Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Người mẹ vá cờ bên Vĩ tuyến 17

Ngày 30.4-1.5 lại đến và lại có dịp nhớ về những năm tháng chiến tranh. Bom đạn rơi trên đầu nhưng vẫn thích nhảy khỏi hầm tránh bom để xem máy bay đuổi bắn nhau trên không hoặc xem tên lửa đuổi máy bay. Sướng nhất là nhìn thấy phi công Mỹ nhảy dù; lúc đó không ai bảo ai, chẳng có vũ khí gì trong tay, nhưng người lớn, trẻ con cứ nhìn hướng dù bay mà chạy để đến tóm tên phi công Mỹ. Hồi đó quanh năm đói ăn nhưng cuộc sống sao mà thanh thản, nhẹ nhàng và vô tư thế. Trẻ con lại càng được bố mẹ thả tự do, thế mà đứa nào đứa nấy vẫn ham đọc, ham học mới lạ. Có đồng nào là đều nướng vào hiệu sách hết, hoặc thuê sách để đọc. Nhiều đứa mới học lớp 7, lớp 8 mà đã tự đọc sách lớp 8, lớp 9, thậm chí cả sách lớp 10 các môn chính; những khi không hiểu cũng chẳng có ai giúp vì bố mẹ có mấy ai được học hành tử tế đâu nên làm gì có kiến thức để giúp con (hồi đó cũng không có chuyện học thêm, dạy thêm như bây giờ). Tôi cũng vậy. Đầu năm học lớp 8, thầy giáo cho 1 số bài tập về nhà lấy ngay trong sách giáo khoa; hôm sau đến lớp, khi thầy kiểm tra vở làm bài tập của các trò; tôi đưa cho thầy xem cuốn vở trong đó tôi đã làm từ hồi học lớp 6 tất tần tật các bài tập có trong sách dành cho cả năm học lớp 8. Thầy giáo chán, hỏi tại sao lại học trước nhiều như vậy, tôi bảo chẳng có việc gì làm nên lúc rảnh cứ giở sách giáo khoa ra đọc như đọc truyện, có bài tập nào thì làm luôn, vài bạn khác cũng vậy. Chẳng bù cho trẻ con bây giờ, học tối ngày mà chẳng làm hết được đống bài tập được giao. Nghĩ lại ngày xưa cũng sướng. Chẳng trách nhiều người vẫn nói "bao giờ cho đến ngày xưa".
Xem bài mẹ Viễn và mẹ Diệm quanh năm vá cờ bên bờ Hiền Lương mà xúc động vì nhớ lại những câu chuyện về cầu Hiền Lương, nhớ lại bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Tôi cũng đã vài lần qua lại trên cầu Hiền Lương, đơn sơ mà kiêu hãnh. Sau này nghe nhiều quan chức ngành giao thông đề nghị phá đi để xây cầu mới, sao mà điên tiết thế. May mà đến phút chót phương án này bị hủy bỏ.
Nói đến quanh năm vá cờ lại nghĩ chắc Bộ trưởng Thăng học tập 2 mẹ nên giờ cũng quanh năm đi vá cầu và đường. Chẳng trách được bác Tam Thái hoan hô nhiệt liệt


 Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành ranh giới tạm thời chia cắt 2 miền đất nước. Lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay giữa nền trời xanh mây trắng bên phía Bắc vĩ tuyến 17. 

bức ảnh chứa đựng niềm tự hào
Mẹ Viễn (bên phải) và mẹ Diệm đang vá cờ bên bờ Hiền Lương trong những năm chống Mỹ cứu nước (1967). Ảnh tư liệu
 
Trong suốt thời gian mưa bom, bão đạn ấy, lá cờ bên giới tuyến này luôn là mục tiêu bắn phá của kẻ thù. Nhưng trong bao năm chiến tranh ác liệt, lá cờ luôn được giữ vững, tung bay, là biểu tượng của sức mạnh, ý chí, đồng thời là niềm khát khao cháy bỏng của quân và dân đôi bờ Bắc-Nam, làm sao đất nước thống nhất. 
Góp công lao để lá cờ luôn tung bay trên bầu trời trong những năm tháng mưa bom bão đạn là mẹ Trần Thị Viễn ở thị trấn Hố Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - một trong hai người tình nguyện ở lại vá cờ Tổ quốc bên Vĩ tuyến 17 ngày ấy.
Trong Khu nhà trưng bày kỷ vật vĩ tuyến 17 hòa bình và khát vọng thống nhất ở Khu di tích đôi bờ Bến Hải, mẹ Viễn chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh chụp hai phụ nữ đang may vá cờ Tổ quốc được trưng bày ở đây. Bức ảnh đã trở thành niềm tự hào của nhân dân lũy thép Vĩnh Linh anh hùng và cũng là kỷ vật vô giá đối với mẹ Viễn. Mẹ Viễn là một trong hai người trong đó và người còn lại là mẹ Diệm (nay đã qua đời).
Mẹ Viễn xúc động khi nhớ lại những ngày tháng bám đất, bám làng vừa tăng gia sản xuất, vừa thực hiện công việc thiêng liêng - vá cờ Tổ quốc. Mẹ kể: “Lá cờ là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi khi lá cờ bị rách mà không vá kịp là danh dự bị ảnh hưởng, nên phải làm sao phải vá cho bằng được lá cờ để treo lên. Miềng (mình) phải lo làm ngày, làm đêm để vá xong lá cờ cho bộ đội treo lên”.
Những năm tháng đó, lá cờ đỏ sao vàng tung bay bên giới tuyến luôn là mục tiêu để địch bắn phá. Năm 1967, thời điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Để đảm bảo an toàn, Khu Vĩnh Linh có lệnh sơ tán trẻ em, phụ nữ và người già ra các tỉnh phía Bắc, chỉ còn lực lượng dân quân du kích và người có sức lao động ở lại bám trụ chiến đấu. Lúc này, mẹ Viễn cùng mẹ Diệm tình nguyện ở lại bám đất, bám làng, vừa tham gia sản xuất vừa bí mật đào hầm trú ẩn tránh đạn bom, vừa để vá cờ. Nhờ công sức của hai mẹ mà sau mỗi lượt bom đạn, lá cờ đỏ sao vàng vẫn luôn lành lặn và luôn tung bay trên bầu trời. 
Bà Nguyễn Thị Sâm, làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh nhớ lại, mỗi khi lá cờ bị bom, đạn Mỹ bắn rách mà được treo lên ngay là mọi người vinh dự lắm. Mẹ Viễn và mẹ Diệm đã góp công lớn để lá cờ luôn được treo lên trong suốt thời gian chiến tranh đó. 
Hiện nay mẹ Diệm đã mất, mẹ Viễn nay cũng đã già. Nhưng mẹ Viễn vẫn còn minh mẫn khi kể cho con cháu nghe chuyện ngày xưa mẹ cùng làng xóm hưởng ứng lời kêu gọi cách mạng, đêm đêm cầm cuốc đi phá đường không cho giặc về làng lùng bắt bộ đội.
Lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng thiêng liêng nhất của người dân Việt Nam qua bao bom đạn vẫn tung bay bên bờ giới tuyến là nỗi kinh hoàng của giặc Mỹ xâm lược, cũng là động lực để mẹ Viễn ở lại bám đất bám làng. Mỗi khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Hiền Lương, lòng mẹ như ấm lại.
Dù thời gian có trôi đi, câu chuyện mẹ Viễn vá cờ bên bến Hiền Lương luôn là câu chuyện mà những thế hệ trẻ hôm nay cũng như con cháu mẹ lấy làm tự hào.
Vương Lợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét