Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 16/11/2012
TTXVN (Bắc Kinh 14/11)
Trang “Quan điểm Trung Quốc” mới đây đăng bài viết “Nhân tố Mỹ, Nga trong vấn đề vịnh Cam Ranh” của chuyên gia bình luận quốc tế Cao Vinh Vĩ, có nội dung như sau:
Trên toàn cầu, rất hiếm có một cảng biển như vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Trong chưa đến 100 năm, vịnh Cam Ranh lần lượt trở thành căn cứ quân sự của các nước lớn như Mỹ, Nga – nó từng tập trung hàng trăm tàu chiến của thời Nga Hoàng; từng được Mỹ xây dựng thành “cứ điểm hải quân trọng yếu và xa hoa nhất châu Á”; đồng thời nó cũng từng là căn cứ quân sự lớn nhất bên ngoài lãnh thổ của Liên Xô trước đây.
1. Vịnh Cam Ranh có giá trị chiến lược đặc biệt quan trọng
Vịnh Cam Ranh rốt cuộc là một cảng biển như thế nào, vì sao vai trò của nó lại quan trọng đến mức khiến các cường quốc trên thế giới đua nhau tranh giành, đằng sau các động thái này là gì?
Cảng Cam Ranh nằm ở phía Đông Nam tỉnh Khánh Hoà của Việt Nam, cách quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) khoảng 600 km, cửa vịnh hẹp, địa thế hiểm yếu, dễ phòng ngự, là một trong những cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất trên thế giới.
Vịnh Cam Ranh nắm giữ yết hầu của Nam Hải (Biển Đông), là con đường chiến lược thông sang Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, chỉ cách tuyến đường biển quốc tế nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương khoảng 1 giờ hành trình, có thể khống chế eo biển Malắcca và eo biển Xinhaapo, ngoài ra còn có thể tiến hành theo dõi, giám sát điện tử đối với khu vực Đông Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Pécxích. Đông Hải (Biển Hoa Đông) và Nam Hải. Tại đây tàu sân bay và hàng trăm tàu chiến có thể cập bến, và được coi là quân cảng số một châu Á. Toàn bộ vịnh Cam Ranh được các ngọn núi có độ cao trung bình khoảng 400m bao bọc xung quanh, địa thế hiểm yếu, kiểm soát cao điểm nên rất dễ bố trí canh phòng, thuận tiện cho việc phòng thủ, có thể triển khai tên lửa phòng không và các loại pháo cao xạ. Tại đây, các tàu hàng chục triệu tấn có thể tự do ra vào, đồng thời có thể làm điểm đỗ cho khoảng 40 tàu chiến cỡ lớn, bao gồm cả tàu sân bay hoặc hơn 100 tàu chiến có trọng tải dưới 40.000 tấn, hơn nữa do cửa vịnh hẹp, cảng vịnh nằm sâu trong lục địa khoảng 17km, nên có giá trị hết sức to lớn về mặt quân sự.
Hơn một thế kỷ qua, nhiều nước lớn quân sự thay phiên nhau coi vịnh Cam Ranh là báu vật. Là một cảng biển tự nhiên quan trọng của Việt Nam, vịnh Cam Ranh từ xưa đến nay là vùng đất tranh giành của các nước lớn. Năm 1905, trong cuộc hải chiến Nhật-Nga, hàng trăm tàu chiến của Nga Hoàng đã tập trung tại đây. Năm 1935, Pháp bắt đầu thi công xây dựng căn cứ hải quân tại đây. Năm 1940, vịnh Cam Ranh rơi vào tay Nhật Bản, trở thành căn cứ để xâm lược Đông Nam Á. Từ năm 1945 đến 1954, Pháp đóng quân tại đây. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1967, Mỹ đã đầu tư rất lớn, mở rộng cảng Cam Ranh thành căn cứ quân sự liên hợp hải-lục-không quân và căn cứ tiếp tế hậu cần khổng lồ của Mỹ tại Đông Nam Á. Chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Mỹ buộc phải rút chạy. Trước khi Việt Nam thực hiện thống nhất đất nước năm 1975, lần lượt Nga, Pháp, Nhật Bản, Mỹ đã từng sử dụng căn cứ vịnh Cam Ranh.
Năm 1979, sau khi ký hiệp định thuê miễn phí 25 năm với Việt Nam, Liên Xô trở thành chủ nhân mới của vịnh Cam Ranh. Sau đó, quân đội Liên Xô đã xây dựng vịnh này thành căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở nước ngoài. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục kế thừa căn cứ này. Tháng 9/2000, mặc dù Nga đã xoá 85% trong tổng số nợ 11 tỷ USD của Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục yêu cầu Nga mỗi năm phải trả 400 triệu USD tiền thuê vịnh Cam Ranh. Căn cứ tình hình kinh tế khó khăn của đất nước, căn bản không đủ sức gánh vác nên năm 2002, Nga rút khỏi vịnh Cam Ranh trước thời hạn, và quân đội Việt Nam tiếp quản từ đó cho đến nay.
Trên thực tế, các tập đoàn quân sự quan trọng trên thế giới, nhất là Mỹ, Nga đã có thời gian dài sử dụng vịnh Cam Ranh, vì vậy luôn có ý muốn quay trở lại vịnh này. Do vị trí chiến lược quan trọng của vịnh Cam Ranh, mấy năm gần đây nó một lần nữa trở thành cứ điểm chiến lược quan trọng tranh giành giữa Mỹ và Nga. Khi vấn đề Biển Đông dậy sóng, một loạt động thái của Việt Nam khiến cho tình hình khu vực này trở nên phức tạp hơn.
2. Mỹ luôn mong muốn kiểm soát vịnh Cam Ranh
Sau khi Nga rút quân vào năm 2002, vịnh Cam Ranh đã ít được quan tâm trong cục diện quốc tế nhiều biến động gần 10 năm qua, song cách đây không lâu, một lần nữa nó trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận quốc tế. Thứ nhất, Mỹ từ lâu đã muốn tái sử dụng vịnh Cam Ranh nên sớm quan tâm đến vịnh này. Những năm gần đây, sở dĩ Mỹ “từ bỏ hiềm nghi trước đây” đối với Việt Nam, ra sức lôi kéo Việt Nam chính là do muốn quay trở lại vịnh Cam Ranh.
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn chú ý đến vịnh Cam Ranh. Trong thời gian này, Mỹ không ngừng đề xuất mức tiền thuê vịnh Cam Ranh đối với Việt Nam, đặc biệt là năm 1992, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi thành trì cuối cùng tại khu vực Đông Nam Á – căn cứ hải quân Subie và căn cứ không quân Clark (Philíppin) nên rất muốn quay trở lại vịnh Cam Ranh, nhưng không thể thực hiện trong bối cảnh các nước xung quanh phản đối.
Vịnh Cam Ranh nằm gần Biển Đông hơn so với một số cảng vịnh của Mỹ như tại Yososuka, thậm chí gần hơn so với căn cứ Changi của Xinhgapo và Busan của Hàn Quốc, có thể nói là nắm chặt yết hầu của Biển Đông, hơn thế nữa là trấn giữ con đường trọng yếu chiến lược quan trọng nhất nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Vì thế, nhân quay trở lại châu Á, Mỹ tỏ ra tích cực hơn so với các nước khác đối với vịnh Cam Ranh.
Lâu nay liên tục có nhũng tin đồn về quân đội Mỹ muốn đóng quân tại vịnh Cam Ranh. Năm 1994, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Richard từng đề xuất tái trở lại căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh với phía Việt Nam; năm 2002, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Blair chính thức đề nghị sử dụng căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh với Việt Nam, với tiền thuê mỗi năm lên đến 1 tỉ USD; sau khi Obama lên cầm quyền, đồng thời với việc tuyên bố “quay trở lại châu Á”, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng nhấn mạnh “quay trở lại Đông Nam Á”, đồng thời tích cực can dự vào các công việc của Biển Đông.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta thăm chính thức Việt Nam hai ngày. Ngày 3/6, Panetta đã tham quan căn cứ quân sự trước đây của Mỹ tại vịnh Cam Ranh, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975 đến nay. Trong cuộc họp báo chung cùng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, Panetta nêu rõ vịnh Cam Ranh là một cảng biển quan trọng, nếu Việt Nam có ý muốn cải tạo khu vực vịnh Cam Ranh và có nhu cầu giúp đỡ, Mỹ sẵn sàng ủng hộ. Hải quân Mỹ sau này có ý muốn thăm định kỳ vịnh Cam Ranh. Panetta nhấn mạnh mục đích chuyến thăm Việt Nam của ông chính là muốn xây dựng lòng tin giữa chính phủ và quân đội hai nước. Mỹ và Việt Nam cần tiếp tục phát triển quan hệ song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là về mặt hợp tác quốc phòng và an ninh.
Có tin Việt Nam đã đồng ý cung cấp dịch vụ cho tàu chiến phi chiến đấu Mỹ tại vịnh Cam Ranh.
Chuyến thăm của Panetta đồng nghĩa với việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một bài viết có tựa đề “đế quốc quay trở lại” đăng trên tờ báo mạng nổi tiếng của Mỹ “Huffington Post” đánh giá: năm 2003 tàu chiến của hải quân Mỹ đã tới thăm Việt Nam; tháng 11/2011, Mỹ-Việt tổ chức diễn tập quân sự chung. Chuyến thăm lần này của Panetta được coi là cao trào, cho thấy quan hệ quân sự Mỹ-Việt được tăng cường hơn. Việt Nam thậm chí yêu cầu Mỹ xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam.
Các dấu hiệu trên cho thấy rõ quyết tâm hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Từ góc độ của Mỹ; quay trở lại vịnh Cam Ranh, quay trở lại Việt Nam không chỉ có thể tăng cường sự tồn tại quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á, mà còn có thể đạt được mục đích kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự. Có chuyên gia quân sự nói thẳng rằng Mỹ bày binh bố trận tại Việt Nam, mũi nhọn trực tiếp là nhằm vào Biển Đông và eo biển Đài Loan.
3. Nga có khát vọng quay trở lại vịnh Cam Ranh nhàm chấn hưng vị thế cường quốc biển.
Nga cũng đang có những bước chuẩn bị nhằm quay trở lại vịnh Cam Ranh. Sau khi Putin lên cầm quyền, bên cạnh việc tăng cường thực lực tổng hợp quốc gia, Nga bắt đầu vươn dài chiếc vòi chiến lược của hải quân, không quân của mình ra bên ngoài. Putin từng nói thẳng nếu từ bỏ chiến lược xây dựng hải quân, Nga sẽ đánh mất quyền phát ngôn trên vũ đài quốc tế. Trong khi đó, quay trở lại vịnh Cam Ranh không chỉ tạo thuận lợi cho quyết tâm chấn hưng cường quốc biển, mà còn là một trong những bước then chốt nhằm khôi phục sức mạnh uy hiếp chiến lược trước đây của hải quân viễn dương Nga.
Ngày 6/10/2010, Bộ Tham mưu Hải quân Nga “đột nhiên” cho biết hải quân Nga đã hoàn thành luận chứng tư liệu liên quan đến việc khôi phục căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh. Nếu có thể, trong vòng 3 năm tới họ có thể quay trở lại sử dụng căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Tờ “Độc lập” của Nga dẫn nguồn tin từ hải quân Nga cho biết lần này Nga sẽ quay trở lại vịnh Cam Ranh theo hình thức cho thuê. Thời gian thuê ít nhất là 25 năm, sau khi kết thúc hợp đồng có thể thương lượng kéo dài.
Từ ngày 26/7/2012, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thực hiện chuyến thăm chính thức Nga kéo dài 5 ngày. Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trương Tấn Sang không thực sự thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng có một điểm được ông đề cập đến đã thu hút mọi con mắt của dư luận quốc tế – đó là vịnh Cam Ranh. Khi trả lời phỏng vấn báo chí Nga, ông Trương Tấn Sang nêu rõ trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Nga. Mặc dù ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh Việt Nam không có ý hợp tác với bất kỳ quốc gia nào về việc sử dụng vịnh Cam Ranh vào mục đích quân sự, nhưng việc một vị nguyên thủ của Việt Nam đưa ra tuyên bố trên đúng vào dịp 10 năm Nga rút quân khỏi vịnh Cam Ranh, lập tức tạo ra nhiều phán đoán khác nhau.
Có lẽ một việc không hoàn toàn ngẫu nhiên là ngày 26/7, Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov cho biết Nga đang bắt tay vào việc triển khai các căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ Nga. Đồng thời, ông cũng nói: “Chúng tôi đang thương thảo để xây dựng trung tâm sửa chữa trên biển tại Cuba, Xâysen và Việt Nam”.
Ngày 27/7, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ cung cấp khoản vay khoảng 10 tỷ USD cho Việt Nam. trong đó khoảng 8 tỷ USD dùng vào việc xây dựng nhà máv điện hạt nhân tại Việt Nam. Đáp lại, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang lập tức bày tỏ phía Việt Nam sẽ cho phép Nga thiết lập một cơ sở sửa chữa tàu thuyềntại cảng Cam Ranh.
Vịnh Cam Ranh nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người, trở thành tiêu điểm quan tâm của thế giới. Putin hào hiệp giúp đỡ, dùng khoản tiền lớn để đổi lấy việc Việt Nam cho phép Nga tiến vào cảng Cam Ranh, mục đích rất rõ ràng đó chính là muốn ngăn cản Mỹ kiểm soát vịnh Cam Ranh, từ đó tìm cách khôi phục sức mạnh răn đe chiến lược của hải quân viễn dương thời Liên Xô trước đây.
Hợp tác Nga-Việt trong vấn đề vịnh Cam Ranh đã mở ra cục diện tranh giành Mỹ-Nga xung quanh vịnh Cam Ranh. Ban đầu dường như Nga chiếm thế thượng phong, nhưng không có nghĩa đã đẩy MỸ ra khỏi cuộc chơi.
Có một luồng quan điểm cho rằng đối với Việt Nam, ý nghĩa của chính vịnh Cam Ranh không lớn như vậy mà nó nằm ở chỗ các chiến hạm cỡ lớn có thế đồn trú tại đây. Cho nên, Việt Nam một mặt hướng về phía Mỹ, còn mặt khác lại hướng về Nga, lợi dụng giá trị chiến lược của vịnh Cam Ranh để chờ giá cao, hai bên đều không bị mắc tội, coi vịnh Cam Ranh là quân bài trong cuộc chơi giữa Mỹ và Nga.
4. Đưa vào nhân tố quốc tế là một biện pháp của Việt Nam nhằm đối kháng với Trung Quốc
Nhưng nhìn từ phương diện khác, vịnh Cam Ranh hết sức quan trọng đối với Việt Nam, nó có khả năng khống chế đối với bất cứ đảo nào tại Biển Đông, cao hơn bất cứ căn cứ hải quân nào của Trung Quốc hiện nay. Vì thế, Việt Nam chắc chắn sẽ biến nó thành căn cứ quân sự quan trọng nhằm tranh giành Biển Đông với Trung Quốc, từ đó kiểm soát vùng biển này.
Việt Nam lôi kéo thế lực bên ngoài chính là muốn từng bước phức tạp hoá, quốc tế hoá vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần cho biết không cho thuê vịnh Cam Ranh sử dụng vào mục đích quân cảng, cho rằng “Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh không hợp tác với nước ngoài trong việc sử dụng vịnh Cam Ranh vào mục đích quân sự, nhưng sẽ khai thác tiềm năng của khu vực vịnh Cam Ranh phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Việt Nam đưa ra thông tin khai thác vịnh Cam Ranh, được dư luận coi là “mục đích lôi kéo nhân tố quốc tế, đối kháng Trung Quốc”. Trên thực tế, Việt Nam đã coi vịnh Cam Ranh là con bài mặc cả giữa Mỹ và Nga, thậm chí với cả Trung Quốc.
Tại khu vực xung quanh Biển Đông, động thái của Việt Nam là lớn nhất, dã tâm lớn nhất, Việt Nam chưa khi nào từ bỏ ý đồ sử dụng biện pháp quân sự giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhưng, thực lực có hạn nên Việt Nam hy vọng biến vịnh Cam Ranh thành một điểm, lôi kéo nước lớn, đối kháng Trung Quốc, về mặt quân sự nhằm tăng cường sức uy hiếp đối với Trung Quốc.
Ý đồ của Việt Nam phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ và Nga. Tạp chí “Lợi ích quốc gia” của Mỹ bình luận rằng hợp tác an ninh với Việt Nam là một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, là một trong những sách lược “kiềm chế” Trung Quốc của Chính quyền Obama.
Đối với Nga, có nhà quan sát chỉ rõ cùng với tình hình Xyri ngày càng căng thẳng, Nga có thể đánh mất căn cứ quân sự duy nhất ở bên ngoài khu vực Liên Xô trước đây. Tại khu vực Đông Nam Á, Nga cũng mong muốn mở rộng sức ảnh hưởng chứ không phải là đối tác và trợ thủ của Trung Quốc. Có nhà phân tích cho rằng một loạt động thái của Việt Nam trong vấn đề vịnh Cam Ranh chỉ là một mắt xích trong chính sách gây sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Vịnh Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược quan trọng, rõ ràng có thể trở thành một quân bài trong tay Việt Nam nhằm gây sức ép với Trung Quốc.
Hiện nay, Mỹ và Nga đang tranh giành vịnh Cam Ranh của Việt Nam, chưa biết ai thắng ai thua, nhưng chắc chắn sẽ có một cuộc cạnh tranh thú vị. Căn cứ vào quan hệ hợp tác truyền thống Nga-Việt và những vướng mắc lịch sử Mỹ-Việt, trong cuộc đua giành quyền kiểm soát vịnh Cam Ranh giữa Mỹ và Nga, có lẽ phần thắng nghiêng về phía Nga nhiều hơn. Tuy nhiên, cho dù Mỹ hay Nga có thể giành thắng lợi đều hết sức bất lợi cho Trung Quốc, nhất là nếu Mỹ có thể kiểm soát vịnh Cam Ranh, như vậy đồng nghĩa với việc bóp chặt yết hầu của Biển Đông, tạo thành mối nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng đối với Trung Quốc.
Vì vậy, vấn đề Biển Đông có thể trở nên phức tạp hơn, và đây chính là một mục đích mà Việt Nam muốn đạt được, cũng là một biện pháp chủ yếu của Việt Nam muốn đối kháng với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét