Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy và Nhạc sỹ Tô Hải

Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy
Nhạc sĩ Tô Hải


50 năm cùng 'Tiếng hát biên thùy'

Nhạc sỹ Tô Hải
Viết riêng cho BBC từ tp.HCM



http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/04/090406_tohai.shtml
NS Trần Hoàn (bên trái) và NS Tô Hải
"Văn nghệ đích thực đôi khi phải đánh đổi bằng cả số phận khắc khổ cay đắng"

Năm nay 83 tuổi, nhạc sĩ Tô Hải được coi là blogger thuộc nhóm cao tuổi nhất ở Việt Nam, và ông cũng là tác giả của một bản hợp xướng giao hưởng đã song hành suốt 50 năm cùng lịch sử ngành biên phòng, cũng có thể coi là bản giao hưởng thuộc hàng đầu tiên của Việt Nam, một kỷ niệm mà ông muốn chia sẻ riêng với độc giả BBC tiếng Việt.
Đó là những năm 1957-1958:
- Khi Miền bắc Việt Nam vừa ra khỏi một cuộc chiến trường kỳ chín năm gian khổ,
- Khi mà nông thôn đã bị đảo lộn bởi cuộc "cách mạng long trời lở đất" là "cải cách ruộng đất + chấn chỉnh tổ chức" gây nên sự xào xáo, đảo lộn, đấu tố đến phá hoại mọi công bằng, đạo lý của toàn thể cơ cấu xã hội, gia đình... ở nông thôn,
- Khi mà người dân vừa mới cắm thẻ nhận ruộng lại bị bắt buộc nộp từ con trâu, cái cày đến miếng ruộng vừa được chia cho "tập thể" để hàng ngày nghe kẻng đi làm ăn công, chấm điểm,
- Khi mà ở các thành phố, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán đều bị cải tạo, tất cả chỉ còn là "quốc doanh". Từ cái tã cho trẻ sơ sinh đến cái tiểu sành khi cải táng, tất cả đều có tiêu chuẩn nhà nước quy định, có tem, có phiếu,
- Khi mọi sự cố gắng để giành lấy một chút tự do trong sáng tác mà điển hình là nhóm "nhân văn giai phẩm" bị lên án và đàn áp, cho đi cải tạo, đuổi ra khỏi biên chế, cấm sáng tác...
- Khi mà hầu hết các nhạc sỹ kháng chiến trở về thành phố với hành trang chẳng có gì ngoài mấy bài hát tuyên truyền động viên toàn dân kháng chiến, chưa một ai được học qua một trường lớp chính quy nào, chưa hề biết, chưa hề nghe một tác phẩm âm nhạc thuần túy nào, chưa biết dàn nhạc giao hưởng gồm có những nhạc cụ gì. Thậm chí có người chưa thể ghi chuẩn xác chính sáng tác của mình lên giấy.


NS Tô Hải thời trẻ
Mỗi ngày phải học 16h mới đủ cho từ hòa thanh, phức điệu đến phối khí, piano

Khủng hoảng lý luận
Và quan trọng hơn hết là cách mạng Việt Nam sẽ đi theo hướng nào đây: "theo Tây hay theo Tàu" ? Đặc biệt sau hội nghị các đảng cộng sản Bucarest (1956) ở Rumani thì chủ nghĩa cộng sản đã bị chia rẽ sâu sắc đến nỗi khẩu hiệu "Vô sản thế giới liên hiệp lại" đã được thay thế bằng " Vô sản thế giới giải tán đi" (prolétaires de tous les pays, dispersez vous!) thì tại những cơ quan lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, "tiến nhanh, tiến vững chắc LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI" là thế nào đây???
Rõ ràng là... tùy nghi ứng xử. Nói trắng ra rằng, một cuộc khủng hoảng về lí luận chưa từng có đã làm chia rẽ ngay các vị lãnh đạo cao nhất, từ trong nhận thức đến hành động.
Do đó, ai nắm quyền ở lãnh vực nào thì cứ vận dụng lí luận theo kiểu mình hiểu.
Phải mãi đến khi người ta ra mặt chống chủ nghĩa xét lại và đi theo con đường của... Mao chủ tịch thì trắng đen mới thật rõ ràng.
Chính trong thời kỳ "nửa dơi nửa chuột" này mà giới văn nghệ mới có dịp làm quen với những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của thế giới, kể cả những tác phẩm sau này bị lên án là xét lại, thậm chí là "phản động", qua con đường công khai nhập vào Việt Nam bởi chính những đoàn nghệ thuật, những xuất bản phẩm, báo chí, những bộ phim, những tiểu thuyết của "các nước anh em" mà muốn phê phán, cấm đoán cũng... "há miệng mắc quai".
Lớp học kỹ thuật âm nhạc do các chuyên gia nước ngoài phụ trách để giúp những người viết ca khúc (song writer) Việt Nam trở thành "nhạc sỹ" đích thực (composer) được ra đời chính ở cái thời này chính là nhờ sự nhận thức khá đúng đắn của một số lãnh đạo cấp cao nhất như Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm...

Chuyên gia Bắc Triều Tiên
Không phải là không có nhiều ý kiến của những kẻ ngu dốt, cơ hội, cho rằng "âm nhạc Việt Nam không nên phát triển theo đường lối phương Tây. Phải dạy cho trẻ em hò, sừ, sang, cống, líu... chứ tại sao lại phải đồ, rê, mi, pha son? Sonate, giao hưởng, opera là sản phẩm văn hóa của giai cấp tư sản, việc gì ta phải bắt chước. Giai cấp vô sản không cần đến những hình thức nghệ thuật chỉ dành cho vua chúa và bọn tư bản làm gì"...

Giới thiệu tác phẩm
Tác phẩm huy động hơn 100 diễn viên và nhạc công từ nhiều đoàn nghệ thuật

Cứ như thế, tranh cãi, đấu đá tới mức khi thành lập hội nhạc sỹ Việt Nam (1957), âm nhạc Việt Nam hiện đại vẫn chỉ dừng ở mấy bài "lời ca hát lên hát xuống" hoặc mấy "bài hát dài" với cái tên sáng tạo rất... Việt Nam là... trường ca như "Sông Lô", "Du kích Sông Thao"... mà chủ yếu là hát đồng ca, thỉnh thoảng có 2 bè đã là... "đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc" rồi.
Tóm lại, âm nhạc Việt Nam những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước vẫn chỉ là thứ âm nhạc của thế kỷ thứ XV- XVI của các nước tiên tiến, thậm chí còn đang nằm ở tình trạng "hát lên những câu ca dao"như kiểu các cụ ta thời xưa đã làm nên những bài dân ca truyền khẩu mà những gì hay nhất còn lại cho con cháu hôm nay cũng chỉ nhờ... truyền khẩu, chẳng hề có văn bản bao giờ.
Có thể nói, khi đặt vấn đề mời chuyên gia nước ngoài dạy hòa thanh, phối khí, phức điệu và các hình thức âm nhạc chính quy như rondo, sonate, symphony... trong bối cảnh lịch sử như đã trình bày ở trên là một thắng lợi của những đầu óc cấp tiến.
Tuy nhiên, cũng từ những thắng lợi bước đầu này mà nảy sinh ra những mâu thuẫn ngay trong nội bộ giữa những "nhạc sỹ có học", "nhạc sỹ chưa được học" hoặc "nhạc sỹ... không cần học".
Quá trình rèn luyện
Tôi thuộc lại nhạc sỹ "thèm học" nên đã đấu tranh bản thân, vượt qua mọi sự khó khăn, ép mình nuốt trôi tất cả các môn học kể trên trong 18 tháng.
Có ngày phải làm việc đến 16 tiếng mới lo trả đủ bài cho các thầy từ hòa thanh, phức điệu, phối khí, đến piano.
Mặc kệ mọi lời bàn ra tán vào, ý kiến ý cò, tôi đã chọn một hình thức âm nhạc vừa với sức mình, vừa dễ đến với công chúng để thể nghiệm tất cả các môn đã học là Cantate - vừa viết cho dàn nhạc vừa viết cho giọng người.

Tổng phổ chương ba
Chương ba không được khuyến khích vì "làm mềm lòng chiến sĩ"

Để thực hiện được ý đồ "táo bạo"này, tôi đã phải dán các tờ giấy viết ca khúc lại để có được tờ tổng phổ 24 dòng, và cặm cụi suốt gần một năm trời viết cho một dàn hợp xướng bốn đến sáu bè (lúc này ở Việt Nam chưa biết dàn nhạc giao hưởng là cái gì).
Trước sự quyết tâm và say mê học tập để trở thành một "nhà soạn nhạc" đích thực, các thầy dạy tôi và một số đồng học như Nguyễn Văn Thương, Lương Ngọc Trác... và một số cán bộ lãnh đạo đã ra sức ủng hộ để tác phẩm được ra đời.
Chỉ riêng việc huy động một số lượng hơn 100 diễn viên và nhạc công ở nhiều đoàn nghệ thuật, kể cả quân nhạc, theo đúng yêu cầu của tổng phổ về tập trung tại 17 Lý Nam Đế để dàn dựng (dưới sự chỉ huy của chuyên gia CHDCND Triều Tiên) và biểu diễn báo cáo đúng ngày 22 tháng 12 năm 1959 đã là một việc làm chưa từng có trong bối cảnh xã hội và chính trị vô cùng khó khăn và phức tạp lúc bấy giờ.
Tác phẩm Tiếng hát biên thùy được ra mắt công khai và rất hoành tráng giữa nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Đến dự không thiếu một ai trong các vị lãnh đạo (trừ cụ Hồ), toàn bộ khán giả đứng lên vỗ tay hồi lâu.
Chuyên gia Mao Vĩnh Nhất (dạy sáng tác) và GS Triệu Đại Nguyện ̣(dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc) cúi chào khán giả và ngẩng lên lô giành cho tác giả (như thông lệ ở các nước) thì... chẳng có ai. Vì tôi đâu có được mời.

Dư luận công chúng
Sau đó "dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng" vay mượn tạm thời đó còn được biểu diễn mấy tối tại "Nhà hát nhân dân" để đông đảo quần chúng được lần đầu tiên thưởng thức "thử" hình thức âm nhạc mà người ta gọi là "xa lạ", không "quảng đại quần chúng" và đầy "kỹ thuật chủ nghĩa", thậm chí "sặc mùi tư sản phương Tây"... này.

Nhạc sĩ Tô Hải đi biểu tình
Ngoài 80 tuổi NS Tô Hải vẫn viết blog và biểu tình phản đối Trung Quốc

Nào ngờ, tất cả các phương tiện truyền thông (thời đó chỉ có báo chí và đài phát thanh) đều không tiếc lời khen ngợi.
Đặc biệt, tất cả đều nhấn vào vấn đề: không phải là quần chúng không biết nghe âm nhạc nhiều bè, không biết thưởng thức ngôn ngữ của bộ gõ, bộ đồng, bộ dây, vấn đề chỉ là nghe có hay hay không, có truyền cảm hay không?
Sau khi được phát lên sóng thì chiến sỹ ở đủ các quân chủng (đặc biệt là bộ đội biên phòng) đều gửi thư về khen ngợi tới mức ông đưa thư cũng phát ngạc nhiên vì chưa thấy có cá nhân nào nhận một lúc nhiều thư đến thế.
Sau những ngày "hoàng kim" ngắn ngủi đó, các diễn viên hợp xướng, nhạc công được trả lại đơn vị cũ, Tiếng hát biên thùy chỉ tồn tại nhờ NSND Lê Đóa tại Đoàn ca múa Tổng cục chính trị.
Nhưng chỉ còn lại có hai chương 2 và 4, chẳng kể gì đến hình thức âm nhạc chính qui, chẳng cần đối tỷ đối tiếc gì hết, miễn là "không làm mềm lòng chiến sỹ" ở cái chương 3.

Ba chìm bảy nổi
Thời gian qua đi, lớp nhạc sỹ Hoàng Vân, Chu Minh, Đàm Linh... từ các nhạc viện nước ngoài sau đó lục tục về nước, và thế hệ tiếp theo thuộc lớp con em chúng tôi như Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài... cũng tiếp tục theo nhau trở về.
Họ đã viết được nhiều tác phẩm dài hơi, những loại hình sáng tác còn "kỹ thuật chủ nghĩa, tư sản phương Tây" hơn tôi nhiều.
Nhưng kỷ niệm về cái thời xa xưa của "Tiếng hát biên thùy", những năm nước ta không biết gì về âm nhạc ngoài các bài hát đơn điệu hoặc đồng ca có bè (mà nhiều người cứ gọi nhầm là hợp xướng), té ra vẫn còn trong tâm trí của khá nhiều người như GS Nguyễn Lân Hùng.
Bao thế hệ chiến sỹ biên phòng ngày nay, kẻ mất người còn, liệu còn mấy ai nhớ tới "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" nữa.
Ngay bản thân tôi cũng chẳng còn thắc mắc băn khoăn gì, vì chẳng phải chỉ một mình tôi phải chịu "ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh" cùng tác phẩm của mình.

Từ trái sang: NS Văn Cao, NS Tô Hải, HS Bùi Xuân Phái
"Chẳng phải một mình tôi phải chịu ba chìm bảy nổi cùng các phẩm"

GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC của một tác giả, của một tác phẩm (nếu nó thật là giá trị thì) dù có ai muốn vùi dập thế nào, trước sau sẽ được lịch sử ghi nhận và phục hồi.
Gõ đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến những đồng nghiệp, đồng ngũ đã một thời "phục vụ quân đội giải phóng quê hương", nhưng vì không chịu nổi những cách phê phán ngu dốt và "lạp xường tù mù hách xì xằng" về "văn nghệ vô sản" mà đành phải gác bút, chuyển nghề, thậm chí "come back to Hànội, to Saigon", mang cái tiếng là "phản bội", là "không chịu đựng được gian khổ" nên... trở cờ, tôi tự thấy mình đang còn có... Chúa và nhiều người ủng hộ thật.
50 năm lịch sử biên phòng
Tôi thật sự cảm động khi kỉ niệm 20 năm, 30 năm thành lập bộ đội biên phòng đều được các "đồng chí" cũ, các lãnh đạo cũ gửi thư thăm hỏi, thậm chí đến tận nhà tặng quà, tặng tiền và cùng tôi ngồi nghe lại bản cantate viết 52 năm trước.
Câu: "Một vị tướng đã nói với tôi là khi nghe bản hợp xướng của Tô Hải nhiều anh em chúng tôi đã ứa nước mắt" (của Nguyễn Lân Hùng viết trên TTVH) chỉ là một ví dụ có thật đã diễn ra ngay ở nhà tôi.
Nhưng những giọt nước mắt đó đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng.
Người thì nghĩ tới một thời oanh liệt xa xưa nay còn đâu nữa.
Người thì nghĩ tới những đồng đội đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất Tổ Quốc mà hôm nay không được ai nhắc tới, không được kỷ niệm lễ lạt gì.
Đối với tôi, khi cùng nhỏ nước mắt với họ trong những dịp này chính là những giọt nước mắt nhớ về số phận truân chuyên, lên voi xuống chó của những văn nghệ sỹ muốn làm văn nghệ đích thực nhưng đôi khi phải đánh đổi bằng cả số phận khốn khổ cay đắng của mình..
Sự đánh đổi đó là những nhận xét sau đây trong lý lịch: "luôn phản ứng có hệ thống đối với cấp ủy", "luôn phản ứng với cấp trên", là hai năm chịu đựng, ngậm đắng nuốt cay, bị "đày"đến một đoàn văn công vùng đầu cầu giới tuyến Nam-Bắc, không giao hưởng, không hợp xướng, không còn được viết những gì mà mình muốn viết.
Nó đưa tôi tới một quyết định liều mạng là quyết tâm rời khỏi quân ngũ và rời luôn cái danh vị "đảng viên Đảng lao động Việt Nam" bằng mọi cách có thể.
Và tôi đã tạm thời thành công trong một thời gian khá dài...
(xin chờ đọc tiếp trong hồi ký tôi sắp công bố một ngày gần đây).

Nó đây: 
http://cothommagazine.com/nhac/ToHai/HoiKyCuaMotThangHen-ToHai.pdf
HỒI KÝ
CỦA MỘT THẰNG HÈN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét