Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Tái cơ cấu kinh tế: Chưa đào tận gốc vấn đề


(VEF.VN) - Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn tất, nhưng có nhiều ý kiến lại cho rằng đề án này vẫn chưa có nét mới đột phá.

Chưa có điểm mới?
Hơn hai mươi năm trước, chúng ta đã thực hiện cấu trúc lại nền kinh tế để tạo nên sự đổi mới. Tuy nhiên, trong một thế giới liên tục thay đổi, những năm qua nền kinh tế phải đối mặt với không ít khó khăn và bộc lộ nhiều hạn chế. Tái cấu trúc lại được đặt ra với mong muốn tạo nên bước đột phá. Đề án "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực canh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020", đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn tất, nhưng có nhiều ý kiến lại cho rằng đề án được hy vọng tạo ra nét đột phá mới nhưng lại chưa thể hiện được gì mới.
Theo ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tư vấn tài chính, cựu Giám đốc Ngân hàng Bang Vaud, Thuỵ Sỹ, cũng giống như các nước châu Âu, Việt Nam 10 năm qua chạy theo kinh tế ảo với phát triển dựa trên biến động giá cả thị trường, nói cách khác tức là đầu cơ. Điều này gây ra nhiều nguy hiểm, có thể dẫn tới sự suy sụp. Tuy nhiên Việt Nam là quốc gia độc nhất trên thế giới đã mạnh dạn đưa ra chính sách tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là 1 trong những yếu tố quan trọng được cả thế giới đánh giá cao.
"Chúng tôi mong đợi và hy vọng rất nhiều ở Đề án tái cấu trúc nền kinh tế lần thứ 2 này, tuy nhiên mới đây khi Đề án được Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra, xem xong, không khỏi thất vọng", ông Phạm Nam Kim nói. Bởi, đề án tái cấu trúc nền kinh tế với kỳ vọng đột phá mới nhưng thực ra chẳng có gì là mới cả, vẫn đi theo chiều hướng cũ, thiếu quán triệt điểm cơ bản là kinh tế thị trường.

Trong số các ngành sản xuất cần tái cơ cấu, không thấy nói gì đến điện (ảnh Phạm Hải).
Theo ông Kim, trước hết Việt Nam cần phải xây dựng được nền kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó. Điều này rất quan trọng bởi có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh công bằng.
Khi đã có được thị trường đúng nghĩa tức là có "luật chơi" sòng phẳng thì việc tái cơ cấu các ngành nghề như tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đầu tư công... cũng phải thực thi theo "luật chơi" này, có như vậy mới đảm bảo sự đổi mới thực sự.
Đáng tiếc là trong đề án này, các nhà soạn thảo vẫn chưa quán triệt điều này nên chỉ nói: "hoàn thiện thể chế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước" mà không coi nó là nền tảng cơ bản để đổi mới nền kinh tế.
Lấy ví dụ về cơ cấu DNNN, hiện nay 60% GDP là do DNNN làm ra. DNNN lại sống nhờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, thị trường được bảo vệ, vốn nhà nước sử dụng thiếu hiệu quả... Quy chế người lãnh đạo DNNN lại do Nhà nước quy định, giống như của một công chức thì dù có thay đổi thế nào đi nữa, cũng không có gì thay đổi, bởi vẫn là tư duy công chức. Mọi việc lại xin quyết định từ trên cao, người thi hành rất thoải mái do không phải là người quyết định, đẩy trách nhiệm lên trên, vì vậy tái cấu trúc phải đặt trọng tâm vào thay đổi là quy chế quản lý DNNN để đảm bảo DN phải tuân thủ "luật chơi" thị trường, không có sự bảo hộ của nơi khác. Muốn vậy, như đã nói, phải xây dựng được thị trường đúng nghĩa của nó đã.
Thiếu mũi nhọn
Ông Kim cho rằng, việc tái cấu trúc các ngành nghề là rất tốt, tuy nhiên hơi dàn trải và không thấy đâu là mũi nhọn của kinh tế đất nước. Kinh tế thế giới ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các quốc gia phải tìm chỗ đứng cho mình. Sẽ không có chỗ đứng nếu không có thế mạnh. Những ngành mà Đề án tái cấu trúc đưa ra lịêu có phải là thế mạnh của Việt Nam và nó đang ở đâu? Tất cả vẫn chưa rõ ràng. Tái cấu trúc các ngành sản xuất phải xét trên thực tế nó có thế mạnh, tạo ra cho đất nước lợi nhuận cao và tăng trưởng bền vững.
Đối với sản xuất,  việc tăng hàm lượng khoa học, tăng tỷ lệ giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh, điều này không có gì là mới cả. Ngay từ năm 1991, Việt Nam đã đề ra mục tiêu tới 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp với khả năng làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực tự sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
Muốn vậy cần phải nhanh chóng rời bỏ mô hình phát triển theo kiểu gia công, đưa vào mô hình kỹ nghệ tiên tiến, đảm bảo tạo ra sự khác biệt với các quốc gia khác. Nhưng từ đó đến nay đã hơn 20 năm nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp, xuất khẩu thô, lao động rẻ, chưa hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh phụ kiện, xuất khẩu tinh, trong khi đó thời gian còn lại quá ít, 8 năm nữa liệu có thể tiến tới làm chủ công nghệ với việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao?  Vấn đề là làm như thế nào để đưa nó trở thành hiện thực mới là quan trọng thì không thấy đề cập đến.
Có thể nói, đề án này sẽ khó thực hiện, nếu có thực hiện cũng không đưa đến một cái gì mới mẻ, không có sự cải cách gì và không đem lại hiệu quả.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, năm 2009, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chuyển Quốc hội Việt Nam 1 tài liệu dày 200 trang về tái cấu trúc nền kinh tế, đến nay trải qua mấy năm rồi tái cấu trúc đến đâu, có làm hay không, không thấy nói đến, nay lại tiếp tục tái cấu trúc. Đề án này khác với trước là nó chỉ có 14 trang, đã tóm gọn không còn dàn trải kể lể mà không có giải thích.
Nhận xét về đề án, ông Thành cho biết, nó vẫn không đặt ra vấn đề phát triển căn bản của nền kinh tế, nó mang tính chất kỹ thuật thì đúng hơn là đề án tái cấu trúc. Ông nhận xét: "Tôi không thấy có một đường hướng cụ thể nào. Chẳng hạn, nếu nói định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải nói định hướng nó là cái gì, phát triển ra sao, trung hạn, dài hạn như thế nào".
Không thấy nêu ra nhưng vấn đề cơ bản của nền kinh tế, chẳng hạn như hệ thống ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế, vậy thì ngân hàng trung ương làm cái gì, sẽ như thế nào, là tổ chức độc lập hay thuộc Chính phủ?
Hay trong số các ngành sản xuất, không thấy nói gì đến điện. Theo tổng sơ đồ điện VII, thì đến năm 2020 Việt Nam sẽ đạt tổng công suất nguồn phát khoảng 75.000 MW gấp 3 lần hiện nay và đến năm 2030 khoảng 146.800 MW, gấp 6 lần hiện nay mới đủ đáp ứng nhu cầu cả  nước. Thời gian không còn nhiều, vậy có giải quyết được không, cần bao nhiều nguồn tài nguyên, vốn để đáp ứng? Nếu không thực hiện được thì giải pháp như thế nào? Điện không phát triển thì nói gì đến phát triển kinh tế, quan trọng như thế mà không thấy nêu ra.
Với các ngành khác như đóng tàu, thì phải cụ thể nó nằm trong khung công nghệ nào, phần nào là công nghệ cao, phần nào là công nghệ thấp, hướng đi ra sao, đào tạo như thế nào... chưa thấy đề cập đến.
Nói tóm lại, đề án mới chỉ "rờ" tới những cái lá, chưa thấy nói chuyện gốc. Từ gia công đi lên công nghệ cao, từ gia công đến sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đi như thế nào không thấy nói. Có lẽ mới chỉ là kỳ vọng thôi, mà kỳ vọng ảo hay kỳ vọng thật cũng chưa rõ, vẫn còn rất mơ hồ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét