Xem bác Cung mơ...
Sẽ là làn sóng đổi mới
Ông Nguyễn Đình Cung. |
(TBKTSG) - Tư Giang thực hiện
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Nguyễn Đình Cung, người chấp bút chính cho đề án tái cơ cấu kinh tế lần
này, trao đổi với TBKTSG về những ý kiến xung quanh đề án. Ông Cung nói:
- Mục tiêu chính của tái cơ cấu kinh tế là phân bổ lại nguồn lực trong
toàn bộ nền kinh tế nhằm hình thành cơ cấu kinh tế cạnh tranh hơn, tăng
trưởng cao hơn và bền vững hơn. Như vậy, trước hết phải thay đổi hệ
thống khuyến khích để dẫn đến thay đổi hệ thống động lực hiện nay.
Với cách tiếp cận như thế, chúng tôi xác định lại vai trò của Nhà nước,
thị trường và doanh nghiệp, cũng như các bên có liên quan. Chúng tôi
nói rõ là Nhà nước chỉ xây dựng thể chế và chính sách giúp thị trường
vận hành hiệu quả hơn để dẫn đến tái cơ cấu nền kinh tế, chứ Nhà nước
không làm thay doanh nghiệp. Mười ba giải pháp trong đề án đều hướng đến
mục tiêu chung như vậy. Mục tiêu trên xuất phát từ thực trạng là nền
kinh tế không vận hành bình thường. Ví dụ, hệ thống ngân hàng lưu chuyển
tổng tín dụng tương đương với 120% GDP là rất lớn, nhưng lại đang chịu
hàng loạt biện pháp hành chính. Hay đầu tư công, khu vực doanh nghiệp
nhà nước (DNNN) đang chiếm gần 40% đầu tư toàn xã hội nhưng lại rất
thiếu hiệu quả.
Rõ ràng, xử lý hai vấn đề này sẽ giúp nền kinh tế hoạt động bình thường
trở lại, rồi mới thiết lập được những quy luật thị trường và những
chính sách cho thị trường, tức là đưa ra những tín hiệu chính sách dài
hạn hơn. Đó là nền tảng mang tính tuần tự để triển khai đề án.
Tôi biết đang có rất nhiều kiến nghị thành lập một ủy ban độc lập, có thẩm quyền đại diện cho nhiều nhóm để thúc đẩy quá trình cải cách. Đề nghị này được nhiều người ủng hộ, và chắc là phải như thế. |
TBKTSG: Đề án đang bị không ít ý kiến cho là thiếu tính đột phá?
- Ông Nguyễn Đình Cung: Ta định nghĩa thế nào là đột
phá. Có thể có đột phá tổng thể, hay cục bộ, nhưng phải nói đột phá là
gì? Nhiều người nói đột phá thể chế là đúng. Chúng tôi cũng tiếp cận đột
phá thể chế đầu tiên. Phải thay đổi thể chế, thay đổi động lực và thay
đổi phân bổ nguồn lực. Vấn đề là mức độ thay đổi. Thể chế là cả hệ thống
hiện nay, bao gồm cả hệ thống quy định của pháp luật, và quan trọng
hơn, cả hệ thống quan điểm. Có thể có đột phá về hệ thống quan điểm
không? Chẳng hạn, giờ phải xác định lại vai trò của Nhà nước và của
DNNN, và thay đổi lại cơ cấu bộ máy tổ chức nhà nước - tức là phải đặt
lại vấn đề. Theo tôi, tại thời điểm hiện nay, đòi hỏi khả năng đó là
không khả thi. Chúng ta phải chấp nhận trong khuôn khổ hệ thống quan
điểm và tổ chức bộ máy hiện hành những dư địa để cải thiện, giúp phân bổ
nguồn lực tốt hơn và làm cho thị trường vận hành hiệu quả hơn. Mà dư
địa đó còn rất rộng.
TBKTSG: Ví dụ?
- Có vô vàn. Chẳng hạn, hệ thống pháp luật hiện nay có rất nhiều quy
định hành chính bất hợp lý, làm tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Hay việc phối hợp phát triển vùng rất phân tán, manh mún. Hay cải cách
DNNN. Hệ thống quan điểm hiện nay đang muốn thúc đẩy cổ phần hóa và đòi
hỏi minh bạch hóa hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Còn rất nhiều dư địa khác hoàn toàn trong tầm tay. Làm được điều đó,
theo tôi cũng là đột phá lớn. Trong đề án chúng tôi nói rất rõ, chi tiết
là có thể làm đến đâu. Tức là cách tiếp cận mềm trong khuôn khổ của hệ
thống quan điểm hiện hành.
TBKTSG: Nhưng vì sao đề án lại tập trung ưu tiên phát triển
một số ngành công nghiệp mũi nhọn theo kiểu kế hoạch hóa trước đây?
Chẳng hạn như công nghiệp luyện kim hay đóng tàu?
- Cách tiếp cận có khác. Khi nói đến chính sách công nghiệp, rốt cuộc
cũng phải lựa chọn ngành nào đó vì nguồn lực có hạn. Vấn đề là Nhà nước
xây dựng chính sách để ngành đó được nâng đỡ phát triển theo cơ chế thị
trường, thay vì bao cấp hay chỉ huy.
Còn lựa chọn phát triển đóng tàu và luyện kim là vấn đề gây tranh cãi.
Nhiều người muốn đặt dịch vụ lên trước, nhưng Việt Nam đang tiến hành
công nghiệp hóa. Năng lực thực của một quốc gia phải là sản xuất công
nghiệp, trong đó luyện kim là nền tảng. Còn đóng tàu, Việt Nam có truyền
thống từ thời kế hoạch hóa tập trung. Hơn nữa, là quốc gia có bờ biển
dài, Việt Nam thúc đẩy công nghiệp đóng tàu không chỉ có ý nghĩa kinh tế
mà còn nhiều ý nghĩa khác.
Tóm lại, điều quan trọng là thay đổi cách làm. Nhà nước chỉ tạo ra môi
trường, có chính sách nâng đỡ, chứ không giao cho một DNNN nào đó để rồi
có nguy cơ thành Vinashin khác, biến chiến lược ngành thành chiến lược
công ty rất rủi ro.
Đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền
kinh tế giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020” do Bộ Kế hoạch
và Đầu tư xây dựng đã được trình tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội hôm 19-4. Đề án gồm bốn phần. Phần I đánh giá những thành tựu chủ yếu, những yếu kém cơ cấu nội tại và xác định những nguyên nhân của chúng. Phần II xác định mục tiêu tổng quát, nguyên tắc chỉ đạo và định hướng tái cơ cấu kinh tế. Phần III trình bày hệ thống các giải pháp cụ thể để thực hiện các định hướng tái cơ cấu kinh tế và phần IV là tổ chức thực hiện. |
TBKTSG: Đề án đang bị phê phán là không tính đến chi phí. Ông giải thích như thế nào về điểm này?
- Có ý kiến cho rằng, chi phí để tái cấu trúc tương đương 10% GDP. Cá
nhân tôi thừa nhận phải có chi phí để tái cơ cấu, nhưng nếu suy nghĩ là
phải có tiền sẵn mới làm thì không ổn. Thực ra, tôi lo về những thách
thức mà đề án phải đối mặt hơn là chi phí.
TBKTSG: Nhưng rõ ràng, câu chuyện chi phí đang được quan tâm. Ví dụ, Bộ
Giao thông Vận tải nói cần 220.000 tỉ đồng để tái cơ cấu, Bộ Tài chính
từng nói cần 50.000 tỉ để tái cấu trúc hệ thống DNNN?
- Tôi không hiểu họ cần mấy chục ngàn tỉ, hay mấy trăm ngàn tỉ để làm
gì. Tôi nghi ngờ khả năng phải có tiền mới tái cơ cấu, vì khi có tiền
rồi thì việc chia tiền lại mất thời gian nhiều hơn. Vấn đề là nếu không
thay đổi cơ cấu này, chi vẫn như cũ, chẳng có gì mới.
TBKTSG: Những thách thức ông vừa nhắc đến là gì?
- Thay đổi thể chế, động lực và cách phân bổ nguồn lực cần có thời gian
thực hiện. Trong quá trình đó có khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt
Nam không đạt như kế hoạch, tức là có sự đánh đổi trong ngắn hạn và dài
hạn. Điều này đòi hỏi phải có sự đồng thuận.
Thứ hai, hệ thống này đã tạo ra những nhóm người đang hưởng lợi từ cơ
chế hiện hành. Năng lực, tư duy và cách làm việc của họ chỉ phù hợp với
cơ chế cũ. Khi nền kinh tế được cơ cấu lại, những người này sẽ khó thích
nghi. Kết quả là họ sẽ có thể làm chậm quá trình cải cách, hay làm
chệch mục tiêu của đề án.
Thư ba, sẽ có chuyện thất nghiệp phải xử lý.
Thư ba, sẽ có chuyện thất nghiệp phải xử lý.
Chuyện nữa liên quan đến việc mất tiền ở các DNNN đầu tư ngoài ngành do
thị trường chứng khoán đi xuống, giá cổ phiếu sụt giảm. Có thể sẽ mất
nhiều ngàn tỉ đồng, nhưng phải chấp nhận trong ngắn hạn để được cái dài
hạn hơn.
TBKTSG: Ông hình dung như thế nào về dấu ấn của đề án với quá trình phát triển kinh tế đến năm 2015, hoặc 2020?
- Tôi hy vọng hệ thống tài chính sẽ hoạt động bình thường vào năm 2014,
khi đó việc điều hành kinh tế vĩ mô hoàn toàn theo công cụ của cơ chế
thị trường. Đến năm 2015 toàn bộ khu vực DNNN, trừ những lĩnh vực Nhà
nước phải nắm giữ, sẽ được bán hết. Lúc đó, các tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước chỉ tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, được
quản trị tốt, nâng cao trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, cần thay đổi
chính sách tài khóa. Nhà nước cần giảm chi tiêu hơn nữa để giúp giảm
thu, từ đó mới có thể để lại nguồn lực cho kinh tế tư nhân và xã hội.
Lúc đó, triệt tiêu được động lực thúc đẩy doanh nghiệp đi tìm kiếm địa
tô. Mấy năm vừa rồi khu vực “kinh tế thực” thì teo tóp mà “kinh tế ảo”
lại nở rộ vì doanh nghiệp đi tìm kiếm địa tô quá mạnh. Một vấn đề quan
trọng nữa là cần có tuyên bố chính trị cấp cao để khơi lại tinh thần
kinh doanh vốn ít nhiều bị thui chột trong thời gian này. Bằng cách đó,
tôi nghĩ dư địa cho kinh tế tư nhân sẽ mở rộng hơn.
TBKTSG: Nhiều luồng ý kiến bày tỏ hy vọng tái cơ cấu kinh tế lần này là đổi mới lần 2. Ông có hình dung được mong muốn như thế?
- Ngay từ đầu tôi đã từng nói tái cơ cấu kinh tế lần này sẽ là làn sóng
đổi mới. Tôi nhấn mạnh là bối cảnh hiện nay vẫn còn dư địa thay đổi.
Không thể đòi hỏi những thay đổi đột phá đến mức không thể được. Như thế
không khả thi. Mọi cải cách đều có bối cảnh kinh tế chính trị của nó,
chứ không phải trong môi trường không ràng buộc gì.
---------------
Bốn mục tiêu chính của tái cơ cấu
- Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội.- Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp. - Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền. - Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung. - Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.
Các nguyên tắc chỉ đạo và thực hiện
- Thực hiện tăng trưởng hợp lý, bền vững và ưu tiên chất lượng tăng trưởng.- Thực hiện đồng bộ và thống nhất hệ thống các giải pháp tái cơ cấu kinh tế với kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. - Tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền với tiếp tục đổi mới, mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. - Tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét