Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Tướng Thước gửi thư ngỏ tới Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi



Nhưng không hiểu những người có trách nhiệm ở cơ sở lại có những biểu hiện bất hợp tác để làm rõ sự kiện đau lòng này. Không biết quá trình đi tìm hiểu xác minh có vấn đề gì mà địa phương và những người tìm kiếm vẫn chưa gặp nhau?

LTS:Tháng 11/2011, Tuần Việt Nam đăng loạt phóng sự về vụ việc Mỹ Lai và cuộc tranh cãi về bức ảnh 'Anh che chở cho em' của nhiếp ảnh gia Ron Haeberle trong dịp ông trở lại Mỹ Lai. Loạt bài được sự quan tâm của nhiều độc giả, trong đó có Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, người lính già trở về từ những trận mạc khốc liệt. Nhân dịp Quốc hội đang họp, ông gửi thư ngỏ đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi để hỏi rõ hơn những câu chuyện còn bỏ ngỏ trong vụ việc.
Tuần Việt Nam xin đăng nguyên văn lá thư ngỏ của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Thư ngỏ gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
Không còn bao lâu nữa, sự việc động trời, trời không dung, đất không tha" của những tên khát máu không còn tính người trong quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân Sơn Mỹ và cho cả nước mà những người có lương tâm không bao giờ quên. Sự kiện Sơn Mỹ tròn 45 năm (16/3/1968 - 16/3/2013), và đất nước ta đang triển khai kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ để tri ân những người con đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, cũng đồng thời luôn nhớ tới những người dân thường vô tội bị kẻ thù sát hại trong 2 cuộc kháng chiến.

Theo dõi thông tin trên mạng chính thống có một sự việc đang gây tranh cãi xung quanh vụ Sơn Mỹ là 2 em bé còn sống sót trong vụ Sơn Mỹ (qua ảnh của phía bên kia) là ai? Gia đình họ là lớp người như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ? Và dù 2 bé đó là ai thì cũng là nạn nhân trong cuộc thảm sát man rợ đó.
Sự việc xảy ra đã quá xa, và lúc bấy giờ trước diễn biến khốc liệt đó có những tình tiết mà chắc sau đó chắc chúng ta cũng chưa kiểm chứng được đầy đủ. Trong tình hình đó có thể có những thông tin sai sót là không thể tránh khỏi và cũng không đáng trách. Ví như sự kiện 2 chiếc xe tăng của ta vào Dinh Độc Lập ngày 30/4 đã có rất nhiều tranh cãi,  mãi khi có hình ảnh của nhà báo phương Tây được phát hiện trong thời khắc đó mới được khẳng định. Với tinh thần tất cả những người chiến binh trong thời khắc đó đều là những người làm nên lịch sử đó không chỉ mình ai làm được.


Trở lại sự kiện hình ảnh 2 em bé, qua thông tin trên mạng, nhưng người phía bên kia tham gia vụ việc (nhiều người đã sám hối, có người quá căng thẳng nên đã ra đi) và chịu khó đi tìm để góp phần làm ra sự thật những tình tiết mà trước đây chưa có điều kiện.
Qua thông tin trên mạng, báo chí thì (theo phóng viên bên kia), nhiều khả năng nhất 2 đứa bé trong ảnh chính là người đang cùng các nhà báo phía bên kia đã làm tương đối sáng tỏ. Nhưng không hiểu những người có trách nhiệm ở cơ sở lại có những biểu hiện bất hợp tác để làm rõ sự kiện đau lòng này. Không biết quá trình đi tìm hiểu xác minh có vấn đề gì mà địa phương và những người tìm kiếm vẫn chưa gặp nhau?
Kinh nghiệm vụ 2 chiếc xe tăng ngày 30/4/1975 trước cổng dinh Độc Lập thì vụ việc Mỹ Lai nên trên tinh thần giải quyết như vậy, có tình, có lý, theo khả năng cao nhất hiện nay để chúng ta khép lại những ý kiến khác nhau để sự việc đau lòng này được đem ra ánh sáng một cách trọn vẹn.
Tôi đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nên chủ trì một cuộc họp (hội thảo) có các nhân chứng 2 bên, các nhà khoa học, căn cứ các dữ liệu lịch sử đã có để đi đến kết thúc để người trong cuộc cũng như những người đã khuất đều thỏa mãn, hợp với đạo lý dân tộc. Mọi người con đất Việt đều từ dòng máu Lạc Hồng.
Xin chân thành cảm ơn và chờ phản hồi
Hà Nội 1/6/2012
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Nguyên tư lệnh Quân đoàn 3 - Mặt trận Tây Nguyên trong chống Mỹ - ĐBQH K8,9,10
Loạt bài phóng sự Mỹ Lai đã đăng tải trên Tuần Việt Nam
Kỳ 1: Thảm sát Mỹ Lai: nhìn lại ký ức kinh hoàng
Kỳ 2: Buổi sáng định mệnh qua hồi ức Ron Haeberle
Kỳ 3: Sát nhân, anh hùng Mỹ và những người sống sót
Kỳ 4: 'Người chết sống lại' và cuộc hội ngộ đẫm nước mắt
Kỳ 5: Mỹ Lai: Từ bức ảnh tranh cãi đến... hành hung nhà báo
Kỳ 6: Ron Haeberle và người dân Sơn Mỹ 'phán quyết' về bức ảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét