Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Đi tìm gốc rễ của vòng xoáy đình lạm

 
Tư Giang
(TBKTSG) - Những diễn biến kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy Việt Nam lại bắt đầu phải đối mặt với một chu kỳ suy giảm kinh tế nữa. Thực tế này thật ra đã được dự đoán trong lời cảnh báo mà Ngân hàng Thế giới (WB), thay mặt các nhà tài trợ quốc tế đưa ra trong báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” hồi tháng 6-2011: “Vòng luẩn quẩn lạm phát - đồng tiền phá giá - lạm phát đã hình thành và khó phá vỡ”.
Nhận xét của WB rõ ràng phù hợp với thực trạng kinh tế Việt Nam suốt năm năm qua. Mục tiêu chống lạm phát của năm 2008 đã chuyển thành chống suy giảm kinh tế năm 2009 rồi phục hồi tăng trưởng năm 2010. Song, suốt từ năm 2011 đến nay, trọng tâm của chính sách lại phải quay lại chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11. Dù vậy, đến nay thì nền kinh tế, lại một lần nữa, đối mặt với suy giảm kinh tế. Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Võ Trí Thành, nói: “Với một nền kinh tế đang phát triển, mà tăng trưởng kinh tế chỉ 4% (như quí 1) thì rõ ràng đã rơi vào trì trệ”.
Tình trạng này được phản ánh rõ nét trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Báo cáo này nhận định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quí 1-2012 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011 và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua (quí 1-2011 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2010) báo động năng lực sản xuất đang suy giảm. Trong số 32 mặt hàng chủ yếu của ngành công nghiệp thì có đến 18 ngành có tốc độ tăng trưởng giảm. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đột biến, đến cuối tháng 3-2012 tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011. Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ.


Chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, khí đốt, chi phí nhân công tăng cao, tình trạng tồn kho và lãi suất cho vay cao đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp. Liên quan đến lạm phát, báo cáo này nhận xét, tăng CPI ở mức thấp cũng thể hiện những hậu quả khó khăn từ năm 2011, đặc biệt là suy giảm tổng cầu đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước ta trong quí 1-2012. Có ý kiến cho rằng, từ quí 2-2012, nền kinh tế sẽ đứng trước sức ép ngày càng tăng về tăng giá một số hàng hóa và có thể lặp lại tình trạng lương tăng - giá tăng của những năm trước đây. Nhận xét như trên của Ủy ban Kinh tế phản ánh lo ngại về đợt suy giảm kinh tế mới mà nền kinh tế một lần nữa đang gặp phải.
Câu hỏi đặt ra, điều gì đã làm nền kinh tế lâm vào vòng xoáy đình lạm suốt năm năm qua mà khó thoát ra được.
Các chuyên gia kinh tế khác nhau đều đưa ra nhận định chung: nó bắt nguồn từ cơ cấu kinh tế lạc hậu, khi đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước quá lớn mà thiếu hiệu quả.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phân tích điều này khá chi tiết trong một tham luận gửi đến hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ở Đà Nẵng gần đây. Theo ông Thiên, tình hình kinh tế khó khăn năm 2011 và hiện nay có căn nguyên từ sự yếu kém cơ cấu bên trong của nền kinh tế, từ mô hình tăng trưởng, từ cơ chế phân bổ nguồn lực kém hiệu quả, từ năng lực của hệ thống quản trị và điều hành vĩ mô khi đối mặt với hội nhập, với sự bùng nổ của cả cơ hội và thách thức phát triển khi chúng cùng ập vào nền kinh tế.
Ông Thiên phân tích tương quan giữa mức độ tăng vốn đầu tư, tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát qua ba kỳ kế hoạch năm năm (1996-2000; 2001-2005 và 2006-2010) để rút ra nhận định tổng quát: trong dài hạn, nền kinh tế có xu hướng hoạt động ngày càng kém hiệu quả, thể hiện ở chỗ đầu tư liên tục tăng với nhịp độ ngày càng cao trong khi tốc độ tăng GDP hầu như không thay đổi, còn lạm phát lại tăng rất nhanh. Ông Thiên bày tỏ lo ngại, nền kinh tế đang bộc lộ xu hướng đi tới vòng xoáy “đình trệ - lạm phát”. Càng đầu tư nhiều vốn, các điều kiện phát triển cơ bản về đầu tư và thương mại càng thuận lợi thì dường như nền kinh tế càng gặp khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế lâm vào vòng xoáy đình lạm suốt năm năm qua mà khó thoát ra được bắt nguồn từ cơ cấu kinh tế lạc hậu, khi đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước quá lớn mà thiếu hiệu quả.
TS. Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng nhận định với ông Thiên. Ông Thành đặt câu hỏi: “Bất ổn vĩ mô có phải là tất yếu hay không khi mà mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên mở rộng đầu tư và chất lượng đầu tư ngày càng giảm?”.
Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan, chiếm nguồn lực lớn song đầu tư phân tán tới mức quán quân thế giới. Tình trạng này, theo tính toán của ông Thành, đã làm khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm ở Việt Nam luôn ở mức cao tới 10% trong nhiều năm nay. Hệ quả là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đòi hỏi đầu tư tăng cao và mở rộng đầu tư nên kéo dài khoảng cách đầu tư - tiết kiệm. Khoảng cách này thường được bù đắp bằng nguồn vốn nước ngoài. Nhưng nguồn vốn nước ngoài giảm sút, khiến phải bù đắp bằng nguồn vốn trong nước nên gây ra lạm phát, và gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong khi những chính sách chống lạm phát kém hiệu quả, Nhà nước buộc phải dùng biện pháp hành chính gây méo mó nền kinh tế. “Rốt cuộc là vòng tròn này lại lặp lại trong suốt năm năm qua”, ông nói trong một hội thảo gần đây.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, đồng tình. Ông Tuyển cho rằng, chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư được bù đắp bằng vốn tín dụng và bội chi ngân sách là nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô. “Mà đầu tư lại tập trung vào doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả nên vòng xoáy lạm phát khó thoát ra được”.
Theo tính toán của ADB, Việt Nam sẽ lại phải đối mặt với lạm phát cao 11,5% trong năm 2013. Cảnh báo này lại gây lo âu một vòng xoáy lạm phát mới. Chính vì thế, khi việc xử lý suy giảm kinh tế trong giai đoạn hiện nay cần phải hết sức thận trọng. Việc dồn dập kích cầu, hỗ trợ lãi suất năm 2009 rõ ràng không thể áp dụng cho thời điểm hiện nay. Song, Nhà nước cũng không thể đứng quan sát những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét