Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

(2) Vợ Đông chồng Tây: Hợp đồng (1)

Hợp đồng vợ Đông chồng Tây (1)


Chuyện lấy chồng Tây, sau đó là những nỗ lực hòa nhập vào một xã hội mới, được nhà báo Kiều Bích Hương kể lại, bằng chính những trải nghiệm của mình trên đất nước Bỉ. ĐBND tiếp tục giới thiệu một phần trong cuốn sách Vợ Đông chồng Tây của chị.
Minh họa của Thúy Hằng
Học và sốc!
Chân ướt chân ráo theo chồng sang Bỉ, kết hôn được hơn năm tháng, tôi nhận giấy mời học, năm lần bảy lượt, kiên nhẫn mời học. Học như một kiểu hợp đồng hội nhập, bắt buộc, nhưng cần thiết.
Giấy mời học do văn phòng Inburgering(1) gửi đến, theo luật nhập cư mới, tôi phải học một khóa tiếng Hà Lan (trình độ cơ bản), một khóa Định hướng xã hội, và nếu muốn có thể học tiếp khóa Định hướng nghề nghiệp (khóa này không bắt buộc). Học được khóa nào cũng tốt, nhất là tôi muốn xem người ta dạy dỗ kiểu gì, khác bên mình thế nào. Nhưng khổ nỗi lúc đó tôi vác bụng bầu hơn năm tháng. Trái với sự hớn hở về sự học của tôi, chồng tôi - người gốc Flanders điển hình (vùng nói tiếng Hà Lan ở Bỉ) khó chịu ra mặt: “Trước đây có phải học đâu. Chỉ vẽ vời tốn kém. Họ muốn em hòa nhập xã hội tốt ư, thì em có chồng, sắp có con, rồi lại kết giao một số người bạn từ Thái Lan, Đài Loan, Singapore ở đây rồi, cũng là hòa nhập chứ sao”.

Tỉnh táo suy nghĩ lại, tôi không thể theo học tiếng Hà Lan lúc này, vì tôi có nhiệm vụ 8 giờ sáng đưa con gái riêng của chồng đi học, 3g30 chiều đón về. Tôi cũng chưa biết lái xe hơi, và với cái bụng bắt đầu to dần, tôi rất khó sắp xếp thời gian để vừa đưa con đi học, vừa bắt xe buýt (mỗi tiếng mới có một chuyến xe) lên thành phố Leuven cho kịp giờ vào lớp của mình. Chồng tôi cương quyết: “Phải đấu tranh cho họ biết mình không theo học được lúc này”. Tôi hơi run trong bụng, luật mới cơ mà.
Chồng tôi phải đi làm nên mẹ chồng xung phong cùng tôi đến cuộc hẹn vớiInburgering. Người phụ nữ trung niên trò chuyện với tôi bằng tiếng Anh, phân tích từng điều khoản trong hợp đồng tôi phải ký theo học ít nhất hai khóa đầu tiên. Dĩ nhiên, cô biết tôi đang mang thai, nên khuyên: “Cô cố gắng sắp xếp. Tôi cho cô thêm vài tuần suy nghĩ và sau đó đến ký hợp đồng nhé. Bản hợp đồng bằng tiếng Hà Lan, chúng tôi sẽ dịch ra tiếng Anh. Cô có thể yêu cầu cung cấp người dịch tiếng Việt, nhưng tìm được người như thế hơi khó với chúng tôi. Dẫu sao cô hiểu tiếng Anh mà”. Tôi gật đầu: “Tôi sẽ cố gắng”.
Không hiểu mẹ chồng tôi thuật lại thế nào, về đến nhà, chồng tôi đùng đùng: “Sao em mềm yếu thế. Họ bảo gì cũng vâng cho họ vừa lòng à? Không ký gì hết, em có chắc mình hiểu hết và thực hiện được hết điều khoản ghi trong hợp đồng hay không. Thực hiện không xong hậu quả là tiền phạt rất nặng, kèm theo cả mớ trách nhiệm mới đấy. Bản dịch tiếng Anh cũng không ký, có phải tiếng mẹ đẻ của em đâu. Họ nói tìm người dịch tiếng Việt hơi khó nhưng em phải dứt khoát yêu cầu có người dịch tiếng Việt xong mới ký. Em tưởng anh sang Việt Nam, người ta đưa hợp đồng bằng tiếng Việt anh cũng ký bừa à, dịch ra tiếng nào anh cũng không ký, phải là tiếng Hà Lan. Họ hẹn lên ký ngày nào, để anh xin nghỉ việc hôm đó đi cùng. Chuyện này không lơ là được”.
Bài học hội nhập đầu tiên của tôi là vậy, choáng váng.
Cuộc hẹn thứ hai lỡ, tôi sinh con sớm một tháng. Nhưng khoảng hai tháng sau, giấy mời lại gửi đến nhà. Theo giấy mời, chúng tôi cần liên hệ để sắp xếp cuộc gặp với Helge - người phụ trách trường hợp của tôi ở Inburgering.Chồng tôi lên kế hoạch mang cả con lớn và con bé theo “để họ thấy em có phải chỉ ăn và học đâu”, “Nếu họ bảo gửi đứa bé vào nhà trẻ, đứa lớn thì đăng ký dịch vụ ở lại trường sau giờ tan học” - tôi đưa giả thuyết, chồng tôi lắc đầu: “Ai trả tiền cho dịch vụ này. Chúng ta có tự nguyện đăng ký học đâu, nếu Inburgering không trả, chúng ta cũng không đời nào trả”.
Tôi chuẩn bị sẵn tâm lý đấu tranh cam go với Helge trong buổi gặp hôm ấy. Cô gái này không hề bối rối trước đứa con gái lớn của chồng tôi sốt ruột đòi về còn đứa bé mới vài tháng tuổi bắt đầu khóc trong lúc bàn luận hợp đồng. Cô dường như được huấn luyện rất tốt: đi tìm bút chì màu và mẫu vẽ đưa cho đứa lớn, chìa đồ chơi lấp lánh ra cho đứa nhỏ. Vậy là chúng tôi chuyện trò. Chồng tôi, tưởng làm găng, hóa ra cũng khá điềm đạm, có lẽ anh đoán Helge hiểu chuyện. Cô kiên trì tìm kiếm khoảng thời gian thích hợp, dịch vụ trông trẻ đâu đó để giúp tôi được đến trường học khóa tiếng Hà Lan cơ bản, sau đó là khóa Định hướng xã hội. Cuối cùng, chính chồng tôi đưa giải pháp: “Vợ tôi có thể tự học tiếng Hà Lan, sau đó đến thi được không? Mẹ tôi là giáo viên về hưu sẽ giúp thêm”. Helge trầm ngâm: “Cô ấy tự học được không, thường chúng tôi yêu cầu phải tốt nghiệp đại học trở lên mới được tự học”. “Vợ tôi tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí”, chồng tôi hớn hở khoe. Tôi chìa ra cho Helge bản copy bằng tốt nghiệp đại học, chỉ là bản dịch ra tiếng Anh có dấu công chứng ở Việt Nam cũng đủ khiến Helge mừng rỡ: “Tốt quá rồi, cho phép tôi copy một bản giữ lại được không, có bằng chuyên ngành này cô cũng dễ tìm việc làm sau này đấy, nếu muốn. Cần gì cứ liên hệ với tôi nhé”. Helge rõ ràng gieo cho tôi mầm hy vọng (mong manh) để khẳng định mình là ai trong xã hội mới này.
Lần đầu tiên trong đời tôi thấy có người mừng rỡ đón nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học của mình, lại ở nước ngoài. Quả thực, tôi chỉ có cơ hội sử dụng tấm bằng này trước đó một lần, nộp vào hồ sơ xin việc ở tòa soạn báo.
Tôi đã tiến lên được vài milimét trong quá trình tìm kiếm hợp đồng hội nhập. Chồng tôi, lại anh, đưa ra giải pháp cho khóa học thứ hai: “Tháng tư năm sau, vào kỳ nghỉ Lễ Phục sinh hai tuần, con gái tôi không đi học nên chúng tôi sẽ gửi bà nội trông cả hai đứa, vợ tôi có thể theo học khóa Định hướng xã hội”. Và sau khi chồng tôi đọc bản hợp đồng bằng tiếng Hà Lan, anh bảo tôi ký. Trên đường về, chồìng tôi đùa: “Sao em dại dột nghe theo anh ký hợp đồng nhỉ, anh có phải mẹ đẻ của em đâu”.
Cuối tháng ba năm sau, tôi lên Inburgering thi tiếng Hà Lan, người chấm hỏi “Cô học khi nào?” “Khi con đang ngủ”, “Khá đấy”. Chồng tôi cùng hai con ngồi ngoài phòng đợi, chắc mẩm tôi trượt, vì anh loáng thoáng nghe thấy tôi ngắc ngứ trước những câu hỏi dạng vấn đáp. Tôi là vậy, thi viết bao giờ cũng tốt hơn. Nhưng thấy Helge reo lên khi cầm kết quả điểm của tôi, anh lao đi mua sâm panh. Một tuần sau đó, em trai chồng tôi gọi điện “Mẹ làm vườn ngã gãy tay, phải vào viện bó bột rồi”. Nghĩa là tháng tư, kỳ nghỉ Lễ Phục sinh năm 2011, tôi không thể theo học khóa Định hướng xã hội, như đã ký trong hợp đồng.
Tôi phát sốt lên vì lo. Thêm một lá thư của Helge gửi đến nhà, song ngữ, nắn nón ghi rõ ngày giờ tôi cần đến lớp trong suốt hai tuần nghỉ Lễ Phục sinh, có sẵn tên và điện thoại của giáo viên phục trách lớp học.
Chúng tôi đến nhà hàng Thái quen biết ở thành phố Leuven, hỏi tất cả những phụ nữ người Thái, người Philippines làm việc ở đó, có ai rảnh trông con giúp tôi không. Sau cùng chỉ có Ella, người bạn Philippines, gọi điện, bảo biết có một người đến tận nhà trông trẻ giúp. Nhưng nhà chúng tôi ở xa thành phố, điều kiện đi lại khó khăn, phần lớn sẽ bị từ chối hoặc đòi tiền công cao. “Hay là bảo cô trông trẻ đến nhà mẹ anh trông luôn lũ trẻ ở đó, nhà mẹ ngay thành phố, tiện hơn”. “Quên đi. Cô ta có thể đến nhà chúng ta chứ không được phép ở trong nhà mẹ anh. Đó là nhà của bà”. “Chẳng lẽ bà không vì con cháu mà chấp nhận ngoại lệ”, tôi định cãi lại chồng như thế, nhưng rồi giữ trong lòng. Nhờ bà trông cháu là việc của bà. Thuê người trông trẻ là việc của chúng tôi, phải sòng phẳng và tách biệt. Bài học hội nhập tiếp theo.
Chồng tôi an ủi: “Hợp đồng đã ký nhưng từ nay đến hết năm mình vẫn có thể tìm khoảng thời gian thích hợp theo khóa Định hướng xã hội. Để anh gọi Helge xem sao”. Helge lại kiên nhẫn xếp lịch cho tôi học vào tháng tám, thời điểm con lớn chưa phải đến trường và bà nội khi ấy tay chắc cũng đã lành, có thể trông con cho tôi đi học. Thống nhất là vậy, nhưng vẫn có một cuộc gọi điện cho tôi vào giữa tháng tư, thắc mắc: “Chào cô, hôm nay là buổi học thứ hai mà không thấy cô đến lớp. Cô có khó khăn nào chăng?” Tôi giải thích đã xin phép chuyển sang khóa học sau, người gọi điện vui vẻ ngay: “Vậy là thông tin chưa được cập nhật tại đây. Hẹn tiếp đón cô khóa sau nhé”.
Bốn tháng sau, tay mẹ chồng tôi có thể cử động, nhưng bế cháu đang ở tuổi tập đi là không thể, bà bảo: “Nó chịu ngồi cả ngày trong cũi mẹ mới trông được”. Rất may, theo sự mách bảo của Claire, người bạn Singapore, vợ chồng tôi tìm được một trung tâm trông trẻ kiểu khẩn cấp (không nhận đăng ký trước, đúng 9g sáng mở cửa, khi nào đủ số trẻ theo quy định sẽ không nhận nữa, và mỗi trẻ chỉ được gửi tối đa 20 giờ mỗi tuần). Và với sự bảo trợ của tổ chức Kind & Gezin (tổ chức có sự bảo trợ của chính phủ, chuyên về các vấn đề trẻ em và gia đình ở Bỉ), giá cho mỗi giờ trông trẻ tại trung tâm này chỉ 1 euro, không bao gồm bữa ăn, “gần như miễn phí”, chồng tôi hài lòng. Nếu gửi ở các nhà trẻ tư nhân, và phải đăng ký trước cả năm, giá có thể hơn 20 euro mỗi ngày, tất nhiên có kèm bữa ăn.
Bây giờ tôi có thể nhập môn Định hướng xã hội được rồi.
(Số sau đăng tiếp)
______________
1. Inburgering: tổ chức cung cấp các khóa học tiếng, học nghề, tìm hiểu xã hội... giúp người nhập cư hòa nhập cuộc sống mới tại Bỉ.
Kiều Bích Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét