Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

(5) Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó


VHNA tóm tắt nội dung sách “Vì sao các quốc gia thất bại” do TS Nguyễn Quang A dịch:


(5) Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó
 
1. GẦN THẾ VÀ VẪN RẤT KHÁC NHAU (tiếp)
CÂU CHUYỆN VỀ HAI HIẾN PHÁP
Bây giờ phải là rõ ràng, rằng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ, chứ không phải Mexico, đã thông qua và thực thi một hiến pháp tán thành các nguyên tắc dân chủ, tạo ra các hạn chế về việc sử dụng quyền lực chính trị, và phân phối quyền lực đó một cách rộng rãi trong xã hội. Văn kiện mà các đại biểu đã ngồi xuống để viết ở Philadelphia năm 1787 đã là kết quả của một quá trình dài được khởi đầu bằng sự hình thành của Đại Hội đồng ở Jamestown năm 1619.
Sự tương phản giữa quá trình lập hiến xảy ra vào thời độc lập của Hoa Kỳ và quá trình xảy ra sau đó một chút ở Mexico lộ rõ hẳn ra. Trong tháng Hai 1808, quân đội Pháp của Napoleon Bonaparte đã xâm lăng Tây Ban Nha. Vào tháng Năm họ đã lấy được Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Vào tháng Chín vua Tây Ban Nha Ferdinal đã bị bắt và đã thoái vị. Một junta (hội đồng hành chính) quốc gia, Junta Trung ương, đã thế chỗ ông, cầm ngọn đuốc trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Junta họp lần đầu tiên tại Aranjuez, nhưng đã rút lui xuống phía nam trước quân đội Pháp. Cuối cùng nó đã đến cảng Cádiz, mà, tuy bị các lực lượng Napoleonic bao vây, vẫn đã đứng vững. Ở đây Junta đã thành lập một quốc hội, được gọi là Cortes. Năm 1812 Cortes đã tạo ra cái được biết đến như Hiến pháp Cádiz, mà nó kêu gọi việc lập ra một nền quân chủ lập hiến dựa trên những quan niệm của chủ quyền nhân dân. Nó cũng đã kêu gọi chấm dứt các đặc quyền và đưa vào sự bình đẳng trước pháp luật. Elite của Nam Mỹ, những người vẫn cai trị trong một môi trường, do encomienda, lao động cưỡng bức, và quyền lực tuyệt đối được ban cho họ và nhà nước thuộc địa định hình, đã ghét cay ghét đắng những đòi hỏi này.

Sự sụp đổ của nhà nước Tây Ban Nha với sự xâm lược Napoleon đã tạo ra một khủng hoảng hiến pháp trên khắp Mỹ Latin thuộc địa. Đã có tranh luận nhiều về liệu có thừa nhận thẩm quyền của Junta Trung ương hay không, và đáp lại, nhiều người Mỹ Latin đã bắt đầu thành lập các junta riêng của họ. Đã chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ bắt đầu ý thức được khả năng trở thành thực sự độc lập với Tây Ban Nha. Tuyên bố độc lập đầu tiên đã xảy ra ở La Paz, Bolivia, năm 1809, tuy nó đã nhanh chóng bị nghiền nát bởi binh lính Tây Ban Nha được gửi từ Peru sang. Tại Mexico thái độ chính trị của elite đã được định hình bởi cuộc Nổi loạn Hidalgo năm 1810, được lãnh đạo bởi một linh mục, Cha Miguel Hidalgo. Khi quân đội của Hidalgo cướp phá Guanajuato ngày 23 tháng Chín, họ đã giết quản đốc, quan chức thuộc địa cấp cao, và sau đó đã bắt đầu giết những người gia trắng một cách không phân biệt. Nó đã giống một cuộc chiến tranh giai cấp hay sắc tộc hơn là một phong trào độc lập, và nó đã hiệp nhất tất cả elite trong phe đối lập. Nếu sự độc lập cho phép sự tham gia của nhân dân vào chính trị, elite địa phương, không chỉ những người Tây Ban Nha, đã chống lại nó. Hệ quả là, elite Mexico đã xem xét Hiến pháp Cádiz, mà đã mở đường cho sự tham gia của nhân dân, với sự ngờ vực cực kỳ; họ sẽ chẳng bao giờ công nhận tính hợp pháp của nó.
Năm 1815, khi đế chế Âu châu của Napoleon sụp đổ, Vua Ferdinand VII quay lại nắm quyền và Hiến pháp Cádiz đã bị bãi bỏ. Khi Quốc Vương Tây Ban Nha bắt đầu thử đòi lại các thuộc địa Mỹ của nó, nó đã không gặp khó khăn với Mexico trung thành. Thế nhưng, năm 1820, một đội quân Tây Ban Nha đã tụ tập ở Cádiz để đi tàu sang châu Mỹ giúp khôi phục lại thẩm quyền Tây Ban Nha đã nổi loạn chống Ferdinand VII. Các lực lượng quân đội khắp nước đã gia nhập với họ, và Ferdinand đã buộc phải khôi phục Hiến pháp Cádiz và triệu tập lại Cortes. Cortes này thậm chí còn cấp tiến hơn Cortes đã soạn ra Hiến pháp Cádiz, và nó đã đề xuất xóa bỏ mọi hình thức cưỡng bức lao động. Nó cũng đã tấn công các đặc quyền đặc biệt – thí dụ, quyền của quân đội để được xử các tội hình sự tại các tòa án riêng của họ. Đối mặt cuối cùng với sự áp đặt văn kiện này ở Mexico, elite ở đó đã quyết định rằng tốt hơn nếu nó đi một mình và tuyên bố độc lập.
Phong trào độc lập này đã được lãnh đạo bởi Augustín de Iturbide, người đã là một sỹ quan trong quân đội Tây Ban Nha. Ngày 24-2-1821, ông công bố Plan de Iguala (Kế hoạch Iguala), tầm nhìn của ông cho một Mexico độc lập. Kế hoạch đã đề cao một nền quân chủ lập hiến với một hoàng đế Mexic, và đã loại bỏ các quy định của Hiến pháp Cádiz mà elite Mexic thấy rất đe dọa đến địa vị và các đặc quyền của họ. Nó đã nhận được sự ủng hộ tức thời, và Tây Ban Nha đã nhanh chóng nhận ra rằng nó không thể ngăn cái không thể tránh khỏi. Nhưng Iturbide đã không chỉ tổ chức sự ly khai Mexic. Nhận ra chân không quyền lực, ông đã nhanh chóng tận dụng sự ủng hộ của quân đội, ông đã tự tuyên bố mình là hoàng đế, một vị trí mà nhà lãnh đạo vĩ đại của nền độc lập Nam Mỹ, Simón Bolivar, đã mô tả như “nhờ ân sủng của Chúa và của lưỡi lê”. Iturbide đã không bị ràng buộc bởi cùng các thể chế chính trị mà các tổng thống Hoa Kỳ bị hạn chế; ông đã nhanh chóng biến mình thành một kẻ độc tài, và vào tháng Mười 1822, ông đã giải tán quốc hội được phê chuẩn một cách hợp hiến và đã thay thế nó bằng một junta do ông chọn. Tuy [triều đại] Iturbide đã không kéo dài, nhưng hình mẫu này của các sự kiện đã lặp đi lặp lại ở Mexico thế kỷ thứ mười chín.
Hiến pháp Hoa Kỳ đã không tạo ra một nền dân chủ theo các tiêu chuẩn hiện đại. Ai có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử đã được để cho từng bang quyết định. Trong khi các bang miền bắc đã nhanh chóng thừa nhận quyền bỏ phiếu của tất cả những đàn ông da trắng bất kể họ nhận được bao nhiêu thu nhập hay có bao nhiêu tài sản, còn các bang miền nam đã chỉ làm vậy một cách từ từ. Không bang nào đã trao quyền bầu cử cho phụ nữ hay các nô lệ, và khi những hạn chế về tài sản và của cải đã được bãi bỏ đối với đàn ông gia trắng, việc tước quyền bầu cử của các đàn ông da đen đã được đưa vào một cách tường minh. Chế độ nô lệ, tất nhiên, đã được coi là hợp hiến khi Hiến pháp Hoa Kỳ được soạn ở Philadelphia, và sự thương lượng đê tiện nhất đã liên quan đến việc phân chia các ghế trong Hạ viện giữa các bang. Các ghế này được phân bổ trên cơ sở dân số của mỗi bang, nhưng các đại biểu quốc hội của các bang miền nam khi đó đã đòi hỏi rằng các nô lệ phải được tính. Những người miền bắc đã phản đối. Sự thỏa hiệp đã là trong chia phần các ghế Hạ viện, một nô lệ sẽ được tính như ba phần năm của một người tự do. Các xung đột giữa miền Bắc và miền Nam của Hoa Kỳ đã được kiềm chế trong quá trình lập hiến vì quy tắc ba phần năm và những thỏa hiệp khác đã được nghĩ ra. Những sang sửa mới được thêm vào theo thời gian – thí dụ, Thỏa hiệp Missouri, một dàn xếp nơi một bang ủng hộ chế độ nô lệ và một bang phản đối chế độ nô lệ đã luôn luôn được cộng thêm vào toàn liên bang, để giữ sự cân bằng trong Thượng viện gữa các bang ủng hộ và chống đối chế độ nô lệ. Những chuyện vớ vẩn này đã giữ các thể chế chính trị của Hoa Kỳ hoạt động một cách yên bình cho đến khi Nội Chiến cuối cùng đã giải quyết các xung đột theo cách có lợi cho miền Bắc.
Nội Chiến đã đẫm máu và tàn phá. Nhưng cả trước và sau chiến tranh đã có nhiều cơ hội kinh tế cho một phần lớn dân số, đặc biệt ở miền bắc và miền tây Hoa Kỳ. Tình hình ở Mexico đã rất khác. Nếu Hoa Kỳ đã trải qua năm năm bất ổn chính trị giữa 1860 và 1865, thì Mexico đã trải nghiệm sự bất ổn hầu như không ngừng suốt năm mươi năm đầu của sự độc lập. Việc này được minh họa khéo nhất qua sự nghiệp của Antonio Lospez de Santa Ana.
Santa Ana, con của một quan chức thuộc địa ở Veracruz, trở nên nổi bật như một người lính chiến đấu cho Tây Ban Nha trong các cuộc chiến tranh độc lập. Năm 1821, ông đã chuyển sang phía Iturbide và đã không bao giờ nhìn lại. Ông đã trở thành tổng thống Mexico lần đầu tiên vào tháng Năm 1833, tuy ông thực hiện quyền lực ít hơn một tháng, thích để cho Valentín Gómez Farías hành động với tư cách tổng thống hơn. Nhiệm kỳ tổng thống của Gómez Farías kéo dài mười lăm ngày, sau đó Santa Ana nắm lại quyền lực. Tuy nhiên, đấy đã ngắn như phiên đầu tiên của ông, và ông đã lại bị Gómez Farías thay thế, vào đầu tháng Bảy. Santa Ana và Gómez Farías đã tiếp tục điệu nhảy này cho đến giữa 1835, khi Santa Ana bị Miguel Barragán thay thế. Nhưng Santa Ana đã không là một kẻ bỏ cuộc. Ông đã quay lại làm tổng thống trong các năm 1839, 1841, 1844, 1847, và, cuối cùng, giữa 1853 và 1855. Tổng cộng, ông đã là tổng thống mười một lần, trong đó ông đã chịu trách nhiệm về việc để mất Alamo và Texas và chiến tranh Mexic-Mỹ tai hại, mà đã dẫn đến việc để mất cái trở thành New Mexico và Arizona. Giữa 1824 và 1867 đã có năm mươi hai tổng thống ở Mexico, vài trong số đó đã nắm quyền theo thủ tục đã được phê chuẩn một cách hợp hiến.
Hậu quả của sự bất ổn chính trị chưa từng có này đối với các thể chế và các khuyến khích kinh tế phải là rõ ràng. Sự bất ổn như vậy đã dẫn đến các quyền tài sản hết sức không chắc chắn. Nó cũng đã dẫn đến một sự suy yếu nghiêm trọng của nhà nước Mexic, mà bây giờ đã có ít thẩm quyền và ít khả năng để thu thuế hay cung cấp các dịch vụ công. Thực vậy, mặc dù Santa Ana đã là tổng thống ở Mexico, nhiều phần rộng lớn của nước này đã không nằm dưới sự kiểm soát của ông, mà đã cho phép việc sáp nhập Texas bởi Hoa Kỳ. Ngoài ra, như chúng ta vừa thấy, động cơ nằm đằng sau sự tuyên bố độc lập Mexic đã là để bảo vệ tập các thể chế kinh tế đã được phát triển trong thời kỳ thuộc địa, mà đã biến Mexico, theo lời của nhà khám phá và nhà địa lý Đức vĩ đại về Mỹ Latin, Alexander von Humbolt, trở thành “nước của sự bất bình đẳng”. Các thể chế này, do đặt cơ sở xã hội trên sự khai thác người dân bản địa và tạo ra các độc quyền, đã ngăn chặn các khuyến khích kinh tế và các sáng kiến của quảng đại quần chúng nhân dân. Trong khi Hoa Kỳ đã bắt đầu trải nghiệm Cách mạng Công nghiệp trong nửa đầu của thế kỷ thứ mười chín, thì Mexico đã trở nên nghèo hơn.

CÓ MỘT Ý TƯỞNG, KHỞI ĐỘNG MỘT HÃNG, VÀ NHẬN ĐƯỢC MỘT KHOẢN VAY
Cách mạng Công nghiệp đã bắt đầu ở nước Anh. Thành công đầu tiên của nó đã là cách mạng hóa sản xuất quần áo vải bông bằng cách sử dụng các máy mới được cung cấp lực bởi các bánh xe nước và muộn hơn bởi các động cơ hơi nước. Cơ giới hóa việc sản xuất vải bông đã làm tăng rất nhiều năng suất của những người lao động, đầu tiên trong ngành dệt may, và sau đó trong các ngành khác. Động cơ của những đột phá công nghệ trong khắp nền kinh tế là sự đổi mới sáng tạo (innovation), với mũi xung kích của các doanh nhân và các nhà kinh doanh mới háo hức áp dụng các ý tưởng mới của họ. Sự nở hoa ban đầu này đã nhanh chóng lan qua Bắc Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ. Người dân đã thấy các cơ hội kinh tế to lớn sẵn có trong thích nghi các công nghệ mới được phát triển ở Anh. Họ cũng được truyền cảm hứng để phát triển các sáng chế riêng của mình.
Chúng ta có thể thử để hiểu bản chất của các sáng chế này bằng cách ngó xem ai đã được cấp bằng sáng chế. Hệ thống bằng sáng chế, mà bảo vệ các quyền tài sản trong các ý tưởng, đã được hệ thống hóa trong Đạo luật về các Độc quyền được xây dựng và ban hành bởi Quốc hội Anh năm 1623, một phần như một nỗ lực để ngăn chặn nhà vua khỏi ban một cách tùy tiện “các thư bằng sáng chế” cho ai mà ngài muốn – trên thực tế cấp các quyền độc quyền để thực hiện các hoạt động hay các công việc kinh doanh nhất định. Điều nổi bật về bằng chứng cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ là, những người được cấp bằng sáng chế đến từ mọi loại xuất thân, mọi loại bối cảnh và mọi ngành nghề, chứ không chỉ là những người giàu và ưu tú. Nhiều người đã kiếm được bộn tiền hay trở nên giàu có dựa vào các bằng sáng chế của mình. Hãy xét Thomas Edison, người sáng chế ra đĩa ghi âm, bóng đèn điện và người sáng lập ra General Electric, vẫn là một trong những công ty lớn nhất thế giới. Edison đã là người con út trong bảy người con. Cha ông, Samuel Edison, đã theo nhiều nghề, từ tách các tấm ván làm ngói gỗ lợp nhà đến làm thợ may đến cai quản một quán rượu. Thomas đã ít được học chính thống ở trường nhưng đã được học tại nhà nhờ mẹ ông.
Giữa 1820 và 1845, chỉ có 19 phần trăm những người được cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ đã có cha mẹ là các nhà chuyên nghiệp hay từ các gia đình chủ đất lớn có thể nhận ra được. Trong cùng thời kỳ, 40 phần trăm những người đã được cấp bằng sáng chế chỉ đã học tiểu học hay ít hơn, đúng như Edison. Hơn nữa, họ thường khai thác bằng sáng chế của mình bằng cách thành lập một hãng, lại giống như Edison. Hệt như Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ mười chín về mặt chính trị đã là dân chủ hơn hầu như bất cứ quốc gia khác nào trên thế giới vào thời đó, nó cũng đã dân chủ hơn các nước khác khi nói về đổi mới sáng tạo. Điều này là cốt yếu cho con đường của nó để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo nhất về mặt kinh tế trên thế giới.
Nếu bạn nghèo với một ý tưởng hay, thì một việc là lấy một bằng sáng chế, mà, rốt cuộc, cũng không tốn kém lắm. Là chuyện hoàn toàn khác để dùng bằng sáng chế đó để kiếm tiền. Một cách, tất nhiên, là bán bằng sáng chế cho ai đó khác. Đấy là cách Edison đã làm lúc đầu, để huy động một ít vốn, khi ông bán [bằng sáng chế về] máy điện tín Quadruplex cho Western Union lấy 10.000 USD. Nhưng bán các bằng sáng chế là một ý tưởng hay chỉ cho ai đó giống Edison, người đã có các ý tưởng nhanh hơn ông có thể đưa chúng vào thực tế. (Ông đã có một kỷ lục thế giới 1.093 bằng sáng chế đã được cấp cho ông ở Hoa Kỳ, và 1.500 trên toàn thế giới). Cách thực sự để kiếm tiền từ một bằng sáng chế là lập doanh nghiệp riêng của bạn. Nhưng để khởi động một doanh nghiệp, bạn cần vốn, và bạn cần các ngân hàng cho bạn vay vốn.
Các nhà sáng chế ở Hoa Kỳ một lần nữa lại gặp may. Trong thế kỷ thứ mười chín đã có sự mở rộng nhanh của trung gian tài chính và hoạt động ngân hàng mà đã là một nhân tố cốt yếu tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng nhanh và công nghiệp hóa mà nền kinh tế đã trải qua. Trong khi vào năm 1818 đã có 338 ngân hàng hoạt động ở Hoa Kỳ, với tổng tài sản 160 triệu USD, vào năm 1914 đã có 27.864 ngân hàng với tổng tài sản 27,3 tỷ USD. Các nhà đầu tư tiềm năng ở Hoa Kỳ đã có rồi sự tiếp cận đến vốn để khởi động các doanh nghiệp của mình. Hơn nữa, sự cạnh tranh cao độ giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ đã có nghĩa rằng khoản vốn này đã sẵn có với lãi suất khá thấp.
Cùng thứ đã không đúng ở Mexico. Thực ra, vào năm 1910, khi Cách mạng Mexic bắt đầu, đã chỉ có bốn mươi hai ngân hàng ở Mexico, và hai trong số đó đã kiểm soát 60 phần trăm tổng tài sản ngân hàng. Không giống Hoa Kỳ, nơi cạnh tranh là khốc liệt, hầu như đã không có cạnh tranh giữa các ngân hàng Mexic. Sự thiếu cạnh tranh này có nghĩa rằng các ngân hàng đã có thể tính lãi suất rất cao cho các khách hàng của mình, và thường đã giới hạn việc cấp tín dụng cho người có đặc quyền và người đã giàu rồi, những người sau đó sẽ sử dụng sự tiếp cận của họ đến tín dụng để tăng sự kìm kẹp của họ đối với các khu vực khác nhau của nền kinh tế.
Hình thức, mà ngành ngân hàng Mexico đã lấy trong các thế kỷ mười chín và hai mươi, đã là kết quả trực tiếp của các thể chế chính trị sau độc lập của nước này. Sự hỗn độn của thời đại Santa Ana được kế tiếp bởi một nỗ lực chết yểu của chính phủ Pháp của Hoàng đế Napoleon II để tạo ra một chế độ thuộc địa ở Mexico dưới Hoàng đế Maximillian I giữa 1864 và 1867. Người Pháp đã bị trục xuất, và một hiến pháp mới đã được thảo. Nhưng chính phủ được lập ra đầu tiên bởi Benito Juárez và, sau cái chết của ông, bởi Sebastián Lerdo de Tejeda đã mau chóng bị thách thức bởi một nhà quân sự trẻ có tên là Porfirio Díaz. Díaz đã là một tướng chiến thắng trong chiến tranh chống lại Pháp và đã nuôi dưỡng khát vọng quyền lực. Ông đã lập một đội quân nổi loạn và, vào tháng 11-1876, đã đánh bại quân đội của chính phủ ở Trận Tecoac. Trong tháng Năm của năm sau, ông đã tự bầu mình làm tổng thống. Ông đã tiếp tục cai trị Mexico ít nhiều không gián đoạn và theo cách ngày càng chuyên quyền cho đến khi bị lật đổ bởi cách mạng nổ ra ba mươi tư năm sau.
Giống Iturbide và Santa Ana trước ông, Díaz đã bắt đầu cuộc đời như một chỉ huy quân đội. Một con đường sự nghiệp như vậy vào hoạt động chính trị đã chắc chắn được biết đến ở Hoa Kỳ. Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, cũng đã là một tướng thành công trong Chiến tranh Độc lập. Ulysess S. Grant, một trong các tướng Liên bang chiến thắng của Nội Chiến, đã trở thành tổng thống năm 1869, và Dwight D. Eisenhower, tổng chỉ huy các Lực lượng Đồng minh ở châu Âu trong Chiến tranh  Thế giới II, đã là tổng thống Hoa Kỳ giữa 1953 và 1961. Tuy vậy, không giống Iturbide, Santa Ana và Díaz, không ai trong các nhà quân sự này đã dùng vũ lực để lên nắm quyền. Họ cũng đã không dùng vũ lực để tránh phải từ bỏ quyền lực. Họ đã tuân theo hiến pháp. Tuy Mexico đã có các hiến pháp trong thế kỷ thứ mười chín, chúng đã đặt ra ít ràng buộc về cái mà Iturbide, Santa Ana và Díaz đã có thể làm. Những người này đã có thể bị loại bỏ khỏi quyền lực chỉ bằng cùng cách họ đã đạt được nó: bằng sử dụng vũ lực.
Díaz đã vi phạm các quyền tài sản của nhân dân, tạo thuận lợi cho việc chiếm đoạt số lượng đất đai rộng lớn, và ông đã trao những độc quyền và các đặc ân cho những người ủng hộ ông trong mọi lĩnh vực kinh doanh, kể cả ngân hàng. Đã chẳng có gì mới về cách ứng xử này. Đấy chính xác là cái những kẻ chinh phục Tây Ban Nha đã làm, và cái Sata Ana đã làm theo bước chân họ.
Lý do mà Hoa Kỳ đã có ngành ngân hàng tốt hơn một cách cơ bản cho sự thịnh vượng kinh tế đã chẳng liên quan gì đến những sự khác biệt về động cơ của những người sở hữu ngân hàng. Thực vậy, động cơ lợi nhuận, mà làm nòng cốt cho bản chất độc quyền của ngành ngân hàng ở Mexico, cũng đã hiện diện cả ở Hoa Kỳ nữa. Nhưng động cơ lợi nhuận này đã được hướng một cách khác đi bởi vì các thể chế khác biệt hoàn toàn của Hoa Kỳ. Các chủ ngân hàng đã đối mặt với các thể chế kinh tế khác hẳn, các thể chế đã buộc chúng phải cạnh tranh mạnh hơn rất nhiều. Và việc này đã phần nhiều là bởi vì các nhà chính trị, những người soạn ra các quy tắc cho các chủ ngân hàng, bản thân họ đã phải đối mặt với các khuyến khích rất khác được tạo ra bởi các thể chế chính trị khác biệt. Thực vậy, vào cuối thế kỷ thứ mười tám, không lâu sau khi Hiến pháp Hoa Kỳ đi vào hoạt động, một hệ thống ngân hàng trông giống hệ thống, mà sau đó đã áp đảo ở Mexico, đã bắt đầu nổi lên. Các chính trị gia đã thử thành lập các độc quyền ngân hàng bang, mà họ đã có thể đưa cho các bạn và các đối tác của họ để đổi lại một phần lợi nhuận độc quyền. Các ngân hàng cũng đã mau chóng lao vào công việc kinh doanh cho các chính trị gia, những người điều tiết họ, vay tiền, hệt như ở Mexico. Nhưng tình hình này đã không thể duy trì được ở Hoa Kỳ, bởi vì các chính trị gia những người đã thử lập ra các độc quyền ngân hàng này, không giống như ở Mexico, đã phải tuân theo sự bầu cử và tái bầu cử. Tạo ra các độc quyền ngân hàng và cấp các khoản vay cho các chính trị gia là công việc kinh doanh tốt cho các chính trị gia, nếu họ có thể tránh thoát các hậu quả. Tuy vậy, nó không đặc biệt tốt cho các công dân. Không giống ở Mexico, ở Hoa Kỳ các công dân đã có thể kìm hãm và giải thoát khỏi các chính trị gia, những người lạm dụng chức vụ của mình để làm giàu cho mình hay tạo ra các độc quyền cho các cánh hẩu của mình. Kết quả là, các độc quyền ngân hàng đã sụp đổ. Sự phân bố rộng các quyền chính trị ở Hoa Kỳ, đặc biệt khi so sánh với Mexico, đã đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng đến tài chính và các khoản vay. Điều này, đến lượt nó, lại đảm bảo rằng những người có các ý tưởng và các sáng chế có thể được hưởng lợi từ chúng.

SỰ THAY ĐỔI PHỤ THUỘC VÀO CON ĐƯỜNG
Thế giới đã thay đổi trong các năm 1870 và 1880. Mỹ Latin đã không là ngoại lệ. Các thể chế, mà Porfirio Díaz đã thiết lập, đã không giống hệt các thể chế của Santa Ana hay của nhà nước thuộc địa Tây Ban Nha. Nền kinh tế thế giới đã phồn thịnh bột phát trong nửa sau của thế kỷ mười chín, và những đổi mới sáng tạo trong giao thông như tàu hơi nước và đường sắt đã dẫn đến sự mở rộng to lớn của thương mại quốc tế. Làn sóng này của toàn cầu hóa đã có nghĩa rằng các nước giàu tài nguyên như Mexico – hay, chính xác hơn elite ở các nước như vậy – đã có thể làm giàu chính mình bằng xuất khẩu các nguyên liệu thô và các tài nguyên thiên nhiên cho Bắc Mỹ hay Châu Âu đang công nghiệp hóa. Díaz và những cánh hẩu của ông đã thấy mình trong một thế giới khác và đang phát triển nhanh. Họ đã nhận ra rằng Mexico cũng phải thay đổi. Nhưng điều này đã không có nghĩa là nhổ cả rễ các thể chế thuộc địa và thay thế chúng bằng các thể chế giống như các thể chế ở Hoa Kỳ. Thay vào đó, sự thay đổi của họ đã là sự thay đổi “phụ thuộc vào con đường – path dependent” chỉ dẫn đến pha tiếp theo của các thể chế đã làm cho phần lớn Mỹ Latin nghèo và bất bình đẳng rồi.
Toàn cầu hóa đã làm cho các vùng bỏ ngỏ bao la của châu Mỹ, “các vùng biên cương mở-open frontiers” của nó, có giá trị. Thường các vùng biên cương này đã chỉ trống một cách huyền thoại, vì những người bản địa đã ở đó và họ đã bị truất quyền sở hữu một cách tàn nhẫn. Dẫu sao, sự tranh cướp các tài nguyên có giá trị mới này đã là một quá trình định rõ của châu Mỹ trong nửa sau của thế kỷ mười chín. Sự mở ra đột ngột của vùng biên cương có giá trị này đã không dẫn đến các quá trình tương tự ở Hoa Kỳ và Mỹ Latin, mà đã dẫn đến sự phân kỳ thêm, được định hình bởi những sự khác biệt thể chế hiện tồn, đặc biệt là những khác biệt liên quan đến ai có cơ hội có đất. Ở Hoa Kỳ, một chuỗi dài các hành động lập pháp, từ Sắc lệnh Đất năm 1785 đến Luật Trang ấp 1862, đã cho sự tiếp cận rộng rãi đến đất biên cương. Tuy những người bản địa đã bị cho ra ngoài lề, việc này đã tạo ra một vùng biên cương bình đẳng và năng động về mặt kinh tế. Trong hầu hết các nước Mỹ Latin, tuy vậy, các thể chế chính trị ở đó đã tạo ra kết quả rất khác. Đất vùng biên cương đã được phân cho những người có thế lực chính trị và những người giàu có và có các mối quan hệ, làm cho những người như vậy thậm chí hùng mạnh hơn.
Díaz cũng đã bắt đầu dỡ bỏ nhiều di sản thể chế thuộc địa cụ thể, cản trở thương mại quốc tế, mà ông thấy trước sẽ làm cho ông và những người ủng hộ ông giàu hơn rất nhiều. Mô hình của ông, tuy vậy, vẫn tiếp tục không phải là kiểu phát triển kinh tế mà chúng ta thấy ở phía bắc Rio Grandes mà là kiểu của Cortés, Pizzaro, và de Toledo, nơi elite trở nên rất giàu có trong khi những người còn lại bị loại trừ. Khi elite đầu tư, nền kinh tế tăng trưởng một chút, nhưng sự tăng trưởng như vậy luôn luôn dẫn đến thất vọng. Nó cũng đã xảy ra với sự trả giá của những người thiếu các quyền trong trật tự mới này, như những người Yaqui ở Sonora, trong vùng nội địa xa của Nogales. Giữa 1900 và 1910, có lẽ ba mươi ngàn người Yaqui đã bị lưu đày, về bản chất bị bắt làm nô lệ, bị tống đi lao động ở các đồn điền henequen [cây thùa sợi] ở Yucatán. (Sợi cây henequen đã là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị, vì nó có thể được dùng để làm dây thừng và dây bện). Sự dai dẳng kéo dài vào thế kỷ hai mươi của một hình mẫu thể chế đặc thù không thân thiện với tăng trưởng ở Mexico và Mỹ Latin được minh họa rõ bởi sự thực rằng, hệt như trong thế kỷ mười chín, hình mẫu đã gây ra trì trệ kinh tế và bất ổn chính trị, các cuộc nội chiến và đảo chính, khi các phe nhóm tranh giành nhau vì các lợi ích quyền lực. Díaz cuối cùng đã mất quyền lực cho các lực lượng cách mạng trong năm 1910. Cuộc Cách mạng Mexic được tiếp theo bởi các cuộc cách mạng khác ở Bolivia năm 1952, ở Cuba năm 1959, và Nicaragua năm 1979. Trong lúc đó, các cuộc nội chiến kéo dài đã nổ ra ở Columbia, El Salvador, Guatemala, và Peru. Sự chiếm đoạt hay sự đe dọa chiếm đoạt tài sản vẫn tiếp tục mau lẹ, với các cuộc cải cách nông nghiệp hàng loạt (hay các cuộc cải cách được thử) ở Bolivia, Brazil, Chile, Columbia, Guatemala, Peru, và Venezuela. Các cuộc cách mạng, những sự chiếm đoạt và bất ổn chính trị đã đến cùng với các chính phủ quân sự và các chế độ độc tài thuộc nhiều loại. Tuy cũng đã có một sự trôi dạt từ từ hướng về các quyền chính trị rộng lớn hơn, nhưng chỉ đến các năm 1990 thì hầu hết các nước Mỹ Latin mới trở thành các nền dân chủ, và thậm chí khi đó chúng vẫn sa lầy trong bất ổn.
Sự bất ổn này đã đi cùng với sự đàn áp và giết người hàng loạt. Báo cáo [của] Ủy ban Quốc gia cho Chân lý và Hòa giải năm 1991 ở Chile đã xác định rằng 2.279 người đã bị giết vì các lý do chính trị trong chế độ độc tài Pinochet giữa 1973 và 1990. Có lẽ 50.000 đã bị bỏ tù và tra tấn, và hàng trăm ngàn người đã bị đuổi việc. Báo cáo [của] Ủy ban Guatemalan về Làm rõ Lịch sử trong năm 1999 đã nhận diện được tổng cộng 42.275 nạn nhân có tên, tuy những người khác đã cho rằng có đến 200.000 đã bị giết ở Guatemala giữa 1962 và 1996, 70.000 trong thời chế độ của Tướng Efrain Ríos Montt, kẻ đã có khả năng phạm các tội ác này mà không bị trừng phạt đến mức hắn ta đã có thể ứng cử tổng thống trong năm 2003; rất may là hắn đã không trúng cử. Ủy ban Quốc gia về Người Mất tích ở Argentina đã đưa ra số người bị quân đội ở đó giết từ 1976 đến 1983 là 9.000 người, mặc dù nó lưu ý rằng con số thật có thể cao hơn. (Các ước lượng của các tổ chức nhân quyền thường đưa ra con số 30.000).

KIẾM MỘT HAY HAI TỶ
Những hệ lụy kéo dài của tổ chức xã hội thuộc địa, và của các di sản của các xã hội đó, định hình những sự khác biệt hiện đại giữa Hoa Kỳ và Mexico, và như thế giữa hai phần của Nogales. Sự tương phản giữa Bill Gates và Carlos Slim đã trở thành hai người giàu nhất thế giới thế nào – Warren Buffett cũng là một đối thủ – minh họa các lực lượng đang tác động. Sự thăng tiến của Bill Gates ai cũng biết, nhưng địa vị của Gates với tư cách người giàu nhất thế giới và nhà sáng lập của một trong những công ty đối mới sáng tạo nhất về mặt công nghệ đã không ngăn cản Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đệ trình các vụ kiện dân sự chống lại Công ty Microsoft ngày 8-5-1998, cho rằng Microsoft đã lạm dụng sức mạnh độc quyền. Đặc biệt gây tranh cãi là cách mà Microsoft đã gắn Web broser (trình duyệt mạng) của nó, Internet Explore, vào hệ điều hành Windows. Chính phủ đã để mắt đến Gates trong thời gian khá dài, và ngay từ 1991, Ủy Ban Thương mại Liên bang đã lao vào một cuộc điều tra xem liệu Microsoft đã có lạm dụng sự độc tài của nó về hệ điều hành máy tính cá nhân hay không. Tháng Mười một 2001, Microsoft đã đạt một thỏa thuận với Bộ Tư pháp. Các cánh của nó đã bị cắt bớt cho dù các khoản tiền phạt đã thấp hơn mức nhiều người đã đòi.
Ở Mexico, Carlos Salem đã không kiếm tiền bằng đổi mới sáng tạo. Lúc đầu ông ta đã trội hơn về các giao dịch chứng khoán, và về mua và tân trang các hãng không có lời. Phi vụ lớn của ông ta đã là việc thôn tính Telmex, công ty viễn thông độc quyền của Mexico được Tổng thống Carlos Salinas tư nhân nhóa năm 1990. Chính phủ đã công bố ý định của mình về bán 51 phần trăm của cổ phiếu được bầu (chiếm 20,4 phần trăm của tổng số cổ phiếu) trong công ty vào tháng 9-1989 và đã nhận được các giá đặt mua vào tháng 11-1990. Cho dù Carlos Salem đã không đặt giá cao nhất, consortium dẫn đầu bởi Grupo Corso của ông đã thắng thầu. Thay cho việc trả tiền ngay cho các cố phiếu, Salim đã dàn xếp được việc thanh toán chậm, sử dụng cổ tức của bản thân Telmex để trả cho cổ phiếu. Cái từng là độc quyền nhà nước nay đã trở thành độc quyền của Salim, và nó đã sinh lợi khổng lồ.
Các thể chế kinh tế, mà đã biến Carlos Salim thành người là ông ta, là rất khác với các thể chế ở Hoa Kỳ. Nếu bạn là một doanh nhân khởi nghiệp ở Mexico, các rào cản gia nhập đóng một vai trò quyết định tại mọi giai đoạn của sự nghiệp của bạn. Các rào cản này bao gồm các giấy phép đắt tiền mà bạn phải kiếm được, tệ quan liêu mà bạn phải vượt qua, các chính trị gia và những người đang ở trong ngành đứng cản đường bạn, và sự khó khăn để kiếm được tài trợ từ một khu vực tài chính mà thường móc ngoặc với những người đang trong ngành mà bạn thử cạnh tranh với. Các rào cản này hoặc có thể là không thể vượt qua được, ngăn không cho bạn vào các lĩnh vực sinh lợi, hay là chiến hữu lớn nhất của bạn, giữ không cho các đối thủ cạnh tranh của bạn đến gần. Sự khác biệt giữa hai kịch bản, tất nhiên, là, bạn biết ai và có thể ảnh hưởng đến ai – và phải, bạn có thể đút lót ai. Carlos Slim, một người có tài, có tham vọng, từ một nền tảng tương đối khiêm tốn của những người nhập cư Liban, đã là một bậc thầy về nhận được các hợp đồng độc quyền; ông đã tìm được cách để độc chiếm thị trường viễn thông béo bở ở Mexico, và sau đó mở rộng tầm với của ông ra phần còn lại của Mỹ Latin.
Đã có những thách thức đối với độc quyền Telmex của Salim. Nhưng chúng đã không thành công. Năm 1996 Avantel, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài, đã đưa kiến nghị lên Ủy ban Cạnh tranh Mexic để kiểm tra xem liệu Telmex đã có một vị thế thống trị thị trường viễn thông hay không. Năm 1997, Ủy ban đã tuyên bố rằng Telmex đã có quyền lực độc quyền thật về điện thoại nội hạt, các cuộc gọi đường dài quốc gia, và các cuộc gọi đường dài quốc tế, giữa những thứ khác. Nhưng các nỗ lực của các nhà chức trách điều tiết ở Mexico để hạn chế các độc quyền này đã không đi đến đâu cả. Một lý do là, Slim và Telmex có thể sử dụng cái được biết đến như một recurso de amparo, theo nghĩa đen là một “sự kháng án để bảo vệ”. Một amparo thực ra là một đơn để lập luận rằng một luật cá biệt không áp dụng đối với bạn. Ý tưởng về amparo truy nguyên về hiến pháp Mexic năm 1857 và khởi đầu được dự định như một sự bảo vệ các quyền cá nhân và các quyền tự do. Trong tay của Telmex và các độc quyền Mexic khác, tuy vậy, nó lại biến thành một công cụ kinh khủng để thắt chặt quyền lực độc quyền. Thay cho bảo vệ các quyền của người dân, amparo lại cung cấp một kẽ hở trong tính bình đẳng trước pháp luật.
Slim đã kiếm được tiền trong nền kinh tế Mexic phần nhiều nhờ các mối quan hệ chính trị của ông. Khi đánh bạo sang Hoa Kỳ kinh doanh, ông đã không thành công. Năm 1999, Grupo Curso của ông đã mua hãng bán lẻ máy tính CompUSA. Khi đó CompUSA đã cấp đặc quyền kinh tiêu cho một hãng được gọi là COC Services để bán hàng hóa của nó ở Mexico. Slim ngay lập tức vi phạm hợp đồng [kinh tiêu] này với ý định lập chuỗi cửa hàng riêng của ông, mà không có bất cứ sự cạnh tranh nào từ COC. Nhưng COC đã kiện CompUSA tại một Tòa án ở Dallas. Không có amparo ở Dallas, cho nên Slim đã thua, và đã bị phạt 454 triệu USD. Luật sư cho COC, Mark Werner sau này đã lưu ý rằng “thông điệp của bản án này là, trong nền kinh tế toàn cầu này các hãng phải tôn trọng các quy tắc của Hoa Kỳ nếu chúng muốn đến đây”. Khi Slim phải chịu các thể chế của Hoa Kỳ, các chiến thuật thông dụng của ông để kiếm tiền đã không có kết quả.

HƯỚNG TỚI MỘT LÝ THUYẾT VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG THẾ GIỚI
Chúng ta sống trong một thế giới bất bình đẳng. Những sự khác biệt giữa các quốc gia là gống như những khác biệt giữa hai phần của Nogales, chỉ trên quy mô lớn hơn. Trong các nước giàu, các cá nhân khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, và được giáo dục tốt hơn nhiều. Họ cũng có sự tiếp cận đến một loạt các tiện nghi và lựa chọn trong đời sống, từ các kỳ nghỉ đến các con đường sự nghiệp, mà người dân ở các nước nghèo chỉ có thể mơ đến. Người dân các nước giàu cũng lái xe trên các đường không có ổ gà, và có nhà vệ sinh, điện, và nước máy trong nhà của họ. Họ cũng thường có các chính phủ không bắt giữ hay sách nhiễu họ một cách tùy tiện; ngược lại, các chính phủ cung cấp các dịch vụ, kể cả giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đường sá, luật và trật tự. Cũng đáng chú ý là sự thực rằng các công dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và có tiếng nói nào đó về hướng chính trị mà nước họ chấp nhận.
Những khác biệt to lớn trong bất bình đẳng thế giới là hiển nhiên đối với mọi người, ngay cả đối với những người ở các nước nghèo, tuy họ có thể thiếu truy cập đến truyền hình hay Internet. Chính sự nhận thức và thực tế về những khác biệt này thúc đẩy người dân để vượt Rio Grande hay Địa Trung Hải một cách bất hợp pháp để có cơ hội trải nghiệm mức sống và các cơ hội của nước giàu. Tính bất bình đẳng này không chỉ có các hậu quả đối với cuộc sống của từng con người trong các nước nghèo; nó cũng gây ra nỗi bất bình và oán giận với những hậu quả chính trị khổng lồ ở Hoa Kỳ và những nơi khác. Hiểu vì sao những khác biệt này tồn tại và cái gì gây ra chúng là tiêu điểm của chúng ta trong cuốn sách này. Phát triển một sự hiểu biết như vậy không chỉ là một mục đích tự thân, mà cũng là một bước đầu tiên hướng tới việc tạo ra các ý tưởng tốt hơn về làm thế nào để cải thiện đời sống của hàng tỷ người vẫn sống trong nghèo khổ.
Những sự chênh lệch ở hai bên hàng rào ở Nagales chỉ là chóp đỉnh của tảng băng. Như trong phần còn lại của bắc Mexico, mà được hưởng lợi từ trao đổi với Hoa Kỳ, cho dù không phải toàn bộ sự trao đổi ấy là hợp pháp, cư dân của Nogales thịnh vượng hơn những người Mexic khác, mà thu nhập hộ gia đình bình quân hàng năm là khoảng 5.000 USD. Sự thịnh vượng tương đối lớn hơn này của Nogales, Sonora, đến từ các nhà máy gia công maquiladora [ăn hoa hồng: nhập bộ phận, chế tác và tái xuất thành phẩm mà không phải chịu bất cứ loại thuế nào] tập trung trong các khu công nghiệp, mà khu đầu tiên đã được thành lập bởi Richard Campbell, Jr., một nhà sản xuất giỏ ở California. Người thuê đầu tiên đã là Coin-Art, một công ty dụng cụ âm nhạc được sở hữu bởi Richard Bosse, chủ sở hữu của công ty sáo và saxophone Artley ở Nogales, Arizona. Tiếp sau Coin-Art đã là Memorex (đi dây máy tính); Avent (quần áo bệnh viện); Grant (kính râm); Chamberlain (một nhà sản xuất dụng cụ mở cửa gara cho [nhà bán lẻ] Sears); và Samsonite (va ly). Đáng kể, tất cả đều là các doanh nghiệp và doanh nhân có cơ sở ở Hoa Kỳ, sử dụng vốn và know-how Hoa Kỳ. Sự thịnh vượng lớn hơn của Nogales, Sonora, tương đối so với phần còn lại của Mexico, vì thế, đến từ bên ngoài.
Những khác biệt giữa Hoa Kỳ và Mexico, đến lượt, là nhỏ so với những khác biệt khắp toàn cầu. Công dân trung bình của Hoa Kỳ thịnh vượng bằng bảy lần công dân Mexic trung bình, bằng hơn mười lần cư dân của Peru hay Trung Mỹ. Khoảng bằng hai mươi lần của dân cư trung bình ở châu Phi hạ-Sahara, và gần bằng bốn mươi lần của những người sống trong các nước Phi châu nghèo nhất như Mali, Ethiopia, và Sierra Leone. Có một nhóm nhỏ nhưng ngày càng tăng của các nước giàu – hầu hết ở châu Âu và Bắc Mỹ, với sự gia nhập của Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Nam Hàn, và Đài Loan – mà các công dân của nó được hưởng cuộc sống rất khác với cuộc sống của cư dân của phần còn lại của địa cầu.
Lý do mà Nogales, Arizona, giàu hơn nhiều so với Nogales, Sonora, là đơn giản; chính bởi vì các thể chế rất khác nhau ở hai bên biên giới, mà các thể chế đó tạo ra những khuyến khích rất khác nhau cho cư dân của Nogales, Arizona, đối lại Nogales, Sonora. Hoa Kỳ ngày nay cũng giàu hơn hoặc Mexico hay Peru rất nhiều bởi vì cách các thể chế kinh tế và chính trị của nó định hình các khuyến khích của các doanh nghiệp, các cá nhân, và các chính trị gia. Mỗi xã hội vận hành với một tập các quy tắc kinh tế và chính trị được tạo ra và được thực thi bởi nhà nước và các công dân một cách cùng nhau. Các thể chế kinh tế định hình các khuyến khích kinh tế: các khuyến khích để trở thành người có học, để tiết kiệm và đầu tư, để đổi mới và làm theo các công nghệ mới, và vân vân. Chính quá trình chính trị là cái xác định các thể chế kinh tế nào mà nhân dân sống dưới, và chính các thể chế chính trị là cái xác định quá trình này hoạt động ra sao. Thí dụ, các thể chế chính trị của một quốc gia xác định khả năng của các công dân để kiểm soát các chính trị gia và ảnh hưởng đến việc họ ứng xử thế nào. Việc này, đến lượt nó, lại xác định liệu các chính trị gia có là các đại diện, mặc dù không hoàn hảo, của các công dân, hay họ có thể lạm dụng quyền lực được ủy thác cho họ, hay họ đã chiếm đoạt, để tích lũy gia tài riêng của họ và để theo đuổi các chương trình nghị sự riêng của họ, mà chúng có hại cho các thứ đó của công dân. Các thể chế chính trị bao gồm nhưng không bị hạn chế ở các hiến pháp thành văn, và ở chỗ liệu xã hội có là nền dân chủ hay không. Nó bao gồm quyền lực và năng lực của nhà nước để điều tiết và cai trị xã hội. Cũng cần thiết để xem xét rộng rãi hơn các nhân tố xác định quyền lực chính trị được phân bố thế nào trong xã hội, đặc biệt là khả năng của các nhóm khác nhau để hành động một cách tập thể nhằm theo đuổi các mục tiêu của họ hay để ngăn chặn những người khác khỏi theo đuổi các mục tiêu của họ.
Vì các thể chế ảnh hưởng đến ứng xử và các khuyến khích trong cuộc sống thực, chúng tạo ra sự thành công hay sự thất bại của các quốc gia. Tài năng cá nhân là quan trọng ở mọi mức của xã hội, nhưng ngay cả cái đó cũng cần một khung khổ thể chế để biến nó thành một lực tích cực. Bill Gates, giống như các nhân vật thần kỳ khác trong nghành công nghệ thông tin (như Paul Alen, Steve Ballmer, Steve Jobs, Larry Page, Sergey Brin, và Jeff Bezos), đã có tài năng và khát vọng rất lớn. Nhưng cuối cùng ông đáp lại các khuyến khích. Hệ thống giáo dục tại trường ở Hoa Kỳ đã cho phép Gates và những người khác giống ông để có được một tập duy nhất các kỹ năng để bổ sung cho tài năng của họ. Các thể chế kinh tế ở Hoa Kỳ đã cho phép những người này thành lập các công ty dễ dàng, mà không phải đối mặt với các rào cản không thể vượt qua nổi. Các thể chế đó cũng khiến cho việc cấp tài chính cho các dự án của họ có thể thực hiện được. Các thị trường lao động Hoa Kỳ đã cho phép họ thuê nhân viên có trình độ, và môi trường thị trường tương đối cạnh tranh đã cho phép họ mở rộng các công ty của họ và bán các sản phẩm của họ trên thị trường. Các doanh nhân khởi nghiệp này đã tự tin ngay từ đầu rằng các dự án ước mơ của họ có thể được thực hiện: họ đã tin vào các thể chế và nền pháp trị mà các thể chế này đã tạo ra và họ đã không phải lo lắng về sự an toàn của các quyền tài sản của họ. Cuối cùng, các thể chế chính trị đã đảm bảo sự ổn định và tính liên tục. Trước hết, chúng làm cho chắc chắn rằng không có rủi ro nào về một kẻ độc tài lên nắm quyền và thay đổi các quy tắc của trò chơi, tước đoạt của cải của họ, bỏ tù họ, hay đe dọa đời sống và sinh kế của họ. Chúng cũng làm cho chắc chắn rằng không lợi ích cá biệt nào trong xã hội có thể làm chính phủ thiên lệch theo một hướng tai hại về mặt kinh tế, bởi vì quyền lực chính trị cả bị hạn chế lẫn được phân bố đủ rộng sao cho một tập các thể chế kinh tế tạo ra các khuyến khích cho sự thịnh vượng có thể nổi lên.
Cuốn sách này sẽ chứng tỏ rằng các thể chế kinh tế là cốt yếu cho việc xác định liệu một nước là nghèo hay giàu, chính trị và các thể chế chính trị là cái quyết định một nước có các thể chế kinh tế nào. Cuối cùng các thể chế kinh tế tốt của Hoa Kỳ đã là kết quả của các thể chế chính trị mà đã nổi lên dần dần sau 1619. Lý thuyết của chúng ta về sự bất bình đẳng thế giới cho thấy các thể chế chính trị và kinh tế tương tác với nhau thế nào trong việc gây ra sự nghèo khổ và sự thịnh vượng, và các phần khác nhau của của thế giới kết thúc ra sao với các tập khác nhau đến vậy của các thể chế. Sự xem xét ngắn gọn của chúng ta về lịch sử châu Mỹ bắt đầu cho một cảm giác về các lực định hình các thể chế chính trị và kinh tế. Các hình mẫu khác nhau của các thể chế ngày nay bén rễ sâu vào quá khứ bởi vì một khi xã hội được tổ chức theo một cách cá biệt, điều này có xu hướng tồn tại dai dẳng. Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng sự thực này đến từ cách mà các thể chế chính trị và kinh tế tương tác với nhau.
Sự tồn tại dai dẳng này và các lực lượng tạo ra nó cũng giải thích vì sao lại khó đến vậy để loại bỏ sự bất bình đẳng thế giới và để làm cho các nước nghèo thịnh vượng. Tuy các thể chế là chìa khóa cho các khác biệt giữa hai Nogales và giữa Hoa Kỳ và Mexico, điều đó không có nghĩa rằng sẽ có sự đồng thuận ở Mexico để thay đổi các thể chế. Không có sự tất yếu nào đối với một xã hội để phát triển các thể chế tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế hay cho phúc lợi của các công dân của nó, bởi vì các thể chế khác có thể thậm chí còn tốt hơn cho những người kiểm soát chính trị và các thể chế chính trị. Những kẻ có quyền thế lớn và những người còn lại của xã hội thường không đồng ý về tập nào của các thể chế nên giữ nguyên và tập nào phải thay đổi. Carlos Slim sẽ không vui sướng để thấy các mối quan hệ chính trị của ông biến mất và các rào cản gia nhập bảo vệ các doanh nghiệp của ông xẹp xuống – không quan trọng rằng sự gia nhập của các doanh nghiệp mới sẽ làm giàu hàng triệu người Mexic. Bởi vì không có sự đồng thuận như vậy, việc xã hội kết thúc với các quy tắc nào được quyết định bởi chính trị: ai có quyền lực và quyền lực này có thể được sử dụng thế nào. Carlos Slim có quyền lực để có được cái ông ta muốn. Quyền lực của Bill Gates bị hạn chế hơn rất nhiều. Đó là vì sao lý thuyết của chúng ta không chỉ là về kinh tế học mà cũng về chính trị học. Nó là về các tác động của các thể chế lên thành công hay thất bại của các quốc gia – như thế là kinh tế học về nghèo khó và thịnh vượng; nó cũng là về các thể chế được xác định và thay đổi thế nào theo thời gian, và chúng thất bại ra sao để thay đổi ngay cả khi chúng tạo ra sự nghèo khó và khốn khổ cho hàng triệu người – như thế là chính trị học về nghèo khó và thịnh vượng.
Nguyễn Quang A dịch

* Các quyển trước gồm:
  1. J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)
  2. J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
  3. J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
  4. G. Soros: Giả kim thuật tài chính
  5. H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản,  NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí  ẩn của Vốn]
  6. J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
  7. F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô
  8. G. Soros: Xã hội Mở
  9. K. Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
  10. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato
  11. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx
  12. Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học
  13. Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006
  14. Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn
  15. Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008
  16. Kornai János: Lịch sử và những bài học, NXB Tri thức, 2007
  17. Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận
  18. Murray Rothabrd: Luân lý của tự do
  19. Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng, sắp xuất bản
  20. Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống, sắp xuất bản
  21. Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.
  22. Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012
Nguồn: Why Nations Fail (THE ORIGINS OF POWER, PROSPERITY, AND POVERTY)
Daron Acemoglu and Jemes A. Robinson
Crown Publishers ● New York



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét