triển của quân đội Trung Quốc. Đây là bài toán thật sự hóc búa đối với Mỹ. Làm thế nào để tăng cường xuất khẩu Mỹ (sang Trung Quốc) mà không làm ảnh hưởng an ninh quốc gia? Mặt hàng nào nên được xếp vào nhóm “nhạy cảm”? Cho đến nay, câu hỏi này, được đặt ra từ năm 1989, tới giờ vẫn chưa có câu trả lời thỏa mãn hay một giải pháp thật sự khả dĩ mang lại cảm giác an toàn. Sau sự kiện Thiên An Môn, Tổng thống George H. Bush (Bush - bố) đã áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với các thương vụ vũ khí sát thương dành cho Trung Quốc; đồng thời thuyết phục các nước đồng minh áp dụng tương tự. Năm 1991 và một lần nữa vào năm 1993, Bush-bố rồi Clinton đã chặn đứng việc xuất khẩu vệ tinh cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khi miếng bánh thị trường Trung Quốc đang bị mất dần vào tay Nhật và châu Âu, giới doanh nghiệp Mỹ liên tục vận động hậu trường để được Washington cho “xả cảng”. Vậy là, trong suốt thập niên 90, dù ngày càng có nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại sự bành trướng quân đội Trung Quốc, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn phải chuẩn y hàng trăm giấy phép bán những kỹ thuật kép cho Trung Quốc trong đó có bán dẫn, máy móc chính xác cao và những thiết bị kiểm định đặc biệt. Những mặt hàng này, như sau này được biết, đã chạy thẳng đến các nhà máy và phòng thí nghiệm quân sự Trung Quốc, để từ đó tạo ra những radar quân sự, tên lửa hành trình và vũ khí hạt nhân…
Tuy vậy, về tổng thể, Clinton lẫn Bush-con đều cố kiểm soát tình hình bất kỳ khi nào có thể. Năm 2004, một cuộc tranh luận về việc tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Trung Quốc một lần nữa lại bùng lên tại châu Âu. Với chính giới châu Âu, lệnh cấm vận 15 năm dành cho Trung Quốc đã làm thiệt hại đáng kể ngành công nghiệp quốc phòng và không gian của họ. Đã đến lúc phải gạt bỏ tư tưởng hoài nghi dành cho Bắc Kinh - châu Âu đề nghị. Suýt chút nữa thì chiến dịch vận động xóa cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc của châu Âu đã thành công, nếu nội các Tổng thống Bush-con không quyết liệt can thiệp vào giờ chót…
“Bất chiến tự nhiên thành”
Giáo sư Thời Ân Hoằng, Trưởng khoa Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc nhận định rằng, Bắc Kinh nên lợi dụng lợi điểm xu thế Trung Quốc đang lên để thiết lập một vị thế “siêu hạng” hoặc “gần siêu hạng” về chính trị, quân sự, ngoại giao và ảnh hưởng kinh tế, lên ngoại vi của Trung Quốc, đặc biệt Đông Á. Tương tự, Môn Hồng Hoa, chiến lược gia thuộc Trường Đảng Trung ương, cũng nói rằng, sự thống trị khu vực của Trung Quốc không chỉ là yếu tố quan trọng sống còn mà còn là mục tiêu tối thượng cho tương lai. Hướng đi của Bắc Kinh - họ Môn phân tích - là phải đạt được ảnh hưởng toàn cầu bằng cách trở thành sức mạnh thống trị tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Từ bàn đạp châu Á, sự thống trị của Trung Quốc mới có thể dự phóng ra thế giới…
Đến cuối nhiệm kỳ hai của Tổng thống George W. Bush, quân đội Mỹ đã hiện diện tại châu Á với lực lượng lớn nhất từ sau Chiến tranh lạnh (ảnh: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại Trân Châu Cảng, Hawaii)
Nói cách khác, mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc là phải trục Mỹ khỏi sân chơi Đông Nam Á, một cách gián tiếp, không đối đầu trực diện; bằng những “thủ pháp” sau:
Thứ nhất, phải tìm cách trì hoãn hoặc thậm chí loại bỏ bất kỳ phản ứng có thể nào của Mỹ, đối với chiến thuật tăng cường hiện diện thông qua hợp tác mà Mỹ đang áp dụng;
Thứ hai, Trung Quốc phải lập ra những thể chế chính trị khu vực được thiết kế sao cho Mỹ không thể tham gia;
Thứ ba, ổn định những vùng đệm an toàn tại khu vực;
Thứ tư, Trung Quốc có thể tập trung hơn vào chiến lược thống trị Biển Đông trong khuôn khổ chủ thuyết “đường lưỡi bò”. Tổng quát, điểm nổi bật trong bảng tổng phổ của khúc giao hưởng đầy giai điệu ma quái là chiến lược “bất chiến tự nhiên thành”, tức dùng những mảng miếng ngoại giao để “đánh” Mỹ, hơn là đối đầu quân sự với nước này, bởi hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rằng, sức mạnh quân sự họ đang có chỉ “vừa đủ” để dọa dẫm các nước láng giềng chứ không thể đương đầu với con diều hâu từ bên kia bờ đại dương.
Dựa theo bài bản xây dựng đồng minh của Mỹ tại châu Á, Trung Quốc cũng có những dự án xây dựng thể chế để gắn kết đồng minh riêng, trong đó có Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay cơ chế “cộng ba” đối với khối ASEAN. Với Trung Á, Trung Quốc đã không bỏ lỡ thời cơ tìm kiếm những cơ hội nảy sinh khi khối Liên Xô tan rã. Và bằng cách tạo ra mô hình “đối tác chiến lược” với các nước láng giềng, trong khuôn khổ chính sách “biên giới mềm” - như cách nói của nhà báo Ross Munro, Trung Quốc không chỉ tăng cường ảnh hưởng mà còn hạn chế những rủi ro đe dọa trong tương lai. Để thực hiện chiến lược “biên giới mềm” nhằm tăng cường ảnh hưởng khu vực ngoại vi, theo Munro, Trung Quốc đã áp dụng nhiều thủ đoạn trong đó có hối lộ giới chức quốc gia sở tại, tuyển dụng giới doanh nghiệp và viên chức địa phương để cung cấp thông tin cho Trung Quốc (những thông tin này khi được tình báo Trung Quốc sàng lọc lại sẽ giúp Bắc Kinh có cái nhìn rõ hơn về tình hình chính trị quốc gia sở tại), áp dụng thủ thuật chèn ép tinh vi trong đàm phán biên giới để buộc các nước láng giềng yếu hơn không chỉ nhường đất mà còn phân tán lực lượng biên phòng và cuối cùng, là âm thầm tổ chức các cuộc di dân từ Trung Quốc sang quốc gia ngoại vi…
Với chiến lược thâu tóm Biển Đông, một trong những khó khăn nhất đối với Trung Quốc là chặt đứt sợi xích đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Nhật - một siêu cường thật sự hiểu đúng theo mọi góc độ của từ này. Theo cách nói của chiến lược gia Từ Vượng Thịnh thuộc quân đội Trung Quốc (vào tháng 11/2005), Trung Quốc cần phải học được cách “xử lý riêng biệt với Mỹ và với Nhật…; phải hiểu đúng và tìm được phương án giải quyết vấn đề dựa trên những mâu thuẫn và khác biệt giữa hai nước này”. Đó là lý do tại sao, có hồi người ta thấy Trung Quốc bóng gió “khuyên” Washington rằng, Nhật ngày càng trở thành một quốc gia suy yếu về kinh tế, không đáng tin về chính trị, một kẻ luôn trong tâm thế muốn phục thù đầy nguy hiểm… Cùng lúc, Bắc Kinh cũng gieo vào giới chính trị Nhật một khả năng rằng, họ có thể bị Washington “chơi xỏ lá”, như cách họ từng “giở mặt đểu” bỏ rơi nhiều đồng minh trong lịch sử, một khi mối quan hệ với đối tác đó không còn mang tính chiến lược và không còn thỏa mãn lợi ích Mỹ…
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngọc Trí




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét