quyền lực hay tự do?
Tác giả: James A Dorn
Người dịch: Thủy Trúc
Ngày 25-4-2012
Trong một khảo sát gần đây đối với gần
6.000 cá nhân tốt nghiệp đại học, thu nhập cao, ở 25 quốc gia, Edelman
Trust Barometer phát hiện thấy 43% tin tưởng vào các định chế của chính
phủ. Ở Mỹ, con số này là 45%, còn ở Trung Quốc là 75%. Việc nhiều người
trong “cộng đồng có thông tin” ở Trung Quốc lại tin tưởng vào chính
quyền hơn ở Mỹ nghe ra có vẻ khó hiểu.
Mỹ có một bản hiến pháp giới hạn quyền
lực của chính quyền và bảo vệ quyền công dân; Trung Quốc thì không hề có
nền pháp quyền thực sự, là nhà nước độc đảng với cơ chế bảo vệ dân
quyền rất yếu, hoặc là không có. Làm sao mà những người thành đạt ở
Trung Quốc lại có thể tin tưởng vào chính quyền nhiều hơn người thành
đạt ở Mỹ?
Câu trả lời
rất đơn giản: Ở Trung Quốc, con đường chắc chắn nhất để làm giàu là
thông qua quyền lực; ở Mỹ là thông qua tự do. Việc Đảng Cộng sản Trung
Quốc (CCP) nắm toàn bộ quyền lực chính trị và kiểm soát những đỉnh cao
chỉ huy của nền kinh tế chứng tỏ rằng ai nắm quyền sẽ được ưu đãi hơn
trong cuộc đua tranh tới vị trí cao trên những nấc thang kinh tế. Thậm
chí, sau hơn ba thập niên cải cách kinh tế, cải cách chính trị đã thụt
lùi nghiêm trọng.
Không có tư pháp độc lập để bảo vệ quyền
sống, tự do, và tài sản. Các ngân hàng quốc doanh đem tiền cho khối
doanh nghiệp quốc doanh vay; tất cả những doanh nghiệp đó đều do cán bộ
cao cấp trong đảng điều hành. Hỏi các “thái tử” xem họ có tin chính
quyền không thì cũng giống như hỏi trẻ con có thích kẹo không. Nếu
Edelman Trust Barometer đi hỏi người dân thường Trung Quốc xem họ có tin
vào các định chế của chính phủ hay không, thì câu trả lời của họ – nếu
họ được tự do biểu đạt – sẽ là dứt khoát: “Không!”.
Một số học giả độc lập ở Trung Hoa thừa
nhận sự bất bình đẳng về tài sản là do bất bình đẳng về quyền lực. Chừng
nào CCP còn độc chiếm quyền lực, chừng đó đời sống kinh tế còn bị chính
trị hóa và tham nhũng còn hoành hành. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã rất
nhiệt tình cho phép người dân làm giàu, và đã thúc đẩy Trung Quốc đi đến
tự do kinh tế nhiều hơn, nhưng cho đến nay, chưa có nhiều tiến bộ trong
việc hạn chế quyền lực của nhà nước.
Thế lưỡng nan của Trung Quốc là, nếu CCP
muốn nâng cao chất lượng sống, họ sẽ phải cho người dân có nhiều quyền
tự do lựa chọn hơn, nhưng điều ấy lại sẽ đe dọa độc quyền quyền lực của
họ – do vậy mà có một cuộc tranh đấu giữa quyền lực và tự do. Ngải Vị Vị
(Ai Weiwei), có lẽ là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Trung
Quốc, từng viết một cách khôn ngoan rằng: “Trong một xã hội như thế này,
không có thương lượng, không có thảo luận, trừ phi để nói với bạn rằng
quyền lực sẽ đè chết bạn”.
Điều mà Trung Quốc cần nhất không phải
là dân chủ mà là một chính quyền bị hạn chế bớt, và một nền pháp trị. Đó
là lý do tại sao Mao Vu Thức (Mao Yushi) thành lập Viện Kinh tế học
Unirule tại Bắc Kinh vào năm 1993, để thúc đẩy cái mà nhà kinh tế học
được giải Nobel, F.A. Hayek, từng gọi là “hiến pháp của tự do”. Vào ngày
4-5 tới đây, Mao sẽ là học giả Trung Quốc đầu tiên nhận giải thưởng
danh tiếng Milton Friedman Vì Tự do, trao hai năm một lần, bởi Viện Cato
ở Washington D.C. (Chưa biết liệu ông có được phép tham dự lễ trao giải
hay không).
Giống như Lão Tử, nhà tư tưởng tự do đầu
tiên của Trung Quốc, Mao Vu Thức hiểu rằng sự hài hòa – cả về xã hội
lẫn kinh tế – xuất phát từ tự do theo luật pháp và chỉ theo luật pháp mà
thôi, không phải theo mệnh lệnh từ trên. Lão Tử dạy rằng: “Trị dân thì
cứ theo đạo, theo tự nhiên, mà để cho dân tự nhiên phát triển theo thiên
tính, đừng can thiệp vào” (“When the government is too intrusive,
people lose their spirit. Act for the people’s benefit. Trust them;
leave them alone” – dịch sát nghĩa từ tiếng Anh là “khi chính quyền can
thiệp quá sâu, người dân mất tinh thần. Hãy hành động vì lợi ích nhân
dân. Hãy tin họ; hãy để mặc họ” – ND).
Nguyên lý vô vi (wu wei, không can
thiệp) công nhận rằng mọi người phải được tự do lựa chọn và tự chịu
trách nhiệm. Trong thị trường tư nhân tự do – về nguồn lực, về hàng hóa,
và ý tưởng – các sai lầm có khuynh hướng được sửa chữa nhanh chóng hơn
là dưới chế độ kế hoạch hóa tập trung, và giảm thiểu rủi ro phạm phải
sai lầm lớn. Nhờ đó, chất lượng sống có khuynh hướng được cải thiện
không ngừng.
Do quyền sống, tự do, và tài sản là
quyền tự thân của mỗi cá nhân và chức năng chính đáng của chính quyền là
bảo vệ những quyền đó, nên một chính quyền công chính tồn tại nhờ vào
niềm tin của người dân. Ngay cả hoàng đế cũng có thể đánh mất “mệnh
trời” nếu ông ta xâm phạm vào niềm tin đó. Mao Vu Thức đã can đảm phê
phán đạo đức của hệ thống pháp lý Trung Quốc và đặt lại vấn đề về huyền
thoại Mao Trạch Đông. Ông nói rằng Mao Trạch Đông chẳng phải là Chúa
trời và phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục triệu người
trong nạn đói khủng khiếp 1958-1961, trong Cách mạng Văn hóa
(1966-1976).
Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi cải cách
chính trị và tự do hóa kinh tế nhiều hơn nữa, nhưng dưới sự lãnh đạo
của ông ta, không mấy tiến bộ xuất hiện. Việc ông khiển trách và cách
chức Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, cho thấy một cuộc đấu
đá tranh giành quyền lực ngày càng mạnh giữa phái tự do và phái bảo thủ.
Năm 2010, Tập Cận Bình – người được dự báo là sẽ trở thành chủ tịch
nước vào cuối năm nay – chúc mừng Bạc về “Chiến dịch Văn hóa Đỏ” của
Bạc, được tiến hành nhằm vận động sự ủng hộ của quần chúng đối với cái
gọi là mô hình phát triển Trùng Khánh. Mô hình này do nhà nước chứ không
phải thị trường dẫn dắt, và tác động của tham nhũng đến giờ đã rõ ràng.
Chủ nghĩa tư bản nhà nước là cái tương
thích với với quyền lực của đảng, nhưng không đi cùng với khát vọng về
một “xã hội hài hòa”. Việc hoạch định chính sách theo kiểu dội từ trên
xuống đòi hỏi dưới phải phục tùng trên; tự do bị xem là nguy hiểm. Trung
Quốc cần sự hài hòa tự nhiên, chứ không phải thứ hài hòa do cưỡng ép. Ở
Trung Quốc, tầng lớp giàu có chủ yếu là tầng lớp được hưởng đặc quyền
về chính trị, và với cơ chế độc đảng, người ta chỉ có thể hoặc là đứng
vào hàng, hoặc là bỏ nước ra đi.
Nỗ lực vượt ra khỏi hệ thống “chính
quyền to, thị trường nhỏ” của Trung Quốc được xem là đang gia tăng, căn
cứ vào số đơn xin thị thực (visa) của những người giàu: Từ năm 2007 tới
năm 2011, số đơn xin visa nhập cư để đầu tư vào Mỹ đã tăng 1000%. Người
nào có thể đầu tư ít nhất 1 triệu USD vào Mỹ đều muốn đi khỏi Trung
Quốc, bởi vì họ không chắc chắn được về tương lai, nhất là về độ an toàn
của tài sản, do nạn tham nhũng của chính quyền và do sự thiếu vắng một
hệ thống pháp lý minh bạch, bảo vệ quyền sở hữu. Họ cũng muốn con cái họ
được độc lập về tư duy. Một doanh nhân nói giản dị: “Vấn đề là quyền
lực của nhà nước to quá”.
Không tin tưởng vào một chính quyền lớn,
đó là một thái độ đúng. Hiến pháp Mỹ được soạn thảo nhằm giới hạn kích
thước, quy mô của chính quyền, và nhằm giúp người dân mưu cầu hạnh phúc
theo một hệ thống luật pháp công bằng. “Tóm lại, chính quyền tốt” –
Thomas Jefferson viết – là “một chính quyền khôn ngoan và tiết kiệm,
ngăn ngừa người dân làm hại lẫn nhau, còn thì để họ tự do điều tiết việc
họ theo đuổi nghề nghiệp và phát triển; và không cướp khỏi miệng người
lao động cái bánh mì mà họ vừa kiếm được”.
Mỹ có thể giáo dục Trung Quốc tốt nhất
bằng cách tuân thủ các nguyên tắc về trật tự tự do, trên cơ sở không can
thiệp, tự do hành động theo hiến pháp. Khó khăn đối với cả Trung Quốc
và Mỹ là phải công nhận rằng quyền ấy đã nằm trong mỗi con người, quyền
ấy không phải là quyền tích cực về tài sản – làm “điều tốt” bằng tiền
của người khác – mà là quyền bình đẳng trong việc được tự do mưu cầu
hạnh phúc.
Sự cân bằng hợp lý giữa tự do và quyền
lực là phép thử đối với một chính quyền tốt. Nếu không có dòng tư tưởng
và cạnh tranh tự do, tiếng nói của người dân Trung Quốc sẽ bị bỏ quên,
và bỏ nước ra đi sẽ là một việc khó khăn nhưng hấp dẫn.
Tác giả: James A Dorn là chuyên gia Trung Quốc
học ở Viện Cato, Washington D.C., biên tập viên của tờ Trung Quốc Thiên
niên kỷ mới (China in the New Millennium).
Nguồn: Asia Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét