Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

“Thích” đi học


(Tamnhin.net) - Lâu ngày gặp nhau, anh bạn thuở sinh viên nay là giáo viên THPT (ở Hà Tĩnh), có vợ là giáo viên tiểu học, vui chuyện, anh nói với niềm tự hào không che giấu: “Nhà mình bây giờ đang đi học cả. Mình sắp bảo vệ luận văn cao học, vợ mình thì học đại học từ xa, thằng con trai đầu học văn bằng hai, đứa em gái nó thì vừa học cao đẳng tin học vừa học tại chức đại học kinh tế”.


Lễ trao bằng tốt nghiệp ĐH (ảnh minh họa, nguồn: internet)

                                                      
Tôi đùa: “Thế thì gia đình cậu thành đại gia trí thức rồi còn gì”. Anh cười: “Trí thức gì đâu, thì cũng phải đi học cho bằng anh bằng em với thiên hạ thôi”. Và anh bảo: “Thế cậu không đi học cao học đi. Bây giờ người ta học cao học nhiều lắm, sau này muốn nâng lương hay đề bạt đòi hỏi bằng cấp cao, mình không có thiệt thòi lắm”.

Không chỉ có anh, mà đã có rất nhiều người vỗ vai tôi “Cậu phải phấn đấu “đi học”. Tôi dần dần mới vỡ lẽ ra cái sự “hiếu học” của  gia đình bạn tôi và không ít người.
                

                           
Hiếu học là một truyền thống nổi bật của  người Việt Nam. Truyền thống ấy đã tạo ra rất nhiều danh nhân, nhiều nhà khoa học, nghệ sĩ có đóng góp to lớn cho đất nước.

Song cũng có nhiều người có tâm lí thích “đi học” với những suy nghĩ, động cơ lệch lạc. Mục đích chân chính của việc đi học là nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn để nâng cao năng suất và hiệu quả công việc, thế nhưng có không ít người đổ xô vào các lớp tại chức, từ xa, chuyên tu để tìm kiếm bằng cấp nhằm một mục đích khác: để cho “vững chân” trong biên chế, để được lên lương, lên chức hay vì bệnh “sĩ”, muốn chứng tỏ là trí thức, có học vị cao…

Đặc biệt là những công chức đang làm việc, mặc dù bằng cấp và trình độ hiện tại đã đảm đương tốt công việc, và nếu thực sự muốn nâng cao hiệu quả công tác thì tốt nhất là tự học, nhưng họ vẫn rất thích được “cử đi học”: kinh phí có nhà nước lo, công việc có người làm thay, ta đây ung dung cắp cặp “đi học”. Bi hài nhất là có những người được cử đi học để chuẩn bị…về hưu.                                    

Không ít công chức phải “chạy chọt” để được “đi học”. Báo chí đã đưa tin về cán bộ Viện kiểm sát của một địa phương nọ có lịch học thêm tiếng Anh vào tất cả các buổi chiều trong tuần, nên khi các nhà báo có chuyện xin gặp thì phải chờ hàng tuần lễ! Một khi đi học không vì mục đích nâng cao kiến thức, người ta sẽ tìm mọi cách gian dối, đối phó để vượt qua được các kì thi: nhờ người học hộ, thi thuê, thuê người viết luận văn, đồ án, “mua” điểm, “xin” điểm…                                      

Sự khái quát “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” hẳn không có giá trị tuyệt đối, song không phải hoàn toàn vô căn cứ. Thực tế cho thấy hiện tượng “mèo vẫn hoàn mèo”, những người kém năng lực mặc dù đã có bằng cấp cao nhưng hiệu quả công việc vẫn không được cải thiện, vẫn thấp hơn những người có năng lực thực sự nhưng có bằng cấp thấp hơn. Ở trường học nọ có mấy người đi học thạc sĩ xong nhưng được phân công giảng dạy lớp nào cũng bị học sinh kêu ca.
              
Sính bằng cấp, trọng khoa bảng là một nét tâm lí đã hằn sâu vào tiềm thức của  người Việt. Một mặt, tâm lí này tạo nên động cơ để người Việt cố gắng học tập, nghiên cứu nhằm đạt được những học vị cao nhưng mặt khác nó cũng tạo ra tâm lí thích hư danh, khoa trương và tìm cách đạt được “công danh” bằng những hành vi không trung thực, chạy theo những “giá trị ảo”, bỏ qua những giá trị chân chính.

Có cầu tất có cung: các trường đại học, các hình thức đào tạo từ xa, tại chức, liên kết, liên thông…phát triển với một tốc độ và qui mô chưa từng thấy, còn chất lượng thì…hậu xét.
             
Báo Tiền phong nêu thông tin: “Chỉ tính từ năm 2007 đến đầu 2008, cả nước có thêm gần 40 trường đại học mới thành lập hoặc được nâng cấp từ trường cao đẳng”; còn Báo Tuổi trẻ dẫn ý kiến của GS Lâm Quang Thiệp cho biết : “chỉ trong hai năm 2005-2007 số trường ĐH, CĐ tăng 97 trường, trong đó có 69 trường ĐH. Như vậy tính trung bình một tuần có một trường ĐH, CĐ ra đời”. Từ thực tế đó, nhiều nhà khoa học đã kiến nghị nhà nước nên ngưng thành lập các trường đại học mới. 
                       
Đã có không ít ý kiến cảnh báo về nguy cơ của  hiện tượng đào tạo “bằng cấp cao nhưng chất lượng…thấp”. Những trường đại học lớn, đã có lịch sử lâu đời mà còn chưa có đủ các giảng viên giỏi thì các trường đại học mới thành lập ở các địa phương “đào đâu ra”?

Các trường đại học mới được mở ra ở các địa phương hầu như là được nâng cấp từ các trường cao đẳng, sau một đêm ngủ dậy, nhiều giáo viên cao đẳng vốn là những cử nhân trung bình đã nghiễm nhiên trở thành “giáo sư” đại học. 
                 
Người ta có rất nhiều lí do tốt đẹp để xin mở thêm trường đại học: nào là “đáp ứng nhu cầu nhân lực”, nào là “tạo điều kiện cho con em địa phương được học tập thuận lợi”, “đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của  nhân dân”, “chắp cánh tương lai”, “tạo nên động lực phát triển kinh tế-văn hoá của địa phương”…
                            
Các lí do ấy đều đúng cả, nhưng qui luật về tỷ lệ nghịch giữa số lượng và chất lượng đào tạo là không thể phủ nhận. Đầu vào chất lượng thấp, giảng viên không giỏi, cơ sở vật chất không đầy đủ, cơ chế lỏng lẻo…thì  việc đào tạo ra những sinh viên chất lượng trung bình còn khó, nói gì đến chất lượng cao. Đào tạo ra nhiều nhưng năng lực hạn chế, nhu cầu tuyển dụng ít nên sinh ra “chạy chọt”, tiêu cực…đó là cái vòng luẩn quẩn.
                              
Không ai phản đối việc mở thêm các trường đại học, các hình thức đào tạo phi chính qui, song cơ quan chủ quản cần phải có những cơ chế để kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo. Một ví dụ cho thấy sự buông lỏng trong khâu quản lí là hầu như ai đi học rồi cũng có bằng cả, không hề có một sự sàng lọc đáng kể nào. 
                              
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân một phần tại cơ chế tuyển dụng của  chúng ta cũng trọng bằng cấp. Địa phương nọ khi tuyển công chức ngành giáo dục qui định không tuyển những sinh viên tốt nghiệp hệ không chính qui và tuyển thẳng những người có bằng cao học.

Thế là những sinh viên tốt nghiệp hệ không chính qui tìm cách đi học cao học để được tuyển thẳng và được hưởng chính sách “trọng dụng nhân tài” của  địa phương. Còn những “nhân tài” ấy khi ra làm việc hiệu quả đến đâu thì…không biết.

Mỗi khi có ý định cất nhắc cán bộ, điều lưu ý đầu tiên là bằng cấp, học vị, chứng chỉ...Con số khoảng 70% những người có học vị tiến sĩ không làm công tác nghiên cứu khoa học là một điều bất bình thường. Có ý kiến cho rằng cần có chính sách để 70% những người có học vị tiến sĩ kia quay trở lại làm công tác khoa học. Ý kiến ấy “rằng hay thì thật là hay”, nhưng xem ra…lãng mạn quá.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         
Hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ” (thực ra là thiếu cả thầy lẫn thợ giỏi) không những không được khắc phục mà ngày càng thêm trầm trọng. Thống kê cho biết, hàng năm ở nước ta có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ xin được việc làm, chỉ có khoảng 30% lao động Việt Nam đáp ứng được những nhu cầu tương đối trên thị trường và trong 10 năm trở lại đây, số SV ĐH – CĐ tăng gấp 10 lần, nhưng số HS hệ công nhân kỹ thuật tăng chưa đến 3 lần. (Theo Báo Giáo dục và Thời đại).

Trước thực trạng đó, nhiều cho rằng do các trường chưa làm tốt công tác hướng nghiệp, nhưng nguyên nhân quan trọng có tính quyết định là tâm lí thích “đi học” hơn đi làm của người Việt, tâm lí khoa cử, sính bằng cấp cũng như sự phát triển thiếu kiểm soát của các trường ĐH-CĐ, sự dễ dãi trong thi tuyển và đào tạo của các trường ĐH-CĐ.
                                         
Cuộc vận động với nội dung “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội” của  Bộ GD-ĐT đã “bắt đúng bệnh” của nền giáo dục, song để tạo được hiệu quả thì cần những liều thuốc đắng, những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt.
                                                      
Xem ra cái “sự học” của  chúng ta còn lắm chuyện gian nan.

                                                                       Trần Quang Đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét