Năm 2012 được mùa kiều hối
(Petrotimes) - Với 400.000 lao động xuất khẩu đang sinh sống, làm việc tại 101 quốc gia khắp thế giới. Mỗi lao động xuất khẩu chỉ cần gửi về cho người thân 2.500USD/năm thì doanh số kiều hối từ lao động nước ngoài đã lên tới 1 tỉ USD/năm, góp phần đáng kể trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.
Với khoảng 4 triệu kiều bào đang sống, làm việc và du học tại nước ngoài lượng kiều hối chuyển về Việt Nam (VN) lớn thứ 9 trên thế giới. Nếu năm 1994, kiều hối chuyển về chỉ từ 16 quốc gia thì nay đã nâng lên 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày càng có nhiều người Việt sử dụng các kênh chính thống để gửi tiền về.
Từ năm 1991 đến nay, kiều hối chuyển về nước đạt trên 65,82 tỉ USD, bằng 60-70% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (từ năm 1991-2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 88,945 tỉ USD). So với vốn ODA, nguồn kiều hối gấp 2 lần (từ năm 1993 đến nay, vốn ODA cam kết khoảng 70 tỉ USD, vốn giải ngân trên 30 tỉ USD). Theo các chuyên gia, tác động của lượng kiều hối này đối với nền kinh tế là rất tích cực, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào VN giảm. Kiều hối trở thành một nguồn ngoại tệ lớn mà chúng ta thụ hưởng hoàn toàn. Đây là nguồn tiền thực, góp phần làm bình ổn tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 10/2012, cán cân thanh toán quốc tế của VN trong 6 tháng đầu năm 2012 thặng dư 6,45 tỉ USD, dự trữ ngoại hối tăng thêm 6,471 tỉ USD, góp phần ổn định tỷ giá, góp phần giảm sức ép đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát. Dự báo cán cân tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư trong cả năm 2012 do cán cân vãng lai tiếp tục đạt thặng dư, trong đó VN tiếp tục xuất siêu và lượng kiều hối tiếp tục được chuyển về.
Thông thường, từ Quý III đến tết Nguyên đán là thời điểm lượng kiều hối về VN tăng mạnh so với các tháng còn lại trong năm. Sở dĩ kiều hối thường về mạnh trong những tháng cuối năm là do kiều bào ở nước ngoài muốn gửi tiền cho người thân trong nước chi tiêu trong dịp tết Nguyên đán.
Nắm bắt thời cơ này, các ngân hàng, công ty kiều hối cũng như hệ thống đại lý chuyển tiền ngoài ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm, dịch vụ chuyển tiền nhanh với nhiều ưu đãi, mang tính cạnh tranh nhằm thu hút nguồn kiều hối trong mùa kinh doanh cuối năm.
Các ngân hàng Đông Á, Vietcombank và Sacombank đang đua nhau tung ra những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài.
Nếu Vietcombank có chương trình tặng tiền trực tiếp vào tài khoản của khách thì Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lại tung ra giải thưởng là những chuyến du lịch nước ngoài. Theo lãnh đạo Sacombank, lượng kiều hối chuyển qua Sacombank từ đầu năm 2012 đến nay đã tăng 17%, đạt gần 1,3 tỉ USD. Hiện Sacombank đang tập trung khai thác thị trường Mỹ, Úc, Canada... Dự báo lượng kiều hối chuyển qua Sacombank có khả năng sẽ đạt 1,6 - 1,7 tỉ USD như kế hoạch đặt ra.
Còn Công ty Kiều hối Đông Á (của Ngân hàng Đông Á) thì công bố giải thưởng bằng vàng cho khách hàng bốc thăm may mắn. Theo lãnh đạo Công ty Kiều hối Đông Á, đến nay doanh số chi trả của Công ty đã đạt trên 1 tỉ USD, trong đó lượng kiều hối từ các thị trường Mỹ, Canada, Australia chiếm hơn 60%.
Các chuyên gia dự báo, năm nay kiều hối của cả nước có thể đạt trên 10 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2011.
Riêng tại TP HCM, đến cuối tháng 9, doanh số chi trả kiều hối qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3 tỉ USD. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, lượng kiều hối khu vực TP HCM trong năm nay vào khoảng 3,4 tỉ USD, so với mức 3,2 tỉ USD của năm 2011.
Theo lãnh đạo Công ty Kiều hối Sacombank, so với nhiều năm trước, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam để đầu tư có phần giảm nhẹ vì lãi suất tiền gửi USD đã giảm từ 4-5%/năm xuống còn 2%/năm; thị trường chứng khoán, nhà đất chưa có dấu hiệu hồi phục… Tuy nhiên, doanh số kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động lại tăng lên nhờ vào chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước ngày càng mở rộng.
Lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2012 khá khả quan. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP HCM trong 9 tháng đạt gần 2,9 tỉ USD. Thông thường trong Quý IV hằng năm, lượng kiều hối chiếm từ 30-35% cả năm nên triển vọng kiều hối năm 2012 sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2011, đạt 3,4 tỉ USD”.
Theo các chuyên gia kinh tế, các nước trong khu vực Đông Á, Bắc Mỹ, Australia vẫn là những thị trường kiều hối tiềm năng của Việt Nam. Ông cho rằng, lượng kiều hối năm nay tăng, một phần còn do những cải tiến trong giao dịch khiến thời gian tiến hành nhanh và thuận tiện hơn nhiều so với trước. Ngoài ra, do lãi suất tiền gửi ở một số nước thấp (tại Mỹ chỉ khoảng 0,35%/năm) trong khi lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam cao hơn rất nhiều, cho nên ngoài việc chuyển tiền về trợ giúp cho người thân, không ít kiều bào vẫn chuyển tiền về nhờ người nhà gửi ngân hàng để sinh lời.
Do tỉ giá ổn định nên người thụ hưởng từ kiều hối thường gửi tiết kiệm USD hoặc quy đổi sang tiền Việt Nam giúp cho nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng tăng lên, góp phần ổn định tỉ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 6,4 tỉ USD, dự báo năm 2012, cán cân thanh toán tổng thể sẽ thặng dư, trong đó có phần đóng góp từ kiều hối.
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, dự báo năm 2012, kiều hối có thể đạt khoảng 10-11 tỉ USD, tức tăng khoảng 20% so với năm 2011, cao hơn mức tăng trung bình 10-15% của những năm gần đây.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu năm 2012, doanh số kiều hối đạt được 10 tỉ USD thì nguồn ngoại tệ này đã nhiều gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu gạo (khoảng 3,5 tỉ USD/năm) và tương đương 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến của năm 2012 là 108 tỉ USD, đóng góp một phần không nhỏ cho cán cân thanh toán quốc tế. Năm 2012 là một năm được mùa kiều hối.
Minh Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét