Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Gỡ băng chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH sáng 12.11

Gỡ băng chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH sáng 12.11
BẢN TỔNG HỢP THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG
(Ghi theo băng ghi âm)
Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Kính thưa Quốc hội.
Theo chương trình kỳ họp, từ sáng hôm nay cho đến hết sáng ngày 14, Quốc hội sẽ tiến hành chương trình kỳ họp để nghe báo cáo kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước. Sẽ nghe chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường đối với các vị thành viên Chính phủ và trưởng ngành.
Trước khi phiên họp bắt đầu cho phép tôi được thay mặt Quốc hội xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí khách mời.
Xin trân trọng cảm ơn bà con cử tri cả nước đang theo dõi Kỳ họp Quốc hội của chúng ta.
Mở đầu phiên chất vấn này, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết kiến nghị của cử tri và xin báo cáo với Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẽ gửi báo cáo tới các vị đại biểu Quốc hội để xin ý kiến về việc lập danh sách để các bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Chúng tôi xin được báo cáo thêm một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cho đến kỳ họp này đã có Thủ tướng, Phó Thủ tướng, 9 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn tại Hội trường. Các Phó Thủ tướng khác và hầu hết các bộ trưởng, trưởng ngành đã báo cáo, đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình trước các ủy ban của Quốc hội.
Cũng gần một năm qua thì tất cả các thành viên Chính phủ đã thực hiện chương trình "dân hỏi, bộ trưởng trả lời" và cũng đã trực tiếp trả lời trước đồng bào cử tri cả nước về những công việc mà các ngành liên quan phụ trách và trách nhiệm của các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành của chúng ta.
Tại kỳ họp này, cho đến giờ phút này theo báo cáo tổng hợp Đoàn thư ký đã có 162 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội gửi chất vấn tới Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành. Nhiều câu hỏi đã được trả lời bằng văn bản tới các vị đại biểu Quốc hội. Chúng ta sẽ tiếp tục nhận được những câu hỏi trả lời của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian sớm nhất.
Mở đầu phiên họp, về phần trả lời chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội tại hai kỳ họp trước của Quốc hội chất vấn đối với 9 thành viên Chính phủ.
Sau đó Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến.
Sau phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành thì Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo thêm với Quốc hội những vấn đề liên quan và cũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.
Phiên họp sẽ bắt đầu bằng báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đức Hiền - Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội sẽ trình bày báo cáo trước Quốc hội. Tôi xin trân trọng kính mời đồng chí Nguyễn Đức Hiền.

Nguyễn Đức Hiền - Trưởng Ban dân nguyện
Đọc trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 - Quốc hội Khóa XIII. (có văn bản).

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Thưa Quốc hội.
Như tôi đã báo cáo với Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội thì đồng chí Thủ tướng, đồng chí Phó Thủ tướng và 9 thành viên của Chính phủ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Quốc hội đã ban hành hai nghị quyết về trả lời chất tại hai kỳ họp này.
Bây giờ xin kính mời đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, các chất vấn của Quốc hội nêu tại hai Kỳ họp thứ 2 và thứ 3.
Tôi cũng xin báo cáo thêm là các thành viên Chính phủ đã gửi báo cáo trực tiếp về phần công tác của mình tới các vị đại biểu Quốc hội. Xin kính mời đồng chí Phó Thủ tướng.

Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ
Đọc trình bày báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, các chất vấn của Quốc hội nêu tại hai Kỳ họp thứ 2 và thứ 3 (có văn bản).

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Kính thưa Quốc hội.
Có thể nói các chất vấn về những vấn đề đặt ra của đất nước trong Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đã được các thành viên Chính phủ, tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc và đã bắt đầu có những kết quả khá rõ. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề đang phải tiếp tục giải quyết. Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước hoan nghênh những nỗ lực của các thành viên Chính phủ và nỗ lực chung của Chính phủ và sẽ tiếp tục theo dõi giám sát việc thực hiện những chất vấn tại các kỳ họp trước.
Bây giờ xin phép Quốc hội cho chuyển sang mục chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này. Xin báo cáo với Quốc hội, có thể nói kỳ họp này chúng ta sẽ tiến hành chất vấn 4 bộ trưởng; Bộ trưởng Bộ công thương, Bộ trưởng Bộ xây dựng, Thống đốc ngân hàng và Bộ trưởng Bộ y tế. Qua 162 chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội gửi tới cho Chính phủ, các vị trưởng ngành thì có thể nói là vấn đề mới không nhiều nhưng cái mới chính là các câu hỏi đã đặt ra và yêu cầu việc giải quyết một cách khẩn trương hơn, một cách hiệu quả hơn, một cách chất lượng hơn.
Bộ trưởng Bộ công thương, Bộ trưởng Bộ xây dựng, kể cả Thống đốc ngân hàng cũng sẽ trả lời tại kỳ họp này. Cũng vẫn là tập trung vào khó khăn của sản xuất kinh doanh, cả công nghiệp, cả xây dựng, cả nông nghiệp và các ngành kinh tế khác đã làm cho kinh tế của đất nước có hiện tượng trì trệ, chưa đủ sức để phục hồi. Đi theo đó là doanh nghiệp khó khăn, đi theo đó là nợ xấu phát triển, đi theo đó là hàng tồn kho ứ dọng, đi theo đó là thị trường trong nước và thị trường ngoài nước cần được thúc đẩy phát triển hơn.
Có thể nói đây là vấn đề rất nóng, rất khẩn trương hiện nay. Tại kỳ họp này, Quốc hội và các vị bộ trưởng sẽ cố gắng đưa ra lời giải một cách có hiệu quả. Đấy là yêu cầu của chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Rõ ràng vấn đề không mới, nhưng cách giải quyết thì phải mới. Phải tạo ra được sức bật cho đất nước chúng ta, nhất là chuẩn bị bước vào năm 2013.
Về các vấn đề xã hội thì chúng ta đặt ra giải quyết một vấn đề cũng không mới nhưng đó là vấn đề quan trọng, là vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng chăm sóc sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hiểm y tế, v.v.,
Xin phép Quốc hội để đồng chí bắt đầu. Chúng ta sẽ đặt câu hỏi đối với đồng chí Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Đồng Chí Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ lần lượt trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Đồng chí Bộ trưởng có nói gì trước khi Quốc hội đặt câu hỏi không?

Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ công thương
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãng đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thưa chủ tọa kỳ họp.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội.
Về nghị quyết của Quốc hội sau Kỳ họp thứ 3 chúng tôi đã có báo cáo gửi cho các đại biểu Quốc hội, thực hiện các nhiệm vụ, các công việc mà Quốc hội giao.
Tại kỳ họp này cho đến ngày hôm nay chúng tôi nhận được 13 ý kiến chất vấn bằng văn bản của các vị đại biểu Quốc hội trong đó tập trung chủ yếu vào vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vấn đề quản lý thị trường, vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân, đến giờ phút này chúng tôi đã trả lời đầy đủ 13 văn bản này, có văn bản mới trả lời sáng thứ 6 có thể chưa đến tay các vị đại biểu, mong các vị đại biểu thông cảm. Sau đây chúng tôi xin lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu và xin được trả lời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Xin cảm ơn.


Trương Minh Hoàng - Cà Mau
Kính thưa Quốc hội,
Thưa Bộ trưởng,
Hàng tồn kho lớn ví dụ 40 triệu m2 gạch ốp lát, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 300 tấn thép, gần 100 ngàn tấn kính, hàng chục triệu tấn xi măng và nhiều loại sản phẩm khác. Ngoài lý do vì lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, còn có nhiều nguyên nhân yếu kém trong khâu quy hoạch, cập nhật và dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm ở mức cao. Do tham nhũng thất thoát lãng phí trong quá trình đầu tư, đẩy giá thành sản phẩm lên cao đến mức không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Có thể nói là thua cuộc ngay trên sân nhà. Xin hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ công thương trong vấn đề này như thế nào? Và giải pháp đột phá tới như thế nào? trong thời gian tới để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp do hàng tồn kho lớn hiện nay hiệu quả hơn. Xin cám ơn Quốc hội, cám ơn bộ trưởng.

Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang
Kính thưa Quốc hội,
Thưa bộ trưởng,
Tôi có 2 nội dung xin được gửi đến bộ trưởng:
Thứ nhất, cử tri rất bất an trước thực trạng hàng kém chất lượng, hàng giả được bày bán tràn lan trên thị trường. Vấn đề này đã được phản ánh rất nhiều trong các kỳ họp vừa qua. Tuy nhiên dấu hiệu chuyển biến càng rất ít mà có gia tăng hơn. Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý công tác quản lý thị trường xin bộ trưởng cho biết Ngành công thương đã làm gì trong việc xử lý các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả được bày bán tràn lan trong thời gian vừa qua. Để giải quyết căn cơ vấn đề này trong thời gian tới ngoài việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng thì giải pháp chủ yếu của Ngành công thương là gì.
Vấn đề thứ hai, nước ta là một nước được xác định là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Tuy nhiên sản phẩm gạo Việt Nam giá rất thấp so với thị trường khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân ở đây là do hạt gạo Việt Nam chưa có thương hiệu. Xin bộ trưởng cho biết thời gian qua Ngành công thương đã làm gì đối với vấn đề này, nghĩa là đã làm gì cho thương hiệu gạo Việt Nam. Bộ trưởng có thể cho biết đến bao giờ và làm thế nào hạt gạo Việt Nam mới có được thương hiệu vững chắc trên thương trường quốc tế.


Nguyễn Thái Học - Phú Yên
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa bộ trưởng,
Tại Kỳ họp thứ 3 khi chất vấn các bộ trưởng tôi và nhiều đại biểu Quốc hội khác đã phản ánh tình hình đời sống người dân tại các vùng có triển khai dự án thủy điện như ở Hòa Bình, ở Nghệ An, ở Phú Yên. Tại đây đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, có tới 50 - 60%, có nơi trên 80%. Kết luận phiên trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải có chính sách tạo đột phá để giải quyết ngay tình hình khó khăn này cho nhân dân. Thời gian qua, Bộ công thương cũng đã có nhiều đoàn công tác về làm việc tại các địa phương nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Người dân vẫn đang chờ đợi chính sách tạo đột phá để giải quyết ngay khó khăn cho nhân dân của Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo là gì, khi nào được triển khai. Đề nghị bộ trưởng cho biết bộ trưởng đã và đang sẽ làm gì để thực hiện kết luận chỉ đạo này của Chủ tịch Quốc hội. Xin trân trọng cảm ơn bộ trưởng.

Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình
Kính thưa Quốc hội.
Kính thưa Bộ trưởng.
Quyền lợi người tiêu dùng đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng, biểu hiện là Thứ trưởng đã nói nhiều lần nhưng vẫn còn xuất hiện hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, thuốc chữa bệnh khó kiểm soát, cùng một bệnh viện, cùng một loại thuốc, cùng một hãng sản xuất nhưng từng bệnh viện khác nhau thì có giá trị khác nhau.
Giá xăng, dầu diễn biến khó hiểu và theo dư luận có biểu hiện của lợi ích nhóm, chất lượng không đảm bảo có thể gây nguy hiểm cho phương tiện và người sử dụng, đặc biệt nơi đông người và khu chung cư. Nhiều loại thực phẩm hoa quả có dư lượng hóa chất cao, nhiều tin đồn làm gây hoang mang người tiêu dùng. Hậu quả đối với người tiêu dùng bức xúc vì quyền lợi bị vi phạm, tâm lý bất an, mua không dám mua, ăn không dám ăn vì sợ nguy hiểm.
Đối với người sản xuất chân chính bức xúc vì hàng hóa, sản xuất không bán được, người làm trung thực thì phải nộp thuế, người gian lận thì không nộp thuế và lợi nhuận cao hơn. Đúng như dân gian chúng ta thường nói: làm thật thì ăn cháo, lếu láo thì ăn cơm. Người tham gia dịch vụ bức xúc vì lợi nhuân không thu lại được, hàng hóa ế ẩm, bỏ nghề thì mất nghiệp, buôn bán thì lâm vốn vì hàng hóa không bán được. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và hướng khắc phục sắp tới như thế nào. Xin cảm ơn Quốc hội.

Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ công thương
Kính thưa Quốc hội,
Thứ nhất, ý kiến của đại biểu Trương Minh Hoàng về vấn đề hàng tồn kho. Về vấn đề hàng tồn kho tại Kỳ họp thứ 3 Chủ tịch Quốc hội đã kết luận đây là một công việc cấp thiết cần phải được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết. Trong phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 chúng tôi đã có dịp báo cáo với đại biểu Quốc hội. Trước hết, xin khẳng định với Quốc hội, trong thời gian vừa qua kể từ Kỳ họp thứ 3 cho đến nay với sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng các doanh nghiệp và việc các nhóm giải pháp của các bộ, các ngành, các địa phương, với sự chỉ đạo gắt gao của Chính phủ và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, tình hình giải quyết hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến. Tôi xin báo cáo một con số là tính thời điểm từ ngày 01.06.2012, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo là 26% đến ngày 01.10.2012 giảm xuống còn 20% và nếu so chỉ số này với chỉ số hàng tồn kho của thời điểm 1-10-2012 còn thấp hơn thời điểm 2011.
Hiện nay tồn kho lớn như đại biểu Quốc hội đã nêu, trong đó tập trung vào vật liệu xây dựng, sắt thép, một số chủng loại phân bón và chừng mực nào đó là than đá.
Khi phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, chúng tôi đã báo cáo đối với 5 nhóm hàng hóa này thì các bộ, các ngành, các doanh nghiệp đã có hướng xử lý.
Về than đá tồn kho đến 1-10 khoảng 6,5 triệu tấn than quy chuẩn, tức là khoảng 19% theo mức bình thường tồn kho 15% là đảm bảo yêu cầu thì ngành Than đã tập trung thực hiện rất nhiều các giải pháp. Trong đó có cả vấn đề điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường.
Vừa qua, ngành Than không phải chỉ có tăng giá than mà cũng đã thực hiện việc giảm giá than cho một số bộ tiêu thụ. Đặc biệt với quyết định của Chính phủ cho giảm thuế suất khẩu từ mức 20% xuống còn 10% thì ngành Than báo cáo khoảng đến cuối năm sẽ đưa mức tồn kho than trở lại mức bình thường là khoảng 15%.
Đối với thép, hiện nay tồn kho khoảng 190.000 tấn. Đây là mức tồn kho tương đối cao. Một lý do là sản xuất trong nước thời gian vừa qua do việc kiểm tra, kiểm soát của chúng ta chưa thật chặt chẽ theo quy hoạch cho nên có việc công suất của các nhà máy thép dư thừa hơn so với nhu cầu.
Thứ hai là do thép nhập ngoại tăng lên do giá thấp hơn.
Đứng trước tình hình này, Bộ công thương phối hợp với Bộ tài chính thực hiện một số giải pháp. Trước hết, tiếp tục duy trì việc cấp giấy phép nhập khẩu một cách tự động đối với thép xây dựng để làm sao điều hành một cách linh hoạt và có thể khống chế được lượng thép nhập khẩu.
Thứ hai, Bộ tài chính đang xem xét điều chỉnh thuế suất, thuế nhập khẩu đối với thép.
Thứ ba là cùng với ngành xây dựng và ngành giao thông vận tải đang có các biện pháp đẩy nhanh các dự án đầu tư thì chúng tôi nghĩ tình hình thép thời gian tới sẽ có thể có chuyển biến hơn.
Riêng về phân bón, một số trồng lại do tính chất thời vụ trong sản xuất nông nghiệp, thời gian vừa qua phân đạm, phân NPK có một số lượng tồn kho tương đối lớn. Tuy nhiên, như chúng tôi đã báo cáo Quốc hội, chúng ta bước vào vụ sản xuất đông xuân thì việc sử dụng các chủng loại phân bón này sẽ được thực hiện tương đối tốt và chúng ta cũng không phải quan tâm, lo lắng nhiều về tồn kho trong phân bón.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội hỏi về tồn kho đối với vật liệu xây dựng thì nó liên quan đến bất động sản và có liên quan đến các công trình xây dựng, chúng tôi cũng xin được báo cáo nhanh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng, Bộ giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ tài chính có những biện pháp cụ thể, trong đó có việc tăng cường đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công.
Thứ hai là tính toán để có những biện pháp tháo gỡ từng bước khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Với những biện pháp này, chúng tôi tin rằng thời gian tới những vướng mắc, những tồn kho lớn về vật liệu xây dựng trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực xây dựng cũng sẽ được tháo gỡ từng bước. Đó là ý kiến thứ nhất với đại biểu Trương Minh Hoàng.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về hàng chất lượng kém đang lưu thông trên thị trường. Đây đúng là một hiện trạng như Chủ tịch Quốc hội đã nêu trong phần phát biểu của mình, đây là vấn đề không mới đã tồn tại một thời gian tương đối dài, chúng ta cũng đã làm được nhiều việc, nhưng đến giờ phút này thì chúng ta còn nhiều việc chưa làm được. Chính vì thế có trách nhiệm trước dân đối với vấn đề để cho nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục lưu thông trên thị trường ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Chúng tôi trong thời gian vừa qua thưa với Quốc hội, về vấn đề quản lý thị trường cũng không phải chỉ có lực lượng quản lý thị trường là lực lượng duy nhất mà chúng ta có rất nhiều các lực lượng khác của ngành y tế, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành khoa học và công nghệ, của Bộ công an v.v… các lực lượng này phối hợp với nhau để đảm bảo vấn đề quản lý thị trường theo đúng mục tiêu chúng ta mong muốn đó là có một thị trường lành mạnh vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước và ngăn chặn những hàng chất lượng kém.
Tuy nhiên những biện pháp trong thời gian vừa qua mức độ đạt hiệu quả còn đang hạn chế như chúng tôi đã có dịp báo cáo các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cũng đã nêu nhiều lần. Chúng tôi nghĩ rằng đây chính là một trong những việc trong thời gian tới ngành quản lý thị trường nói riêng của Bộ công thương cũng như các lực lượng chức năng sẽ phải quan tâm nhiều hơn. Trong đó chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội một số giải pháp chúng tôi đã thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện.
Trước hết về mặt khung pháp lý chúng ta sẽ phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý liên quan đến vấn đề quản lý thị trường, trong đó có vấn đề tiêu chuẩn, quy phạm đối với chất lượng sản phẩm, trong đó có vấn đề xử phạt đối với những hành vi vi phạm, trong đó có vấn đề nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lực lượng tham gia về quản lý thị trường. Tinh thần trách nhiệm của lực lượng này và có các vấn đề liên quan đến các biện pháp giáo dục, tuyên truyền để cho cộng đồng, để cho người dân, để cho xã hội hiểu biết hơn nữa về vấn đề quản lý thị trường góp phần cùng với các lực lượng chức năng để làm tốt hơn.
Những vấn đề này vừa mang tính chất trước mắt, vừa mang tính chất lâu dài, chúng tôi cũng đã thực hiện và tiếp tục sẽ thực hiện. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất mong cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm hơn nữa và tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để cho lực lượng quản lý thị trường nói riêng và các lực lượng tham gia vào quản lý thị trường nói chung hoàn thành được nhiệm vụ của mình, phấn đấu trong thời gian tới đây vấn đề này sẽ được giải quyết từng bước một cách căn cơ hơn.
Thứ hai, vấn đề xuất khẩu gạo như đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đã nêu, năm 2012 chúng ta vươn lên thành nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Dự kiến cả năm chúng ta xuất khẩu 7,5 – 7,6 triệu tấn gạo. Đây là thành tích lớn của cả nước, trong đó đặc biệt là của bà con nông dân. Tuy nhiên như đại biểu đã nói, chúng ta có lượng gạo xuất khẩu lớn nhưng giá cả chưa phù hợp, hay nói cách khác là giá cả của chúng ta còn thấp trong tương quan so sánh với giá gạo của một số nước, ví dụ như Thái Lan.
Nguyên nhân lý do có nhiều, trong đó có vấn đề là chủng loại gạo của chúng ta xuất khẩu loại chất lượng cao thì còn hạn chế, chúng ta điều hành việc thu mua xuất khẩu còn hạn chế, có xuất hiện nhiều thị trường mới xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Mianma, Campuchia dẫn đến sức ép giữa cung và cầu có sự khó khăn cho gạo của Việt Nam và cả thương hiệu hàng Việt Nam như có đại biểu đã nêu. Trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn làm được một số ít việc, chưa phải nhiều nhưng mới bắt đầu, đầu tiên xuất phát từ khâu giống. Trong sản xuất nông nghiệp, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có khuyến cáo bà con nông dân quan tâm hơn đến giống gạo có chất lượng cao mà không nên chạy theo giống gạo có năng suất cao mà chất lượng thấp, ví dụ gạo IR 54040, gạo này năng suất cao nhưng khi bán ra thị trường giá không được cao. Vấn đề về giống chúng ta phải dần dần hình thành những vùng sản xuất có loại giống cao hơn.
Thứ hai, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc tổ chức các hoạt động về xúc tiến thương mại, xúc tiến giới thiệu về sản phẩm gạo, chúng ta có hội chợ lúa gạo đã tổ chức nhiều năm nay tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, qua đó giới thiệu cho thị trường bên ngoài, các nhà tiêu thụ gạo biết về gạo của Việt Nam và từng bước tạo dựng hình ảnh gạo Việt Nam đứng vững ở trên thị trường trong nước và vươn ra ở bên ngoài, thông qua các hội chợ bên ngoài ở các nước tiêu thụ nhiều sản phẩm gạo Việt Nam thì cũng từng bước giới thiệu sản phẩm.
Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cùng Bộ công thương đã cố gắng làm sao để ký được các hợp đồng tiêu thụ gạo dài hạn với các nước có tiềm năng. Gần đây nhất báo cáo với Quốc hội, chúng ta đã ký được với Inđônêxia gia hạn Hiệp định xuất khẩu gạo với mức đến 1,5 triệu tấn/ 1 năm từ năm 2013 đến năm 2017. Chúng ta đã ký được gia hạn hợp đồng xuất gạo với mức đến 1,5 triệu tấn/ 1 năm đến năm 2013 với Phillipin và chúng ta cũng đã có những thỏa thuận xuất khẩu gạo cho Malaixia với mức độ khoảng nửa triệu tấn một năm. Chúng tôi nghĩ đây là một trong những biện pháp hết sức căn cơ, góp phần tạo điều kiện tiêu thụ lúa gạo, hàng hóa cho bà con nông dân.
Còn rất nhiều việc khác phải làm, chúng tôi xin báo cáo với đại biểu Quốc hội sẽ cùng với ngành, chức năng tiếp tục trong thời gian tới góp phần vào đưa hình ảnh gạo Việt Nam khẳng định vị thế, thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế để chúng ta nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Xin Bộ trưởng tạm thời dừng tại đây để Quốc hội nghỉ giải lao.
Tôi xin nói một ý thế này, câu hỏi của đồng chí đại biểu Trương Minh Hoàng là hỏi khác đấy.
Câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng muốn nhấn mạnh về chất lượng, về thương hiệu. Lát nữa vào đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ thêm cho một chút.
Anh Hoàng muốn hỏi là nguyên nhân về quy hoạch, về dự báo, về quản lý nhà nước, về giá thành nó làm cho hàng của ta nó tồn kho. Hỏi là hỏi chỗ đấy, việc này nó liên quan đến mấy bộ đấy: Bộ Kế hoạch có, quy hoạch, cân đối có. Bộ Công nghiệp có, chất lượng của hàng hóa, chất lượng hàng hóa làm nó xấu không bán được nó để tồn kho, chứ không phải vì kinh tế thế giới. Câu hỏi này mới và chất lượng. Bộ trưởng chưa trả lời ở chỗ đấy.
Rất cảm ơn Bộ trưởng đã giải thích tình trạng tồn kho, đồng chí Bộ Xây dựng cũng nói về tình trạng tồn đọng, về bất động sản, đồng chí Bình cũng sẽ phải giải quyết vấn đề này.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé thì hỏi tức là bao giờ thì có thương hiệu Việt Nam. Bao giờ chất lượng gạo Việt Nam lại tốt hơn nước khác. Hỏi thế thôi. Hỏi chơi mới khó các đồng chí ạ.
Cho nên tôi đã nói là vấn đề lần này không mới, nhưng câu hỏi của Quốc hội đặt ra sẽ tập trung vào chất lượng, nâng cao chất lượng. Mong Bộ trưởng và các bộ trưởng về sau sẽ chú ý trả lời vào những vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu trọng tâm như thế.
Một ý nữa là đại biểu Nguyễn Thái Học chỉ hỏi có một việc thôi. Hỏi về chính sách cho đồng bào phải tái định cư khi xây thủy điện. Có một chính sách ấy thôi. Bộ trưởng trả lời gọn một chỗ cho.
Xin mời Quốc hội nghỉ giải lao 20 phút.

(Quốc hội nghỉ giải lao)

Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ công thương
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin phép được giải trình thêm về ý kiến của đại biểu Trương Minh Hoàng và đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé xung quanh vấn đề các nguyên nhân, lý do dẫn đến tồn kho và những giải pháp căn cơ hơn, trong phần phát biểu của chúng tôi đã đề cập phần này, đó là vấn đề quy hoạch đối với một số hàng hóa, một số sản phẩm trong thời gian vừa qua, ví dụ sắt, thép thì việc chúng ta xây dựng, ban hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch có những điều bất cập, giữa nhu cầu với bố trí sản xuất không đồng đều, cho nên dẫn đến trong thời gian vừa qua có hiện tượng dư thừa sắt, thép, nhất là sắt, thép xây dựng và trong một số lĩnh vực khác cũng tương tự như vậy. Đây là một điểm yếu trong công tác quản lý Nhà nước và trong công tác kiểm tra thực hiện quy hoạch.
Vấn đề thứ hai, theo chúng tôi đó là vấn đề dự báo, đứng trước tình hình như vậy thì công tác dự báo của chúng ta còn những hạn chế, thậm chí yếu kém và trong này nó có vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải có cảnh báo, cần phải có các khuyến cáo cho các doanh nghiệp, nếu thấy tình hình có thể dẫn đến dư thừa sản phẩm thì cũng cần nhắc nhở, khuyến nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn để bố trí sản xuất cho phù hợp, tránh tình trạng sản xuất mà không dẫn đến tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai là vai trò của bản thân các doanh nghiệp cũng thiếu chủ động trong xem xét, trong cân nhắc phân tích thị trường để kịp thời điều chỉnh sản xuất thì hạn chế này, khuyết điểm này trong những tháng vừa qua, vấn đề đã được Quốc hội nêu thì có rất nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn và chủ động trong bố trí sản xuất lại. Chính vì thế đây là một trong những nguyên nhân làm cho lượng hàng tồn kho của chúng ta trong một số mặt hàng có giảm hơn. Chúng tôi nghĩ rằng những nguyên nhân, những lý do này đã tương đối rõ và trong thời gian tới cần phải tập trung để chúng ta khắc phục, trong đó có chất lượng của quy hoạch, chất lượng quản lý nhà nước và chất lượng dự báo.
Vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu về xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam hay nói rộng hơn là thương hiệu đối với các nông sản của Việt Nam.
Báo cáo với Quốc hội, thời gian vừa qua chúng ta cũng đã bước đầu có sự quan tâm, chúng ta có Hội đồng thương hiệu quốc gia và hàng năm hội đồng này đều có yêu cầu các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các địa phương đăng ký và thực hiện các thủ tục để chúng ta có thể xây dựng các thương hiệu đối với những sản phẩm cụ thể. Với công việc này trên thực tế thời gian vừa qua chúng ta đã có một số nông sản có thương hiệu. Ví dụ như bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, thanh long của Bình Thuận. Những sản phẩm này tiêu thụ tốt trong nước nhưng xuất khẩu cũng có uy tín, kể cả những thị trường khó tính, tuy nhiên cũng mới chỉ ở bước đầu.
Chúng tôi nghĩ rằng cái khó với chúng ta đó là thương hiệu gạo. Như chúng tôi đã báo cáo, muốn có được thương hiệu gạo Việt Nam chúng tôi nghĩ trước hết phải sắp xếp và quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp nhất là vùng trồng lúa. Mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng là một trong những phương thức chúng tôi cho rằng nó sẽ giúp cho chúng ta có sản phẩm hàng hóa chất lượng đồng đều và chi phí hợp lý hơn. Đấy là bước đầu chúng tôi nghĩ như vậy.
Thứ hai là vai trò của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh về xuất khẩu gạo cũng phải tham gia tích cực hơn vào việc quảng bá và giúp cho người nông dân nhận thức được những chủng loại sản phẩm lúa gạo nào đáp ứng yêu cầu của thị trường để hướng dẫn bà con, giúp bà con tiêu thụ.
Thứ ba, tham gia vào các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị toàn cầu, vấn đề này chúng ta đang còn yếu, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất ra bên ngoài nhưng lại bị dùng nhãn mác của nước khác, đây là một yếu kém, một sự tồn tại trong vấn đề quảng bá và xúc tiến thương mại. Chúng tôi nghĩ đã có sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, các ngành đang phối hợp để chúng ta thúc đẩy hơn nữa để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là việc làm mới, việc làm còn ít kinh nghiệm nhưng chúng ta sẽ phải cố gắng. Với tinh thần đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thương hiệu quốc gia để trong thời gian tới từng bước một có lộ trình sớm đưa gạo Việt Nam có thương hiệu trên thế giới.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thái Học về vấn đề cơ chế đặc thù cho bà con vùng có dự án thủy điện phải di dời, nhường lại nhà cửa cho các dự án. Chúng tôi cho rằng đối với những vùng này phải có cơ chế hết sức đặc thù, vừa qua Chính phủ cũng đã có những quyết định rất mới. Đó là trong các dự án thủy điện có phần di dân tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng cho các công trình thì có hợp phần riêng cho di dân tái định cư đền bù giải phóng mặt bằng. Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương bởi vì hơn ai hết chính quyền các địa phương nơi có dự án mới có điều kiện nắm chắc tình hình thực tại và có điều kiện để phân bổ, sắp xếp lại quyền sử dụng đất, trong đó có đất tái định cư có bà con vùng dự án. Tôi cho rằng quyết định này của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua hết sức phù hợp với lòng dân. Chính vì thế nhiều tồn tại của các dự án thủy điện vừa qua trong vấn đề liên quan đến giải quyết đời sống cho bà con vùng dự án đã từng bước được khắc phục.
Ý thứ nhất, tôi nghĩ rằng các địa phương cũng ủng hộ theo cách làm này.
Thứ hai, theo chúng tôi, bên cạnh những cơ chế, chính sách chung đối với đền bù, giải phóng mặt bằng thì cơ chế, chính sách đặc thù cũng cần được thể hiện đối với những dự án thủy điện.
Chẳng hạn, vừa qua Chính phủ đã quyết định kể cả đối với những hộ dân chỉ có khoảng 30% đất bị ảnh hưởng và bị thu hồi phục vụ cho dự án thì cũng có thể xem xét để đưa vào diện đối tượng được di dân đến khu vực mới. Cơ chế này, từng bước được áp dụng tại một số dự án, kể các các dự án đường dây 220kv xây dựng qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, một số dự án thủy điện ở Bản Vẽ, ở An Khê - Ka Nắc, gần đây là thủy điện Sông Tranh 2. Tôi cho rằng đấy là chính sách đặc thù, cơ chế phù hợp với điều kiện tại các dự án.
Thứ ba, vấn đề giải quyết việc làm cho bà con ở khu vực này. Giải quyết việc làm ở đây phải phù hợp với trình độ dân trí, với khả năng tiếp cận công việc của bà con. Không thể yêu cầu cao như ở các vùng khác. Về vấn đề này đòi hỏi phải linh hoạt trong vấn đề xem xét khi thu nhận bà con vào làm việc thông qua các dự án. Gần đây, theo chỉ đạo của Chính phủ đối với những thủy điện có quy mô lớn thì chúng ta đã có những đề án về khuyến công, khuyến nông, tạo dựng các khu công nghiệp để thu hút bà con vào làm việc tại các khu vực này.
Tất nhiên không phải khu vực nào cũng làm được việc này, nhưng cách chúng ta xử lý gắn chặt ổn định cuộc sống với giải quyết việc làm là một hướng cần được duy trì và phát triển trong thời gian tới.
Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các dự án này, nhất là đối với những hợp phần về di dân, tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng cũng là công tác hết sức quan trọng. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát chúng ta kịp thời phát hiện những bất cập, thậm chí những sai sót và khuyết điểm của các chủ đầu tư để chúng ta chấn chỉnh, uốn nắn và kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng của bà con.
Ý kiến thứ tư của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương xung quanh vấn đề trách nhiệm của Bộ công thương có liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là vấn đề xăng, dầu thì trong phần đầu chúng tôi đã báo cáo về thực trạng hiện nay, mặc dù lực lượng quản lý thị trường của ngành công thương đã nỗ lực cố gắng, nhưng còn nhiều khuyết điểm, hạn chế, có nhiều nguyên nhân. Riêng về xăng, dầu thì trong Báo cáo của Chính phủ, của Bộ tài chính và của chúng tôi về điều hành giá xăng, dầu cũng xin báo cáo với Quốc hội, chúng ta hiện nay vẫn kiên trì chủ trương thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cơ chế này đã được vận hành từ năm 2009 cho đến nay chúng ta cũng đạt được một số kết quả.
Tuy nhiên, nó vẫn xảy ra tình trạng như đại biểu Quốc hội đã phản ánh, việc điều hành còn có những bất cập, thời gian để chúng ta tăng, giảm giá, thời điểm chúng ta quyết định tăng, giảm giá và một số quy định trong Nghị định 84 đã tỏ ra không còn phù hợp. Vì thế Chính phủ đã chỉ đạo Bộ tài chính, Bộ công thương xem xét tổng kết việc thực hiện Nghị định 84 để trong tháng 12 này trình Chính phủ xem xét sửa đổi, trách nhiệm ngành công thương trong vấn đề quản lý chất lượng xăng, dầu có vấn đề như đại biểu đã nêu. Tình trạng gian lận, xăng chất lượng kém, không những chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn có thể ảnh hưởng đến tài sản và cũng gây bức xúc trong dư luận. Chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp tục xử lý những sai phạm này trong thời gian tới là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng khoa học công nghệ về vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, chúng tôi sẽ tham mưu chỉ đạo với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tạo sức mạnh chung trong vấn đề quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các sai phạm. Đối với những trường hợp trong lực lượng có những cá nhân, có những đơn vị không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp sẽ kiên quyết xử lý kỷ luật và đến mức độ cần phải chuyển sang cơ quan chức năng thì cũng sẽ xử lý như vậy. Vừa qua chúng ta đã làm một số việc nhưng chưa được nhiều, về trách nhiệm của Bộ công thương chúng tôi đã có dịp báo cáo với Quốc hội.
Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội là tiếp tục được xem một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương trong thời gian tới, thực hiện tốt hơn công tác quản lý thị trường, nhất là không để cho nạn hàng giả, hàng nhái phát triển như hiện nay làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chính đáng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời hai câu hỏi của tôi. Tuy nhiên, chúng tôi thấy việc xuất khẩu gạo chúng ta có lịch sử lâu đời rồi và Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các nhà khoa học và người nông dân đã quyết liệt trong việc đổi mới nâng cao chất lượng của sản phẩm lúa gạo Việt Nam. Chúng ta thấy lúa gạo Việt Nam xuất khẩu đến giờ phút này giá rất rẻ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân.
Bộ trưởng vừa trả lời là để làm tốt thương hiệu này còn làm ảnh hưởng rất nhiều. Ví dụ hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta làm thế nào đó để hoàn thiện, để thực hiện tốt sự phối hợp của các bộ, ngành, đồng thời có vai trò của doanh nghiệp tích cực hơn trong việc xúc tiến vấn đề này. Như vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực xúc tiến vấn đề và tạo thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam thì Bộ công thương phải làm gì chứ không phải chúng ta cứ nói đợi cái này, đợi cái kia, biết đến bao giờ thì hạt gạo Việt Nam mới có được thương hiệu. Xin cảm ơn bộ trưởng.

Nguyễn Thái Học - Phú Yên
Kính thưa Quốc hội.
Kính thưa Bộ trưởng.
Tôi cảm ơn bộ trưởng đã trả lời câu hỏi của tôi, nhưng nội dung trả lời của bộ trưởng tôi thấy chưa thật rõ và hơn nữa bộ trưởng chỉ đề cập đến những dự án thủy điện hiện nay đang triển khai thì có những cơ chế chính sách như thế. Nhưng những dự án thủy điện đã triển khai lâu rồi. Ví dụ như Hòa Bình trên 40 năm, nhiều địa phương khác cũng có những dự án thủy điện triển khai 10 năm, 20 năm, bây giờ đời sống của người dân ở đó khó khăn, người dân mong muốn có sự khảo sát, đánh giá lại và có chính sách hỗ trợ thật sự cần thiết thì mới có thể giúp cho đời sống người dân ở đây tốt hơn. Xin đề nghị bộ trưởng nói rõ phần này hơn. Xin hết.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Vấn đề chất lượng hàng xuất khẩu gạo, đồng thời nó cũng là một câu hỏi đại biểu cho các hàng nông sản của Việt Nam và đi theo đó là thương hiệu của các mặt hàng nông sản này, chất lượng tốt, giá thành hợp lý, thương hiệu cao, thương hiệu tốt thì xuất khẩu giá rất cao, lợi ích sẽ lớn và liên quan cả tới Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, không chỉ Bộ trưởng Bộ công thương.
Thứ hai, câu hỏi liên quan tới chính sách đặc thù đối với di dân tái định cư của đồng bào ở vùng làm thủy điện, nhất là đồng bào dân tộc miền núi.
Đề nghị hai câu hỏi này Bộ trưởng Hoàng xin nói rõ thêm được không? sau đó xin mời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp lên phát biểu luôn để cho rõ ràng về thương hiệu, về chất lượng. Xin mời Bộ trưởng Hoàng.

Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ công thương
Thưa Quốc hội,
Về nội dung liên quan đến thương hiệu cho hàng hóa là nông sản trong đó có gạo. Như chúng tôi đã báo cáo có vai trò của các doanh nghiệp đúng là bây giờ bản thân một mình doanh nghiệp cũng có nhiều khó khăn nên phải có vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ công thương chúng tôi. Thời gian vừa qua cũng triển khai một số biện pháp, ví dụ như chúng tôi đã báo cáo tăng cường việc đàm phán để ký kết các hợp đồng dài hạn trong xuất khẩu gạo với các nước.
Thứ hai là tăng cường hoạt động xúc tiến giới thiệu sản phẩm thông qua Hội chợ giới thiệu về nông sản, hội chợ chuyên về gạo tổ chức trong nước và ngoài nước.
Thứ ba là ở đây chúng tôi nghĩ rằng vừa qua làm chưa tốt đó là vai trò phối hợp dẫn dắt và có bàn bạc một cách cụ thể với các doanh nghiệp xem khâu yếu là cái gì và họ cần cái gì ở các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xây dựng thương hiệu.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đã nêu, trong thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, các ngành trước hết là Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với Bộ công thương trong vai trò định hướng và hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản của Việt Nam.
Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thái Học thì đúng là đối với một số công trình thủy điện được xây dựng từ nhiều năm nay như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Thác Bà v.v… hiện nay vẫn còn tồn tại một số nhu cầu của bà con ở khu vực đó. Chúng tôi cho rằng đó là những nhu cầu hết sức chính đáng, kể cả nhu cầu có điện, mặc dù đường điện đi qua ở trên đầu nhưng không ít nơi còn chưa có điện.
Nhu cầu về công ăn việc làm, về đời sống, cùng với những cơ chế đặc thù mà áp dụng cho các công trình thủy điện đang xây dựng hiện nay như chúng tôi đã báo cáo thì chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, với đề xuất của các địa phương thì Chính phủ đã chỉ đạo từng bước xem xét những nhu cầu của bà con ở những vùng đã xây dựng thủy điện thông qua các chương trình mục tiêu, thông qua phân bổ ngân sách, xóa đói giảm nghèo hàng năm.
Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng những điều đó chưa đủ sức, vì vậy chúng tôi cũng xin báo cáo với đại biểu Quốc hội, sau kỳ họp chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, nơi có những dự án như thế này nghe ngóng, xem xét, khảo sát và qua thực tế sẽ báo cáo với Chính phủ và đề xuất hướng giải quyết đối với nhu cầu này. Xin hết.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Xin cám ơn Bộ trưởng,
Như vậy Bộ trưởng đã nói khá rõ, đối với đồng bào tái định cư thủy điện thì rất khó khăn, đồng bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số ở đó nhiều, nghiên cứu Bộ trưởng sẽ tiến hành cho khảo sát lại các dự án di dân tái định cư của các công trình thủy điện. Từ đó xây dựng một chính sách đặc thù hơn để giải quyết cho đồng bào. Tôi thấy ý kiến của Bộ trưởng như thế là rõ. Xin mời Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn nói rõ thêm thời điểm của nông nghiệp trong việc xuất khẩu gạo nói riêng và một số mặt hàng thủy sản làm sao chất lượng tốt, làm sao giá thành hợp lý, làm sao thương hiệu của Việt Nam, bây giờ số lượng gạo đến đâu, thương hiệu có đứng đầu không, có bao giờ đạt được mức đó không?

Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ nông nghiệp & PTNT
Kính thưa Quốc hội,
Vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cũng như các hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nói chung là vấn đề rất lớn và thời gian vừa qua Chính phủ đã quan tâm về vấn đề này. Thực chất của xây dựng thương hiệu đó là nâng cao chất lượng và duy trì sự ổn định của chất lượng hàng hóa. Để làm việc này thì Chính phủ đã chỉ đạo vào 4 khâu.
Một, chọn, tạo và phổ biến cho nhân dân các giống có chất lượng cao hơn, năng suất cao hơn;
Hai, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn cũng như những hình thức tổ chức để có sản lượng hàng hóa lớn và đồng đều với giá thành rẻ hơn;
Ba, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng kho, dự trữ, bảo quản đảm bảo chất lượng ổn định.
Bốn, xúc tiến thương mại.
Cả bốn việc này đã có chương trình. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải làm mạnh hơn và đồng bộ hơn. Chúng tôi thấy rằng đây là một quá trình. Đại biểu hỏi là khi nào thì đạt được.
Báo cáo với Quốc hội, chúng ta xuất khẩu gạo đã 23 năm. Nếu nhìn lại chất lượng gạo xuất khẩu năm 1989, 1990 đến giờ thì nước ta đã dần chuyển từ nước xuất khẩu gạo chất lượng thấp sang nước xuất khẩu gạo có chất lượng trung bình. Tất nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đi theo hướng này. Chúng ta mong muốn đi nhanh hơn để đem lại hiệu quả cao hơn cho cả nông dân và quốc gia.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Xin cám ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã làm rõ hơn và trả lời khá rõ ràng. Có thể nói từ nghiên cứu khoa học tới làm giống má cho tốt, tới chế biến cho tốt, tổ chức sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại các doanh nghiệp cho tốt. Lo thương mại cho tốt thì chúng ta sẽ có thương hiệu tốt và chất lượng tốt.
Chúng ta sẽ phấn đấu, theo tôi nghĩ đến 2020, không biết có được không, chất lượng của chúng ta sẽ tương xứng với sản phẩm của chúng ta và thế mạnh của chúng ta là không chỉ gạo mà một số nông, thủy, hải sản khác nữa. Xin các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi

Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội
Kính thưa Quốc hội,
Thưa Bộ trưởng,
Vấn đề chúng tôi muốn nêu đã được 2 đại biểu trước tôi đề cập một phần và cũng đúng như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề không mới và Bộ trưởng cũng đã giải thích một phần, đó là tình trạng thị trường hàng hóa trong nước đang có những vấn đề bất ổn về thực phẩm, về rau quả, về gia cầm, về hàng hóa tiêu dùng, quần áo, đồ chơi trẻ em, giống lúa, giống cây trồng vật nuôi, phân bón giả, kém chất lượng v.v…, việc phát hiện ngày càng nhiều nhưng nhập khẩu lưu thông vẫn tràn lan trên thị trường khiến cử tri hoang mang lo lắng. Chúng tôi muốn tiếp cận ở góc độ phòng và chống tình trạng trên một cách đồng bộ và có hệ thống. Tôi xin gửi đến Bộ trưởng hai ý kiến của cử tri Hà Nội.
Một là vì sao hàng hóa, thực phẩm, nông sản như hóa chất độc hại, kém chất lượng vẫn được nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam mà chưa bị chặn đứng. Bộ trưởng đã chỉ đạo việc kiểm soát và quản lý thị trường như thế nào trước tình trạng trên. Tôi cho rằng đây là những vấn đề phải phòng, những giải pháp phải phòng.
Thứ hai, với trách nhiệm quản lý và phát triển thị trường hàng hóa trong nước. Xin Bộ trưởng cho cử tri biết đã có chương trình kế hoạch gì, nhất là đến khi nào việc nghiên cứu và sản xuất hàng hóa trong nước được phát triển để hàng hóa trong nước chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Tôi nghĩ rằng đó cũng chính là những giải pháp phải chống. Xin gửi tới Bộ trưởng hai ý kiến của cử tri Hà Nội và mong được Bộ trưởng trả lời. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Trần Khắc Tâm - Sóc Trăng
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Bộ trưởng,
Chưa bao giờ tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khó khăn như hiện nay. Nguyên liệu thiếu, các nhà máy chế biến phải chạy mới có tôm chế biến để giao hàng đúng hợp đồng. Nhưng có một nghịch lý một khi tôm càng bệnh người nuôi tôm càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh cấm. Điều này vô tình càng đẩy con thuyền xuất khẩu của tôm Việt Nam vào vùng biển đầy san hô, giông tố.
Mặt khác các nước nhập khẩu cũng liên tục dựng lên những hàng rào kỹ thuật không công bằng đối với tôm Việt Nam. Như tại một thị trường nhập khẩu khá lớn tôm từ Việt Nam xin cho phép tôi không nêu cụ thể nước nào thì bị kiểm tra nghiêm ngặt chất bảo quản bột cá ethoxiquin với hàm lượng ngặt nghèo, trong khi tôm của một nước láng giềng với chúng ta thì không bị kiểm tra. Tôi được biết sắp tới đây thị trường tiềm năng nói trên đang chuẩn bị kiểm tra hàm lượng Oxytetracycline với mức cho phép chỉ 10ppb trong khi Việt Nam cho phép 100ppb.
Nhật là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu tôm của Việt Nam, những rào cản kỹ thuật đã khiến tôm bán giá thấp, bán không được nhiều khiến nhiều nhà máy chế biến thua lỗ. Xin đặt câu hỏi, với trách nhiệm của bộ trưởng thì bộ trưởng có giải pháp gì để giúp cho các nhà sản xuất tôm Việt Nam được đối xử công bằng khi xuất khẩu tôm đi các nước.
Hai, bộ trưởng có phương pháp gì để hạn chế không sử dụng các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Ba, có chính sách gì để ưu đãi cho cả người nuôi tôm và các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu.
Vấn đề thương hiệu lúa gạo Việt Nam xin gửi đến Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam chúng ta đã xây dựng bộ tiêu chí chung cho thương hiệu gạo Việt Nam chưa và ở tỉnh Sóc Trăng chúng tôi hiện nay đã xây dựng xong bộ tiêu chí cho sản phẩm gạo, tôm Sóc Trăng. Nhưng chỉ mới dừng lại ở cấp độ địa phương nên còn khó khăn trong quá trình vươn xa trên thị trường xuất khẩu. Xin Bộ trưởng giúp cho gạo Sóc Trăng được đạt theo tiêu chuẩn mà Việt Nam đang xây dựng tiêu chí. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Tô Văn Tám - Kon Tum
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Bộ trưởng,
Xung quanh vấn đề tái định cư vùng lòng hồ, Bộ trưởng đã trả lời đại biểu Học ở Phú Yên nhiều vấn đề. Tôi xin gửi tới Bộ trưởng một số ý kiến của cử tri Kon Tum xung quanh vấn đề này. Câu hỏi như sau, một chủ trương rất đúng đắn là khi quy hoạch phát triển thủy điện đó là việc di dân đến nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Nhưng trên thực tế thì việc di dân tái định cư còn nhiều tồn tại, việc khắc phục chậm nên gây bức xúc trong dân chúng như thiếu đất sản xuất hoặc đất sản xuất có nhưng không tốt như nơi ở cũ ví dụ tồn tại ở Đăk Glei, Đăk Ring và chắc là một số địa phương khác vẫn còn. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào và Bộ trưởng có thể cho biết phương hướng khắc phục dứt điểm 2 tồn tại trên trong thời gian tới ra sao. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Nguyễn Thanh Thủy - Hậu Giang
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Bộ trưởng,
Tôi đề nghị Bộ trưởng làm rõ 2 vấn đề sau. Trong tháng 8 và tháng 9 năm 2012, theo đề xuất của Bộ công thương, Chính phủ đã cho nhập khẩu 70 ngàn tấn đường. Việc nhập khẩu đường sẽ là bình thường và cần thiết, nếu đường tiêu thụ trong nước khan hiếm. Song thực tế lại là điều không bình thường và gây bức xúc đối với nông dân vùng cung cấp nguyên liệu mía và các nhà máy sản xuất mía đường ở đồng bằng sông Cửu Long vì các lý do sau:
Thứ nhất, thời điểm nhập khẩu vào tháng 8 và tháng 9 năm 2012 là không phù hợp và rất nhạy cảm. Vì thời điểm này vùng đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch mía. Do vậy, chủ trương cho nhập khẩu đường vào thời điểm này đã làm cho người sản xuất mía đường điêu đứng, giá nguyên liệu giảm mạnh, kéo theo giá đường ăn trong nước cũng giảm theo, làm cho người nông dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Thứ hai, theo Hiệp hội mía đường cho biết cũng vào thời điểm này lượng đường tồn kho trong nước là 314.000 tấn. Vậy, một câu hỏi đặt ra là vì sao Bộ công thương lại ưu ái cấp Quota cho một số doanh nghiệp nhập thêm 70.000 tấn đường dẫn đến chênh lệch giá cạnh tranh không công bằng đối với các doanh nghiệp và gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất mía đường trong nước. Cử tri đề nghị Bộ trưởng giải trình thêm và làm rõ trách nhiệm của mình đối với vấn đề trên.
Tôi cũng xin được phép kiến nghị thêm đó là trong thời gian vừa qua tình hình sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm sản v.v... thì đang gặp rất nhiều khó khăn như trong tình trạng nước sôi, lửa bỏng. Nhưng trong quá trình gần hai nhiệm kỳ làm Bộ trưởng thì lãnh đạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cử tri cũng rất ít được đón tiếp Bộ trưởng vi hành về đến cơ sở để cùng tháo gỡ khó khăn và cũng đề nghị trong thời gian tới thì đề nghị Bộ trưởng cũng nên quan tâm hơn đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi xin hết ý kiến.

Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ công thương
Kính thưa Quốc hội.
Tôi xin phép được trả lời ý kiến của các đại biểu. Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà xung quanh vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ công thương trong việc phòng, chống các hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng độc hại và các biện pháp trong thời gian tới như thế nào.
Về vấn đề trách nhiệm, chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội tình hình hiện nay mặc dù cũng đã hết sức cố gắng nhưng cũng còn có nhiều bất cập và hạn chế trong vấn đề quản lý thị trường. Vì thế là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng kém chất lượng, hàng giả và hàng độc hại vẫn còn lưu thông trên thị trường. Bây giờ việc làm như thế nào để hạn chế nhập khẩu? Thật ra chúng ta đã có những quy định pháp lý liên quan đến kiểm soát hàng nhập khẩu, trong đó có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thương mại, có các thông tư của các bộ, ngành ban hành các quy phạm, quy chuẩn đối với chất lượng hàng nhập khẩu. Ví dụ vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề kiểm dịch, vấn đề nồng độ các chất không được phép có mặt trong sản phẩm hàng hóa, chúng ta đã ban hành mặc dù chưa đủ. Nhất là trong thời gian gần đây, trước tình trạng hàng độc hại, hàng kém chất lượng có xu hướng tăng nhanh hơn.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ có liên quan đã tích cực hơn trong việc xây dựng hàng rào kỹ thuật và vấn đề tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Nông nghiệp, Bộ y tế, Bộ khoa học và công nghệ và Bộ công thương cố gắng ban hành, mặc dù vậy những loại hàng này vẫn diễn biến phức tạp. Nếu chúng ta nhập khẩu qua con đường chính ngạch, tức là thông qua các cửa khẩu có đầy đủ các cơ quan chức năng là hải quan, kiểm dịch, bộ đội biên phòng thì chúng ta có thể ngăn chặn được những hàng độc hại, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường trong nước. Tuy nhiên phần nhiều qua điều tra, khảo sát của chúng tôi những hàng hóa này xâm nhập được vào thị trường là qua con đường buôn lậu, qua những đường mòn, lối mở trải rộng trên biên giới đường bộ và đường thủy mà chúng ta chưa có điều kiện kiểm soát được hết, nó xâm nhập qua những con đường này vào sâu trong thị trường nội địa. Vấn đề sắp tới đây phải làm như thế nào để tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập khẩu. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu hàng giả. Chúng ta gọi là Ban 127 Trung ương. Ở các địa phương thì cũng có các ban Chỉ đạo 127. Thường thường do các đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch trực tiếp làm trưởng ban.
Công tác của Ban chỉ đạo 127 các cấp, mặc dù đã có cố gắng, nhưng vẫn còn có hạn chế, nhất là làm sao trên tuyến biên giới rộng như vậy mà chúng ta tăng cường được hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.
Tôi nghĩ rằng với những biện pháp chúng ta đã làm vừa qua chưa đủ. Bởi vì trong tổng kết hàng năm về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại thì Ban chỉ đạo 127 Trung ương vẫn thừa nhận rằng ở chỗ này, chỗ kia phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ. Thiếu chặt chẽ. Đất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ hai, việc xử lý những hành vi vi phạm có nhiều trường hợp chưa đủ sức răn đe, cho nên việc tái phạm vẫn diễn ra ngày càng nhiều;
Thứ ba là điều kiện về mặt thực thi công vụ bằng lực lượng, bằng công cụ thì còn có bất cập. Phương tiện còn thiếu, còn yếu. Đây chính là những hạn chế, đồng thời cũng là những hướng mà trong thời gian tới đây, chúng ta phải tập trung giải quyết, khắc phục. Lực lượng quản lý thị trường của chúng tôi cần phải đi đầu trong vấn đề này. Đấy là trách nhiệm của Bộ công thương.
Một ý nữa xin báo cáo Quốc hội là thái độ của người tiêu dùng cũng hết sức quan trọng. Nếu chúng ta kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng, chúng ta không góp phần tiêu thụ những sản phẩm này, tôi nói chúng ta là kể cả trong dư luận chúng ta cần phải có tiếng nói mạnh hơn, có thái độ kiên quyết hơn khi thấy những sản phẩm này có biểu hiện chất lượng kém, tôi nghĩ cũng là sự góp sức vào cuộc chiến hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng độc hại. Trách nhiệm tuyên truyền thuộc về các bộ, các ngành, nhưng sự tham gia của xã hội cũng là phần quan trọng, chúng tôi rất mong được sự ủng hộ và quan tâm hơn về vấn đề này.
Ý kiến của đại biểu Trần Khắc Tâm về nguyên liệu thủy sản thiếu, đúng là vừa qua một số lô hàng thủy sản của chúng ta bị các nước nhập khẩu viện ra các lý do về chất lượng, về mặt kỹ thuật, nhất là dư lượng kháng sinh để từ chối nhập một số lô hàng của chúng ta. Đại biểu Quốc hội không nêu đích danh nước nào, nhưng đó là các nước chúng ta xuất khẩu nhiều, và nếu bị họ dựng các hàng rào kỹ thuật gây khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản của chúng ta thì chắc chắn ảnh hưởng đến lĩnh vực thủy sản xuất nhập khẩu trong thời gian tới. Vậy, giải pháp cần khắc phục vấn đề này là:
Trước hết, chúng tôi được biết trong thời gian qua, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có nhiều biện pháp để hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy sản, không phải chỉ có doanh nghiệp mà kể cả bà con nông dân nuôi trồng thủy sản cần khắc phục tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép, năm nào Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng có hướng dẫn và kiểm tra như vậy, cũng ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản. Điều đầu tiên tôi nghĩ từ người sản xuất và người chế biến.
Thứ hai, khi xảy ra những hiện tượng nước này, nước kia có những yêu cầu khắt khe, thậm chí vô lý đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam thì đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ ngoại giao, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ công thương trong việc liên hệ và phản ứng bằng thái độ phù hợp đối với những hiện tượng này, không phải chỉ có ở cấp là nhà nhập khẩu bên nước đó mà đến cả cơ quan Chính phủ, thậm chí đến lãnh đạo của những quốc gia này, chúng ta phản đối việc phân biệt đối xử như đại biểu đã nêu và trong nhiều chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng có những chủ đề đề nghị những nước này tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử, tháo gỡ khó khăn thì chúng tôi nghĩ rằng biện pháp về mặt đối ngoại, về đấu tranh chống phân biệt đối xử chúng ta đã làm và tiếp tục làm và trên thực tế đã có kết quả.
Còn chính sách để hỗ trợ xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, chúng tôi nghĩ rằng đây lại quay trở lại câu chuyện tìm thị trường, ngoài thị trường truyền thống lâu nay, chúng ta xuất khẩu thủy sản như thị trường Châu Mỹ, thị trường Châu Âu, thị trường Nhật Bản thì phải tìm thêm các thị trường khác mà những thị trường này cần phải được xác định thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại tích cực hơn và đàm phán các hiệp định khu vực mậu dịch tự do. Hiện nay dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đang đàm phán hiệp định khu vực mậu dịch tự do với EU, với Hàn Quốc là những địa bàn có tiềm năng hết sức lớn về tiêu thụ sản phẩm thủy sản của chúng ta và sắp tới theo thỏa thuận giữa Việt Nam với liên minh thuế quan: Nga, Belarus và Kazactan, chúng ta sẽ tiến hành đầu năm 2013 đàm phán với hiệp định này và nếu ký kết được thì cũng mở rộng một thị trường mới cho hàng thủy sản của Việt Nam.
Biện pháp thứ hai, tôi nghĩ tháo gỡ khó khăn thì đó là liên quan đến vấn đề tín dụng, liên quan đến vấn đề cho vay đối với người sản xuất và người chế biến, người làm ra các sản phẩm về thủy sản thì Chính phủ đang chỉ đạo vấn đề này.
Thứ ba, chúng tôi cũng đã báo cáo với các doanh nghiệp trong Hiệp hội thủy sản, chúng ta cũng phải có liên kết, có bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ sản phẩm của Việt Nam, tránh tình trạng bây giờ cũng có hiện tượng doanh nghiệp chúng ta ra bên ngoài có những động thái nó cũng chưa phù hợp, thậm chí bán phá giá, cạnh tranh lẫn nhau, cho nên cũng dẫn đến làm giảm sút uy tín của thương hiệu thủy sản của Việt Nam. Chúng tôi xin được khuyến cáo như vậy.
Còn đối với bộ tiêu chí, ý kiến của đại biểu Trần Khắc Tâm, bộ tiêu chí cho sản phẩm lúa gạo của Việt Nam, như chúng tôi cũng đã báo cáo rồi, đây là một quá trình. Còn riêng đối với Sóc Trăng thì trong giao ban ngành công thương các đồng chí cũng đã nêu và chúng tôi xin hoan nghênh bước đi đầu của ngành công thương và ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn Sóc Trăng trong việc chủ động xây dựng bộ tiêu chí lúa, gạo Sóc Trăng. Chúng tôi đã báo cáo sẽ phối hợp chặt chẽ để nếu thấy rằng việc xây dựng bộ tiêu chí này như là một thí điểm mà thấy tốt thì chúng ta có thể nhân rộng hơn cho các địa phương khác.
Ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám, bây giờ thực hiện như thế nào chủ trương đối với bà con ở những vùng có dự án phải di dời đến nơi ở mới ít nhất là bằng và phải cao hơn nơi ở cũ. Đúng là như đại biểu đã nêu mong muốn và chủ trương của Đảng, nhà nước của Chính phủ là như vậy và trong thực thi công việc của các bộ, các địa phương cũng là nhằm để mục đích đó. Tuy nhiên, qua kiểm tra và qua phản ánh thấy rằng không phải chỗ nào chúng ta cũng đã làm được như vậy. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân mà khi bà con đến nơi ở mới do không đáp ứng được các yêu cầu nhất là về điều kiện công ăn việc làm, về cuộc sống, cho nên có hiện tượng người ta lại quay trở lại nơi ở cũ hoặc tái nghèo. Đây là một bức xúc và là một thực tế mà phải được xem xét giải quyết đến nơi, đến chốn.
Vừa qua nhất là sau các kỳ họp của Quốc hội, chúng tôi cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra phối hợp với các bộ, các ngành đi một số địa điểm, tập trung vào những nơi mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư. Qua kiểm tra, phối hợp với các địa phương đã phát hiện bất cập này và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có biện pháp kịp thời.
Báo cáo Quốc hội, những dự án mà đại biểu đã nêu như thủy điện Bản Vẽ, An Khê Kanắc, v.v., thì hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục để báo cáo với chính quyền địa phương phối hợp xem xét, giải quyết, đáp ứng phần nào nguyện vọng chính đáng của bà con.
Về những trường hợp, kể cả dùng các biện pháp về kinh phí hỗ trợ tăng lên mà chưa khắc phục được một cách căn cơ bất cập này thì chắc là phải xem lại vấn đề quy hoạch, vấn đề khu tái định cư để có thể trong tương lai mình giải quyết được phù hợp hơn, đáp ứng mong mỏi chính đáng của bà con.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy liên quan đến nhập khẩu đường.
Như chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội trong một vài dịp, chúng ta đã đấu tranh được với Tổ chức thương mại thế giới để giữ lại được 4 mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nhập khẩu phải có hạn ngạch, tức là không được tự do nhập khẩu, trong đó có đường ăn, muối ăn, trứng gia cầm các loại và nguyên liệu thuốc lá.
Khi chúng ta đấu tranh được việc này thì chúng ta phải cam kết duy trì 1 năm một lượng hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu với thuế suất ưu đãi. Nếu các nhà nhập khẩu nhập khẩu ngoài hạn ngạch thì phải trả mức thuế cao hơn rất nhiều lần. Riêng vụ đường năm 2012, đáng lẽ theo cam kết chúng ta phải cấp hạn ngạch nhập khẩu trên 100.000 tấn đường, nhưng chúng ta mới cấp có 70.000 tấn.
Về vấn đề này, thưa với đại biểu, thưa với cử tri, không phải việc làm riêng của Bộ công thương. Liên quan đến đường, liên quan đến muối bao giờ chúng tôi cũng phối hợp rất chặt chẽ với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội mía đường để xác định xem hạn ngạch tối thiểu mình phải chấp nhận cho nhập khẩu là bao nhiêu, thời điểm nào? Bộ công thương không quyết định được, Bộ công thương chỉ là người làm công tác cuối cùng là công bố hạng ngạch. Qua làm việc và thống nhất với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, tham khảo ý kiến của Hiệp hội mía đường thì thống nhất rằng thời điểm công bố hạn ngạch nhập khẩu đường vào cuối vụ mía đường vào tháng 7. Tôi muốn nói rằng vụ đại trà của cả nước là phù hợp. Chính vì thế vừa qua cuối tháng 7, đầu tháng 8 mới công bố hạn ngạch này là hạn ngạch tối thiểu, đến nay theo ước tính chúng ta sẽ thực hiện khoảng 65.000 tấn so với 1.400.000 tấn tiêu thụ đường cả nước, chúng tôi báo cáo với Quốc hội, tỷ lệ cũng không phải lớn nhưng quan trọng chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ và thực hiện ở mức tối thiểu và thời điểm phù hợp.
Thời gian tới nếu có những khiếm khuyết nữa chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các hiệp hội ngành, nghề để làm sao việc công bố kể cả số lượng hạn ngạch, thời điểm cho phù hợp hơn. Tránh tình trạng dẫn đến có thể trong chừng mực nào đó ảnh hưởng đến sản xuất ở trong nước.
Về vấn đề đi công tác ở địa phương, cho đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố chúng tôi cũng đã cố gắng để đi xâm nhập thực tế, có những địa phương đi được nhiều hơn một lần. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ này bắt đầu từ tháng 7 năm 2011 do công việc tương đối bận đối với một số địa phương ở phía Nam nhiệm kỳ này tôi chưa có bố trí đi công tác được, còn các địa phương ở phía Bắc chúng tôi cũng đã đi hầu hết, cũng xin được nhận khuyết điểm với đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới căn cứ vào chương trình công tác chúng tôi sẽ cố gắng để thu xếp tiếp tục việc đi cơ sở của mình. Xin hết.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Những khuyết điểm này Bộ trưởng sẽ khắc phục theo kế hoạch. Chắc cố gắng đến Hậu Giang thăm đồng chí Thanh Thủy sớm hơn. Tôi thấy đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà muốn đặt lại câu hỏi. Bộ trưởng mới giải quyết thị trường nhập khẩu, nhưng thị trường nội địa thì đại biểu muốn hỏi thêm.

Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội
Xin được trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời ý kiến của tôi.
Tuy nhiên như Chủ tịch Quốc hội đã nêu, Bộ trưởng mới quan tâm và trả lời được ý đầu là về vấn đề phòng, riêng với ý kiến phòng, tình trạng này chúng tôi muốn nêu thêm ý kiến của cử tri là cử tri đã nghe quá nhiều các lời khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn về vấn đề thực phẩm không an toàn, về thuốc chữa bệnh v.v… Tuy nhiên, cử tri ở đây là người tiêu dùng thì làm gì có điều kiện nghiên cứu, phân tích, phân biệt được đâu là hàng hóa có nhiễm và không nhiễm, đâu là hàng hóa kém chất lượng và đâu là hàng hóa tốt để có thể trở thành người tiêu dùng thông thái, người sản xuất có thể trở thành người sản xuất thông minh. Qua đó cử tri chỉ mong Bộ trưởng cũng như các cơ quan có thẩm quyền nên công bố và khẳng định loại hàng nào không được sử dụng, loại hàng nào được sử dụng và nên chỉ đích danh tên gọi loại hàng hóa sản phẩm đó để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Xin nêu rõ là loại hàng hóa đó lưu thông phân phối ở địa chỉ nào và có đủ đáp ứng yêu cầu của thị trường hay không. Đó là ý kiến thứ nhất.
Ý kiến thứ hai, chúng tôi muốn Bộ trưởng trao đổi và làm rõ thêm với trách nhiệm quản lý và phát triển thị trường hàng hóa trong nước. Xin Bộ trưởng cho biết đã có chương trình, kế hoạch hay biện pháp gì xử lý giải quyết tình trạng nêu trên nhất là đến khi nào việc nghiên cứu và sản xuất hàng hóa trong nước được phát triển để làm cho thị trường hàng hóa trong nước chiếm lĩnh được đúng là thị trường hàng hóa trong nước. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Ý đầu của đại biểu Hồng Hà chỉ khuyến nghị thêm, còn ý sau mong Bộ trưởng trả lời thêm. Đây vẫn là vấn đề

Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ công thương
Báo cáo với đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà,
Ý thứ nhất, xung quanh biện pháp phòng, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu, làm sao khi phát hiện thì phải có các biện pháp thông báo rộng rãi những sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu để cho người dân người ta cũng có thêm thông tin quyết định trong tiêu dùng của mình.
Còn vấn đề thứ hai, về những biện pháp để mà nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam không những để vươn ra bên ngoài mà trước hết phải đứng vững được tại thị trường trong nước. Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua chúng ta cũng đã tập trung theo hướng này và việc này được thể hiện bằng một số nội dung hết sức cụ thể.
Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, báo cáo với Quốc hội, chúng tôi đã qua nắm bắt tình hình cũng đã định kỳ công bố danh mục những sản phẩm là nguyên vật liệu, là vật tư, là máy móc thiết bị mà trong nước đã sản xuất được, công bố rộng rãi gửi cho các địa phương và công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông, để nhằm làm sao giúp cho người tiêu dùng, kể cả nhà sản xuất và từng hộ dân nắm bắt được địa chỉ cụ thể những sản phẩm cụ thể mà doanh nghiệp chúng ta đã làm được.
Tôi xin được báo cáo thêm làm được ở đây không phải chỉ có vấn đề giá cả cạnh tranh đâu mà kể cả vấn đề chất lượng, vấn đề mẫu mã và quan trọng là đảm bảo các quy phạm, các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm thì đã làm được một vài năm nay rồi. Trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công việc này, giúp thêm một kênh thông tin đến người tiêu dùng có điều kiện để lựa chọn và cũng qua đó giúp cho quảng bá sản phẩm của Việt Nam.
Thứ hai là muốn gì thì đầu tiên cũng phải là vấn đề chất lượng của sản phẩm. Chính phủ đã thông qua nhiều đề án, nhiều chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia, sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia, các sản phẩm đạt chất lượng cao với vai trò làm đầu mối của Bộ Khoa học và công nghệ, chúng ta còn phải làm rất nhiều về nội dung này. Tôi nghĩ rằng Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua liên quan đến đề án tăng cường hoạt động khoa học công nghệ trong thời gian tới để góp phần vào thực hiện mục tiêu đến năm 2020 chúng ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Có nội dung đưa khoa học công nghệ vào nâng cao chất lượng của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên cả 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và từng sản phẩm. Đấy là những biện pháp hết sức cụ thể tôi nghĩ rằng trong thời gian cần phải tập trung chỉ đạo. Nếu như chúng ta thực hiện tốt chắc chắn mục tiêu của chúng ta sản xuất được sản phẩm trong nước đáp ứng được yêu cầu, vươn ra được bên ngoài sẽ được thực hiện.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Xin cám ơn Bộ trưởng, Bộ trưởng đã trả lời khá rõ câu hỏi thứ hai này. Đây là trách nhiệm chung của Chính phủ chúng ta và của nhà nước chúng ta. Rõ ràng lộ trình để chuẩn hóa, các tiêu chí chuẩn hóa các sản phẩm của Việt Nam cần phải được ban hành, cần phải được có sự so sánh với các sản phẩm quốc tế thì chúng ta mới có được thương hiệu mà chúng ta phấn đấu được. Bộ trưởng mới nói lộ trình, Quốc hội cũng mong muốn bao giờ thì có, ít nhất sản phẩm này có, sang năm sản phẩm kia có. Chúng ta nói lộ trình, lộ trình và lộ trình thì không biết đến bao giờ, tái cơ cấu nền kinh tế là phải tái cơ cấu sản phẩm, đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ và Bộ trưởng các ngành báo cáo với Chính phủ để xây dựng chiến lược này. Chúng ta có một lộ trình công bố tiêu chí sản phẩm chất lượng của Việt Nam, lần lượt từng loại sản phẩm, nhất là sản phẩm ta có thế mạnh. Đây chính là cái lõi của tái cơ cấu. Bộ trưởng đồng ý, vấn đề này chúng ta sẽ đưa vào Nghị quyết, xây dựng lộ trình và sang năm báo cáo ra Quốc hội lộ trình đó, đây mới là cạnh tranh.

Đồng Hữu Mạo - Thừa Thiên - Huế
Kính thưa Quốc hội,
Thưa Bộ trưởng.
Tôi xin có mấy câu hỏi như sau:
Thứ nhất, về kinh doanh xăng, dầu của chúng ta hiện nay chưa có thị trường cạnh tranh, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất cập về xăng, dầu hiện nay. Xin phép hỏi Bộ trưởng là làm thế nào và khi nào chúng ta có thị trường cạnh tranh kinh doanh xăng, dầu.
Thứ hai, liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như ý kiến của các đại biểu trước đã hỏi Bộ trưởng trả lời. Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng nhưng tôi thấy nếu dừng lại ở đây thì Quốc hội rất khó giám sát. Tôi xin hỏi cụ thể thêm 3 mặt hàng.         Một là mặt hàng mũ bảo hiểm.
Hai là mặt hàng xăng, dầu.
Ba là mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu.
Chúng ta thấy mũ bảo hiểm bán hàng nhái, hàng kém chất lượng bán tràn lan và ai cũng thấy. Vừa qua xăng bẩn, xăng kém chất lượng, xăng có hóa chất làm cháy nổ. Phân bón, thuốc trừ sâu thì người nông dân vốn đã khó rồi, nhưng khi mua về lại bị kém chất lượng.
Bây giờ xin đề nghị Bộ trưởng cho Quốc hội và cử tri biết là sau một năm nữa, tức là vào thời điểm này sang năm thì Bộ trưởng có thể nói với Quốc hội là đã chặn đứng được hoặc cơ bản chặn đứng được hàng giả, hàng kém chất lượng của ba mặt hàng đó không.
Câu hỏi thứ ba. Mấy hôm nay, trên các phương tiện thông tin có đưa tin nói về chuyện Tổng công ty Xăng, dầu Việt Nam lỗ thì lớn trong năm 2011 nhưng lương thì quá cao. Cử tri nhờ tôi hỏi Bộ trưởng Bộ công thương, Bộ trưởng Bộ tài chính thì thực chất là như thế nào. Vấn đề này nếu đúng thì có hợp lý không.
Xin phép hết ý kiến

Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh
Kính thưa Bộ trưởng.
Kính thưa Quốc hội.
Còn nhớ là giá xăng, dầu đã được giảm ở Kỳ họp thứ 3 năm ngoái, sau đó lại tăng vùn vụt. Và mới tối hôm qua thì giá xăng, dầu giảm 500 đồng/1 lít. Tôi xin hỏi Bộ trưởng Bộ công thương và Bộ tài chính, đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là biện pháp linh hoạt của hai Bộ trưởng trước thềm chất vấn ngày hôm nay.
Câu hỏi thứ hai là cũng tại Kỳ họp thứ 3 thì Bộ trưởng Bộ công thương và Bộ tài chính hứa sửa Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng, dầu nhưng đến nay vẫn chưa thấy sửa. Lý do tại sao và khi nào thì sẽ sửa được nghị định này.
Câu hỏi thứ ba là quỹ bình ổn giá xăng, dầu mà khoản tiền Nhà nước ứng trước cho doanh nghiệp, suy cho cùng là dân ứng trước cho doanh nghiệp thì hiện tại vẫn cứ để ở doanh nghiệp mà cũng tại Kỳ họp thứ 3 thì Bộ trưởng Bộ tài chính hứa sẽ chuyển về kho bạc quản lý và đến nay cũng gần 1 năm rồi vẫn chưa thấy thực hiện.
Vấn đề thứ tư. Tôi được biết đối với xăng, dầu tạm nhập và tái xuất được miễn giảm thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng và nếu không tái xuất thì sẽ bị xử phạt rất nặng theo quy định của Thông tư 61 năm 2007 của Bộ tài chính. Thực tế cũng như báo cáo của Bộ trưởng có tình hình rất nghiêm trọng là tạm nhập nhiều, tái xuất chỉ là ví dụ. Tại phiên họp này Bộ trưởng Bộ công thương có hứa là sẽ rà soát để xử lý. Xin hỏi Bộ trưởng là thực chất tình hình, quy mô và tính chất của tình trạng tạm nhập, tái xuất xăng, dầu trong năm 2012 vừa qua nghiêm trọng như thế nào, gây thiệt hại bao nhiêu nghìn tỷ cho Nhà nước, tới đây việc rà soát xử lý sẽ chuyển hình sự được bao nhiêu vụ buôn lậu này? Xin cảm ơn Quốc hội, xin hết.

Trương Văn Vở - Đồng Nai
Kính thưa Quốc hội,
Cho phép tôi được hỏi Bộ trưởng hai nội dung:
Vấn đề thứ nhất, từ cuối năm 2009 đến nay Bộ công thương đã tích cực rà soát quy hoạch đầu tư xây dựng thủy điện, đã loại khỏi quy hoạch trên 100 dự án. Xin hỏi Bộ trưởng vì sao dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lại quên rà soát loại khỏi quy hoạch, có phải đây là sự lãng quên vô tình? Bởi vì dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có liên quan đến sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng quốc gia gần 140 ha và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 49 năm 2010 của Quốc hội. Gần đây Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương lần 6 khóa XI về quản lý, bảo vệ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Bởi vì đây là dự án liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành vào tháng 9/2012 về công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là di sản quốc gia đặc biệt. Từ những cơ sở pháp lý nêu trên, trước bức xúc của cử tri, với trách nhiệm là cơ quan chuyên ngành tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp xử lý cụ thể đối với dự án này, có loại bỏ dự án này ra khỏi quy hoạch thủy điện hay không?
Câu hỏi thứ hai, thực hiện lời hứa tại các kỳ họp trước Bộ công thương sẽ phối hợp với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản vào tháng 06/2012 nhằm thay thế Quyết định 80 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đến đâu và đến bao giờ vấn đề này mới được trình Thủ tướng Chính phủ. Xin cảm ơn Bộ trưởng.


Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình
Kính thưa Quốc hội,
Thưa Bộ trưởng,
Tôi xin phép hỏi Bộ trưởng 2 câu hỏi.
Câu thứ nhất, nguồn kinh phí nhà nước hàng năm phân bổ cho Bộ công thương để xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp là bao nhiêu tiền, Bộ trưởng đã sử dụng nguồn kinh phí đó như thế nào, hiệu quả ra sao. Theo Bộ trưởng với mức phân bổ kinh phí như vậy đã hợp lý chưa, ít hay nhiều, có đủ để giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế?
Câu thứ hai, theo báo cáo của Bộ trưởng đến hết tháng 6 tình hình tồn kho sản phẩm lên đến 34,6% của các doanh nghiệp và đến hết tháng 9 lượng hàng tồn kho đã giảm xuống còn 20,4%. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp cũng còn đang khó khăn, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm. Với trách nhiệm là thành viên của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ công thương, Bộ trưởng có những sáng kiến đặc biệt như thế nào để tiếp tục đề nghị với Chính phủ cũng như phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như nông nghiệp và nông dân tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới nhằm ổn định sản xuất kinh doanh. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ công thương
Kính thưa Quốc hội.
Tôi xin phép tiếp tục trả lời, đối với ý kiến của đại biểu Đồng Hữu Mạo:
Một, làm thế nào và khi nào có thị trường cạnh tranh trong xăng, dầu.
Báo cáo với Quốc hội, theo tinh thần của Nghị định 84 năm 2009 của Chính phủ, chúng ta cho phép tất cả các doanh nghiệp trong nước không phân biệt thành phần kinh tế, nếu có đủ điều kiện, điều kiện về tài chính, điều kiện về kho bãi, điều kiện về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh có hệ thống phân phối thì đều có thể được xem xét và trở thành các đầu mối về xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu.
Trên thực tế báo cáo với Quốc hội, từ sau khi có Nghị định 84 vào năm 2009, chúng ta đã có thêm 4 doanh nghiệp đều là doanh nghiệp ngoài quốc doanh gia nhập vào cơ cấu là các doanh nghiệp được làm đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu và bán lẻ xăng, dầu. Như vậy, có nghĩa rằng chúng ta đã tạo điều kiện cho thị trường cạnh tranh xăng, dầu rồi chứ không phải đến bây giờ.
Hiện nay chúng ta mới chưa chấp nhận cho nước ngoài vào kinh doanh bán lẻ xăng, dầu, còn trong nước thì chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội rồi, chúng ta đã cho phép rồi. Còn việc làm như thế nào nữa thì chúng tôi nghĩ rằng bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thì cũng phải có những biện pháp nếu mong muốn để mà tham gia vào thị trường xăng, dầu phải có những biện pháp để từng bước đáp ứng điều kiện theo tinh thần Nghị định 84, việc này nhà nước không thể làm thay được, tôi nghĩ là như vậy. Có lẽ câu hỏi của đại biểu Đồng Hữu Mạo tôi trả lời ngắn như thế.
Ý thứ hai, về hàng giả, hàng nhái nhất là 3 ví dụ đại biểu đã nêu;
Một là mũ bảo hiểm xe máy;
Hai là gian lận trong xăng, dầu;
Ba là phân bón, thuốc trừ sâu.
Về mũ bảo hiểm xe máy, hiện tượng một số người bán những sản phẩm mũ bảo hiểm xe máy không đảm bảo chất lượng đã được phát hiện và cũng đã được xử lý tuy nhiên vẫn chưa chấm dứt được. Gần đây Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cùng với Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và chúng tôi cũng đã bàn phối hợp với nhau, sắp tới đây xin báo cáo với Quốc hội sẽ trình với Chính phủ ban hành quy định cụ thể hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý loại mũ bảo hiểm xe máy không đảm bảo chất lượng.
Hai, về vi phạm trong xăng, dầu, biện pháp trước hết là phải kiểm soát chặt chẽ khâu nhập khẩu, bởi vì sản phẩm xăng, dầu của chúng ta hiện nay 70% vẫn là nhập khẩu. Chính đây cũng là một trong những kẽ hở nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ thì có thể xăng, dầu không đảm bảo chất lượng, có thể nó xâm nhập vào trong thị trường. Đặc biệt là quan tâm đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát ở trong nước, kịp thời phát hiện những hành vi gian lận pha trộn xăng, dầu không đảm bảo chất lượng và phải xử lý hết sức nghiêm túc. Vừa qua chúng ta đã làm một số trường hợp, nhưng do khung xử lý của chúng ta đối với trường hợp này nó chưa đủ sức răn đe cho nên tới đây chúng ta kiến nghị với Chính phủ xem xét lại. Vừa qua Chính phủ cũng đã bước đầu ban hành nghị định, sửa đổi, bổ sung thay thế nghị định cũ về xử phạt hành chính trong vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Sắp tới đây các ngành sẽ thực hiện theo nghị định này.
Ba, về phân bón thuốc trừ sâu, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn được phân công nhiệm vụ soạn thảo nghị định về quy định các biện pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong phân bón, thuốc trừ sâu. Hiện nay, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang lấy ý kiến các bộ, các ngành. Chúng tôi cũng tham gia tích cực trong quá trình này. Vậy thì ý câu hỏi của đại biểu Quốc hội là sau một năm nữa thì có chấm dứt được tình trạng gian lận và không đảm bảo chất lượng của 3 nhóm sản phẩm này hay không.
Chúng tôi xin báo cáo, bằng tất cả sự nỗ lực, cố gắng của ngành Công thương, phối hợp với các bộ, các ngành có liên quan cùng với sự giám sát của Quốc hội, của cử tri cả nước thì chúng tôi tin rằng sản phẩm mũ bảo hiểm xe máy không đảm bảo chất lượng thì chắc là chúng ta cũng phải làm vì nó liên quan đến bảo vệ sinh mạng của người tham gia giao thông, cho nên chắc chắn chúng ta phải làm trong thời gian sớm nhất để chấm dứt tình trạng này.
Thứ hai, về xăng, dầu. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghị định của Chính phủ mới ban hành để sớm chấm dứt cơ bản tình trạng xăng, dầu không đảm bảo chất lượng.
Về phân bón, thuốc trừ sâu. Với nghị định mà Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì được ban hành thì sẽ có thêm công cụ pháp lý để cho các lực lượng quản lý thị trường, các lực lượng kiểm tra kiểm soát được chất lượng sản phẩm, có thể công cụ, có thể các điều kiện thuận lợi trong xử lý và kiểm tra các sai phạm về phân bón, thuốc trừ sâu giả.
Ý thứ ba của đại biểu có đặt câu hỏi về Petrolimex vừa qua, theo chương trình thì Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm toán hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011 của Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam Petrolimex. Cho đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được, chưa có thông tin chính thức về kết quả kiểm toán này. Chúng tôi cũng như đại biểu Quốc hội chỉ được đọc ở trên báo chí.
Vì vậy, tôi xin phép Quốc hội được báo cáo, trao đổi với các đồng chí bên Kiểm toán Nhà nước và có thông tin chính thức chúng tôi sẽ báo cáo lại với Quốc hội về tính thực hư trong vấn đề lãi, lỗ, lương bổng của Tập đoàn xăng, dầu như thế nào. Theo quy định sau khi kết thúc kiểm toán, kiểm toán nhà nước sẽ tổ chức họp báo và công bố.
Ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương về vấn đề giảm giá xăng và dầu diezen 500 đồng/lít. Tôi nghĩ chắc là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi, tý nữa Bộ trưởng Vương Đình Huệ có thể giải đáp thêm. Tôi nghĩ với góc độ trách nhiệm được Chính phủ và Quốc hội giao không thể có động thái theo ý đại biểu có nêu là linh hoạt, tôi nghĩ như vậy. Giá thế giới giảm thì chúng ta phải giảm. Đó là theo cơ chế điều hành giá xăng, dầu.
Về sửa Nghị định 84 như chúng tôi đã báo cáo, Thủ tướng Chính phủ mà trực tiếp là hai đồng chí Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh vào cuộc họp tháng 7 vừa qua đã nghe Bộ tài chính và Bộ công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo việc thực hiện Nghị định 84. Qua nghe tình hình báo cáo hai đồng chí Phó Thủ tướng đã có kết luận:
Một là chúng ta kiên trì cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước theo tinh thần Nghị định 84.
Hai là trước mắt phải xem xét sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp. Ví dụ quỹ bình ổn giá, trong đó có quỹ bao nhiêu, thù lao, đại lý v.v… phải xem xét có sửa đổi.
Ba là tần suất 30 ngày để chúng ta tính giá cơ sở và quyết định xem xét phê duyệt phương án giá của doanh nghiệp có phù hợp hay không,
Bốn là giao cho Bộ công thương thu thập thông tin báo cáo với Chính phủ đánh giá tác dụng mặt được và chưa được của Nghị định 84 trong tháng 12 này và trên cơ sở kiến nghị với Chính phủ xem xét bổ sung, sửa đổi. Hiện nay Bộ tài chính đang thu thập tình hình để hoàn chỉnh việc thay thế Thông tư 234/2009 trong đó có hướng dẫn về qũy bình ổn giá, có hướng dẫn về thù lao đại lý v.v... Bộ tài chính đã hoàn chỉnh, đấy cũng là thực hiện một bước chỉ đạo của Chính phủ. Còn việc tổng kết Nghị định 84 thì chúng tôi đang làm và theo đúng tiến độ tháng 12 này sẽ báo cáo với Chính phủ để có đề xuất.
Và cũng trả lời luôn đại biểu Đỗ Văn Đương về quỹ bình ổn giá, xăng, dầu tạm nhập, tái xuất. Báo cáo với Quốc hội, những năm vừa qua vẫn tồn tại một thực trạng đó là chúng ta cho tạm nhập nhưng tái xuất thì không hết lượng tạm nhập. Theo con số thống kê trong mấy năm vừa qua, con số tạm nhập và sử dụng lại tại Việt Nam nó tương đương khoảng 15% tổng nhu cầu của chúng ta tiêu dùng trong nước. Một năm chúng ta tiêu dùng khoảng 15 triệu tấn m3 xăng, dầu thì có khoảng 15% trong đó là số mà chúng ta đáng lẽ là tạm nhập và phải tái xuất được sử dụng tại Việt Nam thì ta quy định vào pháp luật thì mặt hàng xăng, dầu không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu mà khi anh tiêu dùng trong nước thì phải thực hiện nộp thuế. Theo quy định chậm nhất 15 ngày sau khi đã đưa lô hàng vào thì phải nộp thuế nhập khẩu, chúng ta không cấm nhập khẩu. Vì thế cho nên có thực tế một lượng nhất định hàng tạm nhập, tái xuất là xăng, dầu khi nhập khẩu vào Việt Nam, do nhu cầu tại thời điểm đó và cũng có thể do những tác động, ảnh hưởng của các hợp đồng tái xuất đã ký kết mà chưa thực hiện được, cho nên có một lượng nhất định như vậy được sử dụng tại Việt Nam. Việc này do hải quan quyết định, cơ quan hải quan xem xét và quyết định với yêu cầu là phải nộp thuế và cũng chỉ có những doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp đầu mối về kinh doanh xăng, dầu mới được thực hiện việc tạm nhập, tái xuất xăng, dầu. Tuy nhiêm vừa qua có hiện tượng lợi dụng quy định này để trục lợi và buôn lậu tức là không nộp thuế nhập khẩu. Hành vi là tạm nhập và sử dụng trong nước nhưng không nộp thuế nhập khẩu nên dẫn đến tình trạng như vậy, báo chí đã nêu, các cơ quan chức năng đặc biệt là Bộ công an đã xử lý hết sức nghiêm minh. Chủ trương của các bộ, các ngành chúng tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta vẫn cần thiết phải duy trì hoạt động tạm nhập, tái xuất xăng, dầu như chúng tôi đã có dịp báo cáo với Quốc hội. Các nước bạn như Lào, Campuchia cũng có nhu cầu thông qua chúng ta để nhập khẩu xăng, dầu. Chúng ta cấp xăng, dầu, cho máy bay, cho tàu thủy của nước ngoài vào hoạt động ở Việt Nam và người ta quay trở lại địa bàn nơi xuất phát cũng cần phải có nhu cầu, nhưng phải thắt chặt việc quản lý tạm nhập, tái xuất.
Con số đại biểu hỏi giá trị bao nhiêu? Tôi cũng chưa có đủ thông tin để trả lời đến đại biểu, chúng tôi sẽ thu thập lại thông tin và báo cáo thêm với đại biểu giá trị này, nhưng con số khoảng 15% số tạm nhập, tái xuất.
Ý kiến thứ ba của đại biểu Trương Văn Vở về Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6a, tại sao chưa đưa vào trong diện loại khỏi quy hoạch. Báo cáo với đại biểu là đây là dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đang ở trong quá trình thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Báo cáo tác động đánh giá môi trường của dự án do Bộ tài nguyên và môi trường đã xem xét và cũng chưa thẩm định. Khi chưa thẩm định, với quy mô tương đối lớn như vậy, sản lượng điện khoảng 1 tỷ kwh/năm cũng tương đối lớn. Các tiêu chí liên quan đến môi trường cũng có nhiều tiêu chí phải xem xét. Sau khi Bộ tài nguyên và môi trường thẩm định dự án này và thấy rằng hiệu quả kinh tế là một phần nhưng tác động về mặt xã hội, tác động về mặt môi trường không thể bỏ qua được và tác động nghiêm trọng thì chắc chắn Bộ tài nguyên và môi trường và các bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng xem xét cân nhắc lại quyết định này. Chúng tôi khẳng định như vậy. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, gửi Quốc hội chúng tôi đã nêu quan điểm của Bộ công thương qua đánh giá tác động môi trường thấy rằng hiệu quả tác động về mặt xã hội là quá lớn thì sẽ dừng lại. Đó là quan điểm của chúng tôi.
Về chính sách liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân theo tinh thần Quyết định 80 năm 2002 của Chính phủ. Vừa qua, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định thay thế Quyết định 80 với tinh thần gắn kết chặt chẽ hơn nữa, tạo thuận lợi cho bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm vừa được giá và vừa không bị động lâm vào tình cảnh được mùa rớt giá hoặc khi giá được thì không có sản phẩm bán. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chủ trì và lấy ý kiến của các bộ, các ngành tham gia đóng góp ý kiến của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn để trong thời gian tới ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 80.
Ý kiến đại biểu Đỗ Văn Vẻ về nguồn kinh phí xúc tiến thương mại. Trong 5 năm qua từ năm 2006 đến năm 2010 bình quân một năm kinh phí xúc tiến thương mại theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được phân bổ khoảng 105 tỷ đồng và từ năm 2011, nhất là năm 2012 do chúng ta có nhiều khó khăn về vấn đề ngân sách, vấn đề bố trí cho các mục tiêu quan trọng khác cho nên kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia riêng năm 2012 lúc đầu không được bằng các năm trước. Tuy nhiên, vừa qua căn cứ vào tình hình thực tế và cân đối lại, Chính phủ đã quyết định bổ sung thêm nội dung này 50 tỷ đồng nữa, như vậy kinh phí năm 2012 cũng xấp xỉ 100 tỷ đồng, bằng và tương đương với kinh phí của các năm trước. Con số này như thế nào? Quả thực chúng tôi có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ một con số hết sức tối thiểu là khoảng 300 tỷ đồng cho toàn bộ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Trước đây chúng ta chỉ có xúc tiến cho xuất khẩu, từ năm 2011 chúng ta có thêm hai nội dung trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đó là xúc tiến thị trường nội địa và xúc tiến thị trường miền núi, hải đảo, cộng thêm chương trình xúc tiến xuất khẩu nữa, chúng tôi đề nghị mức tối thiểu là 300 tỷ đồng. Nhưng đúng là do khó khăn của đất nước nói chung nên chúng tôi không dám nhắc lại đề nghị này, trước mắt tạm thời sử dụng con số đã được phân bổ khoảng 100 tỷ đồng.
Còn bao nhiêu là vừa? Xin báo cáo Quốc hội, hiện nay chúng ta đã xuất khẩu 100 tỷ đô la rồi, năm nay khả năng chúng ta sẽ xuất khẩu khoảng 113 đến 114 tỷ đô la. Thông thường mức các nước chi cho chương trình xúc tiến thương mại riêng về xuất khẩu chiếm khoảng 0,1%, nước cao thì chiếm khoảng 1% trong tổng kinh phí xuất khẩu. Nếu chúng ta xuất 100 tỷ đô la thì phải dành 1 tỷ đô la cho xúc tiến thương mại xuất khẩu, ít thì 100 triệu đô la. Nhưng chúng ta trong điều kiện khó khăn như vậy 100 tỷ đồng cũng rất quý, vấn đề là sử dụng như thế nào cho có hiệu quả. Đã có một hội đồng liên ngành chuyên xem xét và phê duyệt các đề án thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, không chỉ có Bộ công thương là cơ quan thường trực, còn có các bộ ngành và hội đồng này khi nhận được đề án đề xuất cho tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thì rà soát, thẩm định và có bỏ phiếu lựa chọn, căn cứ vào kết quả đó Bộ trưởng Bộ công thương ký phê duyệt các chương trình cụ thể.
Thứ hai là thời gian vừa qua chúng ta mới nặng về việc tổ chức hội trợ triển lãm, những hoạt động khác thì mờ nhạt. Đấy là lý do vì sao Chính phủ phải yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia bằng việc gắn với hoạt động xuất khẩu, gắn với kết quả hoạt động xuất khẩu cụ thể.
Báo cáo với Quốc hội những nội dung đã và tiếp tục làm sẽ góp phần nâng cao hơn hiệu quả của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Xin hết.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Còn một ý nữa là có biện pháp gì tích cực hơn để giải quyết tồn kho, khó khăn cho doanh nghiệp?

Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ công thương
Báo cáo Quốc hội, ý thứ hai của đại biểu Trương Văn Vở về sáng kiến hay những biện pháp tích cực hơn để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng với những biện pháp hiện nay mà Chính phủ đã ban hành mà các bộ, các ngành đã đề xuất, trong đó đặc biệt là câu chuyện tìm thêm thị trường tiêu thụ và vấn đề tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng, nhất là những sản phẩm xuất khẩu doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có nhiều lao động.
Tôi cho rằng, bằng những giải pháp chúng ta đã làm thì đã có thể chuyển biến được tương đối cơ bản tình hình hiện nay về khó khăn của doanh nghiệp. Xin hết.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Trước khi hai đại biểu muốn đặt lại câu hỏi, đại biểu Đồng Hữu Mạo và đại biểu Trương Văn Vở, tôi đề nghị còn 7 phút thì Bộ trưởng Bộ tài chính và Tổng kiểm toán có thể nói thêm. Bộ trưởng Bộ tài chính xin nói thêm về Quỹ bình ổn giá sẽ thế nào, đặt ở đâu, ai quản; Hai là hàng lậu do tạm nhập, tái xuất biện pháp thế nào để quản lý? Đồng chí Tổng kiểm toán nói cho vấn đề thông tin nói rằng kết quả kinh doanh thì lỗ nhưng lương cao rất khủng, Tổng kiểm toán chỉ nói cho của Petrolimex.
Bây giờ mời đồng chí Vương Đình Huệ.

Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ tài chính
Kính thưa Quốc hội.
Để có thể báo cáo thêm, giải trình thêm những nội dung mà các đại biểu Quốc hội đã có nêu câu hỏi hôm nay đối với Bộ tài chính thì chắc chắn báo cáo với Chủ tịch Quốc hội là có thể cần hơn 7 phút. Có gì đến chiều sẽ đăng ký phát biểu thêm.
Hôm nay trong phạm vi thời gian còn lại của Quốc hội cho phép thì chúng tôi xin báo cáo như sau:
Về kinh doanh xăng, dầu thì rất rộng và hiện nay được điều chỉnh bằng Nghị định 84 thì Bộ tài chính chỉ tham gia một khâu trong quá trình này thôi. Đó là tham gia với Bộ công thương trong quản lý giá còn quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng, dầu thì không thuộc chức năng của Bộ tài chính. Chúng tôi xin báo cáo như vậy. Tuy vậy, chúng tôi đã chủ động đánh giá Nghị định 84 này ngay từ năm 2011 và đề nghị với Chính phủ chỉ đạo để tính toán, đề điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 84 này. Như trong Báo cáo của Chính phủ đồng chí Bộ trưởng Bộ công thương cũng nêu hiện nay Bộ công thương đang chủ trì việc này, lộ trình trong tháng 12 sẽ cố gắng sửa nghị định này. Thông tư 234 liên quan đến một số các chi phí kinh doanh, bình ổn cũng phải sửa đồng bộ trên cơ sở Nghị định 84 này mới sửa được. Do đó hiện nay chúng tôi mới đưa ra một vài ý kiến để lấy ý kiến Thông tư 234 này, và cũng sẽ tiếp tục sửa đổi trong quy định đối với Nghị định 84.
Liên quan đến điều hành giá, chúng tôi vừa rồi cũng báo cáo rất kỹ với Ban dân nguyện của Quốc hội và Ban dân nguyện cũng đã đánh giá trong báo cáo vừa trình bày đầu tiên sáng nay, chuyện điều hành giá thì hai bộ đã làm rất đúng với các quy định hiện hành. Theo Nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết về trả lời chất vấn của Quốc hội cũng như nghị quyết của Chính phủ, theo đúng tinh thần của Nghị định 84.
Từ đầu năm đến nay chúng ta đã điều chỉnh giá xăng, dầu là 12 lần, trong đó có 6 lần giảm và 6 lần tăng, như vậy nó có kịp thời hơn so với giá thế giới nhưng lại không tạo ra một lạm phát tâm lý và CPI của cả nước vẫn giữ được ở mức 6,02 – 18, chúng tôi cho rằng đây cũng là một kết quả tích cực. Như một số đại biểu nói có vẻ như Quốc hội họp có liên quan đến giá xăng, dầu, anh em trong điều hành Bộ công thương có nói rằng cứ Quốc hội họp thì giá xăng, dầu thế giới giảm, giá như Quốc hội họp nhiều thì anh em mình khỏe. Kỳ họp đầu năm chúng ta giảm giá 3 lần trong 1 tháng Quốc hội họp, trong 5 lần giảm giá thì có 3 lần. Còn từ trong tháng 10 chúng ta phải dùng đến 1.200 đồng để bình ổn giá, trong đó có 500 đồng từ quỹ bình ổn, 300 đồng lấy lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng, dầu, 500 đồng nữa là tiền thuế. Cho đến ngày hôm qua đã bù đắp được 500 quỹ bình ổn, 300 về lợi nhuận định mức của doanh nghiệp và có dư địa để giảm giá được 500. Theo tinh thần khi giảm giá được là giảm giá ngay, do đó liên Bộ công thương, Bộ tài chính cũng đã chủ định giảm giá. Vấn đề này nó chỉ có cái hay là Quốc hội họp thì giá xăng, dầu giảm, vấn đề này rất minh bạch, rất công khai.
Vấn đề bình ổn giá hiện nay đang có một vài phương án, có phương án là chuyển về tập trung quản lý ở một chỗ nào đó, phương án thứ hai là vẫn để tại doanh nghiệp nhưng tính lãi suất. Hiện nay đang lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến rồi sẽ báo cáo.
Về vấn đề tạm nhập, tái xuất xăng, dầu chúng tôi đã có ý kiến trả lời một số đại biểu Quốc hội. Chúng ta tham gia Công ước Kyoto, Công ước nguyên gốc và sửa đổi tạm nhập, tái xuất xăng, dầu không trái gì với Công ước Kyoto nguyên bản cũng như Công ước sửa đổi, việc tạm nhập, tái xuất xăng, dầu này vẫn là cần thiết. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này, tức là khi tạm nhập tái xuất vào chưa phải nộp thuế và khi tái xuất ra để hoàn thuế cũng như một số đã chuyển vào tiêu thụ nội địa và đã chiếm dụng thuế của nhà nước ít nhất là 90 – 120 ngày. Trong Luật quản lý thuế lần này trình Quốc hội đã bỏ chuyển ân hạn thuế cho các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất, buộc phải có bảo lãnh hoặc nộp trước và khi nào tái xuất thì hoàn sau. Hiện nay Bộ tài chính đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ công thương để quản lý chặt chẽ vấn đề này. Vừa qua chúng ta cấm vào đường biển thì họ chuyển sang tiêu thụ và buôn lậu ở nội địa. Vừa qua Tổng cục Hải quan đã tổ chức một chuyên án bắt được một vụ xăng, dầu tạm nhập vào định tái xuất nước ngoài nhưng không tái xuất lại bán tiêu thụ trong nội bộ Việt Nam chúng ta. Hiện nay chúng tôi đang tập hợp củng cố dữ liệu để đấu tranh và sẽ công bố công khai trước dư luận. Xin cảm ơn Quốc hội.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng nói vui thôi chứ không phải trước kỳ họp Quốc hội, trước chất vấn hai Bộ trưởng bàn nhau giảm giá. Cách nói vui này may mà Bộ trưởng Vương Đình Huệ không hiểu nhầm, may là kỳ họp nào giá thế giới cũng giảm thì trong nước giảm. Nhưng rõ ràng vấn đề sửa Nghị định 84, quản lý hàng tạm nhập tái xuất chúng ta đã có biện pháp như vậy. Tôi hy vọng chúng ta sớm thực hiện. Bây giờ có câu lỗ hay lãi của xăng, dầu thì một phút thôi, đồng chí Tổng kiểm toán công bố xem nào, có đúng thế không, hay là báo chí nói có đúng không?

Đinh Tiến Dũng - Tổng kiểm toán nhà nước
Kính thưa Quốc hội.
Vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính Tập đoàn xăng, dầu Việt Nam năm 2011, chúng tôi đã phát hành báo cáo kiểm toán và đã gửi đến Bộ công thương, Bộ tài chính và các cơ quan có liên quan mà đã báo cáo với Thủ tướng và Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo hai bộ, Bộ công thương và Bộ tài chính thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chắc là nó mới thành ra anh Hoàng chưa nhận được.
Về kết quả kinh doanh, báo cáo với Quốc hội, năm 2011, Tập đoàn xăng, dầu Việt Nam lỗ: 1.423 tỷ đồng, tôi xin phép nói số chẵn và nếu như phân tích theo khối kinh doanh xăng, dầu, riêng khối kinh doanh xăng, dầu thì lỗ: 2.358 tỷ. Trong khối xăng, dầu thì riêng xăng, dầu lỗ: 2.604 tỷ và trong đó xăng lỗ: 1.814 tỷ, dầu lỗ: 789 tỷ.
Lãi của công ty cổ phần và các hoạt động kinh doanh khác mà bù trừ trên báo cáo hợp nhất là 935 tỷ cho nên tổng số, tổng hợp lại, hợp nhất lại xăng, dầu, tập đoàn xăng, dầu lỗ 1.423 tỷ. Tiền lương chung bình quân của toàn tập đoàn khoảng trên 6 triệu. Theo thông tin báo chí và các đại biểu Quốc hội quan tâm lương lãnh đạo của tập đoàn. Năm 2011 lương đồng chí Chủ tịch 58 triệu, đồng chí Ủy viên Hội đồng quản trị 42 triệu, đồng chí ủy viên hội đồng quản trị và trưởng ban kiểm soát 41 triệu, đồng chí ủy viên hội đông quản trị kiêm phó tổng giám đốc là 40 triệu/tháng. Nhưng so với năm 2010 thì năm 2011 còn thấp hơn năm 2010, năm 2010 Tập đoàn xăng, dầu có lãi. Đồng chí chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc năm 2010 là 70,7 triệu/tháng, đồng chí ủy viên hội đồng quản trị là 54,9 triệu, đồng chí ủy viên hội đồng quản trị kiêm trưởng ban kiểm soát cũng là 54,9 triệu và đồng chí ủy viên hội đồng quản trị kiêm trưởng ban kiểm soát và đồng chí phó tổng giám đốc là như nhau, cũng là 54,9 triệu. Năm 2012 chúng tôi chưa cập nhật vào được, bởi vì Tập đoàn xăng, dầu cổ phần hóa vào thời điểm hết tháng 11/2011 và năm 2011 có 1 tháng hoạt động theo công ty cổ phần, 11 tháng hoạt động theo doanh nghiệp Nhà nước.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Đồng chí Tổng kiểm toán đã báo cáo số lỗ là 1.423 tỷ, lương của công nhân viên là 6 triệu, năm 2010 lãnh đạo cấp cao là 70 triệu và năm 2011 chỉ có 58 triệu, có giảm hơn. Bình về việc này chiều nay Bộ trưởng sẽ có ý kiến. Xin mời Quốc hội nghỉ.

(Quốc hội nghỉ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét