Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Khát vọng Đà Nẵng


Vào thập kỷ cuối của thế kỷ trước, người ta nhận thấy Đà Nẵng rất trì trệ. Nhiều người ví von Đà Nẵng như một thân thể cường tráng phải bó mình trong chiếc áo chật... Nhưng giờ đây, thành phố này đã lột xác.

Khát vọng Đà Nẵng
Đà Nẵng xưa được ví như "một thân thể cường tráng phải bó mình trong chiếc áo chật...".
Đà Nẵng xưa...
Năm 1982, tôi - cậu học trò Quảng Nam ngơ ngác, lạ lẫm đến Đà Nẵng trọ học. Sau mấy năm ở Huế, năm 1989, tôi lại trở về công tác tại thành phố này. Vào thời điểm đó, phố xá Đà Nẵng cũng chỉ quanh quẩn mấy phường phía Tây sông Hàn. “Xương sống” của thành phố được hình dung là con đường nối từ ngã ba Huế theo Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ, Hùng Vương và dừng lại khi chạm sông Hàn. Thời bấy giờ, dấu ấn Đà Nẵng là những đài nước cũ; khu vực ngã năm Phan Châu Trinh với khách sạn Phương Đông, Thái Bình Dương; con dốc đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) và bến phà qua sông Hàn... Bây giờ nhắc lại, ai đó trong chúng tôi chợt mỉm cười khi nghĩ lại chuyện hồi đó đi công tác từ trung tâm thành phố qua Thọ Quang, cả đi lẫn về bằng xe đạp cọc cạch và chiếc máy ảnh zenit cũ kỹ có khi mất đứt cả ngày...

Vào thập kỷ cuối của thế kỷ trước, người ta nhận thấy Đà Nẵng rất trì trệ. Hải Phòng khi ấy đã là thành phố (TP) trực thuộc Trung ương, sự chông chênh không chỉ ở chỗ Hải Phòng kết nghĩa với Đà Nẵng - một TP trực thuộc tỉnh - mà là với cơ chế TP tương đương cấp huyện thị (ai đó từng so sánh mức đầu tư cho cả Đà Nẵng chỉ bằng một công ty thường thường bậc trung của Hải Phòng), Đà Nẵng không thể bứt phá được. Nhiều người ví von Đà Nẵng như một thân thể cường tráng phải bó mình trong chiếc áo chật...
Dự án công trình Bàu Thạc Gián - Vĩnh Trung được xem là công trình giải tỏa đền bù trọng điểm của TP Đà Nẵng. Đường Lý Thái Tổ chỉ lèo tèo mấy lớp nhà, từ chùa Chiêu Ứng trở vào là bàu rộng rất ô nhiễm đan khít lục bình. Trong lán trại bằng cót ép của Ban quản lý được dựng tạm trên bãi đất đắp cạnh ngã tư trục đường Bắc Nam (nay là đường Hàm Nghi, Lê Đình Lý) và đường Đông Tây (đường Nguyễn Văn Linh bây giờ), KTS Huỳnh Tòa - Trưởng Ban quản lý cho biết, đây là dự án đầu tiên của Đà Nẵng làm theo phương châm khai thác quỹ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong vô vàn khó khăn mà TP Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phải đối mặt là công tác đền bù giải tỏa. Không lâu sau đó, với sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo TP, đường Đông Tây đã thông tuyến nối từ cổng sân bay Đà Nẵng về đến bùng binh Hoàng Diệu - Ông Ích Khiêm... Đây là công trình mang tính đột phá, đem lại những kinh nghiệm quý báu cho Đà Nẵng trong công tác đền bù giải tỏa sau này.
… và bây giờ
Đầu năm 1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Quyết định hợp thời hợp lúc đã mang đến cho Đà Nẵng và Quảng Nam một luồng sinh khí mới, song cũng đặt ra cho hai địa phương những thách thức không nhỏ. Như trong một gia đình chung, bỗng dưng tới lúc cả hai anh em đều lập gia đình riêng, thiếu thốn đủ thứ. Sau những giọt nước mắt chia tay ngậm ngùi kẻ đi người ở trong cuộc tiễn đưa lịch sử trước sảnh Nhà hát Trưng Vương là ngổn ngang bao việc phải làm. Trong khi Quảng Nam gấp rút biến Tam Kỳ thành đại công trình xây dựng, làm nền tảng cho một TP tương lai gần thì Đà Nẵng cũng xắn tay áo lên làm quyết liệt hai trục chính Đông - Tây, Nam - Bắc và tiếp theo đó là công trình huy động sức dân: cầu quay Sông Hàn.
Sau này, Đà Nẵng đã có thêm bao kỳ tích khác song quyết định táo bạo xây cầu mới sông Hàn rất quan trọng trong cả tiến trình đưa Đà Nẵng bước lên vị trí xứng tầm. Liền sau đó là những bước đi đột phá khi đưa toàn bộ hộ dân nhà chồ ở Sơn Trà “lên bờ”, quy hoạch xây dựng đường Sơn Trà - Điện Ngọc, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, nâng cấp đường Ngô Quyền, Lê Văn Hiến... Giờ đây Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn được hồi sinh thành “thiếu nữ” với sức sống thanh xuân tràn đầy, phố phường hiện đại không thua gì Hải Châu, Thanh Khê; thậm chí còn được xây dựng rất bài bản, nhất là cụm dân cư, đô thị ven biển.
Ở bên này sông Hàn, những đại lộ thênh thang cũng hối hả bắt nhịp với cuộc sống đô thị, tiếp sau con đường 2-9, Cách Mạng Tháng Tám là nâng cấp mở rộng đường Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, xây dựng mới đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, xây cầu Thuận Phước, cầu Tuyên Sơn, xây dựng hàng loạt các khu dân cư mới như Tây Nam Hòa Cường, phía Nam cầu Trần Thị Lý, các khu dân cư 1,2,3,4 Nguyễn Tri Phương, mở đường 602 “đánh thức” Khu du lịch Bà Nà, rồi đến Khu đô thị mới Cẩm Lệ... Đến đầu năm 2013, đường Nguyễn Văn Linh sẽ vượt qua sông Hàn bằng cầu Rồng xuôi về biển lớn. Cách đó không xa, sẽ có thêm cầu mới Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, rồi khơi thông sông Cổ Cò vào đến Hội An, làm cho sông Hàn thêm lung linh diễm lệ, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn càng trở nên gần gũi với trung tâm thành phố. Bao nhiêu công trình khác đã mọc lên trong 15 năm qua ở TP này, thật khó mà kể hết...
Khát vọng Đà Nẵng
Cầu Thuận Phước và nhiều công trình hiện đại đã góp phần tạo dựng nên diện mạo mới của Đà Nẵng ngày hôm nay.
Tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng nhanh chóng đến nỗi ngay cả người dân TP sau vài tháng trở lại vùng ngoại ô cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi diệu kỳ. Những người con xa xứ trở về Đà Nẵng thì cứ mãi xuýt xoa thán phục về cách nghĩ, cách làm và những bước phát triển mạnh mẽ của quê hương.
Có một điều mà người dân nơi đây đều nhận thấy là lãnh đạo TP không bao giờ thỏa mãn với những kết quả đạt được. Trong đánh giá của lãnh đạo TP Đà Nẵng khi tổng kết 15 năm từ ngày “ra riêng”, thành tựu lớn nhất là “được lòng dân”, là “yên dân”.
Không chỉ mở mang phố xá, tạo dựng nơi ăn chốn ở cho dân, Đà Nẵng còn xây dựng được những giá trị nhân văn mới. Trên hành trình 15 năm qua, Đà Nẵng có những chủ trương, cách làm “chẳng giống ai” mà trong từng thời điểm, ít nhiều đã có tranh luận, có ý kiến đồng tình, có lời phê phán. Vấn đề cốt lõi là các chủ trương, cách làm của Đà Nẵng đều vươn tới mục đích cao nhất là vì chất lượng cuộc sống. Đó là những chủ trương mà mỗi người dân TP đều thuộc nằm lòng như: “Năm không” (Không có người đói; Không có người mù chữ; Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và Không có cướp của giết người); hỗ trợ ngư dân bám biển; hỗ trợ 100% viện phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; trải thảm đỏ thu hút nhân tài; lập Quỹ vay vốn làm ăn dành cho đối tượng hình sự hết hạn cải tạo; lập Quỹ vay vốn dành cho phụ nữ nghèo bị nạn bạo hành gia đình; cấp tiền cho những người hành nghề xe ôm ăn Tết; giữ xe miễn phí tại tất cả bệnh viện; hạn chế nhập cư vào nội thành với một số đối tượng không có việc làm, không nơi ở ổn định... Có thể hiểu, tất cả những cách làm rất riêng và liên tục phát huy của Đà Nẵng trong nhiều năm qua chính là sự hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố hiện đại và văn minh, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đồng thời, đó cũng là cách tốt nhất để hiện thực hóa Nghị quyết 33-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”.
Nguyễn Đức Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét