Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Tôi yêu nước Nga: Nước Nga ngày trở lại

Đọc những chuyện vui buồn trong bài này của chị Ngát làm mình nhớ nước Nga quá.Cứ ai nói đến Moskva là mình lại thấy nhớ những ngày vất vả mà vui ở đó.
Chị Ngát nhắc tới trường Điện ảnh Moskva làm mình nhớ lần đầu tiên đến đó, ở đó có cái thang máy rộng như căn phòng, chứa được nguyên cả lớp 50 người vừa tan ra. Bước vào thang máy một mình thấy choáng ngợp; rồi đột nhiên cả căn phòng tụt xuống như rơi tự do, vừa khiếp vừa ấn tượng. Sau này cả đời mình đi thang máy nhiều mà chưa bao giờ thấy một cái thang máy nào rộng đến thế.


Mặt trước của cung điện Mùa Đông, nơi chủ Blog đã từng ngồi nhìn sóng...
Háo hức như sắp được gặp người thân yêu nhất sau 15 năm đằng đẵng, không ngờ cuối tháng 9  vừa qua tôi lại được trở lại nước Nga cùng với đoàn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (HĐLLPBVHNTTƯ). Nước Nga đang vào thu - mùa thu vàng tuyệt vời mà mỗi lần nhắc đến hay chợt thấy đều khiến cho những người từng học tập, công tác ở Nga không khỏi chạnh lòng nhớ nhung xao xuyến.
Tại sao bao nhiêu năm qua rồi mà cứ mỗi lần nhắc đến nước Nga là lại thấy nhớ nhung da diết? Người Việt vốn sống nặng tình nặng nghĩa. Ai giúp mình cái gì là nhớ đến suốt đời. Ngược lại, ai gây cho mình đau khổ thì cũng chóng nguôi ngoai, chóng biết quên để sống cho vui vẻ. Thật hồn nhiên và cũng thật bao dung.
Biết bao nhiêu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh ngày ấy đã được hưởng  ân huệ từ nước Nga về học vấn cũng như điều kiện sống thường nhật. Còn nhớ, ở Việt Nam ngày ấy còn ăn nay lo mai, cơm hẩm với cá biển mậu dịch là dòng chủ đạo. Sang đến nước Nga, nguyên việc được ăn bát cơm trắng hạt gạo dài dẻo thơm đã thấy sung sướng rồi. Ở nhà mùa đông mỗi lần đi tắm là phải đun siêu nước bằng bếp dầu hoặc bếp than cách rách, xách vào nhà tắm cốt pha cho tan giá. Nước máy lúc tắc lúc có nên chỉ được tắm tùng tiệm trong vòng một xô thôi đã là hoang lắm. Sang Nga, lần đầu tiên được tắm gội nước nóng thỏa thích, thấy thật mãn nguyện. Chắc là ở các nước khác cũng thế thôi. Trời Âu trời Mỹ gì điều kiện sống tối thiểu của người ta cũng phải vậy trừ Việt Nam những ngày đó. Càng nghĩ càng thấy thương người mình - chịu khổ như là một thói quen "giời sinh ra thế!"
"Đêm chia tay chén rượu quan hà/ Em đã ngấm bài thơ bạn đọc/ Em đã nhớ và em đã khóc/ Mọi vui buồn em đều vắng cố nhân" - Mình đã viết như thế trong ngày đầu tiên đặt chân đến Moskva.

6 năm đằng đẵng học tiếng và học chuyên môn không phải bao giờ cũng đều là vui vẻ phấn khởi cả. Cũng nhiều cay đắng, ngậm ngùi lắm. Thơ văn thời đó chỉ quen nói về những cái đẹp, cái hay thôi. Ngậm ngùi cay đắng nhất (nhưng ngày đó thì lại rất đỗi vui mừng, hạnh phúc) là khi xếp hàng mua được nồi hầm, bàn là. Hàng xếp dài dằng dặc chỉ toàn là người Việt mình thôi. Gọi nhau í éo thế nào (chưa có di động như bây giờ đâu) vậy mà thoáng cái nhiều người Việt ở Mát đã biết đã kéo nhau đến cửa hàng. Người Nga nhìn người mình mua mua bán bán toàn những thứ nặng trịch cứ như là người ngoài hành tinh vậy. Ngày ấy hai thứ này đang có giá ở Việt Nam. Giải thích với họ rằng do ít tiền nên không đủ mua thịt; phải mua xương về hầm là chủ yếu. Thế còn bàn là? Quần áo đâu có nhiều để cần bàn là nhiều như thế? Lý giải: Nghèo nhưng cần lịch sự khi ra đường; quần áo phải là thẳng thớm; đói cho sạch rách cho thơm. Ấy là lý sự cùn vậy chứ có bàn là (nhất là nút đỏ) mua được, lại gửi được về là quí lắm rồi. Con cái sẽ được ăn uống tử tế nửa tháng là ít.
Người mình thì bé nhỏ, nồi hầm thì nặng nhưng vẫn cố phải xách đến... 4 cái (có người khỏe xách tới 6 cái) oằn cả lưng. Mình sinh viên đã khổ rồi, nhìn các em sang lao động xuất khẩu, có em gầy gò bé nhỏ, lại càng thương. Còn nhớ, có một cửa hàng bách hóa tổng hợp ngay cạnh Quảng trường Đỏ, chỗ này hay có bàn là, nồi hầm. Các khách du lịch phương Tây sang trọng đi dạo chơi ngắm nghía và chụp ảnh Quảng trường Đỏ đông đúc, tíu tít, trong khi đó người mình thì tay xách nách mang lôi thôi lếch thếch thật là ngượng.


Đoàn cán bộ Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương làm việc với Chủ tịch Hội điện ảnh Nga (tác giả bài viết đứng hàng đầu, thứ 3 từ trái sang).


Niềm vui sướng mua được hàng đúng ý không làm nguôi đi, vơi đi nỗi buồn đến phát khóc lên được. Buồn vì sao cũng là con người mà người Việt mình ngày đó lại khổ thế. Ra đến nước ngoài rồi mà vẫn khổ. Ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu, cái gì cũng dành dụm để gửi về cho người thân, dành dụm cho cuộc sống sau khi về nước có cái mà cầm hơi để còn làm việc. Buồn vì sao đất nước thống nhất gần 20 năm rồi (ấy là nói về những năm 80 của thế kỷ trước) mà kinh tế lại xuống dốc đến thế, đồng tiền mất giá đến như thế. Mỗi lần về phép tha lôi đủ thứ bà rằn, từ cái kim sợi chỉ về biếu bạn bè, người thân ai ai cũng quí. Rồi lại tha lôi đủ thứ mang đi, mong sao trả nợ được tiền vé là tốt lắm.
Ngày ấy chỉ mơ ước, chỉ khao khát, chỉ cầu mong có một ngày nào đó đi nước ngoài sẽ chỉ phải xách mỗi cái vali quần áo nhẹ nhõm thôi và có ít tiền đô trong túi (đơn giản là đi đâu, ở nước nào tiền này cũng đổi được) mang đi mà tiêu, mà mua quà cáp thì thật tuyệt vời!
Nhắc lại những kỷ niệm này để thấy quí hơn cuộc sống đầy đủ ngày hôm nay chúng ta có. Sự mặc cảm về cái nghèo, sự đau khổ về cái nghèo chắc chắn cũng là động lực không nhỏ để khá nhiều người từng đã ở Nga phấn đấu, bằng nhiều cách, trong đó không thể không kể đến tài năng, trí tuệ của mình, đã trở thành "soái", thành "đại gia" hôm nay. Nói một cách văn vẻ thì, kể từ sau ĐỔI MỚI đất nước đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Kinh tế đất nước so với trước đây đã phát triển mạnh mẽ không ngừng.
Và, lần trở lại nước Nga này đúng như điều mà ngày xưa ta mơ, là chỉ phải mang mỗi cái vali quần áo thôi. Lại càng không phải để ý gì, mua mua bán bán gì đến những thứ "nặng trịch" ngày xưa nữa, ngoài việc tìm mua một số suvơnia đặc Nga: vài con lật đật, vài con Matrutska (búp bê mẹ có nhiều con ở trong) về làm quà… Nguyên chỉ điều này thôi, há chẳng mừng lắm sao? Gương mặt không phải bần thần tính toán nhờ vả những người ở bên đó xem có giúp được gì không, mà sẽ để tâm hơn đến những trang văn hay của Lev Tolstoy , của Gogol, của Dostoyevsky, những trang thơ hay của Pushkin, của Lermontov… Được nhẩn nha ngắm phong cảnh Nga, thăm Bảo tàng Ermitaz, nhà hát, rạp chiếu phim; được nghe lại giọng hát của NSND, ca sĩ nổi tiếng Alla Pugachova với bài hát đầy ấn tượng "Triệu bông hồng", đặc biệt là bài "Người đàn bà đang yêu" - một bài hát mà cả thế giới đều thích. Người viết bài này đã “nhờ thế" mà "gặt hái" được một bài thơ: "Giữa mênh mông tuyết trắng một chiều/ Tôi bất ngờ trước một bài hát đẹp/ Giọng nữ ca sĩ ấy sao mà tha thiết/ Để phụ nữ đủ các màu da rưng rưng". Vâng, đó là một khổ của bài thơ "Người đàn bà đang yêu" của tôi. Dù hay hay dở thì nguồn cảm hứng của tôi đã được khơi gợi từ bài hát này trong một chiều mênh mông tuyết trắng của nước Nga những năm 80 của thế kỷ trước.
Tôi đã trở lại nước Nga với một tấm lòng tri ân như thế, "thổn thức" như thế khi nhìn thấy từng hạt mưa bụi li ti bay bay… với mùi ẩm ướt hơi lạnh của không khí quen thuộc ngày nào khi chớm thu. Và cả khi nhìn thấy hàng bạch dương cao vút đứng im lìm ở hai bên đường… Quen thuộc quá, nước Nga. Càng quen thuộc hơn các bến metro vẫn thế, những ngôi nhà cao tầng sừng sững vững chắc, những đại lộ rộng lớn vẫn như ngày nào nườm nượp tàu xe…
Có vẻ như sau 15 năm hay 20 năm hoặc lâu hơn nữa; nước Nga bề ngoài dường như không có gì thay đổi. Cảnh vẫn như xưa, nhưng liệu người còn được như xưa? Và đây, những gương mặt chất phác, những tình cảm chân thành nồng ấm vẫn chẳng hề đổi khác. Những bàn tay vẫn chìa ra và hồ hởi nắm rất chặt những bàn tay của những người bạn cũ, cho dù nước Nga hôm nay, các sinh viên không còn học môn lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô như thời của mình ngày xưa nữa.
Nhớ ngày xưa chỉ cần 5 kopek là có thể chui xuống tàu điện ngầm đi khắp Moskva nhưng nay phải 200 rúp. Ngày xưa tình hữu nghị thắm thiết, mỗi năm hàng ngàn sinh viên sang học. Nay tình hữu nghị vẫn thắm thiết nhưng các trường thưa thớt bóng sinh viên Việt Nam. Có chăng đa phần là con em người Việt định cư ở đây. Trường Đại học văn học mang tên Gorky rất nhiệt tình đón đoàn của Hội đồng LLPBVHNTTƯ và nhà trường cũng không giấu niềm mong mỏi tiếp tục có sinh viên Việt Nam sang học. Ngoài ra, nhà trường cũng không quên thông báo trường có thể nhận sinh viên ngoài chỉ tiêu, mỗi năm chỉ cần đóng học phí 3.000 USD. Nhà trường nhấn mạnh sự cần thiết mở khoa dịch thuật và khoa lý luận phê bình. 3.000 USD/ năm không cao so với Pháp, Mỹ nhưng dường như vẫn rất ít người ở nước mình quan tâm thì phải. Hay là họ không có thông tin? Ôi, chợt nhớ câu ngạn ngữ xưa "muốn đồ đi Đức/ muốn kiến thức đi Nga".

Chuyến đi này chúng tôi thật may mắn khi được tiếp xúc với một số Hội văn học nghệ thuật Nga. Nhưng rồi không khỏi băn khoăn trước thực trạng các Hội Văn học nghệ thuật ở Nga hoạt động hầu như không có kinh phí của Nhà nước cấp. Đa phần tự bươn chải bằng sự năng động của mỗi Hội như cho thuê mặt bằng, mở quán cafe, tổ chức biểu diễn… "Chúng tôi giờ chỉ là Hội "xã hội - nghề nghiệp" thôi" - Những người đứng đầu các Hội Văn học nghệ thuật này giải thích. Giờ tất cả đều là kinh tế thị trường rồi! Chà chà, nếu vậy thì xem ra các Hội văn học nghệ thuật nước nhà tuy chưa phải là khấm khá lắm nhưng về cơ bản vẫn còn được Nhà nước ưu ái cho chút kinh phí duy trì bộ máy, kinh phí đầu tư sáng tác, trại viết và trao giải thưởng hàng năm…

Lại trỗi lên một câu hỏi nữa: Tình trạng các Hội Văn học nghệ thuật thì như thế, nhưng sao các nhà văn Nga vẫn ra sách? Những tập thơ, những cuốn tiểu thuyết dày cộp, mới tinh vẫn là những món quà quí trong những lần gặp gỡ. Các Nhà hát vẫn đỏ đèn? Xưởng Mốtphim đã hồi phục mạnh mẽ như thời Xôviết, sản xuất 120 bộ phim/năm? Và Trường VGIK (Đại học Điện ảnh) vẫn đông đúc sinh viên theo học? Trông họ trẻ trung, sang trọng, ăn mặc hợp thời trang hơn sinh viên ngày xưa. Thầy cô ở đây nghe nói giàu có phong lưu hơn trước nhiều… Xe ôtô Nhật sang trọng hầu như thay thế những chú Lada, Vonga cục mịch. Nghe nói nhà máy sản xuất những loại ôtô này cũng đã đóng cửa.
Giọng nữ ca sĩ bất ngờ cất cao Nơi ấy có phải người đàn bà đang yêu đã gặp người mình yêu nhất?Hạnh phúc không chỉ dừng ở nỗi niềm khao khát - Hạnh phúc không viển vông - Hạnh phúc chẳng dễ tìm…
Phải, cuộc đời cứ thế trôi đi chả có gì lặp lại bao giờ, trừ những ký ức. Những ký ức tươi đẹp bao giờ cũng sống mãi…
10/2012

  Nguyễn Thị Hồng Ngát

6 nhận xét:

  1. Bạn thật là may mắn, đã được đến nước Nga, mình thì thích được một lần được đến mà không biết có được không nữa, 99% là không rồi, chỉ giữ 1% làm hy vọng

    Trả lờiXóa
  2. Trước đây đến được nước Nga là may mắn. Còn bây giờ đất nước mở cửa rồi, du lịch Nga thoải mái, tất nhiên cũng tốn chút ít, nhưng đã có ước mơ như thế thì nên cố gắng dành dụm để thực hiện. Mình đã sống ở nhiều nước, hiện đang ở Thụy Sĩ (xem các bài viết trong này thì thấy), nhưng bao giờ nước Nga, con người Nga cũng là nơi mình yêu quý nhất. Gần đây có thêm nước Nhật thì phải :)

    Trả lờiXóa
  3. Bạn à, mình giờ sống bằng lương hưu, giá cả thì như phi mã, mình chỉ ngắm nước Nga từ vạn dặm thôi...
    Bạn thích cả nước Nhật à, ừ nước Nhật cũng hay hay, mình cũng mơ đến Nhật lắm, mình ước đước trẻ trung và có điều kiện như các bạn để đi đây đó!
    Chúc bạn luôn vui với những tình yêu sâu lắng như thế! Một vùng đất, một miền văn hóa! tuyệt vời lắm!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn bạn đã có lời chúc rất hợp với mong muốn của mình.
    Về giá cả thì bạn đừng lo, bác Dũng Thủ tướng vừa xin nhận lỗi trước QH và hứa sẽ sửa chữa khuyết điểm trong thời gian nhanh nhất, độ 6 tháng nữa là giá cả sẽ rẻ như đất. Không những thế, bác ấy còn tăng lương hưu lên 100.000 cho tất cả mọi người, kể cả người về hưu như bạn
    Khi đó với tiền lương hưu, bạn thừa sức đi du lịch khám phá cả Nga và Nhật.
    Nếu bạn đã già, sợ đi lại không an toàn thì tặng mình cái vé và cho mình ngủ nhờ 1 góc trong phòng khách sạn, mình sẽ đi cùng và ôm đỡ bạn mỗi khi bạn sắp ngã.
    Yên tâm chưa nhỉ.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn người bạn trẻ tốt bụng!Mình có gậy chống nên không lo ngã đâu, chỉ lo không có tiền mà đi thôi.
    Thế nếu tăng lương hưu 1 tháng lên 100.000 thì mình để ra dành tiền mua vé máy bay thì mất bao nhiêu tháng thì mua được vé đi Nga hả bạn?
    Bạn nói giá rẻ như đất là chưa chính xác rồi, đất giờ đắt lắm, mình nghe con bé cháu nói là đât ở VN đắt hơn cả Nhật hay Mỹ mà bạn.

    Trả lờiXóa
  6. Cũng tùy vào mức lương hưu của bạn. Lương cao thì cần 10 năm, lương thấp thì 20 năm. Đấy là riêng tiền vé máy bay. Nhưng mình khuyên bạn chờ 10, 20 năm thì lâu quá, đi thế này rất rẻ: Cứ túc tắc đi bộ, đằng nào 10 năm cũng tới, vừa rẻ, vừa được thỏa sức ngắm nước Nga trên đường.

    Bạn nói đất ở thì đúng rồi. Còn đất để bán thì rẻ lắm. Không tin bạn cứ múc một chậu đất rồi ra chợ Đồng Xuân bán xem, họ sẽ trả giá thấp đến mức bạn ngất luôn đấy. Đến như Trường Sa, Hoàng Sa mênh mông như thế mà có vị đại biểu quốc hội nước ta bảo đó là mấy bãi chim ị, tiếc làm gì mà mất công cãi nhau với TQ.

    Trả lờiXóa