Alan Phan đang là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa hoạt động
tại Hồng Kông và Thượng Hải. Thế nhưng ở VN, ông được biết đến nhiều
không chỉ thông qua các sự kiện hay công việc ông đang làm, mà vì
website cá nhân “Góc nhìn Alan” (www.gocnhinalan.com) của ông có những
bài viết về kinh tế-xã hội giản dị và dễ hiểu.
Tiến sĩ Alan Phan
Có học vị tiến sĩ,
nhưng lối viết của Alan Phan không cao siêu hay kinh viện. Những con số,
các tư liệu được ông đưa ra thông qua những trải nghiệm trong công
việc, cùng với lối viết hóm hỉnh và rất hay tự trào, tự giễu mình tạo
nên giọng điệu rất riêng. Cái riêng ấy thú vị nhưng nhiều khi làm cho
“Góc nhìn Alan” cũng đầy gai góc.
“Góc nhìn Alan” với những bài viết
về kinh tế, xã hội. Nhưng ông cũng hay chạm đến những thói đời mà trong
đó một Alan Phan của quá khứ cũng từng sa ngã vào đó. Vậy “Góc nhìn
Alan” nhìn về chính mình như thế nào?
- Tôi là một người bình thường. Hồi trẻ
tôi cũng từng ngông cuồng, cẩu thả, sai lầm cũng nhiều, cũng thích khoe
khoang và hay bị phê bình. Tuy nhiên ngay từ bé tôi đã từng có một đặc
điểm là không bao giờ nói dối, không bịa đặt. Ngay cả nếu có nhân tình
mà vợ có hỏi thì cũng thú nhận là có dù sau đó phải chịu hậu quả xấu thế
nào đi nữa. Tất nhiên bây giờ ở tuổi 67 tôi đã có những thay đổi nhiều,
tính tình trầm tĩnh hơn, sống giản dị hơn, và quan trọng là mỗi ngày
tìm một niềm vui để sống tự do. Điều đáng quí nhất là được làm một người
tự do.
Nhưng ông còn đầu tư kinh doanh thì làm sao có thể tự do hoàn toàn như ông muốn được?
- Đúng là thế. Nhưng trên thực tế tôi đã
chuyển giao bớt công việc cho lớp trẻ ở Hồng Kông để họ ra quyết định. Ở
VN tôi chỉ đầu tư hơn 1 triệu USD nhưng Cty tôi đầu tư thua lỗ triền
miên. Bây giờ coi như tôi đã được về hưu một nửa thời gian. Cho nên mở
website để thỉnh thoảng chia sẻ, như là để nói “cho vui” chứ không phải
vì nhu cầu giao tiếp để tìm đối tác và kiếm tiền. Chia sẻ các kiến thức,
sự trải nghiệm mà mình có với giới trẻ là cái thú của tôi. Bây giờ tôi
như con chó nhỏ lâu lâu lại sủa gâu gâu cho vui đời.
Alan Phan vẫn còn một nửa là doanh
nhân. Đầu tư tại VN đang gặp thua lỗ nhưng ông lại lo đi hô hào làm
chương trình 20 triệu chiếc máy tính bảng cho học sinh. Ngay cả các bộ
ngành cũng chỉ dám đưa ra các chương trình 1 triệu chiếc máy tính để bàn
hoặc xách tay, thế mà còn khó thực hiện, chứ không phải là 20 triệu
chiếc máy tính bảng xa xỉ và xa vời?
- Tôi có gặp vài Cty IT và họ cho biết
đang đầu tư nhà máy sản xuất máy tính bảng với mức giá chỉ từ 150-160USD
mỗi cái. Tôi nghĩ, nếu Chính phủ có bỏ ra 3 tỉ USD làm chương trình này
thì cũng không bằng khoản mất cho Vinashin. Nhưng theo tôi kinh phí
không nhất thiết do Chính phủ chi ra mà có thể do các gia đình và tổ
chức xã hội thực hiện.
Chương trình này khó làm theo tôi là do
nó đụng chạm đến lợi ích của nhiều nhóm. Thứ nhất là nhóm làm sách giáo
khoa vì có máy tính bảng với sách điện tử các em sẽ không cần mua sách
giấy nữa. Thứ hai là sự lo ngại các em vào internet nhiều sẽ sinh ra
nhiều rắc rối. Tuy nhiên theo tôi, chương trình này là một sự đầu tư giá
rẻ để tạo ra những thế hệ có đầy đủ các kĩ năng cạnh tranh với nguồn
nhân lực của các nước trên thế giới, và phải làm ngay từ bây giờ. Ở VN
có vài chục triệu chiếc xe máy, mỗi chiếc giá bình quân cũng hàng ngàn
USD. Vậy tại sao chúng ta không đầu tư máy tính bảng giá rẻ cho con em
mình học tập. Đây cũng chính là cách đưa thành thị về nông thôn.
Có vẻ ông đang chủ thuyết đưa thành
thị về nông thôn. Nhưng nhìn rộng hơn, muốn nông thôn văn minh hơn thì
không chỉ cần có vài triệu hay chục triệu chiếc máy tính bảng, mà cần
những chương trình kinh tế xã hội lớn và hiệu quả để thay đổi bộ mặt
nông thôn. Người ta sẽ cảm giác có gì hơi cực đoan khi ông cho rằng
không nên đầu tư vào ngành đóng tàu hay sản xuất ôtô, mà nên xây dựng
ngành chế biến nông sản với các thương hiệu mạnh để ra thế giới?
- Tôi không nói rằng không nên làm công
nghiệp, mà tôi cho rằng nên tập trung làm những gì có lợi thế cạnh
tranh. Các ngành nêu trên chúng ta không có thế mạnh, từ công nghệ,
ngành công nghiệp phụ trợ, vận chuyển, thị trường… Theo tôi, trong những
ngành đó, nếu các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư vào VN thì chúng ta
đón chào, nhưng chúng ta không nên bỏ tiền của mình vào.
VN vẫn có thế mạnh về nông nghiệp, các
loại nông sản của chúng ta khá đa dạng. Nông dân VN nghèo nhưng so với
một số quốc gia cũng chưa phải là quá nghèo. Chúng ta phát triển mạnh
nông nghiệp ở nông thôn, là nhằm đem văn minh thành thị về nông thôn,
tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho họ, giúp đời sống nông dân và bộ
mặt nông thôn tốt lên chứ không phải cứ để họ ra thành thị sống nhếch
nhác, chật chội, túng thiếu trong các khu nhà trọ. Có những quốc gia lấy
nông nghiệp làm căn bản như New Zealand, và kinh tế nông nghiệp phát
triển rất tốt ngay tại Mỹ và Châu Âu.
Thế thì theo ông, vấn đề căn bản nhất là cần có thay đổi gì để thực hiện được chiến lược đưa thành thị về nông thôn?
- Vấn đề là tư duy chúng ta còn theo
kiểu tiểu nông, tâm lí cứ bám vào cái cũ kiếm được tí tiền là tự hài
lòng. Đó chính là rào cản lớn nhất vì chưa thực sự muốn đổi mới trí tuệ.
Tinh thần Việt còn thiếu những khám phá mạo hiểm, dù có thất bại nhưng
cũng sẽ có những sáng tạo diệu kì đưa đến thành công. Đây cũng là một
cách để xây dựng thương hiệu.
Cà phê Trung Nguyên có tầm nhìn hơn
nhiều doanh nghiệp khác nên đã xây dựng được thương hiệu mạnh trong
nước. Vinamit khi làm ở Mỹ thất bại họ lại chuyển sang Trung Quốc, giờ
đang gặt hái được thành công. Nhưng số doanh nghiệp như vậy còn rất
hiếm, đa phần còn lại theo tư duy làm ăn bầy đàn. Thấy người ta lên tivi
quảng cáo, hay mời ông lớn đến dự lễ khánh thành, thì cũng cứ thế làm
theo và coi như đó là xây dựng thương hiệu. Nhưng thực sự đó chỉ là xây
sĩ diện. Việc xây dựng thương hiệu phải làm lâu dài, kiên trì và có tính
khám phá.
Nhưng chính ông, thông qua công việc
của mình tại Việt Nam hay Trung Quốc cũng nhìn thấy tình trạng chung
của không ít DN là không cần tập trung làm thương hiệu nhưng vẫn kiếm
được nhiều nhờ có quan hệ đấy thôi?
- Đây là lối làm ăn còn rất đậm ở Trung
Quốc và Việt Nam, chủ yếu dựa vào quan hệ hơn là dựa vào sản phẩm hay
thương hiệu DN. Không chỉ là Cty quốc doanh mà Cty tư nhân cũng thế,
nhiều nơi trên thế giới vẫn còn tồn tại mô hình này. Đơn cử như trường
hợp tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới Siemens, còn bị điều tra về
các hành vi đưa tiền dưới gầm bàn.
Ông Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới
đây đã phát biểu rằng, nếu Trung Quốc không ngăn chặn tệ tham nhũng thì
trong vài năm tới nữa nó sẽ tàn phá đất nước này. Tôi quen một người bạn
làm chủ DN tại VN, khi ngỏ ý mời anh mua vé cho nhân viên tham dự một
hội thảo về đầu tư tổng cộng chỉ tốn khoảng chục triệu đồng thì anh từ
chối vì cho rằng Cty không có khoản chi cho việc này. Thế nhưng anh sẵn
sàng tiêu cho một bữa nhậu lên đến vài ngàn USD để tiếp khách. Cũng khó
trách anh ta tiêu tiền để giành quan hệ vì có thể anh ta sẽ kiếm được
tiền từ những quan hệ ấy.
Thực tế đang tồn tại như thế nhưng
cũng dễ thấy được nguy cơ nền kinh tế thông qua gầm bàn hay bàn nhậu khó
mà phát triển bền vững và lành mạnh?
- Qua việc đọc một số báo cáo của các
Cty tôi rút ra được vài con số đáng suy ngẫm. Nhiều Cty VN tiêu xài để
tiếp khách, giải trí nhiều gấp khoảng 4 lần so với các Cty nước ngoài
(chiếm từ 3%-10% doanh thu), nhưng khoản chi cho nghiên cứu và đào tạo
lại chỉ bằng 1/10 so với các Cty nước ngoài.
Một khi tài nguyên nguồn lực đều đổ vào
quan hệ thì không còn nhiều thời gian đầu tư vào chất lượng sản phẩm,
làm thương hiệu hay chăm sóc khách hàng v.v… Từ kinh tế quan hệ cũng còn
sinh ra hệ quả là các sản phẩm hay dịch vụ cứ bị thổi phồng, làm giá.
Từ thị trường địa ốc đến chứng khoán, cứ hay nóng lên theo các tin đồn…
Kinh tế quan hệ không phải chỉ diễn
ra giữa DN với DN mà trọng tâm gây nên vấn đề mà dư luận hay đề cập là
giữa DN với giới quan chức, sinh ra đưa hối lộ và tham nhũng. Ở góc độ
quản lí và hỗ trợ DN, ông đánh giá thế nào về bộ máy hành chính tại VN?
- Theo các số liệu thống kê, chi tiêu
công tại VN chiếm đến 33% GDP trong khi tại Thái Lan chỉ có 20% và
Singapore chỉ có 19%... Ngay cả nước Mỹ, chi tiêu công trong những năm
qua đã tăng mạnh từ 14% lên 19% khiến dân phải đóng thuế nhiều hơn và
nguồn tài nguyên quốc gia bị lệch lạc. Trong một cuốn sách nhan đề “Why
nation fail?” tác giả có lí giải rằng, khi lợi ích kinh tế chỉ tập trung
vào một nhóm thiểu số thì không thể kêu gọi được sức mạnh toàn dân. Bộ
máy chính quyền càng cồng kềnh thì nền kinh tế càng khập khiễng vì nguồn
tài nguyên đổ dồn vào họ càng nhiều.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Alan Phan hiện là Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa. Ông du học Mỹ từ năm 1963, và sau đó làm việc tại nhiều Cty đa quốc gia tại Wall Street, rồi phát triển Cty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán tại Mỹ với thị giá hơn 700 triệu USD. Alan Phan tồt nghiệp MBA tại American Intercontinental (Mỹ) và tiến sĩ tại Sussex (Anh). Ông đã xuất bản 8 quyển sách bằng tiếng Anh và Việt ngữ. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét