Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

VỊ TRÍ CỦA MỸ TRONG THẾ GIỚI MỚI

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ bảy, ngày 21/4/2012
TTXVN (Oasinhtơn 16/4)


Đặc san Chủ Nhật của tờ Thời báo Niu Yoóc số ra ngày 8/4 đăng bài viết với tựa đề “Vị trí của Mỹ trong thế giới mới” của tác giả Charles A. Kupchan, Giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown. Ông còn là chuyên gia cao cp của Hội đồng Quan hệ Đi ngoại, cơ quan nghiên cứu về chính sách đối ngoại lớn nhất của Mỹ. Sau đây là nội dung bài viết.
Lại một mùa bầu cử nữa, và các ứng cử viên chính chạy đua vào Phòng Bầu Dục đang ra sức thuyết phục người Mỹ rằng đất nước của họ vẫn đang ở đỉmh cao trong trật tự toàn cầu. Mitt Romney gần đây tuyên bố rằng “thế kỷ này phải là một thế kỷ Mỹ”. Không chịu thua, Tổng thống Obama khẳng định trong Thông điệp Liên bang rằng “bất cứ ai nói rằng Mỹ đang đi xuống đều không hiểu là họ đang nói cái gì”.
Ông Romney và ông Obama có thể hơi quá lời một chút, nhưng họ không xa thực tế bao nhiêu. Cho dù có hai cuộc chiến tranh hao người tốn của, sự tăng trưởng chậm chạm và phân tán quyền lực từ phương Tây cho Trung Quốc và “phần còn lại đang nổi lên” của thế giới, thì sự kết hợp giữa khả năng kiên cường về kinh tế cùng sự vượt trội về quân sự sẽ giữ cho Mỹ ớ vị trí đỉnh cao hoặc gần đỉnh cao trong nhiều thập kỷ nữa.         
Tuy nhiên, họ vẫn bỏ qua một điểm quan trọng. Thách thức lớn nhất với sự thống trị của Mỹ không đến từ sự tái phân phối quyền lực toàn cầu đang diễn ra, mà từ một sự thay đổi tình thế hơn: các mô hình quản trị và chủ nghĩa tư bản mới mà Trung Quốc và các nước mới nổi đang áp dụng.



Mô hình dân chủ, thế quyền và thị trường tự do lâu nay vốn đồng nghĩa với kỷ nguyên của sự thống trị của phương Tây giờ đang bị thách thức bởi chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Trung Quốc, Nga và các nước vùng Vịnh Pécxích. Hồi giáo mang tính chính trị đang nổi lên đồng thời với dân chủ ở khắp Trung Đông. Và chủ nghĩa dân túy thiên tả đang được củng cố từ Ấn Độ tới Braxin. Thay vì đi theo con đường phát triển của phương Tây và ngoan ngoãn chấp nhận vị trí của mình trong trật tự quốc tế tự do, các nước đang nổi lên lại xây dựng những mô hình hiện đại riêng và đẩy lùi các tham vọng tư tưởng của phương Tây.
Khi bước sang thế kỷ này, việc duy trì quyền lực Mỹ sẽ là phần việc dễ dàng. Phần việc khó là điều chỉnh lại trong bối cảnh mất sự thông trị về tư tưởng của Mỹ và tạo ra sự đồng thuận và nhượng bộ trong một thế .giới ngày càng đa dạng và khó kiểm soát.
Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục phớt lờ thực tế mới này và mong đợi sự tuân theo các giá trị phương Tây, họ sẽ không chỉ hiểu lầm về các cường quốc đang nổi lên, mà còn làm mất lòng nhiều quốc gia đã chán việc tuân theo các tiêu chuẩn về quản trị của phương Tây.
Sự chuyển đổi này sẽ không hề dễ dàng. Kể từ thời kỳ thành lập, giới tinh hoa và công chúng Mỹ đã tin vào sự phổ quát của mô hình Mỹ. Sự kết thúc Chiến tranh Lạnh chỉ làm sâu sắc thêm niềm tin này. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, chủ nghĩa tư bản dân chủ dường như trở thành mô hình duy nhất. Nhưng cái được cho là “sự kết thúc của lịch sử” (theo cách gọi của học giả nổi tiếng Francis Fukuyama-ND) đã không tồn tại được lâu. Nhiều quốc gia đang phát triển gần đây đã có đủ sức mạnh về kinh tế và chính trị để củng cố các mô hình mới có thể thay thế lâu dài.
Chẳng hạn, quá trình 30 năm phát triển của Trung Quốc không hề giống với con đường mà châu Âu và Bắc Mỹ đã đi. Con đường của phương Tây được dẫn dắt bởi giai cấp trung lưu, giai cấp đã lật đổ sự toàn trị, kiên trì nguyên tắc tách biệt giữa giáo hội và nhà nước, giải phóng tiềm năng kinh doanh và kỹ thuật công nghệ có vai trò tối quan trọng đối với cuộc cách mạng công nghiệp. Ngược lại, nhà nước toàn trị tại Trung Quốc đã chiến thắng trước giai cấp trung lưu, và với lý do: nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh hơn các đối thủ phương Tây, làm giàu cho tầng lớp tư sản và giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo.
Và trong nền kinh tế toàn cầu nhanh và dễ biến động hiện nay, sự kiểm soát của chủ nghĩa tư bản nhà nước có những lợi thế rõ rệt. Đây là lý do vì sao Nga, Việt Nam và nhiều nước khác đang đi theo mô hình Trung Quốc.
Tương tự, Trung Đông cũng đang có xu hương đi ngược lại mong đợi của Mỹ. Mô hình chính trị “toàn dân tham gia” có thể đang đến với khu vực này, nhưng hầu hết thế giới Hồi giáo vẫn thừa nhận không có sự tách biệt giữa thần quyền và thế quyền; nhà thờ và nhà nước không thể tách biệt, bảo đảm rằng Hồi giáo chính trị đang trở lại khi mà các chế độ độc tài sụp đổ. Một thăm dò vào năm ngoái cho thấy gần hai phần ba người Ai Cập muốn luật dân sự phải phù hợp với Kinh Koran, một trong những lý do chính giải thích vì sao người Hồi giáo gần đây đã vượt lên trong cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này.
Và Ai Cập là điển hình, không phải là ngoại lệ. Mùa Xuân Arập đã chứng tỏ rằng dân chủ hóa không đồng nghĩa với phương Tây hóa, và giờ là lúc Oasinhtơn phải nghĩ lại sự gắn bó lâu dài với các đảng thế quyền trong khu vực.
Đúng, các cường quốc đang nổi như Ấn Độ và Braxin là các nền dân chủ ổn định, thế quyền và có vẻ như đi gần với mô hình phương Tây. Nhưng các nước này đã dân chủ hóa trong lúc phần lớn dân số của họ là dân nghèo thành thị và nông thôn, chứ không phải là tầng lớp trung lưu. Kết quả là, cả hai nước này đã đi theo chủ nghĩa dân túy thiên tả, thận trọng với thị trường tự do và các thể chế đại diện dường như chỉ mang lại lợi ích cho giới tinh hoa có đặc quyền.
Các nền dân chủ đang nổi cũng đang đi theo con đường riêng trong chính sách đối ngoại, làm hỏng nỗ lực của Mỹ muốn biến Ấn Độ thành một đổi tác chiến lược. Niu Đêli bất đồng với Oasinhtơn về các vấn đề từ Ápganixtan tới biến đổi khí hậu, và giờ đang tăng cường quan hệ thương mại với Iran trong lúc Mỹ đang thắt chặt các lệnh cấm vận. Việc đứng lên phản đối Mỳ vẫn nhận được sự hoan nghênh tại Ấn Độ và Braxin, một lý do vì sao Niu Đêli và Brasilia chỉ ủng hộ Oasinhtơn chưa đầy 25% tại Liên hợp quốc.
Oasinhtơn từ lâu mặc định rằng các nền dân chủ của thế giới sẽ đương nhiên liên minh với Mỹ; các giá trị chung đồng nghĩa với lợi ích chung. Nhưng nếu Ấn Độ và Braxin là một chỉ dấu nào đó, thì ngay cả các cường quốc đang nổi với các thể chế dân chủ ổn định sẽ đi theo con đường riêng của mình, hình thành nên một thế giới không còn tuân theo các luật chơi của phương Tây.
Thế kỷ 21 sẽ không còn là lần đầu tiên các cường quốc lớn của thế giới đi theo các mô hình quản trị khác nhau: hồi thế kỷ 17, Đế chế Rôma, Đế chế Ốttôman, Đe chế Mogul, Triều Thanh ở Trung Quốc hay Mạc Phủ Tokugawa ở Nhật Bản đều xử lý các vấn đề theo các luật lệ và văn hóa riêng biệt của mình.
Nhưng các cường quốc đó gần như đã tự kiềm chế. Họ rất ít giao lưu với nhau và vì thế không cần phải đồng thuận về các luật lệ chung cho mối quan hệ giữa các nước.
Ngược lại, thế kỷ này sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử trong đó các viễn kiến khác nhau về trật tự và tính hiện đại cùng tồn tại trong một thế giới liên kết chặt chẽ; phương Tây sẽ không còn bám vào toàn cầu hóa. Các trung tâm quyền lực, và các mô hình mà họ đại diện có tính chất cạnh tranh nhau, sẽ ganh đua trên một sân chơi bằng phẳng hơn. Mô hình quản trị toàn cầu hiệu quả sẽ đòi hỏi phải tạo ra một khoảng sân chung trong bối cảnh phân chia quyền lực bình đẳng và sự đa dạng về tư tưởng.
Với suy nghĩ đó, Oasinhtơn thừa nhận rằng mô hình chủ nghĩa tư bản của Mỹ và dân chủ thế quyền giờ sẽ phải cạnh tranh trên sân chơi đối với các ý tưởng.
Một điều chắc chắn là ngay cả khi có cách tiếp cập đa nguyên hơn, Mỹ nên bảo vệ không chỉ lợi ích của mình, mà còn cả các giá trị. Mỹ nên tiếp tục thúc đẩy dân chủ, kiên quyết bảo vệ nhân quyền và làm những gì có thể để chấm dứt bạo lực bừa bãi giống như điều mà chính phủ Xyri đang làm.
Nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ không làm lợi gì cho đất nước mình khi họ hô hào một thế kỷ Mỹ mới hay lật đổ các chính phủ nước ngoài dưới danh nghĩa truyền bá giá trị phương Tây. Làm như vậy sẽ đẩy ra xa chính các quốc gia mà Mỹ cần sự ủng hộ để đối đầu với các phần tử nguy hiểm và điều hành một thế giới trong đó quyền lực được chia sẻ rộng rãi.
Việc theo đuổi các giá trị của riêng mình trong khi vẫn thừa nhận rằng có những mô hình quản trị có trách nhiệm khác thay thế rốt cuộc sẽ làm gia tăng tính thuyết phục về đạo đức của nước Mỹ, tạo thêm khả năng các nước khác sẽ tôn trọng những ưu tiên của Mỹ giống như Mỹ tôn trọng họ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét