Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

10 nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới


Dựa trên số liệu năm 2011 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), CNBC đưa ra danh sách các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
>10 nghề lương bạc tỷ dành cho người hướng nội
>10 việc làm kém hấp dẫn nhất tại Mỹ

1. Nam Phi

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 24,7% - Tăng trưởng GDP 2011: 3,1%
Kể từ năm 1997, tỷ lệ thất nghiệp tại Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất châu lục đen, luôn ở mức trên 20%. Theo ông Sparreboom, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ILO, nguyên nhân chính của trình trạng này là nạn phân biệt chủng tộc trong lịch sử đã tạo nên một thị trường việc làm kiểu “chợ đen” tại Nam Phi.
Trong quý I/2012, tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này lên tới 25,2%. Thất nghiệp trong các ngành xây dựng, khai khoáng và khai thác đá cao hơn hẳn so với ngành sản xuất và bán lẻ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi vẫn ở mức dưới 7%.
Theo Ngân hàng Trung ương Nam Phi, thất nghiệp cao cũng khiến tỷ lệ nợ của các hộ gia đình tại nước này tăng cao, ở mức 75% thu nhập khả dụng. Các chuyên gia kinh tế e ngại rằng tình hình nợ tại Nam Phi sẽ trở nên xấu đi khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay không đảm bảo.

2. Tây Ban Nha

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 21,6%
Tăng trưởng GDP 2011: 0,7%
Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư tại khu vực đồng tiền chung và cũng là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại đây. Nước này lâm vào suy thoái kinh tế vào giữa năm 2008 do đổ vỡ bong bóng bất động sản và ngành dịch vụ. Khủng hoảng khiến lượng lao động bị sa thải tăng gấp đôi.
Trong quý I/2012, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này lên tới 21,3%, cao hơn gấp 2 lần so với mức trung bình tại châu Âu. 4,9 triệu trên tổng số 45 triệu lao động không có việc làm khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha lên cao nhất trong 14 năm.
Thất nghiệp cao tác động tiêu cực tới tiêu dùng nội địa, từ đó khiến GDP của nước này suy giảm. Doanh số bán lẻ tháng 3 tại Tây Ban Nha sụt giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm.
3. Hy Lạp

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 17,7%
Tăng trưởng GDP 2011: -6,9%
Suy thoái kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp tăng kỷ lục, lên mức 21,7% vào tháng 2 vừa qua. 54% người dân Hy Lạp trong độ tuổi 15 đến 25 không có việc làm. Tổng cộng, có tới 1,1 triệu người thất nghiệp tại quốc gia này, tăng 42% so với hồi tháng 2 năm ngoái.
Nền kinh tế Hy Lạp liên tiếp suy giảm trong 5 năm qua. Thị trường việc làm ảm đạm cộng với việc cắt giảm lương theo chương trình thắt lưng buộc bụng đã khiến người dân nước này tỏ ra bất mãn với chính phủ lâm thời.
Việc cắt giảm chi tiêu ngân sách theo các điều khoản của gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gây ra làn sóng giải thể và phá sản trong giới doanh nghiệp. Điều này càng khiến tình trạng thất nghiệp trở nên tồi tệ hơn.
Thất nghiệp và chất lượng cuộc sống suy giảm cũng gây ra nhiều hệ lụy xã hội tại Hy Lạp. Trong nửa đầu năm 2011, tỷ lệ tự tử tại quốc gia này đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
4. Ireland

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 14,4%
Tăng trưởng GDP 2011: 0,7%
Năm 2011, Ireland chứng kiến sự suy giảm mạnh của ngành dịch vụ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong 20 năm, cao hơn gấp đôi so với Đức – nền kinh tế lớn nhất tại eurozone.
Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này là 14,5%, tăng vọt so với mức 4,5% của năm 2007. Nhiều công ty phải sa thải nhân viên ồ ạt. Điển hình phải kể đến Ngân hàng Trung ương với hơn 1.000 nhân viên bị sa thải. Tính đến cuối năm 2011, ngân hàng này chỉ còn 13.200 nhân viên, giảm từ 16.000 người hồi cao điểm bong bóng bất động sản năm 2008.
5. Bồ Đào Nha

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 12,7%
Tăng trưởng GDP 2011: -1,5%
Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha là 12,7%. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên mức kỷ lục 14,9% trong quý I/2012 khi nước này lâm vào suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1970. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ cũng tăng lên 36,2%.
Khủng hoảng nợ công khiến nhiều ngành công nghiệp của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điển hình là ngành công nghiệp đóng tàu một thời bùng nổ. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ của chính phủ Bồ Đào Nha theo các điều khoản của gói cứu trợ 116 tỷ USD từ EU và IMF khiến thị trường việc làm trở nên ảm đạm hơn.
6. Iran

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 11,5%
Tăng trưởng GDP 2011: N/A
Các biện pháp cấm vận của phương tây cộng với việc sản lượng dầu mỏ sụt giảm khiến nền kinh tế Iran bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thị trường việc làm cũng chịu chung số phận.
Theo chính quyền Iran, khoảng 15% lực lượng lao động nước này không có việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế con số này còn lớn hơn do nhiều việc làm chính thống không trả đủ lương cho người lao động sinh sống.
Theo Trung tâm Điều tra dân số Iran, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động dưới 25 tuổi là 29,1%, nhưng giới phân tích cho rằng con số thực tế phải gấp đôi. Theo Bộ trưởng Lao động Iran, cử nhân đại học tại nước này có nguy cơ thất nghiệp cao gấp 10 lần so với những người có trình độ thấp hơn.
7. Colombia

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 10,8%
Tăng trưởng GDP 2011: 5,9%
Kể từ khi chính phủ Colombia kiểm soát được nội chiến và lực lượng nổi dậy, kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, Colombia vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực châu Mỹ Latinh.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp năm 2011 của nước này đã giảm xuống còn 10,8% từ mức 11,8% của năm 2010, con số này vẫn cao hơn 2 điểm phần trăm so Venezuela, nước đứng thứ hai trong khu vực về tỷ lệ lao động không có việc làm. Trong tháng 3 vừa rồi, tỷ lệ thất nghiệp tại thủ đô Quibdo của Colombia lên tới 19,1%.
Tháng 12/2011, chính quyền Colombia đặt mục tiêu thất nghiệp ở mức 8,5% vào năm 2014 bằng việc thực hiện giảm thuế bảng lương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để kích thích tuyển dụng nhân viên. Tuy nhiên, IMF cho rằng trở ngại lớn nhất cho thị trường việc làm chính thống tại Colombia là mức lương tối thiếu tương đối cao. Năm 2010, chính phủ nước này đã tăng 4% mức lương tối thiểu, lên 300 USD một tháng sau khi tỷ lệ lạm phát lên tới 3,1%. IMF cho rằng mức lương tối thiểu cao khiến cho chi phí lao động tại Colombia ở mức cao.
8. Thổ Nhĩ Kỳ

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 9,8%
Tăng trưởng GDP 2011: 8,5%
Dù đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong suốt 10 năm qua, thị trường lao động của Thổ Nhĩ Kỳ lại khá ảm đạm. Từ năm 2002 đến 2005, tăng trưởng kinh tế nước này vượt mức 7% nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại luôn ở quanh ngưỡng 10%.
Theo chuyên gia kinh tế Rauf Gonec thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nguyên nhân chính của tình trạng này là việc nhiều người lao động rời bỏ khu vực nông nghiệp và đổ xô tới các thành phố. Trong khi nền kinh tế ngày càng cần những công việc đòi hỏi tay nghề cao thì lực lượng lao động trình độ thấp tại Thổ Nhĩ Kỳ lại chiếm đa số.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp trong lao động trẻ tại nước này có xu hướng giảm, từ mức 17,1% vào tháng 12/2007 xuống còn 15,4% vào tháng 3/2012.
9. Hà Lan

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 9,6%
Tăng trưởng GDP 2011: 4,3%
Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp tại Hà Lan lên tới 12,6%, dù đã giảm 0,3% so với tháng 4 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 9,6% của năm 2011. Theo một nghiên cứu mới đây của OECD, cứ 5 lao động trẻ Hà Lan thì có một người không có việc làm. Trong tháng 3 vừa rồi, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động trẻ lên tới 26,7%, tăng vọt so với mức 18,5% vào tháng 12/2007.
Góp thêm vào sự ảm đạm của thị trường việc làm tại nước này, mới đây, hãng sản xuất thép hàng đầu thế giới công bố sẽ sa thải nhân viên hàng loạt tại khu vực tây Âu, trong đó có 1.000 lao động Hà Lan. Thất nghiệp và lương thấp khiến người lao động Hà Lan đổ xô sang các nước như Đức và Áo. Năm 2011, mức lương trung bình tháng tại Hà Lan là 1.215 USD, chỉ bằng một phần ba so với tại Đức.
10. Pháp

Tỷ lệ thất nghiệp 2011: 9,3%
Tăng trưởng GDP 2011: 1,7%
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011 của Pháp là 9,3%, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên 10%, cao nhất trong 13 năm. Chính phủ nước này đang ra sức ngăn chặn việc giải thể trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tổ chức công đoàn Pháp mới đây cũng yêu cầu tổng thống Hollande có biện pháp ngăn chặn việc hơn 45 doanh nghiệp lớn đóng cửa, có nguy cơ khiến 90.000 lao động mất việc. Theo tổ chức này, những doanh nghiệp đang có kế hoạch đóng cửa nhà máy gồm có PSA Peugeot Citroen, General Motors và hãng bán lẻ Conforama.
Tuyến Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét