Tái cấu trúc ngành ngân hàng, ưu tiên xử lý triệt để nợ
xấu là biện pháp sống còn để mở rộng tín dụng, khơi thông mạch máu của
nền kinh tế. Chi phí cho cải cách được Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa ước tính
khoảng 3-4 tỷ USD.
'Lập Ủy ban tái cấu trúc ngân hàng'
Băn khoăn chi phí tái cơ cấu ngân hàng
'Lập Ủy ban tái cấu trúc ngân hàng'
Băn khoăn chi phí tái cơ cấu ngân hàng
Tại Hội thảo "Ngân hàng thương mại Việt Nam 2012-2013:
Cải cách để sống còn" sáng 26/4, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ
tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, năm nay dự tính cung
tiền (M2) và tín dụng kỳ vọng tăng 15-17%.
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, cung tiền mới tăng
1%, còn tăng trưởng tín dụng bị âm 2,5% trong khi tăng trưởng kinh tế
quý một mới 4%, chỉ đủ bù đắp an sinh xã hội. "Những yếu tố trên cho
thấy nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng", ông Nghĩa lo lắng.
Cần tái cấu trúc triệt để hệ thống ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà |
Tiến sĩ Nghĩa dự báo, nếu Chính phủ không có những
chính sách điều chỉnh kịp thời, khả năng tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ
khoảng 5%, thấp xa so với kỳ vọng 6% mà Quốc hội đề ra.
Theo quan điểm ông, để giải quyết, quan trọng nhất là
phải tập trung cứu nguy nguồn vốn đang bị đóng băng nhằm giải quyết tình
trạng suy thoái của nền kinh tế. "Đây là lý do cần phải đẩy nhanh tái
cơ cấu ngân hàng", Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa chia sẻ, thời điểm nguy hiểm nhất của ngân
hàng đã qua. Quý 4/2011, thanh khoản các nhà băng thiếu trầm trọng, có
nguy cơ đổ vỡ; nay thì rủi ro lớn nhất là nợ xấu. Theo báo cáo của ngân
hàng, nợ xấu hiện khoảng 3,6%, ước lượng hơn 80.000 tỷ đồng (trong khi
các tổ chức quốc tế dự tính con số này chiếm khoảng 12-13%).
Theo ước tính của IMF, chi phí cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng khoảng 5% GDP, tức gần 5-6 tỷ USD. Tuy nhiên, theo tính toán của ông Nghĩa chỉ cần khoảng 3-4 tỷ đôla là đủ.
Số tiền này, ông Nghĩa cho rằng nên trích từ nguồn dự
phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu Chính
phủ và các nguồn khác từ Ngân hàng trung ương.
"Xử lý dứt điểm được nợ xấu xem như cơ bản đã thành
công trong tiến trình tái cấu trúc ngân hàng. Các khâu đoạn còn lại như
cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực... là việc làm sau
đó tùy thuộc vào nguồn lực của mỗi nhà băng", ông Nghĩa chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương
trình thạc sĩ kinh tế Fulbright, TP HCM chỉ ra, sở hữu chéo giữa các nhà
băng là nguyên nhân khiến các quy định về ngân hàng bị vô hiệu hóa hoàn
toàn. Hiện nay, tổng vốn điều lệ của 39 ngân hàng thương mại của Việt
Nam khoảng 234.000 tỷ đồng, tăng 9 lần so với 2005 là 28.5000 tỷ đồng.
Nếu nhìn vào con số này thì rất an toàn, nhưng vì cơ chế sở hữu chéo
khiến cho tính an toàn không còn.
Theo ông Thành, ngân hàng sở hữu tập đoàn, tập đoàn sở
hữu ngân hàng, ngân hàng sở hữu công ty tài chính, công ty tài chính
lại sở hữu tập đoàn... Hiện tượng này dẫn đến việc cho vay theo mối quan
hệ, theo nhóm lợi ích và không đảm bảo hiệu quả. Trong khi đó, hiệu quả
lại là chỉ tiêu hàng đầu của quá trình tái cơ cấu. Do đó, nếu không có
quyết tâm về mặt chính sách và thiếu quy tắc mạch lạc trong việc xác
định loại ngân hàng tái cơ cấu, biện pháp tái cơ cấu, các biện pháp kiểm
soát đặc biệt của Nhà nước, thì sẽ khó thực hiện được.
"Nếu cơ chế sở hữu chéo này còn tồn tại thì sẽ khó mà
tái cơ cấu ngân hàng thành công. Do đó, cần xử lý triệt để vấn đề sở hữu
chéo", ông Thành kiến nghị.
Ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc Công ty mua
bán nợ và tài sản tồn đọng cho rằng, nên thành lập một quỹ nợ xấu để tái
cấu trúc là hiệu quả nhất.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Huỳnh Bửu Quang thì
bộc bạch, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các nhà băng nước ngoài tham
gia xử lý nợ nên “mở” hơn cho các thành phần này có cơ hội tham gia. Ở
nước ngoài, ngân hàng ngoại được mua lại tới 90-100% một ngân hàng yếu
kém, xử lý nợ xấu… Tại Việt Nam, theo quy định, sở hữu tối đa của một
định chế tài chính nước ngoài tại các ngân hàng trong nước chỉ 20%, rất
khó để họ tham gia thay đổi và nâng cấp tổ chức tín dụng yếu kém.
Mặt tốt của nợ xấu ngân hàng |
Lệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét