Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

VỀ TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG

THÔNG TẤN XÃ VIỆTNAM


Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 25/4/2012
TTXVN (Angiê 20/4)
Mạng tin “THEATRUMBELLI” mới đây đăng bài phân tích về tình hình Biển Đông của tác giả Laurent Garnier, nội dung như sau:
Những thách thức
Các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có diện tích bề mặt chưa quá 15 km2, là mục tiêu theo đuổi của những yêu sách và xung đột gia tăng kể từ những năm 1970. Những lợi ích từ yêu sách hai quần đảo này đối với các Nhà nước là gì?
1 – Mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ):
Như chúng ta đã biết, theo luật quốc tế, việc một Nhà nước sở hữu một lãnh thổ trên biển sẽ cho phép có những đặc quyền đối với một phạm vi lãnh hải và EEZ. Việc các Nhà nước xung quanh Biển Đông tranh giành quyền sở hữu các đảo nhỏ và đảo san hô không có người ở và không thể sinh sống được tại Trường Sa và Hoàng Sa trước hết không phải nhằm giành chủ quyền các hòn đảo này mà là nhằm mở rộng EEZ. Chính vì lý do này Trung Quốc, nước có EEZ rộng 880.000 km2 (Mỹ có EEZ rộng 12 triệu km2, Nhật 4,4 triệu km2, Pháp 11 triệu km2) đang dòm ngó 3,5 triệu km2 Biển Đông.
2- Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hải sản:
Hai quần đảo trên dồi dào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trữ lượng cá ước tính nhiều triệu tấn, các nguồn hải sản phong phú (các loài hải sản có giá trị cao như tôm hùm, rùa, đồi mồi, bào ngư quý hiếm…). Ngoài sự hiện diện của nguồn phốt phát trên các hòn đảo còn tiềm ẩn trữ lượng lớn các mỏ kim loại dưới đáy biển. 10% trữ lượng cá của thế giới nằm tại Biển Đông.

3- Kiểm soát các tuyển hàng hải thương mại quốc tế:
Biển Đông bao quát nhiều eo biển: Eo biển Malắcca nằm giữa bán đảo Malaixia và đảo Sumatra của Inđônêxia, nối biển Andaman ven Ấn Độ Dương với Biển Đông tại phía Nam; eo biển Sonde chia cắt các đảo Java của Inđônêxia với đảo Sumatra; eo biển Lombok nối biển Java và Ấn Độ Dương chia cắt các đảo Bali và Lombok của Inđônêxia; eo biển Macassar chia cách phía Tây đảo Borneo và phía Đông đảo Sulawesi. Với chiều rộng trung bình 15 km và dài khoảng 800 km, eo biển này cho phép thông thương giữa biển Celebes và biển Java; eo biển Balabac nối biển Sulu với Biển Đông. Eo biển này chia cách đảo Balabac (thuộc tỉnh Palawan của Philippin) với các đảo nằm ở phía Bắc của Borneo, thuộc bang Sabah của Malaixia, rộng 55 km; eo biển Luzon nằm giữa các đảo Luzon và Đài Loan; eo biển Đài loan, giao giữa quần đảo này với Trung Quốc đại lục.
Biển Đông là một ngã tư thông thương của các tuyến hàng hải thương mại quan trọng bởi đây là tuyến ngắn nhất nối giữa Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trước tiên liên quan đến tuyến vận chuyển năng lượng, eo biển Malắcca vận chuyển nhiều dầu mỏ gấp 6 lần kênh đào Xuyê và nhiều hơn 17 lần kênh đào Panama. Biển Đông là nơi vận chuyển 2/3 nguồn năng lượng của Hàn Quốc, 60% nguồn năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, 80% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, tức hơn một nửa nhập khẩu năng lượng của khu vực Đông Nam Á, Trong bối cảnh đó, việc nắm quyền kiểm soát hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ giúp kiểm soát hầu như một phần lớn EEZ và tuyến thương mại quan trọng hàng đầu thế giới.
4- Các nguồn tài nguyên dầu khí:
Theo tác giả Robert D. Kaplan, Biển Đông có trữ lượng dầu thô đạt 7 tỷ thùng (so với 1.383 tỷ thùng trên đất liền toàn thế giới theo tính toán của tập đoàn BP năm 2010, chiếm 0,5% trữ lượng dầu của thế giới) và có trữ lượng khí đốt đạt 25.000 tỷ m3 khí (so với 187.100 tỷ m3 khí trên đất liền toàn thế giới, chiếm 13,4% trữ lượng khí đốt toàn cầu).
5- Phạm vi triển khai một hạm đội tàu ngầm:
Biển Đông là tuyến hàng hải thương mại ưu tiên, thậm chí cốt yếu giữa Thái Bình Dượng và Ấn Độ Dương. Không chỉ có tầm quan trọng về thương mại, Biển Đông còn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự, đặc biệt đối với Trung Quốc. Chúng ta phải thừa nhận là Trung Quốc đang tăng cường khả năng của các đội tàu ngầm trong khu vực, đặc biệt là việc nước này xây dựng căn cứ tàu ngầm tại cảng hải quân Tam Á ở phía Nam đảo Hải Nam. Theo tướng Schaeffer, dường như tham vọng của Trung Quốc tại các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa hay các quần đảo khác cũng như các vùng nước sâu tại Biển Đông không nhằm mục đích nào khác ngoài bảo đảm cho nước này một khu vực triển khai an toàn đội tàu ngầm tấn công. Dù bất kể thế nào Biển Đông vẫn là vùng biển xung quanh Trung Quốc có vùng nước sâu cho phép tàu ngầm nước này dễ dàng tiến ra Thái Bình Dương.
Tình trạng tranh chấp
1- Thiếu vắng giải pháp đạo đức?
Tính chất nghiêm trọng của cuộc xung đột này là thiếu một giải pháp đạo đức. Nếu cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II là cuộc chiến không khoan nhượng chống chế độ cực quyền thì không một nước chủ chốt nào liên quan đến những căng thẳng tại Biển Đông có thể bị coi là hiện thân của sự xấu xa hoàn toàn. Do đó, cuộc chiến của cái tốt chống cái xấu đang dần thay thế bằng cuộc đối đầu giữa các chủ nghĩa dân tộc duy lý mà chúng ta có thể chứng kiến tại Biển Đông với câu nói: “Kẻ mạnh có thể làm điều mình muốn và kẻ yếu phải chịu điều cần phải chịu”. Nếu có khả năng xảy ra một cuộc tranh chấp thì cũng chỉ hạn chế ở một số cuộc đụng độ lẻ tẻ và không dẫn tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Cũng cần phải thấy các cuộc đựng độ đó sẽ không gây ra nhiều lo ngại song chất lượng vũ khí sẽ quyết định cuộc đối đầu. Tinh hình mong muốn nhất là duy trì quy chế nguyên trạng do sự cân bằng sức mạnh, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như những gì Ôxtrâylia kêu gọi.
2- Một giái pháp pháp lý?
Mặc dù thiếu vắng giải pháp đạo đức song vẫn tồn tại một luật pháp quốc tế, đặc biệt như những gì Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ký ở Monteeo Bay mô tả. Công ước này không thể giai quyết toàn bộ mọi cuộc xung đột và đối đầu, xong đề ra một khung cảnh luật hợp pháp, trong đó mọi tranh chấp trên có thể được giải quyết theo các quy tắc lãnh hải và EEZ mà không phải cần tới đối đầu vũ trang. Công ước củng là một tư liệu gốc về các luật lệ quy định các hoạt động ngoài khơi. Các nước có thể yêu cầu mở rộng EEZ trên thềm lục địa của mình. Đó là điều mà Malaixia và Việt Nam đã làm năm 2009. Nhưng do luật pháp quốc tế không đủ nên hành động phối hợp giữa Malaixia và Việt Nam đã làm Trung Quốc không hài lòng. Trung Quốc sau đó đã gửi một công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm chính thức hóa lập trường của nước này đối với yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, một quan điểm từ trước đến nay chưa được công nhận chính thức. Tướng Schaeffer xác nhận hành động của Trung Quốc đi ngược lại với điều 89 của UNCLOS, theo đó “không một Nhà nước nào có thể đòi hỏi một khu vực bất kỳ ngoài biển khơi làm chủ quyền riêng”. Cũng cần phải nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, các điều luật trong công ước của LHQ hay rộng hơn là hành động của cộng đồng quốc tể không đủ đề ngăn chặn mọi hành động hiếu chiến từ các đối tượng trong khu vực, ngay cả những nỗ lực của ASEAN. Chúng ta có thể nhắc đến Tòa án tư pháp quốc tế, song dù cố gắng cũng không thể triệu tập hết các nước liên quan đến tranh chấp. Tuy nhiên, dường như giải pháp của các nước liên quan Biển Đông sẽ mang tính chính trị hơn là tư pháp và có thể cả quân sự.
3- Các sự kiện mới đây cho thấy thái độ hiếu chiến gia tăng của Trung Quốc
Những cuộc xâm lược trên thực địa
Chúng ta thấy từ năm 2009 một sự gia tăng xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Không chỉ có vậy, Lực lượng hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) không ngừng gia tăng các hành động hăm dọa, các hành động nhằm duy trì sự hiện diện tại Biển Đông. Cùng với đó là các đơn vị dân sự như lực lượng hải giám (CMS), được trang bị vũ khí từ PLAN, không ngừng quấy rối các tàu thăm dò dầu khí. Mọi hành động của Trung Quốc đều núp dưới vò bọc dân sự và được hải quân Trung Quốc hiện diện gần đó bảo vệ. Bên cạnh sự hiện diện hải quân, Trung Quốc còn thực hiện các vụ tấn công mạng. Đã có hơn 200 trang mạng của Việt Nam bị tin tặc tấn công vào tháng 6 năm 2011.
Những hành động hung hăng chống Mỹ
Những va chạm không chỉ diễn ra giữa Trung Quốc với các Nhà nước khu vực. Từ năm 2001 đã xảy ra 3 vụ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc:
Tháng 4/2001, một máy bay trinh sát của Mỹ (EP3-Orion) đã va chạm với một báy bay quân sự Trung Quốc. Mặc dù vụ này xảy ra ngoài EEZ của Trung Quốc song người Trung Quốc lại quả quyết rằng người Mỹ đã vi phạm không phận nước mình. Người Trung Quốc cho rằng họ có quyền trên vùng không phận của EEZ. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
Tháng 3/2009, 5 tàu của Trung Quốc đã ngăn cản tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ. Tàu Impeccable khi đó đang thực hiện thăm dò tại khu vực gần căn cứ tàu ngầm Tam Á, song ở ngoài khơi (ngoài 12 dặm). Sự kiện này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với các tàu ngầm Trung Quốc và thể hiện sự bành trướng chủ quyền của Trung Quốc đối với EEZ.
Tháng 6/2009, một tàu ngầm Trung Quổc đã mắc vào đường cáp định vị sóng âm của tàu chiến Mỹ USS John McCain tại Scarborough Reef, một khu vực chiến lược mà các tàu ngầm Trung Quốc qua lại. Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội này để gia tăng sức ép ngoại giao ngăn cản hải quân Mỹ hiện diện tại Biển Đông.
Một quan điểm ngoại giao mập mờ của Trung Quốc
Không hài lòng với việc chiếm biển, Trung Quốc cũng đang chiếm cả không gian ngoại giao. Không ngại mâu thuẫn với chính mình, Trung Quốc đang nuôi tham vọng đôi khi duy trì ý định hòa giải và hòa bình hơn trong khi vẫn khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Trong ý đồ chính thức hóa “đường lưỡi bò”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 2011 đã nói đến “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc tại Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Philippin Lưu Kiến Siêu đã “khuyên các nước đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông” không tiếp tục khai thác dầu khí tại các “vùng lãnh hải của Trung Quốc” khi chưa được phép của Bắc Kinh.
Mặt khác, Trung Quốc lại thể hiện bộ mặt hòa bình Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ngày 5/6/2011 tại Hội nghị Shangri-La ở Xinhgapo đă tuyên bố: “Trung Quốc không có ý định đe dọa bất kỳ nước nào”.
Qua quan điểm ngoại giao hai mặt này của Trung Quốc, rất thú vị khi theo dõi những tuyên bố của Trung Quốc khi mua tàu sân bay Varyag nhằm mục đích huấn luyện. Được đặt tên lại là Thi Lang, tàu này đã thực hiện các vụ thử nghiệm trên biển vào tháng 8/2011 và hải quân Trung Quốc đang xây dựng tàu sân bay thứ hai. Chúng ta thừa nhận rằng với việc đổi hướng luật pháp quốc tế một cách tranh cãi để có lợi cho mình, Trung Quốc đang tự cho mình quyền sở hữu phạm vi lãnh hải trong “đường lưỡi bò”.
4- Những lựa chọn của các Nhà nước Đông Nam Á trước sự bành trướng của Trung Quốc
Cần tới Oasinhtơn
Do hạn chế về phương tiện quốc phòng, ý định lớn của các “anh chàng David” Đông Nam Á là hướng về phía Mỹ trước “gã khổng lồ Goliah” Trung Quốc. Philippin dựa vào Hiệp định phòng thủ chung năm 1951, theo đó Oasinhtơn cam kết cung cấp cho Philippin thiết bị quân sự. Hải quân Mỹ cũng phối hợp với hải quân Philippin tổ chức các cuộc tập trận chung hàng năm.
Đối với Hà Nội thật không đơn giản. Do không thể công khai hướng tới Oasinhtơn, chiến lược của Việt Nam là công khai nhất có thể liên quan đến những hành động quấy rối mà mình là nạn nhân từ phía Trung Quốc để nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Ngày 9/6/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố trước công chúng rằng chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là không thể tranh cãi và “sẽ bảo vệ bằng các lực lượng vũ trang”. Những cuộc trao đổi giữa hải quân Mỹ và Việt Nam ngày càng gia tăng.
Mỹ cũng hỗ trợ Xinhgapo, Thái Lan và ngày càng tăng cường quan hệ với Inđônêxia và Malaixia. Mỹ cũng đã quay trở lại Ôxtrâylia. Dường như Mỹ luôn có khả năng là đối trọng với hành động của Trung Quốc ngay cả khi Mỹ đang bước vào giai đoạn bị hạn chế ngân sách quốc phòng.
Hướng tới một cuộc chạy đua vũ trang
Trong bối cảnh này, các nước Đông Nam Á đang tìm cách tăng cường khả năng cho hải quân quốc gia. Từ năm 2000, nhập khẩu vũ khí của Inđônêxia đã tăng 84%, Xinhgapo tăng 146% và nước này đang tìm cách hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm, Malaixia tăng 722% và vừa mới thiết lập một căn cứ tàu ngầm tại Borneo để hướng ra Biển Đông. Căn cứ này dành cho 2 tàu ngầm Scorpène mua của Pháp. Malaixia tháng 12/2011 đã mua của Pháp 6 tàu hộ tống Gowind. Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm lớp Kilo trị giá 1,4 tỷ euro và các máy bay tiêm kích trị giá 700 triệu euro của Nga.
5- Thái độ của cộng đồng quốc tế
Quan đim của Pháp
Đối với Pháp, mọi tranh chấp đều phải dựa vào luật pháp quốc tế. Pháp bày tỏ ủng hộ bộ quy tắc ứng xử do ASEAN đề xuất. Hơn nữa, trong nỗ lực giảm thiểu căng thẳng, Pháp đã đề xuất tổ chức hội thảo bao gồm cả Liên minh châu Âu và ASEAN dưới dạng các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm quản lý các khu vực hàng hải chung.
Bước ngoặt cuối cùng là quan đim của Mỹ
Ngoài những vụ va chạm của các tàu USNS Impeccable, USS John McCain, việc tháng 3/2010 Bắc Kinh coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi quốc gia”, ngang với Đài Loan và Tây Tạng đã làm gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này đã đẩy người Mỹ chính thức cam kết sâu hơn vào khu vực với tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN ngày 23/7/2010 khi xác định: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các hải phận chung tại châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông”. Quan điểm của Mỹ là chính thức không tham gia những yêu sách lãnh hải song bày tỏ quan tâm đến nguy cơ dẫn đến các bên đối đầu làm ảnh hưởng tới tự do lưu thông hàng hải.
Kết luận
Trung Quốc tỏ thái độ phức tạp giữa lập trường xoa dịu và hành động gây hấn tại Biển Đông. Luật biển theo kiểu Trung Quốc và cách thể hiện của Bắc Kinh là những thách thức chiến lược. Trung Quốc đã hiểu rõ và đang sử dụng mưu đồ để mở rộng luật này phục vụ lợi ích riêng. Cách tiếp cận tư pháp liên quan các vấn đề Biển Đông phải được hoàn thiện từ cách đặt vấn đề ngoại giao và hàng hải. Trung Quốc có tham vọng giải quyết với các bên liên quan ở Biển Đông một cách song phương chứ không phải đa phương như phần lớn các đối tác và cộng đồng quốc tế mong muốn. Do đó, việc Mỹ quay trở lại khu vực đánh dấu một bước ngoặt trong các sự kiện. Cuộc chơi sẽ thận trọng hơn.
***
TTXVN (Matxcơva 17/4)
Trong hai ngày 6 và 7/4, tại c đô Saint Petersburg (Liên bang Nga) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề cấp bách của an ninh khu vực Đông Á ” với sự tham gia của các chuyên gia, học giả đến từ Nga và một số nước châu Âu, châu Á và Ôxtrâylia. Giáo sư, Tiến sỹ Ramses Amer (Thụy Điên) tuy không trực tiếp tham dự nhưng đã gửi tới Ban t chức Hội thảo bài tham luận của mình với tiêu đề “Phương pháp tiếp cận vấn đề quản lý và giải quyết xung đột giữa các quốc gia khu vực Đông Nam ÁNhững ảnh hưởng đi với hợp tác khu vực”. Dưới đây là phần lược dịch bài tham luận này.
ASEAN và vấn đề giải quyết tranh chấp tại biển Đông
Từ đầu thập niên 1990, ASEAN đã nỗ lực đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết tranh chấp tại biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Điều này thể hiện qua một loạt tuyên bố của Hiệp hội về vấn đề này, thông qua đối thoại với Trung Quốc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) (bắt đầu năm 1994). Một trong những văn kiện quan trọng đạt được là Tuyên bố ASEAN về Biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Các bên tranh chấp cần kiềm chế để tạo ra môi trường tin cậy hướng đến việc giải quyết triệt để tranh chấp tại khu vực.
Đối thoại ASEAN-Trung Quốc đã đưa các bên tranh chấp (trừ Đài Loan) ngồi vào bàn đàm phán. Với vai trò hạt nhân của mình trong ARF, ASEAN đã thành công trong việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Diễn đàn mang tính đa phương này, bất chấp sự phản đối ban đầu của Trung Quốc.
Do bốn thành viên của ASEAN là Việt Nam, Brunây, Malaixia và Philippin đều tuyên bố chủ quyền với một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa, nên Hiệp hội không thể đóng vai trò là bên thứ ba trung gian giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác.
ASEAN và Trung Quốc đã thành lập Nhóm hành động chung nhằm soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), bắt đầu làm việc từ 15 tháng 3 năm 2000. Thách thức đặt ra là làm sao dung hòa lập trường của ASEAN và Trung Quốc đối với cơ chế giải quyết tranh chấp này. Ngay cả việc đạt được sự đồng thuận trong nội khối ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng các bên cũng đạt được sự nhất trí dẫn đến ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ngày 4 tháng 11 năm 2002.
Để xây dựng được chính sách chung của ASEAN đối với Biển Đông, cần dung hòa lập trường và lợi ích của năm thành viên Hiệp hội có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này (ngoài bốn thành viên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Inđônêxia tuyên bố chủ quyền đối với khu vực lãnh hải phía Bắc và Đông Bắc đảo Natuna), ngoài ra cần phải tính đến quan điểm và lợi ích của năm nước còn lại. Thái Lan và Myanma có quan hệ gần gũi, và đặc biệt là không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Lập trường và quan hệ khác nhau giữa các thành viên ASEAN với Trung Quốc, khiến quá trình xây đựng chính sách chung của Hiệp hội đối với vấn đề Biển Đông trở nên khó khăn. Điều này thậm chí ảnh hưởng đến việc xây dựng lập trường chung của ASEAN đối với các vấn đề khác như lợi ích từ hợp tác kinh tế và giá trị của chính sách hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc. Mặc dầu vậy trong thập niên đầu thế kỷ 21, quan hệ ASEAN- Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể cả về hợp tác kinh tế và chính trị.
Đánh giá khả năng của ASEAN đối vi việc giải quyết tranh chấp Biển Đông
Vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa và toàn bộ Biển Đông là thách thức đối với ASEAN cả về mặt đối nội và đối ngoại.
Để nhận thức và đánh giá chính xác về vai trò và khả năng của ASEAN trong giải quyết tranh chấp tại khu vực này cần nhắc lại đánh giá đã nêu ở trên rằng ASEAN không đự định đóng vai trò trung gian hòa giải. Mục tiêu của Hiệp hội là thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các quốc gia thành viên, Vai trò mà ASEAN có thể hướng đến là việc xây dựng thể chế hợp tác, thông qua đó các thành viên tiến hành giải quyết các tranh chấp. Ngoài ra ASEAN cũng có thể xây dựng các nguyên tắc ứng xử giữa các thành viên Hiệp hội. Các thành viên ASEAN có thể đem tranh chấp với các thành viên khác của Hiệp hội ra phân xử tại Hội đồng tối cao. Hội đồng còn có thể giải quyết tranh chấp giữa thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Đối thoại ASEAN – Trung Quốc góp phần thúc đẩy xây dựng niềm tin cho các bên tham gia giải quyết tranh chấp. Cho đến nay thỏa thuận quan trọng nhất đạt được là DOC. Tuyên bố nhằm giảm căng thẳng và thúc đẩy sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Các nước ASEAN đã tiến được một bước đáng kể khi đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về “Bản hướng dẫn về việc thực hiện DOC”. Mục tiêu là tiến tới thông qua COC.
 Một trong những thách thức đối với ASEAN là cách thức tổ chức này phản ứng trước những căng thẳng giữa thành viên của mình với Trung Quốc. Tinh thần đoàn kết nội khối ASEAN đòi hỏi các quốc gia khác phải ủng hộ “người mình”, nhưng mặt khác các quốc gia này không muốn làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cả về kinh tế và địa chính trị. Tình thế tiến thoái lưỡng nan này làm ảnh hưởng đến sự phản ứng và chính sách chung của ASEAN đối với vẫn đề tranh chấp tại Biển Đông.
Kết luận
Để đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Nam Á, các nước thành viên ASEAN cần hành xử một cách hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp còn tồn tại hoặc tiềm ẩn. Thất bại trong việc giải quyết tranh chấp là do các quốc gia thành viên chứ không xuất phát từ bản thân khối ASEAN. Hơn nữa, Hiệp hội chỉ có thể hối thúc các quốc gia thành viên tìm kiếm giải pháp hòa bình, chứ không thể can thiệp trực tiếp vào việc giải quyết và ngăn chặn tranh chấp trừ khi được yêu cầu.
Thực tế việc Hội đồng tối cao không được yêu cầu đứng ra phân xử chứng tỏ rằng sau 45 năm tồn tại, các cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực không phải là sự lựa chọn của các bên khi đàm phán song phương đi vào bế tắc. Biến cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực trở thành sự lựa chọn phù hợp sẽ là động lực chính thúc đẩy nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường khả năng giải quyết tranh chấp khu vực như là bước tiến trong việc xây dựng cộng đồng an ninh- chính trị và cộng đồng ASEAN nói chung.
Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) vẫn là một bộ phận chủ chốt của cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ ASEAN. Hiệp ước này yêu cầu các bên tham gia tranh chấp của ASEAN và cả Trung Quốc phải duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông. TAC qui định ba nhân tố nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia: không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và hợp tác toàn diện. Các nước thành viên ASEAN luôn tuân thủ nghiêm túc ba nguyên tắc trên. Trung Quốc cũng đã tham gia TAC. Ngoài ra Trung Quốc được định hướng bởi những nguyên tắc tương tự trong “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” – nền tảng chính sách đối ngoại của quốc gia này.
ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng cách tiến xa hơn DOC, hướng tới một thỏa thuận như Bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc hoặc văn kiện có tính pháp lý ràng buộc tương tự nhằm kêu gọi kiềm chế, đẩy mạnh hợp tác và tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Việc thông qua Bản hướng dẫn về việc thực hiện DOC năm 2011 là bước đi đúng đắn theo lộ trình này. Quá trình đàm phàn hướng tới COC giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc là bước tiến đúng đắn tiếp theo.
***
TTXVN (Hồng Công 22/4)
Báo điện tử Liên hợp Bui sáng của Xinhgapo ngày 17/4 đăng bài của phó Giảo sư La Quốc Cường thuộc Viện Nghiên cứu Luật Quốc tế, Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) cho rằng gần đây tại Biển Đông đã xảy ra sự kiện đi đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippin, tình hình căng thẳng có th xảy ra bất cứ lúc nào. Theo chuyên gia của Viện Pháp luật, Đại học Oxford (Anh) này, tình hình Biển Đông phát triển từ ch ban đầu chỉ là biến “Tuyên b về cách ứng xử các bên tại Biển Đông” (DOC) thành văn kiện vô giá trị, tới cho các bên đơn phương khai thác Biển Đông, tiếp đó là sự kiện đối đầu giữa các tàu và phe quân đội lớn tiếng. Tất cả cho thấy chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác ” mà Trung Quốc nhất quán 30 năm nay dường như không được màng đến trong phạm vi Biển Đông. Vậy mức độ ứng dụng của chủ trương “cùng khai thác ” của Trung Quốc tại Bin Đông ra sao?
Tính hạn chế của “cùng khai thác”
“Cùng khai thác” thông thường chỉ các bên tranh chấp biển tạm thời gác tranh chấp biển liên quan, căn cứ vào những nguyên tắc thiết thực, có thái độ hợp tác, cùng nhau hoặc các bên tự khai thác kinh tế tại khu vực tranh chấp. Gác lại tranh chấp chủ quyền, né tránh tranh cãi chính trị, nỗ lực khai thác kinh tế, tìm kiếm hợp tác sơ khởi nhất hoặc chí ít là không gây trở ngại cho nhau vẫn là những đặc trưng rõ nét của chính sách “cùng khai thác”. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách căn bản, “cùng khai thác” không phải là phương thức giải quyết tranh chấp thực sự, chỉ là kế sách tạm thời, thỏa mãn nhu cầu hiện thực. Trên thế giới từng đạt được 25 hạng mục cùng khai thác, qua phân tích các hạng mục này có thể rút ra 4 kết luận sau:
Thứ nhất, cùng khai thác chỉ được sử dụng trong phạm vi song phương, chưa từng sử dụng trong phạm vi đa phương. Điều này cho thấy phạm vi sử dụng của chính sách “cùng khai thác” trên thực tế rất hạn chế. Cho dù về lý thuyết, việc đạt được thỏa thuận cùng khai thác ở phạm vi đa phương là có thể, nhưng trong thực tiễn, các nước không có nhiều hứng thú với nó, nên khó có thể đạt được thỏa thuận. Chính vì thế, từ trước tới nay, thỏa thuận “cùng khai thác” đã trở thành biện pháp song phương thuần túy.
Thứ hai, phàm là cùng khai thác đảo tranh chấp, nếu không quá độ bằng cơ chế giải quyết tranh chấp thực sự như thỏa thuận phân giới hoặc tài phán tư pháp, cùng khai thác cuối cùng sẽ khó tránh được việc rơi vào tình trạng không có kết quả. Bốn hồ sơ cùng khai thác đảo tranh chấp tới nay đều cho thấy xu thế đó, gồm: Hiệp định phân giới khu trung lập giữa Côoét và Arập Xêút năm 1965, Biên bản ghi nhớ giữa Iran và Sharjah (một thành viên thuộc Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất) năm 1971, Tuyên bố chung về việc tiến hành hợp tác bờ biển gần khu vực Tây Nam Đại Tây Dương giữa Anh và Áchentina năm 1995, Biên bản ghi nhớ về việc cùng khai thác tài nguyên đảo Mbaine giữa Ghinê Xích đạo và Gabông năm 2004.
Thứ ba, chính sách “cùng khai thác” có tính chất tạm thời và quá độ tương đối mạnh, thiếu sự bảo đảm hữu hiệu về mặt pháp luật. Cho dù cùng khai thác thể hiện ý nguyện hợp tác nhất định của nước đương sự và có thể tạm thời làm tranh chấp trở nên hòa hoãn, nhưng điều đó không có nghĩa là mức độ nhạy cảm của tranh chấp liên quan giảm xuống và giúp tăng khả năng giải quyết tranh chấp. Trong thực tế, một số nước đương sự không hề có hứng thú đối với cách làm này và cho dù đã lựa chọn cách làm này, nước đương sự thường không yêu thích nó. Ngược lại, rất nhiều nước đương sự thích cách làm và hành vi có ảnh hưởng pháp luật, thể hiện sở hữu biển hơn như kiểm soát thực tế đối với đảo tranh chấp, tuyên bố chủ quyền biển…
Thứ tư, xem xét thực tiễn quốc tế hiện nay sẽ thấy hiệu quả của chính sách “cùng khai thác” không được như mong đợi. Hiện nay trên thế giới có khoảng 260 khu vực biên giới tồn tại tranh chấp hoặc đợi phân định, trong đó chỉ có 25 khu vực thực hiện cùng khai thác, nhưng trong số khu vực đã đạt được thỏa thuận cùng khai thác chỉ có khoảng 50% là được thực thi, còn lại hoặc là chưa thực thi, hay vô hiệu, hoặc là đã chấm dứt, hay được thay thế bằng hình thức khác và có thỏa thuận về cơ bản không thể thực thi.
Cùng khai thác không thích ứng với tranh chấp Biển Đông
Tại Biển Đông, Trung Quốc ra sức cổ súy cùng khai thác và việc này từng đạt được tiến triển nào đó: Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký “DOC”; năm 2004, công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc ký hiệp định thăm dò chung với Công ty Dầu khí Philippin; năm 2005, công ty dầu khí của Trung Quốc, Philippin và Việt Nam ký kết “Hiệp định Công tác địa chất hải dương chung ba bên tại khu vực Biển Đông”. Trên thực tế, hiệp định giữa các công ty dầu khí chỉ là hợp đồng kinh tế có nhân tố bên ngoài, không thể nào so sánh được với hiệp định “cùng khai thác” giữa các nước. Bên cạnh đó, hành vi của các nước ASEAN sau khi ký DOC khác xa với những gì đã cam kết. Có thể nói, cùng khai thác tại Biển Đông chưa từng đạt được mức độ thực thi thực sự và cụ thể, tới nay gần như phá sản.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến cục diện trên chính là mức độ ứng dụng của chính sách cùng khai thác ở Biển Đông rất thấp.
Trước tiên, đương sự liên quan tới tranh chấp Biển Đông tương đối nhiều. Trong khi đó, như đã nói ở trên, tới nay trong thực tiễn quốc tế, thỏa thuận “cùng khai thác” chỉ được sử dụng trong phạm vi song phương. Vì vậy, mức độ khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận “cùng khai thác” mang tính đa phương ở Biển Đông là tương đối lớn. Cho dù đã đạt được thỏa thuận song phương thì cũng có thể bị bên đương sự liên quan khác phản đối, thậm chí là ngăn cản, khiến hiệu quả thực thi thỏa thuận song phương này bị giảm mạnh, cuối cùng có thể sẽ ảnh hưởng tới việc bàn thảo và đạt được thỏa thuận đa phương về phân định biên giới trên biển trong tương lai.
Kế đó, các đảo liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông rất nhiều. Giống như những gì đã nói ở trên, phàm là cùng khai thác liên quan tới đảo tranh chấp nếu không quá độ bằng cơ chế giải quyết tranh chấp thực sự như thỏa thuận phân giới hoặc tài phán tư pháp, cùng khai thác cuối cùng sẽ khó tránh được việc rơi vào tình trạng không có kết quả. Cho nên, điều dễ thấy là số lượng đảo tranh chấp lớn sẽ gây, trở ngại lớn tới việc đạt được và thực thi thỏa thuận “cùng khai thác”. Việc tồn tại một lượng lớn đảo tranh chấp không chỉ khiến các bên đương sự hoài nghi về việc đạt được thỏa thuận “cùng khai thác”, mà cho dù có thể đạt được thỏa thuận thì nó cũng ảnh hưởng rất lớn tới tính tích cực của các bên đương sự trong việc thực thi.
Cuối cùng, tiêu điểm của tranh chấp Biển Đông ở một mức độ rất lớn không nằm ở vấn đề khai thác kinh tế mà nằm ở sự tranh giành chủ quyền đảo và địa vị chiến lược. Cùng khai thác về tổng thể mà nói không thể nào thỏa mãn nhu cầu chủ yếu của các bên tranh chấp và các nước đương sự sẽ không vì việc phân chia dầu mỏ mà từ bỏ tranh cãi.
Ghính vì các lý do trên, tác giả khuyến nghị Trung Quốc cần phải vận dụng tốt hơn chính sách “cùng khai thác”, cần xác định rõ mức độ ứng dụng của chính sách này đối với các khu vực biển tranh chấp khác nhau. Bên cạnh đó, Trung Quốc cần thừa nhận thực tế rằng cùng khai thác có mức độ ứng dụng thấp tại Biển Đông, định vị cùng khai thác chỉ là biện pháp hỗ trợ giải quyết tranh chấp Biển Đông chứ không phải là lựa chọn ưu tiên./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét