(ĐVO)
Sự rút lui của Vinpelcom cùng thương hiệu Beeline khỏi Việt Nam không
khỏi khiến dự luận xôn xao, nhưng đây cũng là điều dễ hiểu khi có không
ít đại gia làm ăn phát đạt ở nhiều nước nhưng lại thua lỗ nặng nề tại
Việt Nam và phải “cuốn gói” ra đi.
Thị trường di động điểm danh 2 đại gia nước ngoài phải rút lui khỏi Việt Nam là VinpelCom với thương hiệu Beeline và SK Telecom. |
Đầu năm 2010, SK Telecom, mạng di động lớn nhất Hàn Quốc với hơn
50% thị phần tại nước này, đối tác đầu tư kinh doanh mạng di động
S-Fone tại Việt Nam cũng tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam.
Đầu tư vào thị trường Việt Nam, ban đầu SK Telecom không chỉ
nhìn thấy tiềm năng lớn với dân số đông (hơn 78 triệu người (vào thời
điểm 2000), trẻ, năng động và kinh tế tăng trưởng với tốc độ ổn định,
cao. Ngoài ra, SK Telecom nhắm tới các thị trường hải ngoại, trong đó có
Việt Nam, nhằm tìm nguồn tăng trưởng doanh thu mới trong khi thị trường
nội địa có dấu hiệu bão hòa.
Năm 2003, SK Telecom chính thức tham gia vào thị trường thông tin di
động Việt Nam dưới hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Công
ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT) trong dự án S-Fone
(ra mắt 1/7/2003). Đây là bước ngoặt quan trọng của thị trường di động
Việt Nam bởi trước khi có S-Fone, Việt Nam chỉ có hai mạng di động
VinaPhone và MobiFone đều thuộc VNPT. S-Fone được kỳ vọng tận dụng được
cơ hội là “động lực đầu tiên”.
Theo hợp đồng BCC, hình thức duy nhất cho phép nước ngoài tham gia vào
thị trường thông tin di động Việt Nam lúc bấy giờ, SK Telecom chỉ tham
gia với vai trò là bên đầu tư hạ tầng mạng, chuyển giao công nghệ, cung
cấp thiết bị, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật. Ngay từ đầu, SK Telecom đã cho
biết BCC là mục tiêu tạm thời trong khi chờ Việt Nam gia nhập WTO, mở
cửa thị trường viễn thông. Từ năm 2005, SK Telecom đã ngỏ ý chính thức
về mong muốn được chuyển S-Fone thành liên doanh để SK Telecom có thể
tham gia sâu hơn vào các quyết định quản lý, kinh doanh dịch vụ.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chuyển đổi BCC của S-Fone bị sa lầy cho đến
tận cuối tháng 12/2009 trong khi thị trường đã có thêm nhiều người chơi
mới như Viettel, HT Mobile, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Mặc dù
S-Fone đem lại nhiều sự mới lạ và thậm chí đôi lúc là tiên phong trong
cách tính cước (như block 6 giây), cung cấp dịch vụ thoại có hình (video
call), Internet mobile, Mobile TV… nhưng S-Fone đã bị Viettel (mạng di
động ra mắt sau S-Fone một năm) phủ bóng và hụt hơi trong cuộc chơi giảm
cước như vũ bão của ba ‘đại gia’ GSM là MobiFone, VinaPhone và Viettel
(gói cước Forever là một ví dụ điển hình – Gói cước Forever “không hết
hạn gọi, còn mãi hạn nghe” được tung ra ngày 14/3/2006 và đến
10/10/2008, gói cước Forever Couple được điều chỉnh tăng 450% từ 40.000
đồng/tháng lên 180.000 đồng/tháng).
Sau nhiều năm chật vật tại thị trường Việt Nam, cuối cùng, vào cuối năm
2009, SK Telecom chính thức tuyên bố dừng đầu tư vào S-Fone. Đầu năm
2010, SK Telecom cho biết sẽ đóng cửa văn phòng Hà Nội. Văn phòng ở TP
HCM được duy trì để giải quyết công việc tồn đọng.
Các chuyên gia viễn thông nhận định rằng, việc SK Telecom rút khỏi Việt
Nam là hợp lý và cho rằng chiến lược đầu tư trực tiếp của SK Telecom ra
nước ngoài là quá tham vọng khi hình ảnh của công ty còn yếu và cạnh
tranh rất mạnh từ các đối thủ bản địa.
Lý do đã được nhìn thấy đối với thất bại của SK Telecom tại Việt Nam,
như chính người phát ngôn của SK Telecom đã thừa nhận với phóng viên
Korea Times là hiệu quả đầu tư thấp. Kỳ vọng S-Fone khai thác được tiềm
năng thị trường đổ vỡ.
Hiệu quả S-Fone không được như mong đợi là điều đã được thấy trước.
Trước hết là mô hình BCC khiến cho S-Fone không được linh hoạt trong
kinh doanh: mọi quyết định phải được đàm phán và thông qua, chậm chạp
trong mở rộng vùng phủ sóng. Năm 2007, SK Telecom tuyên bố đầu tư thêm
300 triệu USD cho S-Fone nhưng việc đầu tư này gặp nhiều khó khăn do có
lo ngại thiếu tần số và việc thay đổi mô hình tổ chức mất nhiều thời
gian.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là việc công nghệ CDMA không phổ biến ở
Việt Nam. Xét về công nghệ, trên lý thuyết, CDMA có nhiều ưu việt hơn so
với công nghệ GSM về tốc độ truyền dữ liệu, chất lượng thoại, hiệu quả
mạng lưới. Song CDMA không phổ biến ở Việt Nam so với GSM cũng như nhiều
thị trường khác do điện thoại GSM cho phép người dùng cuối có nhiều lựa
chọn hơn. Trong khi đó, S-Fone chỉ hầu như cung cấp được các loại điện
thoại di động Hàn Quốc của hai hãng Samsung và LG.
Sự thất bại của mạng CDMA HT Mobile làm cho hình ảnh CDMA ở Việt Nam xấu
hơn và không đem lại nhiều lợi ích cho S-Fone mặc dù S-Fone có được tất
cả khách hàng HT Mobile chuyển sang (khoảng 200 nghìn thuê bao).
Không chỉ ngành viễn thông di động, nhiều ngành nghề khác như
điện tử cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp lớn của nước ngoài phải
ngừng kinh doanh hoặc chuyển hướng làm ăn tại Việt Nam. Trường hợp rầm
rộ nhất phải kể đến Sony.
Cuối năm 2008, công ty Sony đã chấm dứt hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Thay vào đó, “đại gia” này phải thành lập công ty mới và chuyển hướng
hoàn toàn sang nhập khẩu hàng thương mại để cung cấp cho người tiêu dùng
Việt Nam.
Đại diện của Sony khi đó giải thích, lý do ngừng sản xuất là vì xu hướng
hiện nay người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng TV LCD thay vì dùng TV bóng
đèn hình, và Sony đã quyết định ngừng sản xuất, kinh doanh mặt hàng TV
bóng đèn hình ở hầu hết các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, những người am hiểu về đầu tư nước ngoài cũng như ngành
công nghiệp điện tử đều hiểu, chuyện không đơn giản chỉ là như vậy.Những ai đã từng hy vọng những đại gia của thế giới như Sony sẽ đến Việt Nam để rồi, sau khi khai thác lợi thế thị trường trong thời gian đầu, sẽ tiếp tục đầu tư những công nghệ mới và hiện đại nhất góp phần tạo dựng nền công nghiệp điện tử tiên tiến, giờ đây cần nghĩ lại. Đối với nhà đầu tư, lợi nhuận là lợi nhuận và đó là mục tiêu duy nhất. Khi kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận không đáng, họ sẽ phải tính cách rút lui hoặc chuyển hướng.
Một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã đến Việt Nam trong những năm đầu thập kỷ 90, khi mà ngành công nghiệp điện tử, được thuyết minh là một ngành công nghiệp mũi nhọn, có được một hàng rào bảo hộ vững chắc. Cho dù quy mô thị trường không lớn, nhưng với mức thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nguyên chiếc vẫn được duy trì ở mức 50% cho tới năm 2003, sản xuất ngay tại Việt Nam vẫn là một phương án hiệu quả cao.
Cùng với Sony, Sanyo, Toshiba, Hitachi, Matsushita, JVC, LG và Samsung đều đã có mặt và nhanh chóng trở thành những trụ cột của thị trường.
Nhưng cũng từ năm 2003, các nhà sản xuất đều bắt đầu phải tính toán lại bài toán kinh doanh. Tháng 7/2003, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm điện tử nguyên chiếc bắt đầu giảm theo các cam kết quốc tế và thay vì tiếp tục đầu tư, các nhà sản xuất bắt đầu sản xuất cầm chừng để chờ đợi. Các tính toán cho thấy khi quy mô thị trường quá nhỏ, việc duy trì cơ sở sản xuất không có lợi bằng việc nhập khẩu sản phẩm, khi mà thuế nhập khẩu giảm xuống.
Theo cam kết WTO, kể từ ngày 1/1/2008, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc từ nước ngoài về phân phối tại Việt Nam. Thuế nhập khẩu hàng điện tử cũng chỉ còn từ 0-5% đối với hầu hết các mặt hàng. Trong khi đó, thuế đánh vào linh kiện vẫn cao và công nghiệp phụ trợ Việt Nam thì vẫn trong tình trạng “lẹt đẹt”, hầu như không có đóng góp đáng kể nào cho sản xuất. Vậy thì tại sao các doanh nghiệp điện tử như Sony lại phải tiếp tục sản xuất tại Việt Nam?
Bên cạnh các ngành trên, nhiều người cho rằng ô tô sẽ là ngành có không ít doanh nghiệp phải xin rút lui thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét