Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Mô hình Nuôi cá - Trồng rau Aquaponics

Mô hình Nuôi cá - Trồng rau
Aquaponics


1. Aquaponics là gì?
Aquaponics - một hệ thống canh tác mới và đầy tiềm năng trong tương lai ở Việt Nam và trên thế giới. Aquaponics dựa trên các hệ thống sản xuất như chúng ta đã biết trong tự nhiên. Thuật ngữ Aquaponics là sự kết hợp từ Aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và Hydroponics (thủy canh).
Hệ thống thủy canh đòi hỏi người quản lý phải có trình độ kỹ thuật nhất định và tương đối khó khăn trong việc bổ sung chất dinh dưỡng (phân bón, các yếu tố vi lượng,…) tối ưu cho sự phát triển của cây trồng. Nước trong hệ thống thủy canh cần phải được thay định kỳ và sau đó phải bổ sung dinh dưỡng cho phù hợp với sự phát triển của cây. Điều này gây tốn kém, khó khăn cho vận hành hệ thống và gây ô nhiễm môi trường. 


Nuôi trồng thủy sản tập trung vào việc tối đa hóa sự tăng trưởng của cá trong bể hoặc ao nuôi. Cá nuôi trong bể thường có mật độ khá cao, khoảng 10kg/100 lít nước và cần phải thay nước khoảng 20-50% mỗi ngày. Điều này gây tốn kém trong vận hành và gây ô nhiễm môi trường khi mà nước thải trong bể cá chứa một lượng cao amonia và chất thải rắn từ cá.  
Aquaponics là sự kết hợp của cả hai hệ thống: nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Sự kết hợp này mang lại lợi ích thiết thực và tính độc đáo của Aquaponics. Thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để trồng cây, Aquaponics sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây. Ngược lại, thay vì xả nước ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần thay thế khi nó bị mất do bay hơi. Đây là một hệ thống tuần hoàn khép kín hoàn hảo.

2. Tại sao lại sử dụng Aquaponics?

  • Rau củ hoàn toàn tươi và có hương vị tự nhiên nhất
  • Hoàn toàn ″hữu cơ″ và được sản xuất trong hệ thống do bạn quản lý
  • Không chứa thuốc trừ sâu, diệt cỏ hoặc phân bón độc hại
  • Tiết kiệm nguồn nước so với sản xuất truyền thống
  • Tốc độ tăng trưởng và sản lượng cao
  • Không cần đất để trồng cây
  • Không cần diện tích lớn, đặc biệt là ở các đô thị
  • Cá tươi, sạch và đặc biệt không chứa kháng sinh hay chất độc hại
  • Tiết kiệm chi phí mua thực phẩm cho gia đình
  • Bảo vệ môi trường.
3. Ai có thể sử dụng Aquaponics?


Mọi người đều có thể sử dụng Aquaponics vào nhiều mục đích khác nhau. Cá nhân sẽ yêu thích sự dễ dàng và tính linh hoạt của Aquaponics để phát triển sản xuất mà không cần đất hoặc phải lo lắng về các tác nhân gây bệnh và các bệnh lây truyền qua đất. Sản xuất thực phẩm tại nhà không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn giúp mọi thành viên trong gia đình hiểu hơn về mối quan hệ giữa thực phẩm, thiên nhiên và môi trường, thông qua việc chăm sóc cây trồng, cá nuôi các thành viên trong gia đình càng có điều kiện gần gũi nhau hơn và gắn bó hơn. Bạn hoàn toàn an tâm về bữa ăn của mình và biết chắc rằng mình đang ăn loại thực phẩm an toàn nhất do chính gia đình bạn sản xuất. Ngoài ra, bạn cũng có thể thu được lợi nhuận từ việc mở rộng qui mô và thương mại các sản phẩm hữu cơ, sạch được sản xuất từ các hệ thống Aquaponics hầu như không có chất thải và bền vững. Bên cạnh đó, việc sử dụng Aquaponics trong trường học như là một công cụ để giảng dạy cho học sinh về sản xuất nông nghiệp bền vững cũng cần được xem xét và phổ biến.                                                       
4. Aquaponics có phức tạp không ?    
                                                    

Thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống Aquaponics rất đơn giản. Nước giàu dinh dưỡng từ bể cá được bơm qua bể cạn trồng cây (growbed). Thay vì sử dụng đất để trồng cây như kiểu canh tác truyền thống, bạn có thể sử dụng hạt nhựa, sỏi hoặc các giá thể khác. Nước, chất thải rắn từ bể cá sẽ chảy qua lớp hạt nhựa hoặc sỏi và trở về bể cá. Khi đó, chất thải rắn sẽ được giữ lại trên bể cạn trồng cây và chất dinh dưỡng sẽ được cây trồng hấp thu. Một hệ thống Aquaponics đơn giản chỉ gồm một bể cá và một bể cạn trồng cây và việc xây dựng cũng như vận hành hệ thống này rất đơn giản. 


Tuy nhiên, khi đã có kinh nghiệm và muốn phát triển hơn với qui mô lớn bạn có thể xây dựng hệ thống với nhiều bể cá và nhiều bể cạn trồng cây hơn. 

5. Chu trình ni tơ

Một yếu tố vô hình và giữ vai trò cực kỳ quan trong trong hệ thống Aquaponics là các vi sinh vật. Bạn không cần phải bổ sung vi khuẩn cho hệ thống Aquaponics, tự nó sẽ phát triển và giúp bạn vận hành hệ thống ổn định. Các vi khuẩn sẽ phát triển mạnh trong các bể cạn trồng cây (growbed) và giúp chuyển hóa các chất thải từ bể nuôi cá thành dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng phát triển. Bạn không cần phải cung cấp phân bón hóa học vào hệ thống vì điều này có thể làm phá vỡ sự cân bằng của quần thể vi sinh vật trong hệ thống và ảnh hưởng đến sự phát triển của cá.


Có hai loại vi khuẩn khác nhau tham gia vào quá trình chuyển hóa chất thải từ cá thành chất dinh dưỡng cho cây trồng là Nitrosomonas sẽ chuyển hóa amonia thành nitrit. Nitrit sau đó sẽ được chuyển hóa thành nitrate nhờ vi khuẩn Nitrobacter, các loài thực vật sau đó có thể tiêu thụ nitrate để phát triển.
 



 6. Một số băng video minh họa:






7. Kết luận:

Aquaponics là nuôi tôm cá và trồng cây trong một hệ sinh thái tuần hoàn tận dụng vai trò tự nhiên của vi khuẩn để chuyển đổi chất thải của cá tôm thành chất dinh dưỡng cho cây trồng. Tôm cá, cây trồng phát triển một cách tự nhiên nhờ vào sự tận dụng lợi ích của nhau. Đây là phương pháp canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, chi phí vận hành thấp vì chúng ta không cần phải thay nước hay lọc hay thêm phân bón hóa học và không cần diện tích lớn. Bạn có thể tận dụng khoảng không gian nhỏ trước sân hay sau nhà hay thậm chí là trong một góc nhà để lắp đặt hệ thống Aquaponics cho gia đình mình.

Hy vọng mọi người, mọi nhà có thể xây dựng một hệ thống Aquaponics cho riêng mình và tự mình sản xuất ra thực phẩm tự nhiên, sạch, bền vững và thân thiện với môi trường. Đặc biệt là trong thời buổi thực phẩm độc hại tràn lan trên thị trường không kiểm soát được như hiện nay. Vì tương lai của con em chúng ta, vì sức khỏe của chúng  ta, hãy cùng nhau xây dựng cộng đồng Aquaponics Việt Nam!

Đọc thêm kinh nghiệm của chúng tôi:

http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/05/tham-he-thong-aquaponics-cua-anh-trung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét