Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Phạm Ngọc Tiến: Nho còn xanh lắm (Truyện ngắn chủ nhật)

Nho còn xanh lắm
(Truyện ngắn chủ nhật)
Posted on 18/11/2012
Trong đời chả ai lại không có ước mơ. Nhiều ước mơ là khác. Nhưng có rất ít ước mơ trở thành hiện thực. Ước mơ đầu tiên và lớn nhất trong cả cuộc đời tôi là trở thành cầu thủ bóng đá. Còn gì khoái hơn, sướng hơn, hạnh phúc hơn là được xỏ giầy chạy trên thảm cỏ của sân bóng. Tôi gọi nó là ước mơ xanh.
Ảnh hài hước bóng đá trên mạng

Nhỏ xíu tôi đã quần thảo cùng chúng bạn trên bãi cát với quả bóng có được bằng nhiều thứ vật liệu. Tươm nhất là bóng cao su còn thì có khi nó là một trái bưởi non, lúc là một vật thể hình tròn có thể lăn được, thậm chí chỉ là một túm hỗn độn được bó dây lại. Thú lắm. Nhà tôi ở Bờ sông may mắn thế nào gần nhà có những mấy sân bóng tên tuổi. Gần nhất là sân Cứt Bò. Chả hiểu sao lại có cái tên ấy chỉ biết nó là một sân bóng thực thụ có cầu môn bằng gỗ hẳn hoi. Xa hơn chút là sân Long Biên chính quy có tường bao có nhà thi đấu, sân cỏ thì khỏi chê. Sân bóng này là nơi huấn luyện ra nhiều cầu thủ lừng danh của nước nhà và cũng là địa điểm thi đấu các giải bóng đá hạng B, C. Lớn hơn một chút, tôi mon men đến nơi này. Dạo đó có các lớp huấn luyện cầu thủ nhí. Bố tôi thấy tôi ham mê bóng đá ghét lắm dù ông chả bỏ trận đấu nào ở sân Hàng Đẫy. Ghét là vì tôi hay trốn học đi đá bóng. Có đêm ông lôi tôi về từ Cột đồng hồ là cái khoảng phố rộng ngay ngoài đê chỗ giao nhau của mấy con phố từ lâu đã thành sân bóng đêm của cả người lớn lẫn trẻ con.
Tất nhiên những đận như thế tôi ăn dừ đòn. Nhưng đã là ước mơ thì đòn thế chứ đòn xăng tan thằng tôi cũng chấp. Chiến tranh phá hoại làm gián đoạn mơ ước của tôi. Mất mấy năm sơ tán trở về Hà Nội tôi đã phổng phao. Lại là những trận bóng vô hồi kỳ trận bất kể sớm, trưa, chiều, tối. Loạng quạng thế nào tôi được chọn vào lớp dự bị năng khiếu. Tôi nhớ thày tên là Luyến quan sát tôi rồi bảo, mày kỹ thuật hơi đuối nhưng thông minh, biết chạy chỗ, đón lõng, rình rập tóm lại là có tư duy chơi bóng gắng tập luyện có thể trở thành cầu thủ. Tôi sướng phổng mũi. Khỏi nói lúc đó tôi cháy bỏng với ước mơ cầu thủ thế nào. Trốn học liên miên suốt ngày phơi thân trên sân bóng. Sân cỏ, mặt đường, bãi cát, gôn tôm, bóng ma đến đá đội hình thứ gì tôi cũng chơi tuốt. Có thể tôi sẽ trở thành cầu thủ nếu như không có một tai nạn bất ngờ. Ấy là một va chạm trên sân khi mặt tôi ăn hẳn cái đầu gối của cầu thủ đối phương. Mắt phải tôi sau đó bị xuất huyết đáy võng mạc tịt hẳn chỉ nhìn thấy rặt màu đỏ. Tôi phải đi phẫu thuật đốt áp điện đông do bác sĩ Nhân lừng danh dạo đó ở Viện mắt trực tiếp mổ. May lúc đó còn trẻ nên từ chỗ sau mổ chỉ đếm được đầu ngón tay trước mặt dần thị lực phục hồi gần bằng mắt trái. Bây giờ nheo nheo mắt tôi vẫn nhìn thấy lờ mờ màn sương đỏ, chắc là do ảo giác từ cú đó nên thành tật. Có thể nói cú gối đã thay đổi gần như toàn bộ cuộc đời tôi và nó biến ước mơ xanh của tôi vĩnh viễn chỉ là một giấc mơ.

Nhưng niềm yêu thích bóng đá thì có thể nói đã ngấm vào cốt tủy. Vào bộ đội tôi lại có cơ hội được thực hiện niềm yêu thích của mình. Sân kho hợp tác, một mảnh ruộng phẳng nơi tập luyện chiến thuật trong giờ nghỉ đều biến thành sân bóng của lũ lính trẻ Hà Nội. Ngày đó tiểu đoàn tân binh Hà Nội của tôi rặt lính trẻ là học sinh, sinh viên, lạ là rất đa tài. Sau này kiểm lại thấy có mấy nhà văn, nhà báo hàng tá, kỹ sư bác sĩ, tiến sĩ kể không xiết. Đấy là số sống sót chứ còn những người đã chết chắc chắn phải là những tinh hoa. Thật tiếc. Lại nói bóng đá, lính Hà Nội đàn hát bóng bánh phải nói thành thần. Dạo đóng quân ở Nam Định, một đại đội pháo cao xạ vào hẳn trong sân vận động Chùa Cuối ( giờ gọi là Thiên Trường) đào công sự bố trí trận địa. Mấy lần tôi lén trốn đơn vị đến đó đá bóng cùng đám bạn ở đấy. Đó cũng là những lần hiếm hoi tôi được ra sân ở một trong những sân vận động đình đám nhất nước. Thích lắm. Chiến tranh, cỏ chẳng ai dọn xanh mướt phải cắt bớt mới đá được bóng dù thế vẫn đã đời. Khoái đến nỗi tôi xin chuyển từ tiểu đoàn bộ xuống đại đội đó nhưng không được chấp nhận. Sau này ngẫm nghĩ thấy dịp đó cũng được coi như một sự bù đắp cho ước mơ xanh không thành kia của tôi.

Vào Nam, chiến tranh ác liệt nhưng những khoảng vắng và có điều kiện mặt bằng chúng tôi vẫn chơi bóng say mê. Bóng đá quả thật có những sức hút diệu kỳ lấp được đi mọi thứ. Chiến tranh kết thúc, đơn vị tôi đóng quân ở sát một sân vận động thị trấn vùng ven Sài Gòn. Cả bọn nhộn nhịp háo hức với cơ may hiện thực chứ không phải mơ kia. Đám lính bàn nhau tự lập một đội bóng cấp tiểu đoàn. May mấy cán bộ chỉ huy là dân quê không mê bóng đá nhưng lại biết chiều lính và có máu ăn thua. Tay tiểu đoàn trưởng giao hẹn, tao cấp tiền mua đồ thi đấu cho chúng mày thời gian với một điều kiện là nếu đi đá thi phải thắng. Biết tỏng là bóng đá cũng như cuộc đời có thắng có thua nhưng chúng tôi chấp nhận. Dại gì mà trung thực để mà tèo mất cái cơ hội có một không hai kia. Tiểu đoàn chấp nhận cho thành lập đội bóng có thời gian tập luyện, thi đấu có biên chế hẳn hoi. Không có huấn luyện viên nhưng đội trưởng toàn quyền cả về chuyên môn cũng như tổ chức. Một bộ trang phục hoàn hảo được sắm ngay tắp lự. Quần áo màu xanh lá cây. Áo có viền tay, viền cổ màu vàng, số sau lưng vàng. Tất xanh viền tròn ngang cũng màu vàng. Giày Adidas chẳng biết thật hay dởm. Mà giày bóng đá hẳn hoi nhé, loại nhiều đinh cao su đặc chứ không phải loại đinh xoáy như của dân chuyên nghiệp. Bận quần áo vào hoành tráng lắm. Nhưng cũng chỉ nhõn có một bộ đơn vị giữ chỉ xuất ra khi thi đấu chính thức. Tôi trình đá so với chúng bạn xoàng hơn nhưng thày Luyến nói đúng về tôi, thông minh. Láu cá thì đúng hơn. Trên sân, cú đầu gối định mệnh năm nào cho tôi kinh nghiệm tránh đòn rất tài, luôn vật vờ nhưng lúc nào cần xuất hiện là tôi đắc dụng nên được nhận chiếc áo số 10. Kinh chưa. Quần áo tập thì chúng tôi mặc quần lót lính, loại màu cứt ngựa rộng thùng thình có dải rút. Áo cũng là áo lót cứt ngựa có khuy được cắt bớt đi khâu liền vào và khoét cổ chui nom rất khỏe khoắn. Chỗ vải đầu thừa đuôi thẹo khâu lại thành xịp buộc dây (lính trận chả có thằng nào mặc xịp cả nhưng đá bóng chạy nhảy thì khác). Vậy là tươm tất. Đận đó đội bóng của tôi khét tiếng sân cỏ thị trấn và cả vùng đó. Đến mức có vài cầu thủ hạng A bóng đá Sài Gòn cũ lưu lạc đá phủi ở đó phải thán phục về bóng đá của miền Bắc khi biết chúng tôi là lính trận thực sự chứ không phải cầu thủ. Nhưng nói thật hôm nào có tay tiểu đoàn trưởng xem (rất ít) là chúng tôi phải chọn đối thủ yếu để chơi kẻo lão thấy thua cáu giải tán đội có mà tèo. Gần cuối năm 1975 đơn vị tôi chuyển về đóng tại thị trấn Kiên Lương, Hà Tiên. Tại đây cũng có một sân bóng bề thế cách đơn vị chừng 2 cây số. Nơi đóng quân là một sân bay dã chiến. Đường băng trải nhựa nhưng chúng tôi vẫn đá tơi bời khói lửa. Chủ nhật thì đến sân bóng thị trấn quần nhau.

Một hôm dân địa phương thông qua chính quyền hẳn hoi vào đơn vị mời thi đấu với tuyển thanh niên thị trấn. Tiểu đoàn trưởng khoái quá nhận lời. Ông họp đội bóng tuyên bố phải thắng. Thắng thì tồn tại, thua thì giải tán. Thậm chí ông còn nâng cao quan điểm đây là nhiệm vụ chính trị nếu thấy không thể thắng thì từ chối. Thánh họ, bóng đá thì chính trị chính em cái gì nhưng đã cưỡi lưng hổ phải theo thôi. Có một tuần chuẩn bị. Đội bóng ngày nào cũng được đi bộ đến sân tập hai buổi. Dạo đó bọn tôi đã có tiền nên biết tự bồi bổ. Là tiền miền Bắc mang theo từ dạo vào đổi ra tiền Nam. Hóa ra thằng nào cũng đều lận lưng kha khá cả. Sốt rừng anh nào anh nấy xanh mét được vài tháng hòa bình có khá khẩm hơn nhưng vẫn gầy tong teo cả lũ. Sữa Ông Thọ ngày đó ê hề, mỳ tôm, mỳ cua cả thùng. Mỗi ngày tôi tẩn đều đặn 2 hộp sữa. Cứ đục ra mà mút sống chẳng pha phách gì, chỉ mấy hơi là hết hộp. Ngọt khé cổ khàn cả giọng nhưng mà đã mà sướng. Tôi ngờ bệnh tiểu đường sau này có nguồn gốc từ những vố mút sữa dạo ấy. Trước hôm đấu, chính tiểu đoàn trưởng hớt hải thông báo tao nghe nói đám thị trấn mượn cầu thủ ở thị xã Hà Tiên về đấy, chân giày hẳn hoi, tụi bay xem có đấu được không, còn để tao cấm trại từ chối. Máu lính bốc lên rần rật. Chơi chứ, chơi đến cùng. Đến hôm đấu cả đội mặc sẵn trang phục đi theo đội hình hành quân hàng một từ đơn vị đến sân. Trước đó họp đội hình cẩn thận. Tiểu đoàn trưởng đích thân chỉ đạo dù lão chả biết mô tê răng rứa gì. Đại loại lão bảo tập trung bít cầu môn cần thì nằm ra mà chắn không cho nó đá vào. Giời ạ gôn tôm đâu mà thế. Thằng nào đối phương giỏi thì quây chặt lấy không cho nó đá. Mù mờ kiểu thày bói sờ voi nhưng xem ra cũng đúng chiến thuật phòng ngự đổ bê tông ra phết. Chưa hết lão còn phán thằng nào đá láo cứ dái mà phạng. Lạy bố, bóng đá chứ có phải trận mạc đâu mà phang với phạng. Đá thế có mà ăn phạt thua chỏng vó. Tôi bây giờ vẫn nhớ như in cảm giác lúc ấy. Đội bóng đi đầu, lính tráng theo sau hệt như đi dã ngoại. Oai hùng lắm. Hệ thống loa truyền thanh của thị trấn oang oang phát thông báo liên tục về trận đấu giữa tiểu đoàn tôi (được đôn lên là đội bóng đá phòng không không quân Cách mạng) và tuyển Kiên Lương. Thị trấn Kiên Lương này nằm trên trục Rạch Giá- Hà Tiên, nơi có nhà máy xi măng Kiên Lương một nhánh của xi măng Hà Tiên nổi tiếng. Khán giả đến khá đông. Trọng tài được mướn nơi khác về quần áo đen đủ bộ. Chúng tôi hồi hộp vào sân. Báo hại cho tôi đúng hôm thi đấu thì buổi trưa tôi ngây ngấy báo hiệu cơn sốt rét rừng chuần bị ập đến. Tay Thắng vịt chăm sóc tôi rất nhiệt tình, chẳng phải vì tốt mà là hắn đeo số 12 dự bị đầu bảng. Thắng vịt gạ tôi nhường suất đá chính có điều kiện kèm theo là các vài bao thuốc Rubi quân tiếp vụ. Đời nào tôi lại dại thế. Trước đấu một tiếng tôi mút tẹt hộp sữa thấy người chuyển sang ngây ngất, nguy quá. Tôi xuống bếp xin tay quản lý một ngụm rượu để kích thích quên đi cảm giác sốt nhưng tay kia vốn rất quý tôi bất chợt nổi máu ki bo bảo rượu có mà đá, tao bày cho cách này. Hắn rót nửa bát nước mắm Phú Quốc bảo, loại ngon đấy, thợ lặn biển toàn dùng thứ này lặn cả ngày, mày nốc hết ắt đẩy lùi được sốt. Bí quá tôi đành liều nhắm mắt nhắm mũi tu cạn. Người nhộn nhạo một tẹo thì quả nhiên thấy phấn chấn hẳn. Hay quá. Từ đận này tôi có được thêm kinh nghiệm, đi rừng hay lao động nặng cứ tẩn nước mắm là đủ dinh dưỡng có sức chống đỡ.

Vào trận chúng tôi bị ép sân ngay từ đầu và nhận bàn thua rất sớm. Đúng là có nhiều cầu thủ lạ mặt. Sau này thì biết chính là dân bóng chuyên nghiệp từ Hà Tiên về. Chúng tôi đá lăn xả. Tôi có nước mắm phụ trợ hăng hẳn tả xung hữu đột ở khu vực vòng tròn trung tâm. Đối phương đá trên chân chúng tôi nên có vẻ chủ quan. Họ đâu biết được rằng hàng tiền đạo bên tôi có Lân đen sau này làm chánh văn phòng VTC có dạo còn kiêm nhiệm phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC, nhỏ con nhưng là chân sút nhanh như cắt. Mấy người còn lại đều là chân sút có hạng của giải phong trào học sinh thành phố lúc chưa đi lính. Bởi thế gần cuối hiệp 1 lúc tôi cản được một cầu thủ đối phương khiến bóng bật ra đến chân Lân đen đeo số 7. Anh này dốc bóng rất nhanh đến vòng 16m50 đối phương không sút mà chuyền ngang cho Thanh lương khô số 11. Tỷ số là 1-1 khi kết thúc hiệp 1. Giải lao, đám lính cầu thủ thở hồng hộc mặt tái nghét cả lượt. Lại sữa lại nước ngọt bồi bổ. Tiểu đoàn trưởng chạy vòng quanh chỉ đạo như đánh trận. Hăng lên, máu lên nếu thắng chiều tối cho giết lợn khao quân. Như được quả treo thưởng phấn khích, lính tráng càng đá càng hăng. Đầu hiệp còn tử thủ sau thì tiến lên ào ạt khiến đối phương rơi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Vừa đá tôi vừa nghĩ đến bữa chén buổi tối. Lúc đó không còn thèm khát như dạo ở rừng nữa, thịt không còn là điều ước nhưng tôi lại ham tụ bạ bù khú có thịt có rượu đời hỏi còn có gì hơn, chà chà. Nghĩ đến đấy thì một cú xoạc bóng cả hai chân kiểu triệt hạ phạng vào chân tôi. Ngã vật. Báo hại, giá tôi tập trung thì đâu đến nỗi. Đau nảy đom đóm mắt và buốt đến tận tủy chân. Tôi nằm phải đến cả phút. Thắng vịt đã khởi động định vào thay. Đầu óc váng vất, chân đau dội óc nhưng tôi vẫn nhớ đến mấy bao thuốc Rubi, Thắng vịt gạ gẫm lúc trước trận bèn cố gượng dậy bảo thằng kia. Yên ở ngoài tao còn đá được. Thắng vịt năn nỉ. Tôi làm dấu ngón tay kẹp thuốc đưa lên miệng. Thằng kia hiểu ra gầm lên rồi gật đầu. Nó mót đá quá đấy mà nên phải gượng chấp nhận. Tôi ngồi ngoài xem với đầu óc lơ mơ có lẽ vì chỗ nước mắm đã hết hiệu lực. Trước khi lịm đi vì cơn sốt sầm sập ập đến như một con tàu tốc hành, tôi kịp chứng kiến Lân đen ghi bàn quyết định. Lúc đó trận đấu còn vài phút nhưng cầu thủ đối phương đã sụp hẳn xuống như thể chấp nhận thua cuộc. Tối đó có bữa liên hoan như đã hứa của tiểu đoàn trưởng. Rượu thịt ê hề. Tôi sốt mê man đành phải nhai lưỡi trong mơ. Thắng vịt xù quả thuốc lá vì lý do được đá ít không bõ. Sau trận đấu đó đám thanh niên thị trấn tâm phục khẩu phục không còn ăn thua như cái vố mướn cầu thủ nữa. Đôi bên hòa thuận vui vẻ trên cùng một sân bóng. Được một dạo ăn chơi nhảy múa bóng banh chúng tôi chia tay nhau. Một số cầu thủ được chuyển về Sài Gòn ôn tập thi đại học và học tiếp văn hóa. Tôi có tên trong danh sách ra quân đợt đầu. Đội bóng vẫn còn nhưng lứa cầu thủ sau èo uột cả thân xác lẫn máu me tinh thần coi như bị giải thể.

Trở về Hà Nội mải mê kiếm sống tôi không còn điều kiện nghĩ đến bóng đá nữa. Thi thoảng nhớ quả bóng tôi xỏ giày đi đá phủi. Những trận đấu thưa dần nhưng đam mê bóng đá thì không thể mất. Tôi nghiện vào sân xem. Những năm cuối thập kỷ 70 vé bóng đá hiếm hoi thông qua đường phân phối nên giá vé chợ đen đắt kinh khủng. Có trận chiếc vé là cả chỉ vàng. Sau này bóng đá nước nhà xuống dốc tôi bỏ sân vận động để bám vào ti vi. Đến tận bây giờ đêm đêm tôi thức như vạc xem không bỏ bất cứ trận quốc tế nào. Những sân bóng Cứt bò, Long Biên tuổi thơ của tôi đã biến thành nhà cửa thành khu này khu nọ chẳng còn chức năng thi đấu. Cột đồng hồ bị cầu Chương Dương thôn tính từ tám hoánh.

Tuần trước muốn có cái bìa sách mới tôi đi tìm họa sĩ Văn Sáng nhờ vẽ. Thấy anh này khăn gói quả mướp tôi hỏi đi đâu. Em ra sân đá bóng. Hứng lên tôi gạ cho tôi đá cùng. Văn Sáng trợn mắt nhìn tôi như nhìn một sinh vật cổ quái. Anh đá đấm gì. Đừng đùa nhé anh mày từng đá chân giày hẳn hoi. Không tin nên Văn Sáng bĩu môi hạ một câu rất chi là xách mé:

-Nho còn xanh lắm.

Trúng phóc. Tôi bật cười. Bố sư khỉ đúng không thể đúng hơn. Ôi, cái ước mơ xanh. Khekhe…

Hà Nội 18/11/2012


  1. Đợi; Và … Ngại.
    Thưa bác Tiến,
    Tôi đợi „Chủ nhật“ lắm; Mà cũng ngại lắm đấy. Dù sao, được quen biết và đề tài này cũng „gợi“, nên thế nào cũng xin góp riêng „một mớ“.
    *
    Chuyện bóng bưởi, bóng „bó“ thì có thể mường tượng ra vì có trải nghiệm; Nhưng không thấy bác nhắc những buổi „tường thuật bóng đá“ của „Hoài Sơn, Đình khải và tổ (…) của đài Tiếng nói Việt Nam“ phát trên hệ thống loa truyền thanh. Hay hứng thú này chỉ có nơi vùng sâu, vùng xa của quê tôi?
    Lý thú ở chỗ, sau này học đại học, có một anh NCS lớn tuổi từng là bộ đội mà buổi sinh hoạt văn nghệ nào anh cũng hát bài „Du kính Long Phú“. Anh kể rằng chính anh thích chơi bóng đá, nhưng đơn vị cũ có „cậu“ còn mê hơn anh; nhất là mê „thuyết minh“. Cứ có thời gian là „cậu này“ rủ nhiều người ra bãi đá bóng. Chia đội, chia sân xong thì anh ta không đá mà ngồi … thuyết minh. Anh „du kích Long Phú“ nói rằng „cậu ấy“ nói rất say mê, hơn cả „Hoài Sơn, Đình Khải“; Nhưng để ý thì lời „thuyết minh“ không ăn nhập gì vào diễn biến trên sân. Những lúc nghe hét „Vào rôôồi …“ hay „Thế là hỏng một bàn ăn trông thấy“ thì thực ra bóng rất xa khung thành hoặc đang chờ ném biên.
    Nho mãi xanh như kỷ niệm; Phải không Anh?
    Thân mến.
    • Cứ chiều tối thứ bảy thì ngồi ngoắng cái truyện chủ nhật rồi xem đá bóng châu Âu. Nghỉ ngơi cuối tuần bằng cách này xem ra cũng thú bác Văn Đức ạ. Cảm ơn bác đã Đợi và Ngại. Nhưng bác chẳng nên ngại làm gì cho dù những cái truyện tốc ký thiên về hồi ức này nó hay dở thế nào bác nhé.
      Vâng, nho mãi xanh như kỷ niệm!
  2. NHỚ (2)
    Lan man kỷ niệm.
    Nhớ Trường và nhớ một trong những người anh lớn tuổi lúc đó, tôi lướt mạng để tìm cho đủ lời bài hát anh đã hát; Mà chưa được.
    Đoạn điệp khúc dễ nhớ nhất cũng không đủ:
    „Chúng ta đoàn quân du kích,
    Sống cùng Long Phú mến yêu;
    Đồng bào thương yêu du kích,
    …”
    Cũng có mấy địa chỉ viết về tác giả của bài hát là Nguyễn Quốc Hương và nhân vật chính là Anh hùng Sơn Ton; Nhưng cũng chỉ là những trích đoạn:
    Ai về Cù lao Dung, nhớ ghé bến Rạch Giá;
    Đây đồng ruộng bao la, bát ngát đến xa vời.

    Ai về Cù Lao Dung ghé qua Rạch Già;
    Ai về An Thạnh Nhất hỏi Tây chết mấy thằng.
    Chẳng phải đã “hoài cổ” lắm đâu; Nhưng cái thói cứ thích “tìm đến ngọn nguồn lạch sông” nên … “đốc” ra như vậy.
    Quay lại “đá BANH” thì THOÁNG hơn chăng? Vui hơn chăng?
    Thân mến.
    • Đốc chứng đâm ra hoài cổ. Khekhe…Hồi cố lại ngọn nguồn sông lạch là cực tốt bác Văn Đức ạ. Thuốc bệnh của tôi đấy để quên đi phần nào thực tại đáng quên.
  3. Em nghĩ có lẽ bóng đá là môn thể thao được đám đàn ông ưa chuộng nhất và trong đời hầu như ai cũng đã có lần đá bóng. Nhưng vào thời đó, bác đã có ước mơ đầu tiên và lớn nhất trong cả cuộc đời là trở thành cầu thủ bóng đá thì hơi hiếm; thông thường chơi bóng thì rất ham, nhưng ước mơ cho cả cuộc đời thì lại theo khuôn phép do gia đình, nhà trường tác động. Các ông bố bà mẹ thì hướng dẫn con cái phấn đấu giáo viên, bác sĩ để làm rạng danh cho gia đình… Nhà trường muốn các em học giỏi, đạo đức tốt để sau này cống hiến được nhiều cho đất nước, sớm đưa đất nước lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Hồi đó trẻ em chơi bóng vô tư, ít nghĩ đến trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nếu trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì cũng chỉ là tình cờ do các cán bộ thể thao phát hiện, giới thiệu. Chỉ những đứa đá ở Long Biên, Cột Cờ, Quần Ngựa…, khi chơi đươc tiếp xúc với các cầu thủ chuyên nghiệp, nhất là những Ba Đẻn, Giáp, Bền, Mỵ…, mới bị lôi cuốn và muốn theo đường của các anh ấy. Chắc bác khi đá ở các sân trên có tiếp xúc với các cầu thủ lừng danh hồi đó nên mới sinh ra ước mơ như thế.
  4. Bác có ước mơ lớn như thế, nhưng mà thực hành có khi lại kém em đấy. Nếu khi giải ngũ là bác cơ bản thôi đá bóng thì mới ở tuổi 21. Em thì đá đến tận hết năm đầu tiên đi làm cơ, tức là đến tuổi 23-24; sau đó vẫn đá, nhưng không nhiều vì vừa không có thời gian, vừa không tìm được đám bạn chơi thích hợp. Chuyện đá vô hồi kỳ trận bất kể sớm, trưa, chiều, tối hay bóng là đám giẻ vo tròn… em đều trải qua. Bọn em còn đá bóng trong đêm, chẳng ai nhìn rõ bóng, cứ mờ ảo mà đá. Nhà em gần sân Trương Định (nay sân đó bị xóa bỏ để xây nhà thi đấu quận Hai Bà Trưng), suốt ngày em sang đó đá. Lạ là ngày xưa bố mẹ để con cái chơi rất tự do, nhiều hôm đá đến nửa đêm, tối mù, về nhà cũng không sao cả. Cạnh sân Trương Định có 2 cái ao rất to, đá mạnh 1 tý là bóng lăn xuống ao; thế là đứa gần nhất phải lao xuống vớt bóng. Có điều là người ta thả rất nhiều xương trâu bò lợn xuống đó để nuôi cá, nhảy xuống đó sẽ giẫm phải đủ loại xương, em đã bị mắc chân vào mồm con bò, sưng vù mất mấy ngày.
    Thú nhất là đá bóng hồi đi sơ tán về nông thôn; đám trẻ bọn em mê nhất là đá trên các ruộng mạ mới nhổ đem cấy. Đất phẳng lỳ, êm như nhung, chẳng có giầy vẫn đá tốt. Đến giờ em vẫn thấy không có sân nào tốt bằng ruộng mạ.
    Kỷ niệm lớn nhất với em là đá bóng hồi học đại học. Đội bóng lớp em khá nổi tiếng vì đá thắng nhiều lắm, thắng cả các khóa đàn anh lẫn khi đi giao lưu nơi khác. Em được cái nhanh, dai sức, vì thường xuyên thể dục và chạy buổi sáng; sáng nào cũng dậy từ 4h30, chạy từ nhà lên Chợ Mơ, sang Ngã Tư Vọng, xuống Đuôi Cá rồi về nhà, tính ra phải hơn chục cây số. Do đó em luôn đá ở vị trí trung vệ, có sức càn lướt và cướp bóng rất nhanh; thường khi bóng chuẩn bị tới chân đối phương thì em đã vượt lên cướp được trước. Đến cuối năm thứ nhất đại học, đang đi trong trường, tự nhiên nghe loa nhà trường thông báo danh sách những học sinh nghỉ học nhiều nhất trong năm, thấy em đứng đầu danh sách. Tròn mắt ngạc nhiên, em lên khoa thắc mắc. Giáo vụ giở sổ ra đọc cho nghe các ngày nghỉ, mỗi ngày 6 tiết, nhân lên, không ra mấy trăm tiết trốn học đi đá bóng là gì. Em đọc xong hết cãi. Nhưng tức quá, về lớp chửi thằng lớp trưởng và bí thư đoàn, sao chúng mày ghi điểm danh ngấm ngầm mà không báo tao. Sau này em thù chúng nó, làm nhiều bài thơ mỉa mai chúng nó. Đến đợt đi xây dựng phòng tuyến Sông Cầu, sống chung với nhau sinh giữa chúng nó nhiều mâu thuẫn, em còn viết cả 1 tập tài liệu ghi lại những lời chửi nhau giữa bọn chúng để đọc cho cả khoa cười…
  5. Sang giai đoạn đi làm, năm đầu tiên bọn em còn đá bóng dữ lắm. Được thế vì mặc dù làm ở cơ quan hành chính ngày 8h vàng ngọc nhưng bọn em vừa là đám con các ông to (riêng em thì không), vừa là loại học giỏi được lãnh đạo cưng chiều, vừa do giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng thế giới làm giám đốc, nên chẳng ai đụng vào làm gì. Ngoài đá với dân Việt, bọn em còn đá giao lưu với thanh niên các sứ quán, chủ yếu là thua vì chúng nó to con quá….
    Sau rồi bận việc quá, nhiều đứa lấy vợ, nên giải tán. Em chẳng còn bạn đá cùng, đi đá lang thang, mỗi hôm với 1 đám thấy cũng chán. Rồi đi SG học lớp quản lý kinh tế 5 tháng dành cho cán bộ cấp cao do chuyên gia Liên Xô dạy, rồi đi học ở nước ngoài… Đến năm 1985 về cơ bản là hết đá bóng.
    Nhưng chuyện liên quan đến thể thao và bóng đá vẫn chưa xong. Dần dần em phát hiện ra bị bệnh đau đầu, cao huyết áp. Có lúc đầu đau như búa bổ, lắm lúc muốn tự tử. Chữa đông tây y, châm cứu đủ kiểu, tiêm trực tiếp các loại thuốc vào đầu vẫn không khỏi. Sang Pháp chụp cắt lớp đầu thấy chẳng có u i gì cả; bọn Pháp chữa 1 năm không được, tuyên bố thua … Đến 1 hôm, tự nhiên 1 ông bác sĩ bảo tại sao tay mày cứng thế, bắp thịt chân tay đều chắc. Em giải thích đó là do thời trẻ thể thao, bóng đá nhiều… Ông ta à lên 1 tiếng rồi bảo, thế thì đúng rồi, cả cuộc đời trước đây mày vận động nhiều quá, cơ thể nó quen với nhịp điệu, cách sống đấy rồi; giờ không tiếp nữa thì sinh bệnh là phải. Và ông ta giới thiệu em sang Bệnh viện thể dục thể thao, ở đó họ dùng cách chữa cho các vận động viên. Em sang đó chữa, quả nhiên dần dần bệnh đỡ và khỏi. Nhưng từ khi phát bệnh đến khi khỏi cũng mất hơn chục năm. Sau vụ này, em gần như đoạn tuyệt với đá bóng, chỉ xem đá bóng thôi. Ngoài xem quốc tế, em cũng thường xuyên ra Mỹ Đình, Hàng Đẫy, toàn ngồi phòng VIP máy lạnh vì có vé mời VIP mà. Giờ thì có thể khẳng định em là Nho đã chín nẫu rồi.
    Em còn nhiều thứ kể lắm, nhưng cũng dài rồi. Viết vậy để sẽ chia với anh Tiến những kỷ niệm khó quên về bóng đá.
    • Cộng ba cái comment này của Lại Trần Mai số chữ, số kỷ niệm tương đương với cái truyện này. Để bật hồi ức lại được nhiều như thế có nghĩa là đã đồng cảm. Chuyện bóng banh nhiều lắm nhưng chỉ gói trong một truyện ngắn thì đành phải chọn những gì phù hợp để tải thôi. Ban đầu định viết về những trò ma mãnh của bóng bánh cho vui vui nhưng không gói hết được. Viết thế này bạn bè lính tráng đọc lại để nhớ những ngày trai trẻ.
      Mình mê bóng đá thực sự, ước thành cầu thủ từ rất sớm. Thích lắm. Cái sân Long Biên đào tạo được những cầu thủ nổi tiếng nhưng là sau này họ thành danh chứ lúc bé con như nhau hết ấy mà. Đã nào ai biết ai đâu. Giờ già nhưng mê mẩn bóng bánh còn hơn mọi thứ. Đêm qua lọ mọ xem mấy trận đến gần sáng. Xem miên man luôn.
      Chia sẻ với LTM những kỷ niệm thơ trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét