Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

(1) Hãy chu cấp cho nàng vì nàng đẹp

 

Trong một loạt bài trước hồi tháng 10 năm ngoái, tôi đã viết về vấn đề người đẹp và bằng giả. Tám tháng sau, tức là vào lúc này, tôi lại muốn viết một loạt bài nữa về người đẹp, nhưng không liên quan đến bằng giả mà liên quan đến một thứ gọi là hoạt động kinh tế dựa trên quan hệ thân xác. Nói ngắn lại là về mại dâm – thứ nghề được coi là cổ xưa nhất trên thế giới.

Lý do khiến tôi viết về vấn đề này là vì hai lẽ:

Thứ nhất, có một nhánh khá năng động của kinh tế học hiện đại đang nghiên cứu về các vấn đề của xã hội, trong đó có cả các lĩnh vực như việc ăn cắp bản quyền (IP piracy), thị trường các chất gây nghiện (ma túy, trò chơi điện tử…), và dĩ nhiên là cả mại dâm nữa.
Thứ hai, trong vài tháng trở lại đây, câu chuyện về mại dâm, đặc biệt là mại dâm trong giới người mẫu, diễn viên, hoa hậu ở Việt Nam trở thành một chủ đề nóng của báo chí và truyền thông tiếng Việt trong và ngoài nước.

Vì sao xã hội Việt Nam bỗng dưng quan tâm đến mại dâm?

Không khó hiểu tại sao công chúng ở Việt Nam quan tâm tới chủ đề này. Thu nhập bình quân của giới người mẫu, diễn viên, ca sĩ ở Việt Nam nói chung là thấp, trừ nhóm các nghệ sĩ thuộc nhóm hàng đầu như người mẫu thuộc hàng Vedette hay ca sĩ thuộc nhóm Diva…Trong khi đó, biểu hiện bên ngoài của nhóm này luôn thể hiện cho xã hội thấy họ có thu nhập cao. Thí dụ, thường xuyên sử dụng hàng hiệu cao cấp và luôn thay đổi, đi lại bằng các phương tiện đắt tiền, tiệc tùng ở những nơi sang trọng…

Quan sát bề ngoài này dễ dẫn tới một nghịch lý cần giải thích – thu nhập của nhóm người này không đủ, thậm chí rất thấp so với chi tiêu của họ. Điều đó có nghĩa thu nhập của họ phải đến từ một nguồn khác. Vấn đề là nguồn nào?

Công bằng mà nói, những người đẹp này không nhất thiết cần thu nhập cao để có những biểu hiện bề ngoài giống như có thu nhập cao. Việc chụp hình với các bộ đồ đắt tiền có thể đơn giản chỉ là các bộ đồ thời trang do các hãng thời trang cho mượn để quảng bá thương hiệu. Điều này cũng tương tự như việc xuất hiện ở các bữa tiệc lớn với các bộ đồ đắt tiền – có thể, và phần nhiều là, các bộ đồ được các hãng thời trang tài trợ. Việc tiệc tùng ở các nơi sang trọng cũng vậy, những người đẹp này thường không phải là những người phải bỏ tiền ra vì họ luôn được đóng vai trò khách mời. Những người am hiểu về hoạt động nghệ thuật thường có câu “nhìn như vậy mà không phải vậy” – ám chỉ đến việc bề ngoài đắt tiền và thời thượng không có nghĩa là những người đẹp này giàu có.

Tuy nhiên, cũng có một số, nếu không muốn nói là tương đối nhiều, những người đẹp hoạt động trong giới nghệ thuật thực sự trở nên giàu có một cách đáng ngạc nhiên trong một thời gian ngắn. Nhiều người mua được nhà đẹp và sở hữu xe hơi đắt tiền mà không phải được thừa hưởng từ gia đình. Đó là cơ sở đủ thuyết phục để công chúng quan tâm đến cái gọi là đổi tình lấy tiền trong giới người đẹp.

Chính vì thế mà trong thời gian gần đây, sau khi một số scandals liên quan đến họat động mại dâm của một số người đẹp có tiếng bị phanh phui, người ta có đủ lý do đề thở phào một câu – à hóa ra là thế. Những nghi vấn từ trước tới nay giờ đã được chứng minh!

Vì sao kinh tế học quan tâm đến vấn đề mại dâm?

Nữ giáo sư Lena Edlund (đại học Columbia) và Evelyn Korn (đại học Eberhard-Karls-Universita¨t Tu¨bingen) là những nhà kinh tế đầu tiên nghiên cứu về mại dâm. Công trình của hai bà “Một lý thuyết về mại dâm” (a Theory of Prostitution) được đăng tải trên tạp chí nghiên cứu kinh tế danh giá nhất của thế giới – Journal of Political Economy – năm 2002. Theo cách giải thích của hai bà:

“Mại dâm là một ngành công nghiệp nhiều tỷ USD và là công việc thường xuyên của hàng triệu phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Một khảo cứu gần đây của Văn phòng Lao động Quốc tế cho thấy ở Indonesia, Malaysia, the Philippines, and Thailand, có tới 0.25% đến 1.5% phụ nữ tham gia vào hoạt động mại dâm và nghề này đóng góp từ 2% đến 14% tổng thu nhập nội địa (GDP).”

Số liệu mà Edlund và Korn dẫn ra đáng để suy nghĩ. Với 1.5% phụ nữ tham gia hoạt động mãi dâm, và với khoảng 50% phụ nữ trong độ tuổi có thể bán dâm được (từ khoảng 18 tuổi đến 40 tuổi), tỷ lệ này thực sự là 3%. Nếu tính luôn đến thực trạng là phần lớn phụ nữ làm trong ngành công nghiệp này rất trẻ, từ 18 đến 30 tuổi, thì tỷ lệ phụ nữ tham gia mại dâm trong độ tuổi từ 18 đến 30 ở một số nước mà Edlund và Korn dẫn ra vượt xa con số 3% - có thể lên tới 6% hoặc hơn. Điều đó là rất shock vì cứ 100 người phụ nữ trong độ tuổi 18 đến 30 mà chúng ta gặp ngoài đường ở Đông Nam Á thì có thể có tới 6 người hoặc hơn làm việc trong ngành công nghiệp đổi tình lấy tiền.

Con số 14% GDP cũng shock không kém. Ít có ngành công nghiệp nào có vị trí quan trọng như vậy trong tổng thu nhập nội địa. Nó chắc chắn là một trong vài ngành dịch vụ quan trọng nhất của nền kinh tế trong các nước mà Edlund và Korn dẫn ra.

Kinh tế học nghiên cứu về tất cả các ngành kinh tế. Và vì thế,  một ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và góp phần quan trọng như vậy trong GDP một số nước đương nhiên phải là đối tượng nghiên cứu của kinh tế học. Theo cách nói của nhà kinh tế học danh tiếng Steven D. Levitt – đồng tác giả của hai cuốn sách Freakonomics – hai cuốn sách thuộc nhóm bán chạy nhất thế giới – trong công trình nghiên cứu mang tên “nghiên cứu định lượng về gái bán dâm đường phố” (An Empirical Analysis of Street-Level Prostitution) thì “không giống như phần lớn các loại tội phạm khác, mại dâm dựa trên thị trường, và vì thế nó thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu kinh tế”.

Sự chú ý đặc biệt của các nhà kinh tế, tôi phải nói rõ lại thêm lần nữa, là về mặt trí tuệ. Nó hoàn toàn không có nghĩa các nhà nghiên cứu kinh tế chú ý đặc biệt tới ngành này vì khía cạnh dịch vụ của nó.

Nếu vậy kinh tế học nghiên cứu gì về mại dâm? 

Kinh tế học quan tâm đến hai khía cạnh của một thị trường - trong trường hợp này là thị trường mại dâm. Thứ nhất là từ góc độ thực nghiệm, kinh tế học tìm cách khảo sát các hiện tượng của thị trường này, phát hiện các nghịch lý, các điểm không dễ giải thích chỉ dựa vào cảm quan, các quy luật và các cách thức vận hành của thị trường mại dâm. Thứ hai, từ góc độ lý thuyết, kinh tế học đưa ra các giả thuyết và dựa trên các giả thuyết này để giải thích bằng các mô hình kinh tế các hiện tượng mà nghiên cứu thực nghiệm đưa ra.

Về mặt lý thuyết, trước khi nghiên cứu một hiện tượng, kinh tế học phải định nghĩa được hiện tượng đó là gì. Việc định nghĩa thế nào là mại dâm nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng thực tế không phải như vậy.

Trong từ điển tiếng Anh của Random House, mại dâm được hiểu là “một hành vi liên quan đến làm tình để đổi lấy tiền.” Thế nhưng theo cách nói của Edlund và Korn (2002) thì “một gái mại dâm không thể hiểu đơn thuần là một người phụ nữ bán thân xác mình vì, theo nhiều triết gia trong lịch sử, kể cả nhà Mác-xít luận Ăng Ghen, “việc này được thực hiện hàng ngày bởi những phụ nữ trở thành các bà vợ và vì thế có nhà cửa và một cuộc sống no đủ”.

Cũng theo Edlund và Korn, thời trung cổ có luật sư Johannes Teutonicus cho rằng một người phụ nữ có quan hệ tình dục với ít nhất 23 nghìn người đàn ông thì phải gọi là gái điếm, nhưng nếu một người phụ nữ quan hệ với 40-60 người thì cũng nên gọi như thế. Tuy nhiên, theo Edlund và Korn, phần lớn mọi người đều đồng ý rằng cặp kè hẹn hò nhiều không có nghĩa là một người trở thành gái/trai điếm. Thêm nữa, đưa ra một ngưỡng như 40 hay 23 nghìn sai lầm ở chỗ nó không bao gồm được những người làm mại dâm cao cấp.

Chính vì thế, Edlund và Korn đưa ra một định nghĩa mà theo hai bà là chính xác hơn, đó là: mại dâm là một hình thức bán tình dục không nhằm mục đích sinh đẻ, nhìn từ góc độ người mua dâm, để đổi lấy thu nhập.  Điều đó có nghĩa, từ phía người đi mua quan hệ tình dục, mục đích của họ là vui vẻ, chứ hoàn toàn không có mục đích có con, và họ trả tiền cho sự vui vẻ này. Nó khác với quan hệ tình dục trong gia đình là ít nhiều liên quan tới chuyện duy trì nòi giống.

Dựa trên định nghĩa này, Edlund và Korn đặt câu hỏi: tại sao có sự chênh lệch đáng kinh ngạc giữa nghề mại dâm và các ngành nghề khác? Theo rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành khắp nơi trên thế giới, mức thu nhập trung bình của người làm nghề mại dâm cao hơn nhiều so với các ngành nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật và mức độ học vấn cao hơn. Thí dụ trong cuốn sách “Ngành công nghiệp tình dục: Khía cạnh kinh tế và các nền tảng xã hội của mại dâm ở Đông Nam Á” của Jones Gavin chủ biên (1998), các tác giả thống kê được rằng thu nhập trung bình của gái mại dâm ở Indonesia là khoảng từ US$1500 đến US$2500, cao gấp nhiều lần so với thu nhập của công chức và nhân viên văn phòng. Nagaraj và Yahya (1998) thống kê được thu nhập của nghề này ở Malaysia cao gấp 6 lần so với các ngành nghề trình độ thấp khác.

Ở các nước phát triển, cũng theo Edlund và Korn, báo chí đưa tin rằng gái mại dâm ở Thụy Điển kiếm được khoảng US$1750 mỗi ngày vào năm 1998, bằng mức thu nhập của một tháng của lao động không có trình độ. Theo báo The Economist (1998), một số phụ nữ làm nghề mại dâm ở khối Ả rập có thể kiếm được US$2000 một đêm. Còn theo một nghiên cứu của Parera (1995), gái mại dâm cấp thấp ở Barcelona (Tây Ban Nha) năm 1995 có thu nhập khoảng US$300 đến US$2000/ngày tùy số lần phục vụ trong khi những cô gái làm việc trong các tiệm saunas kiếm được từ US$1000 đến US$2000 mỗi ngày còn các cô gái gọi thì kiếm được US$1000 cho mỗi lần đi khách. GDP trên đầu người của Tây Ban Nha trong cùng năm là khoảng US$18800, tức là các cô gái bán dâm ở Tây Ban Nha chỉ cần làm việc khoảng 18 ngày là bằng thu nhập cả năm của một người Tây Ban Nha trung bình.

Không dễ để trả lời câu hỏi, hay đúng hơn là nghịch lý, này. Có nhiều cách giải thích, thí dụ do việc mại dâm là phi pháp. Tuy nhiên, hiện tượng thu nhập cao hơn đột biến của nghề này vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi mại dâm được pháp luật công nhận là một ngành nghề hợp pháp. Vì thế khoảng cách thu nhập không thể giải thích bằng sự phi pháp của nghề nghiệp. Tính rủi ro của nghề nghiệp này cũng vậy. Nhiều hoạt động mại dâm, đặc biệt của mại dâm cao cấp như các diễn viên phim khiêu dâm, hoặc các người mẫu chụp ảnh khiêu dâm, hoặc gái gọi hạng sang, đều có mức độ rủi ro không cao. Một cách giải thích khác là nghề mại dâm có tuổi nghề ngắn. Nhưng việc này cũng không hợp lý nốt. Vì theo Edlund và Korn, những người hành nghề mại dâm phần nhiều là những người không đầu tư để nâng cao trình độ/kinh nghiệm làm việc ở các nghề nghiệp khác ngay cả nếu họ không làm mại dâm. Do đó, không thể giải thích mức thu nhập cao đột biến của họ như là một thứ bù đắp cho chi phí cơ hội mà họ phải đánh đổi để đi theo con đường mại dâm.

Lý thuyết của Edlund và Korn

Để trả lời câu hỏi: tại sao có sự chênh lệch đáng kinh ngạc giữa nghề mại dâm và các ngành nghề khác? Edlund và Korn xây dựng một lý thuyết về lựa chọn. Theo hai bà, một người phụ nữ không thể vừa làm mại dâm vừa lập gia đình. Uy tín của họ với tư cách là một gái mại dâm, hoặc đã từng là gái mại dâm, khiến họ ít có khả năng lập gia đình. Vì thế họ phải chọn một trong hai – hoặc là làm mại dâm và ít có khả năng lấy chồng, hoặc là làm các công việc bình thường.

Khi lập gia đình, các cặp vợ chồng sẽ có con, và con cái đem lại cho họ giá trị. Một người phụ nữ làm mẹ sẽ có thu nhập bình thường và hưởng giá trị từ việc có con cái, trong khi một người phụ nữ làm mại dâm sẽ chỉ có thu nhập từ mại dâm. Đàn ông hưởng giá trị từ việc có con cái, từ tiêu dùng, và từ tình dục thương mại trong khi phụ nữ chỉ hưởng giá trị từ tiêu dùng và từ con cái (một giả định mà chắc chắn nhiều người cho rằng mang tính thiên lệch về giới).

Từ hệ thống giả định này, không khó để Edlund và Korn chứng minh được thu nhập của gái mại dâm phải cao hơn thu nhập của những người phụ nữ không làm nghề mại dâm. Khoảng cách thu nhập này sẽ giảm dần theo sự chấp thuận của xã hội đối với nghề này – thể hiện ở chỗ những người phụ nữ làm mại dâm hoặc đã từng làm mại dâm có dễ lấy chồng hay không.

Ngoài kết luận khá hiển nhiên này, Edlund và Korn còn chứng minh được rằng xã hội sẽ luôn luôn có một số phụ nữ làm nghề mại dâm. Lý do là càng ít người làm nghề này thì do luật cung cầu, thu nhập từ mại dâm sẽ càng cao, và chắc chắn sẽ hấp dẫn với một số người. Edlund và Korn cũng chứng minh được rằng khi mặt bằng thu nhập của những người phụ nữ không làm nghề mại dâm tăng lên thì số người làm nghề mại dâm sẽ giảm, mặc dù không bao giờ biến mất hoàn toàn.

Edlund và Korn cũng chứng minh được một số kết quả lý thuyết khác khá thú vị. Thí dụ, với một số giả định tương đối bình thường, thu nhập của đàn ông càng tăng thì mại dâm cũng sẽ ngày càng giảm. Kết quả này tương đối thống nhất với một thực tế rằng tỷ lệ phụ nữ làm nghề mại dâm ở các nước phát triển nhìn chung thấp hơn ở các nước đang phát triển. Một kết quả khác nữa là ở những xã hội mà tỷ lệ nam – nữ bị lệch theo hướng nhiều nam và ít nữ - thì sẽ có nhiều phụ nữ làm mại dâm hơn. Lý do cũng tương đối dễ hiểu: những người đàn ông không lấy được vợ sẽ không được hưởng giá trị từ con cái, và vì thế sẽ tiêu dùng và mua dâm nhiều hơn. Khi số lượng những người đàn ông này càng nhiều thì giá cả của dịch vụ mại dâm sẽ càng cao và như thế càng thu hút được nhiều phụ nữ tham gia.

Nghiên cứu của Edlund và Korn có vai trò rất quan trọng với tư cách là lần đầu tiên chủ đề này được đăng tải trên một tạp chí đầu ngành của kinh tế học. Tiếp sau nghiên cứu này, có một số công trình khác tiếp tục đưa ra các ý tưởng mới. Một trong các công trình đó là của 3 nữ giáo sư Marina Della Giusta (University of Reading, UK), Maria Laura Di Tommaso (University of Turin, Italy), và Steinar Strom (University of Oslo, Norway) mang tên “Một lý thuyết khác về mại dâm” (Another theory of prostitution).

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét