Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

ĐBQH: Bù lạm phát, tại sao không?

Hay nhỉ, CP gây lạm phát; còn QH ra luật bắt doanh nghiệp và người lao động phải bù đắp cho nhau.


03-06-2012 (Nguoiduatin.vn) - Tình trạng “lương tăng không bù đủ lạm phát” trở thành vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm và thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội. “Điệp khúc” trên sẽ không còn lặp lại, nếu chúng ta có chính sách “bù lạm phát”.

Lương tăng không bù đủ lạm phát
Kết quả khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của người LĐ khu vực DN của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cho thấy: Có 35,6% số người LĐ được hỏi cho biết thu nhập không đủ chi tiêu; 44,7% phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,8% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích luỹ.



Mức sống tối thiểu ở khu vực (KV) 1 - các thành phố lớn - là hơn 3 triệu đồng, nhưng lương tối thiểu mới đạt 2 triệu đồng. Ở KV2, mức sống tối thiểu là 2,8 triệu đồng nhưng mức lương tối thiểu chỉ đạt hơn 1,7 triệu đồng. Còn KV3, mức sống tối thiểu là 2,6 triệu đồng, lương tối thiểu là 1,6 triệu đồng. Tại KV4, mức sống tối thiểu là 2,4 triệu nhưng lương tối thiểu chỉ đạt 1,4 triệu đồng.


Năm ngoái, trả lời câu hỏi của phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam, "công ty của ông có bao nhiêu lao động, thu nhập của họ có ổn định không", ông Phan Văn Quý cho hay: "Lao động của chúng tôi không đông như các doanh nghiệp làm sản xuất, dịch vụ, nhưng chúng tôi luôn bảo đảm cho người lao động có thu nhập ổn định, không chỉ thông qua lương mà còn qua các chế độ khác như: phụ cấp, trợ cấp, thưởng… Đặc biệt, để đảm bảo cho người lao động trong thời kỳ lạm phát gia tăng của nền kinh tế, chúng tôi đã có chế độ phụ cấp bù lạm phát hàng năm cho người lao động".
Thực tế so sánh mức tăng thu nhập bình quân của người LĐ so với mức tăng lạm phát cũng thấy rõ được vì sao lại có tình trạng lương tăng không đủ bù lạm phát. Theo thống kê: Năm 2011, thu nhập bình quân của người LĐ là 4,17 triệu đồng/người/tháng, tăng 14,64% so với năm 2010, trong khi đó lạm phát năm 2011 là 18,58%; năm 2010, thu nhập bình quân của người LĐ năm 2010 là 3,51 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,36% so với năm 2009, lạm phát là 11,75%; năm 2008, thu nhập bình quân của người LĐ là 2,541 triệu đồng/người/tháng, tăng 16% so với năm 2007, lạm phát là 19,89%
Từ số liệu thống kê trên đây cho thấy, thu nhập thực tế của người LĐ giảm đi so với thu nhập danh nghĩa của họ do mức tăng của lương tương đương với mức tăng của lạm phát (như năm 2010). Đặc biệt, xuất hiện tình trạng lương tăng không đủ bù lạm phát do mức tăng lạm phát lớn hơn mức tăng thu nhập bình quân của NLĐ, điển hình như các năm 2008 và năm 2011.

Bù lạm phát và những ưu việt
Hiện nay, để chia sẻ với người LĐ trong thời kỳ lạm phát, một số DN đã tiến hành điều chỉnh lương không định kỳ và nhiều hơn một lần trong một năm. Tuy nhiên, tăng lương để ứng phó với lạm phát không phải là giải pháp tốt nhất, mà để ứng phó với lạm phát thì phải có phụ cấp bù lạm phát để làm cơ sở điều chỉnh. Phụ cấp bù lạm phát có thể tính bằng một tỉ lệ phần trăm của tổng tiền lương thực nhận của người LĐ trong năm liền trước. Như vậy, việc bù lạm phát không những đảm bảo được quyền lợi cho người LĐ, mà bản thân DN cũng không phải lo điều chỉnh tiền lương bất thường.
Thực tế, việc bù lạm phát đã được nhiều DN triển khai nhằm hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên trong điều kiện lạm phát gia tăng. Trên báo Doanh nhân Sài Gòn phát hành ngày 5.1.2012 cho biết, khảo sát của Tập đoàn Tư vấn quản lý Hay Group thực hiện vào tháng 10.2011 tại 46 công ty nội địa và nước ngoài tại Việt Nam cho thấy: 3/4 các tổ chức tham gia khảo sát (chiếm tỉ lệ 82,2%) đã phối hợp nhiều biện pháp để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát lên mức sống của nhân viên.
Các biện pháp đã thực hiện bao gồm tăng thêm phụ cấp lương dưới hình thức: Thanh toán một lần, thay đổi cơ cấu tiền lương, trợ cấp cho nhân viên có lương thấp và thực hiện việc xem xét đánh giá tiền lương hai lần trong một năm. Tại Cty CP Tập đoàn Thái Bình Dương, từ năm 2011, tập đoàn đã bù lạm phát bằng 10% thu nhập từ lương cho người LĐ. Việc bù lạm phát này đã giúp LĐ yên tâm công tác, đóng góp công sức và trí tuệ cho sự phát triển bền vững của DN.
Từ thực tiễn trên, cần thiết đưa nội dung “bù lạm phát” vào nội dung thương lượng tập thể thuộc điều 72, mục 1, chương V của Dự thảo Bộ luật LĐ (sửa đổi). Đây sẽ là nội dung quan trọng góp phần tạo ra chính sách về lương bám sát với thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội, giải quyết triệt để độ trễ của chính sách lương, xoá đi khoảng trống giữa lương thực tế với lương danh nghĩa vốn luôn bị tác động bởi sự biến đổi của chỉ số giá sinh hoạt; tạo hành lang pháp lý quan trọng để đơn vị sử dụng LĐ và người LĐ thoả ước các điều kiện về thu nhập khi ký hợp đồng LĐ; góp phần đảm bảo an sinh xã hội...
Phan Văn Quý (Đại biểu Quốc hội khoá XIII)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét