Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

'Làm bộ trưởng không sướng gì, chả có đồng nào vào túi'




- Tôi hay nói đùa với các địa phương là làm bộ trưởng đúng lúc cắt giảm không sung sướng gì. Nhiều nơi đến xin gặp toàn phải xin phép từ chối. Được làm bộ trưởng mà chả có đồng nào vào túi cả - Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh trần tình ở phiên chất vấn của QH chiều 13/6.

Dọn hậu quả đầu tư dàn trải

Như để nhấn mạnh thêm về độ tin cậy của việc không có chuyện xin - cho, chạy dự án, Bộ trưởng Vinh thật thà giãi bày như vậy khi trả lời ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng).




ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Không ổn khi nói Bộ KHĐT không có trách nhiệm 

ĐB Thuyền đề nghị Bộ trưởng cho biết, với hệ quả gây khó khăn cho DN, cho nền kinh tế khi cắt giảm đầu tư công, trách nhiệm của Bộ KHĐT như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì?
“Trách nhiệm lớn nhất của Bộ KHĐT là làm sao bố trí vốn đầu tư công hiệu quả nhất. Còn cắt giảm quá nhiều dự án công không phải là trách nhiệm của Bộ KHĐT. Trách nhiệm của Bộ hiện nay chính là dọn hậu quả của việc bố trí dàn trải”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.



Không đồng tình, ông Thuyền cho rằng, từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế chao đảo, lạm phát rồi suy giảm, 2011 lại lạm phát, Bộ KHĐT mà không có trách nhiệm gì thì không ổn. Nếu chúng ta cắt vừa phải thì đã không suy giảm kinh tế. Gần như chúng ta đã cắt giảm kiểu cào bằng. Bộ phải có trách nhiệm trong vấn đề điều hành nền kinh tế.

Bộ trưởng Vinh phản bác: “Có lẽ chúng ta không hiểu nhau. Cắt giảm không phải do Bộ trưởng đề xuất cắt nhiều hay ít. Nếu tiếp tục tăng đầu tư công thì nâng nợ công, áp lực với Bộ trưởng càng khó khăn. Tôi không từ chối trách nhiệm. Có nhiều tiền, không cắt giảm thì càng dễ cho Bộ, chứ bây giờ đã giảm rồi, vì đã dàn trải. Bộ KHĐT lúc nào cũng muốn đầu tư công nhiều, để dễ cho các tỉnh, các bộ thôi”.

Không tin không có chạy dự án 

Nhiều câu hỏi của ĐB xoáy vào căn bệnh đầu tư dàn trải và vấn nạn xin - cho.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, có hai luồng quan điểm, một là do khoán trắng đầu tư công nên tỉnh nào cũng có trường CĐ, ĐH, cảng biển, khu công nghiệp, luồng thứ hai là tất cả các dự án đều do Trung ương quyết định chứ không phải do địa phương. Đầu tư công là sản phẩm của cơ chế xin - cho, hai bên đều có lợi ích nhóm. Ông hỏi: “Vậy trách nhiệm quản lý của Bộ KHĐT như thế nào?”.

Bộ trưởng Vinh bày tỏ, xét cho cùng thì luồng ý kiến nào cũng đúng cả, rồi cũng đến Trung ương. Nhưng ông cho rằng, có phân cấp nhưng quả thật thiếu chế tài quản lý.


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nếu bảo không có chạy dự án thì tôi cũng không tin

“Quốc hội chỉ xem công trình từ 35.000 tỷ trở lên. Dự án to hay bé do địa phương quản lý, Trung ương không quản lý. Chế tài quản lý chỉ nói địa phương giao dự án thì phải báo cáo Bộ nhưng thực tế, Bộ KHĐT cũng không nhận được nhiều báo cáo”, Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, ĐB Trần Ngọc Vinh cho rằng, không có lửa thì làm sao có khói, việc chạy dự án phổ biến nhiều, đặc biệt là dự án do Bộ KHĐT chỉ định thầu. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ là có chạy dự án không?

Bộ trưởng Vinh lấp lửng: “Nếu có thì tôi đã kỷ luật ngay rồi, nhưng nếu bảo là không có chạy dự án thì tôi cũng không tin”.

Ông lập luận, với cơ chế chỉ thị 1792, Bộ KHĐT không giao danh mục dự án cụ thể nào mà chỉ giao vốn cả giai đoạn cho địa phương. Trong nhiệm kỳ của mình, địa phương tự chủ động bố trí vốn vào đâu, dự án nào cho hiệu quả. Nếu ký duyệt mà để xảy ra dàn trải thì địa phương phải tự chịu trách nhiệm. Từ năm nay, việc giao vốn cho danh mục dự án cụ thể sẽ không thuộc trách nhiệm của Bộ KHĐT. Bộ sẽ chỉ tham mưu vấn đề lớn, không đi vào chi tiết từng dự án nữa. Đó chính là biện pháp chống tiêu cực, chống chạy dự án.

Tại giao chỉ tiêu GDP cho địa phương

Dù vậy, ĐB Trần Du Lịch, TP.HCM vẫn phê bình: “Bộ trưởng vẫn chưa nói tới gốc vấn đề chống dàn trải. Tôi cho là cái gốc từ cách làm, cách lập kế hoạch. Tỉnh nào cũng có cơ cấu kinh tế riêng, có trung tâm thương mại, hội nghị, cảng biển, khu kinh tế… Liệu cách chống của Bộ trưởng có chữa được gốc căn bệnh này không? Đề án tái cấu trúc không thấy nói đến”.


ĐB Trần Du Lịch: Liệu Bộ trưởng có chữa được gốc bệnh dàn trải?

“Đúng là các giải pháp của Bộ quyết liệt nhưng vẫn chưa triệt để chống được ngay dàn trải đầu tư công. Vì căn cơ của việc dàn trải này rất sâu ra”, Bộ trưởng Vinh thừa nhận.

“Luật hiện hành đang giao cho các địa phương làm kinh tế, giao chỉ tiêu GDP… Tôi đi nước ngoài thấy họ không bao giờ giao địa phương làm kinh tế. Nhưng ở Việt Nam thì việc này quá lớn.

“Tư duy kinh tế như vậy, nếu không thay đổi triệt để thì địa phương nào cũng sẽ có cảng, khu công nghiệp. Có địa phương đã nói là, nếu không làm thì bên tỉnh kia họ làm, thu hút đầu tư, nguồn lực. Rồi mai kia, họ phát triển, còn tôi thì không, sẽ bị chê trách là không hoàn thành nhiệm vụ”.

“Thực tế như vậy nên cần phải đổi mới tư duy sâu sắc. Tuy nhiên, trong lúc những vấn đề đại sự quốc gia này chưa làm xong, trước mắt, để ngăn chặn dàn trải vốn thì phải thực hiện các biện pháp hiện nay. Sau đó, chúng ta sẽ khắc phục dần dần”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Phạm Huyền - Ảnh: Minh Thăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét