Tiền đâu lập công ty mua bán nợ xấu?
Dù Bộ trưởng KH-ĐT khẳng định “không dùng vốn ngân sách, tiền của dân để mua nợ xấu ngân hàng”, nguồn tiền 100.000 tỷ đồng cho công ty mua bán nợ xấu theo đề xuất của Ngân hàng nhà nước khiến nhiều đại biểu băn khoăn.
Ai bảo lãnh nợ xấu ngân hàng?
Tại phiên chất vấn chiều 13/6, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nêu: có hay không việc lập công ty -mua bán nợ xấu với quy mô 100.000 tỉ đồng? Nguồn tài chính từ đâu ra, có ảnh hưởng đến mục tiêu chống lạm phát mà Chính phủ đã trình Quốc hội không? ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì truy Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh, trong đó có nêu ngân sách nhà nước có thể phải gánh chịu một phần chi phí trong xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Là người giúp Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng cho biết căn cứ vào đâu để ra quy định đó khi nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước hiện không có chủ trương, quy định nào như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với nhân dân về đề xuất như thế này?
Hơn nữa, trong khi các ngân hàng thương mại đang lãi lớn, thu nhập của lãnh đạo và nhân viên cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của xã hội, người dân và doanh nghiệp không vay được vốn thế mà Bộ trưởng vẫn định dùng số tiền ít ỏi của dân để trả nợ xấu cho ngân hàng thương mại. Vậy sẽ có bao nhiêu con đường, bệnh viện, trường học không được xây dựng vì ngân sách phải trả nợ xấu cho các ngân hàng đó?, ĐB Khánh quyết liệt.
Bà truy tiếp, "các món nợ xấu đó có liên quan gì đến việc giải cứu Vinashin trước đây hay còn có lãnh đạo, quan chức nào đang bảo lãnh các món nợ xấu đó không?"
Không lấy tiền của dân
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, dự án mua bán nợ xấu, Bộ KH-ĐT không tham gia. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền Thống đốc ngân hàng nhà nước.
Tuy nhiên, nguyên tắc là "không lấy ngân sách Nhà nước, tiền của dân để mua nợ xấu ngân hàng. Hiện nay nhiều ngân hàng lớn có thu nhập tốt và có thể tự lo trang trải vấn đề này".
Ông cũng nói thêm, các chuyên gia có đặt vấn đề, nợ xấu hiện đang là cục máu đông tắc nghẽn, khiến cho DN dù hạ lãi suất vẫn không tiếp cận được vốn. Do đó, các chuyên gia đề nghị cân nhắc việc ngân sách nhà nước tham gia một phần để khơi thông nguồn vốn. Đặc biệt khi hiện nay, nợ xấu của khối DNNN trong ngân hàng khá lớn.
Là người trực tiếp thông tin trước QH về kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ xấu trực thuộc Ngân hàng nhà nước khi báo cáo kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định việc mua bán nợ là bình thường, và đúng luật.
Các tổ chức tín dụng đều có thành lập ra các công ty mua, bán nợ của mình và các tổ chức tín dụng khác. Hoạt động mua bán nợ đã phát huy tác dụng tốt ở nhiều nước trong khủng hoảng kinh tế.
Hiện nay Bộ tài chính cũng đã có công ty mua, bán nợ.
Trong phiên chất vấn chiều qua, Thống đốc cho biết thêm, việc lập công ty mua bán nợ quốc gia là gợi ý của các nhà khoa học trong cuộc họp với Thủ tướng gần đây. Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước xây dựng đề án để báo cáo thường trực Chính phủ. Nếu thấy được, Chính phủ mới họp chính thức và báo cáo ra các cơ quan có liên quan.
Đến nay, NHNN vừa hoàn tất việc xây dựng trong nội bộ ngân hàng Nhà nước về đề án, chưa có dịp trình ra cho Thường trực Chính phủ. Khi thường trực Chính phủ thấy rằng đề án này khả thi thì NHNN sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và xin ý kiến Quốc hội nếu cần, Thống đốc Bình nói.
Trao đổi với người viết bên hành lang QH, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, vấn đề không nằm lập hay không lập công ty mua bán nợ quốc gia. Thế giới đã có tiền lệ tốt về hoạt động này. Cục dự trữ liên bang Mỹ FED từng mua nợ xấu của ngân hàng, sau đó cơ cấu lại và bán có lãi.
Khác với Cục Dự trữ liên bang, ngân hàng nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước. Ngân hàng nhà nước, vì thế không thể trực tiếp mua nợ xấu ngân hàng, để tách bạch giữa chức năng kinh doanh và chức năng quản lý.
Tuy nhiên, để lập công ty mua bán nợ với quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng sẽ cần có giải trình rất rõ và thuyết phục. Công ty mua bán nợ do Ngân hàng nhà nước quản khác gì với công ty mua bán nợ do Bộ Tài chính quản? Tại sao vốn điều lệ của công ty mua bán nợ, Bộ Tài chính chỉ 30.000 tỷ đồng trong khi lại cần tới 100.000 tỷ cho công ty mới? Quy chế hoạt động của công ty này ra sao? Giám sát hoạt động thế nào để tránh những nhóm lợi ích lũng đoạn?
Chỉ khi những câu hỏi này được giải đáp rõ ràng và thuyết phục, kế hoạch lập công ty mua bán nợ quốc gia mới có thể thực hiện, ông Kiên nói.
Phương Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét