Tiếp chuyện: TẠI SAO BẰNG CẤP CAO HƠN, VĂN HÓA LẠI LÙN ĐI?
Ảnh: Internet
Nguyễn Hoàng Lê
bài gửi riêng NXD-Blog
Tôi lớn lên dưới thời bom đạn ở miền Bắc. Giờ đây tôi đã gần 60 tuổi, làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy nên có điều kiện đi đây đó, tiếp xúc đủ hạng người, từ cao sang đến thấp hèn, từ lao động chân tay đến các bậc đại trí thức, từ Đông sang Tây. Nhiều bạn bè quốc tế thường hay hỏi tôi về cuộc sống mà tôi đã trải nghiệm trong thời chiến tranh. Đối với sự tưởng tượng của họ thì đó phải là những ngày đen tối và cuộc sống chỉ tràn ngập thương đau. Nhưng họ ngạc nhiên khi đối với tôi, tất cả những gì còn đọng lại trong ký ức của tôi về những ngày sống trong đói khổ tang tóc ấy không phải là sự vô cảm hay nổi loạn để giành giật sự sống mà là sự bừng sáng của tình người.
Tôi không thể nào quên người ta đã chia sẻ cho nhau mọi thứ mà họ có trên đời, từ những miếng ăn giản dị đời thường đến những điều quý giá nhất, sẻ chia tâm tình để động viên nhau vượt qua thời gian khó. Tôi có cảm giác như ngày ấy, con người sống cho nhau, sống vì nhau, và họ dường như đã quên đi cái tôi tầm thường ích kỷ, sẵn sàng hy sinh cho nhau, và tâm niệm chỉ sống bằng sự chân thành và lòng vị tha. Con cháu tôi hôm nay không thích nghe kể về những ngày ấy, vì đối với chúng, tôi đã sớm già nua và thích chuyện cổ tích. Thật khó để chúng tin rằng đã có thời cha ông chúng sống một cuộc sống như trong các câu chuyện cổ tích vậy. Nhưng đáng buồn hơn là vẫn có đó khoảng 1/3 dân số chúng ta hôm nay đã lớn lên trong những năm tháng cổ tích ấy. Vậy mà họ dường như cũng đã chóng quên rằng, tình người, nghĩa cả, và lòng vị tha đã từng tồn tại trên đất nước này, trong chính những ngày đen tối nhất của chiến tranh. Nhiều người trong số họ, chủ yếu những kẻ có địa vị xã hội và mức sống ở thang bậc cao, lại đang trở thành tấm gương cho con cháu về lối sống thực dụng, vô cảm, ích kỷ, dối trá và tham lam vô độ. Nhiều người trong số ấy thích đổ lỗi cho nền giáo dục mà quên đi rằng hệ thống giáo dục cũng chỉ là một phần trong cái hệ thống xã hội mà chúng ta đang sống mà thôi. Những người khác lại thích đổ lỗi cho nền kinh tế thị trường, cho lối sống gấp của chủ nghĩa tư bản giẫy chết tác động đến lớp trẻ hôm nay. Chúng ta không có thói quen tự phán xét mình, mỗi khi khó khăn, thường tìm nguyên nhân ở bên ngoài, còn tự cho mình “về bản chất là tốt”, chỉ vì “tiêm nhiễm” lối sống xấu xa từ bên ngoài. Đổ lỗi, hay như một thuật ngữ mà người trẻ hiện nay thích dùng, là “chuyền bóng cho người khác”. Điều này đã trở thành một nét văn hóa ứng xử phổ thông, hay một “tập tính” mới hình thành mấy thập kỷ qua, cả trong đời thường lẫn trong văn hóa chính trị ở đất nước này.
Ông Lê Đỗ Huy trong bài viết trên VietnamNet (2/4/2012) đã đặt ra một câu hỏi rất đúng rằng tại sao trong xã hội ta hiện nay, mọi thứ bằng cấp đều cao lên nhưng văn hóa lại lùn đi? Tôi rất đồng cảm với suy nghĩ của ông, rằng hiện tượng suy đồi đạo đức trong xã hội ta hôm nay không chỉ nằm ở nền giáo dục hay ở hành vi ứng xử của mỗi cá nhân mà phải đi tìm nguyên nhân ở chính trong hệ thống xã hội của chúng ta, trong cái nền dân chủ ngàn vạn lần hơn này, nó đã phát tán ra những chất xúc tác gì làm cho con người trở nên suy đồi về đạo đức? Để tham gia vào cuộc thảo luận do ông Đỗ Huy khởi xướng, tôi xin kể lại câu chuyện mà tôi đã tham gia hai tuần trước, vừa với tư cách là người trong cuộc, vừa là chứng nhân, như một chiêm nghiệm cho những quan sát của tôi về đạo đức và tình người trong xã hội ta.
Tôi và một đồng nghiệp, đồng thời là lãnh đạo một trường đại học hàng đầu của đất nước, cùng tham gia một cuộc họp quan trọng ở Đại học Chulalongkorn, Thailand vào giữa tháng Ba vừa qua. Tôi đi chuyến bay sớm, còn anh ấy bận họp hành nên đi chuyến bay tối. Nhưng trong lúc vội vã ra sân bay, anh ấy đã cầm nhầm hộ chiếu, và không kịp đi chuyến bay đã mua vé. Gọi điện cho vợ mang hộ chiếu ra sân bay, anh đăng ký chuyến bay đêm duy nhất sang Bangkok. Vì đã gần nửa đêm, mà hôm sau lại là cuối tuần nên anh hỏi chị có đi sang Bangkok luôn không, chị vợ đồng ý đi cùng chồng trên một chuyến bay mà không kịp chuẩn bị tư trang và tâm thế. Họ đến Bangkok nửa đêm về sáng khi trong túi chỉ có một ít đồng Baht còn sót lại trong chuyến công tác của anh lần trước. Họ cũng không thấy có khó khó khăn gì, ngược lại vui như đang tung tăng trên phố Hà Nội mà chẳng phải lo ngay ngáy vì bọn cướp giật, móc túi, hay bị cảnh sát cơ động khám xét khi đi chơi đêm quá khuya.
Sáng hôm sau, khi gặp nhau, chị vợ hỏi vay tôi ít tiền để tung tăng siêu thị mua sắm mấy thứ đồ dùng trong lúc anh chồng dự họp. Chị chẳng mua gì nhiều ngoài mấy thứ cần thiết nên số tiền tôi cho vay vẫn chưa cần đến, chị cất ở túi xách. Chiều tối hôm sau hai người ra sân bay để về Hà Nội vì anh phải dự một cuộc họp quan trọng ở trường, còn tôi ở lại Bangkok họp tiếp. Khi ra sân bay, chị đi chuyến bay sớm hơn bằng vé khứ hồi hôm trước, còn anh chờ chuyến sau bằng cái vé khứ hồi mà anh chưa dùng trong chuyến đi từ Hà Nội. Không may, khi làm thủ tục bay thì anh mới biết quy định của hãng Thai Airways là mua vé khứ hồi nhưng không sử dụng chuyến đi thì chuyến về cũng không còn giá trị. Anh ngậm bồ hòn làm ngọt, lặng lẽ ra quầy mua chuyến bay khác để về Hà Nội. Oái oăm thay, khi lục túi thì chỉ còn vài ngàn Baht, không đủ tiền cho loại vé rẻ tiền nhất, trong khi khoản tiền đủ mua vài vé máy bay mà họ vay của tôi thì lại nằm trong túi của vợ, thế mà chị ấy đã vào trong máy bay để về Hà Nội rồi. Trong cơn hoảng loạn, anh gọi điện cho tôi cầu cứu mang tiền ra sân bay ngay để kịp mua vé về chuyến chót trong ngày, mặt khác đi tìm những người Việt Nam ngồi cạnh đang chờ về nước cùng chuyến bay để vay thêm tiền. Một giáo sư, lãnh đạo một đại học lớn nhất nhì cả nước, phải hạ cố vay tiền đã là một sự nỗ lực ghê gớm, nhưng kinh khủng hơn cả là thái độ và cái nhìn lạnh lùng, dửng dưng, khinh khi, coi thường và đầy nghi kỵ bám sát theo từng bước chân anh trong cái nhà ga sân bay choáng lộn tưng bừng nhất khu vực này. Nửa tiếng đồng hồ, bất chấp sự khinh khi lạnh lùng, cố thuyết phục những người đồng hương, rằng anh là người tử tế, anh có địa chỉ tên tuổi đàng hoàng ở cái danh thiếp trang trọng mà anh chìa ra, nhưng đáp lại chỉ là sự vô cảm và những cái lắc đầu đầy ngụ ý đến rợn người. Trong vô vọng đến thất thần vì chỉ còn vài phút nữa thì quầy bán vé “last minutes” sẽ đóng lại, anh ngồi bệt xuống hàng ghế lạnh như băng ở sân bay Bangkok. Bỗng có một cậu thanh niên nhỏ bé tiến lại. Anh ta lễ độ hỏi bằng một thứ tiếng Anh giọng Thái rằng có phải ông đang cần tiền để mua vé về Hà nội không. Bạn tôi đã thú nhận rằng đúng như vậy. Người thanh niên rút ví ra, đếm cả đồng tiền lẻ cuối cùng, đưa tiền cho bạn tôi và nói: “Tôi chỉ là một sinh viên nên không có nhiều tiền, nhưng chắc có ích cho ông trong lúc này”. Người thanh niên ấy nói rằng cậu đã quan sát trong lúc ngồi chờ và thấy rõ mọi việc nên anh không cần phải giải thích gì thêm. Cậu đưa cho bạn tôi số liên lạc, và nói khi nào anh có tiền trả lại thì liên lạc, bằng không thì cứ coi như cậu ấy biếu anh khi lỡ độ đường. Mua được cái vé vào phút chót trước khi quầy đóng lại, bạn tôi mừng khôn xiết, và giữ anh ta lại nói thêm đôi câu chuyện trong lúc chờ tôi đến. Thật may là tôi vừa kịp phóng taxi ra sân bay đúng lúc người thanh niên này phải vào máy bay. Tôi trả lại số tiền anh ta đã đưa cho bạn tôi, và được biết anh ấy đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Y Đại học PhuKet ở phía nam Thailand. Anh đến Bangkok nghỉ cuối tuần và đang trên đường về nhà cho kịp buổi học đầu tuần ngày mai. Tôi cũng chẳng kịp nói chuyện với bạn tôi vì giờ vào máy bay đã sắp đến.
Chúng tôi chia tay ở sân bay, nhưng trên chuyến taxi trở về Băngkok, tôi không ngớt suy nghĩ về hành vi giản dị nhưng cao cả của cậu sinh viên Thái. Tôi tin bạn tôi cũng đang suy nghĩ giống tôi, dù giờ này có thể anh đã yên vị trong khoang máy bay hạng bét để về Hà Nội. Tôi cứ miên man đi tìm câu trả lời cho đạo đức và niềm tin của con người vào đồng loại trong xã hội ta hôm nay. Tại sao ở một đất nước tư bản láng giềng, nơi mà chúng ta vẫn thường dạy cho học sinh rằng ở đó đầy rẫy xấu xa và thối nát, rằng ở nơi đó, người ăn thịt người, còn xã hội ta thì vạn lần tươi đẹp hơn trên thế gian này, nhưng hành vi ứng xử của con người ở hai xã hội ấy, mà tôi đã trực tiếp nhìn thấy, thì lại khác nhau xa nhau nhường ấy? Tại sao nhiều người trong chúng ta đã mất đi niềm tin ở tính thiện của con người, ở tinh thần sẻ chia lúc hoạn nạn, khó khăn? Tôi vẫn đinh ninh rằng chính sự giả dối đang lan tràn trong hệ thống của chúng ta mới là căn nguyên hàng ngày hàng giờ tác động đến lối sống của người dân, làm băng hoại đạo đức tốt đẹp vốn có ở họ.
Và tôi vẫn không ngớt nghĩ về những năm tháng tối tăm gian khổ trong chiến tranh nhưng thấm đẫm tình người, thấm đẫm niền tin và tính thiện ở con người. Chính niềm tin và tính thiện ấy đã giúp chúng ta đi qua những năm tháng gian khó, và sự giả dối, hay thói đạo đức giả của hệ thống hôm nay đang hàng ngày hàng giờ làm băng hoại và giết chết những giá trị đạo đức tốt đẹp vốn có ở con người, ở trong xã hội ta.
N.H.L
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét