Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Ngân hàng không thích cho doanh nghiệp vay

Ngân hàng không thích cho doanh nghiệp vay
Tại cuộc họp của lãnh đạo TP.HCM với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sáng 23-4, nhiều ban ngành cho biết doanh nghiệp (DN) hiện gặp khó khăn vì lãi suất còn cao. Ở nhiều ngân hàng (NH), lãi suất cho vay vẫn trên 20%.
77% DN không vay được vốn
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong ba tháng đầu năm, số DN tiếp cận vốn vay chỉ khoảng 23% tổng DN, chủ yếu là DN sản xuất quy mô lớn.
Đại diện Hiệp hội DN TP.HCM cho biết hiện có bốn vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, hiện nay NH thích cho nhau vay hơn là cho DN vay. Thứ hai, hiện có chênh lệch khá xa giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra. Bởi vậy đề nghị phải ấn định luôn mức trần lãi suất cho vay. Nếu không thì quy định một khoảng cách phù hợp.
Thứ ba, Hiệp hội cho rằng “NH xem xét hồ sơ vay của DN vừa và nhỏ cũng như hồ sơ của… tập đoàn”. Bởi vậy DN nhỏ không sao tiếp cận được nguồn vốn. Thứ tư, trước đây DN chỉ cần trả nợ cũ là có thể vay mới nhưng bây giờ đến hạn DN trả thì NH cũng không cho vay. Hiệp hội gợi ý nên có chính sách hồ sơ, giãn nợ, cho vay riêng đối với DN vừa và nhỏ.
Bức xúc về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng lãi suất vay phù hợp là trần lãi suất huy động cộng thêm khoảng 2%, sau đó 3% rồi lên 4%, nay lên đến 8% là không còn phù hợp.
Bà cũng nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn nói rằng lãi suất có xu hướng giảm. Theo tôi nên nói có giảm hay là không, đừng có nói xu hướng nữa!”.



Một số ngân hàng lớn hiện đã giảm lãi suất cho vay, 
nơi thấp nhất là 13%. Ảnh: HTD


Không có trần nhưng có khung
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN, cho biết mỗi quý sẽ giảm 1% lãi suất, tháng 3 và tháng 4 đã giảm hai lần, một số NH lớn hiện đã giảm lãi suất cho vay, nơi thấp nhất là 13%. Ông cũng cho rằng nhiều NH dành ra các gói tín dụng hàng chục ngàn tỉ đồng cho DN với gói lãi suất 13%-16%.
“Bản thân NH cũng là DN, cũng có khó khăn của mình, nhất là khi chúng ta đang cơ cấu lại hệ thống NH. NH có vốn mà không cho vay được cũng là bi kịch của NH. Chúng tôi chắc chắn có những tháo gỡ. Xin khẳng định rằng tất cả NH đều có chính sách, bộ phận riêng, nguồn vốn riêng cho DN vừa và nhỏ” - ông Tiến khẳng định.
Về vấn đề quy định trần lãi suất vay, ông Tiến cho biết ở thời điểm hiện nay chúng ta buộc phải chọn trần lãi suất huy động, người ta có thể chọn NH để gửi tiền và NH có quyền chọn DN để cho vay. Dự án khác nhau, ngành nghề khác nhau thì mức độ rủi ro khác nhau. Nếu áp dụng thêm trần lãi suất cho vay thì sẽ tạo ra sự phân bố nguồn vốn không hiệu quả.
Kết luận về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng việc áp dụng trần lãi suất cho vay là biện pháp hành chính, chỉ dùng trong tình thế đặc biệt. Ông khẳng định: “Chính phủ muốn hạ lãi suất hơn cả DN. Chúng ta nên chia sẻ với DN. Không có trần lãi suất cho vay nhưng vẫn có khung lãi suất cho vay và kiểm soát được”.

Làm rõ khó khăn, kiến nghị nên cụ thể
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng đến hết quý I, tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu có dấu hiệu đi vào ổn định. Điều đó khẳng định mục tiêu và định hướng chúng ta đang đi là đúng. Ông chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ những khó khăn của DN, phân ra từng nhóm thì càng tốt. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát lại, trên tinh thần là ưu đãi cao hơn cho một số lĩnh vực cần thiết, như y tế, giáo dục… Các hiệp hội nên có kiến nghị cụ thể là cần gì, sản phẩm cần ưu đãi thế nào… Các NH thanh tra, kiểm soát, thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất.
Có thể giảm 50% thuế VAT
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trong buổi họp thường kỳ với Chính phủ ngày 3-5 tới, đề xuất với Chính phủ giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết như trên trong hội thảo nhận định kinh tế thế giới và thách thức cho VN năm 2012 do Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng 23-4.
Bộ Tài chính sẽ họp, tổng hợp ý kiến của nhóm tư vấn, chuyên gia, đánh giá thực trạng DN để đưa ra giải pháp cụ thể, trong đó có giãn thuế và giảm VAT.
Đánh giá kinh tế quý I, ông Huệ cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định nhưng nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu của sự suy giảm, cần giải pháp kịp thời về chính sách tiền tệ, tài khóa để gỡ khó cho cộng đồng DN.
TRÀ PHƯƠNG
YÊN TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét