Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Tiền đi đâu? Và hệ lụy của nó


08:47 | 17/11/2012
Việc cần làm hiện nay là giảm thiểu việc phát hành trái phiếu Chính phủ để tín dụng cho nền kinh tế có điều kiện tăng tốc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng mạnh trở lại, buộc Ngân hàng Nhà nước phải giới hạn việc tiếp tục tăng cung tiền trong thời gian tới.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cung cấp một thông tin rất có ý nghĩa, liên quan đến tăng trưởng tín dụng. Theo Thống đốc thì lý do tăng trưởng tín dụng thấp (tính đến ngày 30.6, tín dụng chỉ tăng khoảng 3,36% so với cuối năm 2011; trước đó, báo chí đưa tin tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 mới đạt 2,35%) là do các ngân hàng đã mua vào tới 183 nghìn tỷ giá trị trái phiếu Chính phủ. Con số này tương đương với khoảng 7% của tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2011.

Thông tin trên rất có ý nghĩa vì nó giải thích được cho điều được coi là bí ẩn:tiền đi đâu? Người ta buộc phải hỏi câu này khi cung tiền (còn được gọi là tổng phương tiện thanh toán, M2) tính đến tháng 9 năm nay đã tăng 10,37% so với cuối năm 2011, trong khi tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng rất khiêm tốn như đã nói. Trước đó, một số chuyên gia đã giải thích một cách khiên cưỡng và thiếu logic rằng, tiền đã được các ông chủ ngân hàng đổ vào các doanh nghiệp sân sau của mình; hoặc các ngân hàng với nỗi lo nợ xấu gia tăng nên đã giữ tiền lại, không cho vay ra nền kinh tế nữa. Nay với giải thích của Thống đốc, chuyện tiền đi đâu đã có câu trả lời xác thực.
Điều đáng nói hơn là nơi đến của lượng tiền mới cung ra này. Theo đó, có đến hơn 2/3 lượng tiền mới cung ra đã chảy vào trái phiếu, phục vụ cho nhu cầu đầu tư công. Tất nhiên, có những lý do để lý giải tại sao trái phiếu lại hấp dẫn các ngân hàng đến vậy, thay vì cho vay doanh nghiệp và cá nhân như thông thường phải thế (ví dụ, trái phiếu tuy có lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay nhưng an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu cao và tăng nhanh như hiện nay; với kỳ hạn trên 1 năm và với kỳ vọng lạm phát thấp hơn trong các năm tới thì lãi suất trái phiếu như hiện tại vẫn rất hấp dẫn v.v…).

Nhưng dù vì lý do gì thì thực tế này đã cho thấy đầu tư công đang bóp nghẹt đầu tư tư nhân. NHNN tăng cung tiền với kỳ vọng lượng tiền tăng thêm đó sẽ chảy qua các ngân hàng để đi đến các doanh nghiệp và cá nhân dưới dạng tín dụng, nhờ đó sản xuất kinh doanh được duy trì và thúc đẩy. Nhưng với việc Chính phủ mạnh tay huy động vốn thông qua trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, tiền thay vì đến doanh nghiệp và cá nhân lại chảy vào ngân sách. Tất nhiên, cuối cùng thì lượng tiền tăng thêm này cũng sẽ chảy vào nền kinh tế thông qua chi tiêu của Chính phủ, các dự án sử dụng ngân sách, và các doanh nghiệp nhà nước được cấp phát vốn ngân sách v.v… Nhưng điều đáng nói là đầu tư công thường gắn liền với hiệu quả thấp so với đầu tư tư nhân. Vì thế, cùng một lượng vốn đầu tư, tổng lợi ích mang lại cho xã hội sẽ nhỏ hơn ở đầu tư công và lớn hơn ở đầu tư tư nhân.

Sự chèn lấn của đầu tư công còn gây ra một tác hại khác nữa là khu vực tư nhân sẽ bị co lại, phá sản một phần, từ đó không chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế (khu vực tư nhân thường là động lực cho tăng trưởng kinh tế ở các nước) mà còn làm giảm số việc làm vì khu vực tư nhân là nơi tạo ra nhiều việc làm hơn.

Bởi vậy, sẽ hoàn toàn không có gì đáng phải vui mừng như Thống đốc đã “vui mừng” nói rằng “sau nhiều năm chúng ta không thể phát hành được trái phiếu thì năm nay chúng ta phát hành thành công trái phiếu và phát hành với khối lượng lớn”. Ngược lại, cần phải coi việc có đến hơn 2/3 lượng tiền cung ứng mới từ NHNN chảy vào ngân sách là một thất bại chính sách vì đã để trái phiếu Chính phủ bóp nghẹt tín dụng doanh nghiệp/tư nhân.

Cũng sẽ có người lập luận rằng trong hoàn cảnh nợ xấu gia tăng thì các ngân hàng không biết đầu tư vào đâu hơn là trái phiếu nên dù không có trái phiếu thì tín dụng sẽ không tăng đáng kể được. Thực tế sẽ không như vậy vì với thanh khoản dồi dào hơn và lãi suất (cho vay của NHNN) thấp hơn thì tín dụng cho doanh nghiệp và cá nhân chắc chắn sẽ tăng lên với lãi suất hạ đi một cách tương đối, tuy có thể không đến mức như kỳ vọng, và đây chính là mục tiêu của chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế của NHNN.

Do đó, việc cần làm hiện nay là giảm thiểu việc phát hành trái phiếu Chính phủ để tín dụng cho nền kinh tế có điều kiện tăng tốc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng mạnh trở lại, buộc NHNN phải giới hạn việc tiếp tục tăng cung tiền trong thời gian tới.
Ts Phan Minh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét