Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

(1) Tử thư Tây Tạng

(1) Tử thư Tây Tạng


Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phật giáo Tây Tạng
Tam.jpg
Guru Rinpoche - Padmasambhava statue.jpg
Tông phái
Giáo lí & Khái niệm
Nhân vật
Tử thư (zh. 死書, bo. bardo thodol བར་དོ་ཐོས་གྲོལ་, nguyên nghĩa là “Giải thoát qua âm thanh trong Trung hữu”, en. liberation through hearing in the Bardo). Là một Tàng lục (bo. gter ma གཏེར་མ་), được xem là trứ tác của Đại sư Liên Hoa Sinh (sa. padmasambhava), gồm những lời khai thị cho người sắp chết (Tử). Tử thư được tìm thấy khoảng thế kỉ thứ 14.
Giai đoạn của cái chết được chia làm ba phần, liên hệ chặt chẽ với Tam thân Phật:
  1. Trong giai đoạn đầu ngay sau khi chết, Pháp thân (sa. dharmakāya) xuất hiện dưới dạng Tịnh quang (sa. ābhāsvara), ánh sáng rực rỡ;
  2. Trong giai đoạn hai, Báo thân (cũng gọi là Thụ dụng thân, sa. saṃbhogakāya) xuất hiện dưới dạng Ngũ Như Lai hay Phật gia (sa. buddhakula), gồm hình dáng các vị Phật với những màu sắc khác nhau;
  3. Trong giai đoạn ba, Ứng thân (sa. nirmāṇakāya) xuất hiện dưới dạng sáu đường tái sinh (Lục đạo) của Dục giới (Vòng sinh tử, sa. bhavacakra).
Trong cả ba giai đoạn đó, thần thức của người chết có thể đạt giải thoát bằng cách lắng nghe lời khai thị để nhận ra tất cả là do tâm thức mình đang chiếu hiện mà nhờ vậy đạt Niết-bàn.
Giáo pháp Tử thư cũng được tìm thấy trong Na-lạc lục pháp (bo. nāro chodrug ནཱ་རོ་ཆོས་དྲུག་), Đại cứu cánh (bo. dzogchen རྫོགས་ཆེན་) và cả trong Bôn giáo của Tây Tạng. Ban đầu, đây là một phép tu (thành tựu pháp, sa. sādhana) dành cho hành giả quán cảnh tượng cái chết, một phương pháp tu của Mật tông. Dần dần theo thời gian, Tử thư trở thành nội dung khai thị trong lễ cầu siêu cho người chết. Dựa trên Tử thư, lễ này chia làm nhiều giai đoạn, từ lúc miêu tả cảnh tượng lúc chết, đến lúc xuất hiện các ánh sáng, phương thức chủ động lựa chọn nơi chốn đầu thai.
Quá trình chết được Tử thư miêu tả như một giai đoạn dần dần rủ bỏ thân Tứ đại, các uẩn (Ngũ uẩn) dần dần hoại diệt. Khi cái chết vừa đến, thế giới ngoại quan vừa tan rã thì thể tính sâu kín nhất của tâm liền xuất hiện dưới dạng ánh sáng rực rỡ, được gọi là Cực quang (sa. ābhāsvara), hoặc Tịnh quang. Nếu người chết không tự nhận biết thời điểm để tự “đồng hoá” với ánh sáng này đạt giải thoát thì sẽ “bất tỉnh ba bốn ngày” và sau đó tỉnh dậy với một thân được hình thành bằng ý thức—Thức thân (sa. manokāya)—thân này sẽ là chủ thể cảm nhận các kinh nghiệm tiếp theo.
Trong 14 ngày sau đó—khoảng thời gian được gọi là Pháp tính trung hữu (sa. dharmatāntarābhava)—chủ thể đó sẽ thấy hiện ra Ngũ Phật và quyến thuộc (Phật gia), chứng kiến sự xuất hiện của 42 Thần thể dưới dạng tịch tĩnh (sa. śānta) và 58 vị dưới dạng phẫn nộ (sa. krodha). Các Thần thể này xuất hiện trong phạm vi của một Mạn-đồ-la và người ta có thể miêu tả chính xác chư vị trong Tử thư được là vì sử dụng một Thành tựu pháp (sa. sādhana) với khả năng bao hàm, soi rọi tất cả những cảm xúc, tâm trạng của một cá nhân. Khía cạnh tính Không—tính trống rỗng của chư pháp—được biểu hiện qua các Thần thể dưới dạng tịch tịnh, khía cạnh sáng rõ được biểu hiện qua các vị phẫn nộ. Tử thư khai thị người chết rằng những hình ảnh không có thật chất—chúng chỉ là phản ánh, là những trình hiện của chính tâm thức.
Nếu thần thức cũng không trực chứng được điều này, thân trung hữu chuyển qua một giai đoạn khác kéo dài 28 ngày—được gọi là Trung hữu của sự trưởng thành và tái sinh (sa. bhavāntarābhava). Trong 21 ngày đầu, trung hữu sẽ sống lại các Nghiệp mình đã tạo ra, 7 ngày sau là giai đoạn thần thức tìm một nơi tái sinh.

Giới thiệu về quyển sách Tử Thư Tây Tạng:
Tử Thư Tây Tạng (Tibetan Book of the Dead) hay nguyên tác Bardo Thodol Chenmo là một cuốn sách đặc biệt đề cập đến các cảnh giới bên kia cửa tử. Ngay từ khi được giáo sư W.Y.Evens Wentz phiên dịch ra Anh ngữ vào năm 1924, nó đã gây ra nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi. Danh từ “Tử Thư” (Book of the Dead) thực ra dịch không được đúng vì giáo sư Evans Wentz đã căn cứ trên một cuốn sách nổi tiếng của Ai Cập, cũng đề cập đến một cảnh giới bên kia cửa tử, gọi là Tử Thư Ai Cập (Egyptian Book of the Dead). Danh từ “Tử Thư” khiến nhiều người hiểu lầm, cho rằng đó là sách dành cho người chết hoặc để dùng trong các nghi lễ chôn cất người chết. Thật ra nội dung cả hai cuốn sách nói trên rất phong phú, chứa đựng nhiều tinh hoa huyền môn, dùng cho người sống cũng như người chết.



Người Ai Cập chủ trương sống và chết là một nghệ thuật mà người ta có thể học hỏi. Tử Thư Ai Cập, nguyên tác Her Em Hru có thể dịch sát nghĩa là “Nghệ thuật bước vào một đời sống mới kể từ lúc này”, trong đó các danh sư Ai Cập đã giải thích những quy tắc để người sống cho ra sống và chết cho ra chết, với đúng ý nghĩa của nó. Người Ai Cập tin rằng vũ trụ có nhiều cõi giới mà cõi trần chỉ là một mà thôi. Nếu biết nghệ thuật sống và chết, người ta có thể di chuyển luân hồi từ cõi này qua cõi khác như người đi du lịch. Có lẽ đó là lý do mà nhiều nhà nghiên cứu đã coi Tử Thử Ai Cập như tấm bản đồ chỉ dẫn về các cõi giới bên kia cửa tử. Tuy nhiên các danh sư Ai Cập không hề quan tâm đến việc giải thoát ra khỏi vòng luân hồi này. Trong khi đó, người Tây Tạng ngoài việc nghiên cứu các cõi giới, lại đặc biệt chú trọng đến việc giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi nữa. Đó là căn bản khác biệt rõ rệt nhất giữa hai cuốn sách nói trên và đống thời cũng làm nổi bật nét độc đáo của cuốn Tử Thư Tây Tạng.

 Tây Tạng trước năm 1950



Trước khi đi xa hơn vào chi tiết của cuốn sách này, chúng ta hãy tìm hiểu danh xưng của nó. Nguyên tác Bardo Thodol Chenmo có tạm dịch là “Sự giải thoát khi được học hỏi (hay nghe nói) về mật pháp Bardo”. Nhiều người đã dịch danh từ Bardo là cõi chết, cõi trung giới, hay cảnh giới của Thân Trung Ấm, nhưng thật ra nó còn có một ý nghĩa rộng hơn là “sự chuyển tiếp” (transition). Danh từ “chuyển tiếp” hàm ý một giai đoạn ở giữa sự di chuyển từ giai đoạn này qua một giai đoạn khác hay từ trạng thái này qua một trạng thái khác. Tử Thư Tây Tạng là một cuốn sách thuộc về giáo lý mật truyền nên rất khó hiểu, khó giải thích, và đã gây nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi trong giới học giả. Dĩ nhiên người ta không thể hiểu nó nếu không nắm vững được căn bản của Mật Tông. Người ta cũng khó có thể áp dụng các phương pháp trong đó nếu không được sự chỉ dẫn khẩu truyền của các danh sư Tây Tạng chuyên tham cứu về pháp môn này. Trong loạt bài khảo luận ngắn này, người viết không có ý mong cầu có thể giải thích được sự vi diệu của cuốn sách trên, nhưng chỉ muốn trình bày một vài khía cạnh đặc biệt của cuốn sách dưới cái nhìn của của khoa họcPhật học.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng Tử Thư Tây Tạng là sách hướng dẫn người ta sắp lìa đời hoặc người đã chết vì nội dung cuốn sách đề cập rất kỹ đến các quy tắc cúng lễ, cầu siêu hay hướng dẫn cho người đang hấp hối. Tuy nhiên, đức Đạt Lai Lạt Ma lại gọi nó là Sinh Thư (Book of the Living) thay vì Tử Thư. Ngài nhấn mạnh: “Đạo Phật là đạo dành cho người sống chứ không phải người chết”. Ngài đã giảng: “Trọn bộ Tử Thư có thể thâu gồm vào một ý chính như sau: Người nào biết sống một cách tỉnh thức thì sẽ chết tỉnh thức, và một khi đã tỉnh thức thì họ có thể chuyển thần thức, tránh được sự lôi kéo của nghiệp và thoát khỏi sinh tử luân hồi. Đa số con người vì bị vô minh che phủ nên không biết cách sống cho đúng với ý nghĩa của sự sống, thường thường nếu không hoài niệm về quá khứ thì họ cũng mơ tưởng về tương lai, họ luôn luôn ‘lo lắng để sống’ chứ không hề ý thức rõ rệt sự sống. Vì sống một cách u mê, không tỉnh thức như vậy nên khi chết thì họ cũng không thể làm chủ được hoàn cảnh khi ấy, dĩ nhiên họ sẽ hoàn toàn để nghiệp lực lôi kéo và trôi nổi trong sáu nẻo luân hồi”. Lời giải thích này là một chìa khóa quan trọng đã rọi một tia sáng cho những người muốn tìm hiểu cuốn Tử Thư Tây Tạng. Người ta có thể coi nó là một Sinh Thư, sách hướng dẫn cho người sống, khuyên họ phải sống làm sao để khi chết có thể tự chủ, tỉnh thức để thoát luân hồi, hoặc người ta cũng có thể coi nó là một Tử Thư, sách hướng dẫn cho người chết biết cách tìm đến những cõi giới tốt lành, tránh đọa lạc vào ba đường ác là Ngạ quỷ, Địa ngụcSúc sinh.
Theo cuốn Tử Thư, vòng luân hồi có thể tạm chia ra làm bốn phần hay bốn giai đoạn như sau: Giai đoạn sống là khoảng thời gian từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, nói giản dị thì đó là một kiếp người. Giai đoạn chết là khoảng thời gian từ khi rời bỏ thể xác cho đến khi bước sang Cõi Sáng (Dharmata). Giai đoạn thứ ba là lúc sống trong Cõi Sáng, một khoảng thời gian rất đặc biệt khi thần thức được khai mở để kinh nghiệm chân tâm. Giai đoạn thứ tư là giai đoạn tái sinh, khoảng thời gian từ lúc chuẩn bị để tái sinh cho đến khi sinh ra.
Các danh sư Tây Tạng tin rằng trong lúc chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, cơ hội để giải thoát hay để phá tung lưới sinh tử có thể thực hiện được. Đó chính là mật pháp của cuốn Tử Thư Tây Tạng hay sự giải thoát nhờ biết cách chuyển thần thức, không để bị nghiệp tiếp tục dẫn đi vào vòng sinh tử luân hồi. Trạng thái chuyển tiếp giữa hai giai đoạn là một cơ hội đặc biệt có thể được giải thích qua thí dụ sau: Thử tưởng tượng một người làm việc khó nhọc và xây dựng được một sự nghiệp lớn. Vì một biến cố chi đó mà chỉ trong giây phút bỗng nhiên anh mất hết tất cả: Nhà cửa, tài sản, vợ con, danh vọng, quyền thế. Hiển nhiên tâm hồn anh bị xúc động mạnh khiến anh chới với, hụt hẫng không biết phải làm gì. Ngay trong giây phút đó, tự nhiên anh bỗng cảm thấy như vừa trút bỏ được một gánh nặng, không phải khó nhọc, không phải lo lắng nữa. Cái cảm giác này chỉ tồn tại rất ngắn vì hiển nhiên bộ óc lý luận của anh sẽ làm việc ngay, nó sẽ thu xếp mọi sự để đi đến một kết luận về biến cố vừa xảy ra kia. Nó sẽ quy lỗi cho một nguyên nhân nào đó khiến anh cảm tức giận hay tuyệt vọng. Chính vì thói quen lý luận này mà anh bị lôi kéo vào một mê hồn trận khiến tâm hồn anh luôn luôn bị động, không còn tự chủ được nữa. Cái giây phút ngắn ngủi của sự tĩnh lặng thoảng đến trong lúc đầu, trước khi lý trí của anh hành động, chính là cơ hội ngàn vàng để anh có thể tránh được sự lôi kéo vào trạng thái bị động này. Cũng giống như giây phút “hốt nhiên chứng ngộ” của các vị thiên sư, đó là một khoảng trống mà một người biết sống trong tỉnh thức có thể sử dụng để kéo dài cái trạng thái tĩnh lặng đó, không để cho bộ óc lao xao đầy lý luận lôi kéo và chính đó là cơ hội mà sự giải thoát có thể xảy ra. Giai đoạn chuyển tiếp giữa sự sống và sự chết cũng như thế, chỉ một hơi thở đầy tỉnh thức mà một người công phu tu tập có thể phá tung lưới sinh tử, thoát vòng kiềm tỏa của nghiệp lực.
Nghiệp lực là sức mạnh của các thói quen xuất phát từ thân, khẩu và ý. Chúng sinh trải qua bao kiếp luân hồi đã tạo biết bao nhiêu nghiệp lành cũng như dữ, dưới hình thức của chủng tử này sẽ phát động. Nghiệp có thể chia làm hai loại: Tích lũy nghiệp, là nghiệp chất chứa từ lâu, tùy theo nhân duyên dần dần phát động, và Cận tử nghiệp phát động ngay trước khi chết. Thí dụ một người làm nhiều việc lành đáng kể nhưng trước khi chết lại gây ra một nghiệp ác và nghiệp quả này phát động ngay (Cận tử nghiệp) nên thay vì được hưởng các điều lành, người đó lại bị đọa lạc vào ba đường ác. Dĩ nhiên những nghiệp lành kia không hề mất nhưng tiềm ẩn và sau khi trả dứt nghiệp ác, người nọ sẽ hưởng các điều lành theo đúng nguyên tắc của luật nhân quả. Vì không ai biết nghiệp quả nào sẽ tạo tác trong giờ phút lâm chung nên sự tỉnh thức và tự chủ trước khi chết là một yếu tố hết sức quan trọng. Cuốn Tử Thư đã ghi rõ: “Tâm trạng của người chết sẽ quyết định cảnh giới nào mà người đó sẽ đến”, do đó cuốn sách này đã dành hẳn ra một chương cho các nghi thức hướng dẫn người lúc hấp hối để họ có thể thoải mái, an lành khi bước vào thế giới bên kia.
Sogyan Rinpoche, một nhà sư Tây Tạng nổi tiếng thế giới chuyên nghiên cứu về các cảnh giới bên kia cửa tử đã viết: “Không gì làm tôi ngạc nhiên bằng thái độ của người Âu Mỹ đối với sự chết. Hình như người ta coi đó là một sự kiện bất bình thường, một điều ghê tởm đáng sợ và đáng tránh. Tôi thấy hình như đa số mọi người đều qua đời tại những nơi chốn xa lạ như tại bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão, rất ít ai được chết yên ổn tại nhà. Đã thế họ qua đời không người hướng dẫn, không ai cử hành một nghi thức nào cho đến khi người đó hoàn toàn chết hẳn. Lần đó tôi gặp một thiếu phụ đang hấp hối về chứng ung thư. Cả gia đình tề tựu an ủi và khuyên bà ta hãy cố gắng chống trả căn bệnh ngặt nghèo đó. Người chồng nói: ‘Đừng tuyệt vọng. Đừng buôn xuôi tay. Hãy tiếp tục phấn đấu’. Các con bà cũng khuyên: ‘Hãy vui vẻ, lạc quan’. Dường như họ nghĩ rằng việc phấn đấu và lạc quan đó sẽ làm cho căn bệnh ngặt nghèo kia phải chấm dứt. Người đàn bà đã mệt lắm rồi, mạch bà đập yếu ớt. Bác sĩ khám nghiệm và xác nhận bà chỉ có thể sống trong vòng vài giờ nữa thôi. Cả gia đình bèn rút lui để lo việc tống táng, mặc cho thiếu phụ chịu đựng giờ phút ghê gớm, đầy sợ hãi lúc lâm chung đó là một mình, không ai giải thích cho bà biết cách chấp nhận sự chết, không ai chia sẻ giờ phút kinh khủng đó với bà, không ai hướng dẫn cho bà, mà mặc bà chịu đựng nỗi đau đớn vô vàn đó một mình. Hiển nhiên truớc hoàn cảnh như thế, làm sao bà có thể ung dung mà bước qua cõi giới bên kia được? Tại sao một quốc gia đã phóng được phi thuyền lên tận không gian lại không có đủ những tiện nghi tối thiểu để giúp người chết thoải mái về phương diện tinh thần? Điều ngạc nhiên thứ hai của tôi là sự xa xỉ quá độ trong các nghi thức tống táng. Người Âu Mỹ có thể tổ chức những đám tang rất tốn kém với những cỗ quan tài trị giá bằng cả một gia tài, những vòng hoa khổng lồ, những ban nhạc được thuê bao đặc biệt, nhưng hình như không ai có thời giờ chân thành cầu nguyện cho người quá cố cả. Mặc dầu vẫn có những nghi lễ tôn giáo nhưng gia quyến quá bận rộn đón tiếp những người đến chia buồn nên đã quên rằng người cần được giúp đỡ là người vừa nằm xuống chứ đâu phải là những người còn sống. Phải chăng họ ỷ lại vào các giáo sĩ chuyên nghiệp cầu nguyện là đủ rồi? Có lẽ vì việc không chấp nhận sự chết, sợ hãi sự chết, ghê tởm sự chết mà họ đã hành động như vậy chăng? Nếu họ hiểu rằng chết là một sự kiện tự nhiên, một diễn tiến bình thường như người đi du lịch nơi xa, hay được học hỏi về cảnh giới bên kia cửa tử thì có thể họ đã hành động khác”.
Bác sĩ Elizabeth Kubler Ross, một nhà khảo cứu nổi tiếng nhất hiện nay về sự chết, cũng đã viết: “Một bác sĩ trẻ tuổi mới tốt nghiệp đến gặp tôi. Anh vừa khóc vừa nói: ‘Ngày đầu nhận việc tại một bệnh viện, tôi gặp một bệnh nhân già yếu đang hấp hối, thân quyến của ông ở xa chưa về kịp nên ông nằm một mình với nỗi lo sợ hằn trên khuôn mặt đầy vết thời gian. Ông nắm chặt tay tôi như không muốn rời: ‘Này bác sĩ, liệu Thượng Đế có cứu tôi không? Tôi là kẻ có tội, tôi đã làm nhiều điều tội lỗi, liệu tôi có xuống địa ngục không?’ Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi là một bác sĩ y khoa, không phải một giáo sĩ. Tôi không hề được huấn luyện để đối phó với trường hợp như thế. Tôi cố gắng gỡ tay ông lão ra nhưng ông bám chặt lấy tay tôi không rời. Hai người y tá phải bước đến dùng sức mạnh mới gỡ được bàn tay của ông lão ra. Chúng tôi quyết định đưa ông lão vào một căn phòng tối để ông có thể chết một cách yên tĩnh. Ông nằm đó rên rỉ về những cảnh tượng địa ngục mà ông nghĩ sẽ phải đến. Chúng tôi cho gọi vị giáo sĩ trực trong bệnh viện đến giúp ông ta, nhưng lúc đó có quá nhiều người chết, vị này bận rộn không thể đến được. Ông lão nằm đó rên rỉ suốt mấy ngày liền, không sao chết được. Vị bác sĩ trẻ tuổi đặt câu hỏi: ‘Thưa bà, trong trường hợp như vậy tôi phải làm gì đây?” Bác sĩ Kubler Ross nhấn mạnh: “Điều đáng nói là đa số chúng ta, những người chuyên môn trong lãnh vực y khoa, không hề có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi kể trên. Phải chăng chúng ta đã trở nên mất nhạy cảm, lạnh lùng sắt đá trước sự chết? Phải chăng đã chứng kiến quá nhiều cảnh tượng này nên chúng ta không buồn lưu tâm đến vấn đề đó nữa? Phải chăng sau khi đã làm tròn bổn phận một y sĩ là cố gắng cứu chữa bệnh nhân nhưng biết không thể làm gì hơn, chúng ta đã bó tay, mặc cho số mệnh mà quên rằng điều bệnh nhân cần là sự giúp đỡ của chúng ta trên phương diện tinh thần chứ không phải vật chất nữa?”
Thế nào là sự giúp đỡ trên phương diện tinh thần? Theo các danh sư Tây Tạng, điều quý báu nhất một người có thể giúp cho người sắp từ trần là làm sao để họ không sợ hãi (vô uý thí). Trước khi có thể giúp cho người khác không sợ hãi thì chính người cho phải bình tỉnh, thoải mái và không sợ hãi đã. Điều này không đòi hỏi người cho phải làm những điều gì khác thường nhưng ít ra người đó phải có một lòng yêu thươnng chân thành và sự hiểu biết sáng suốt. Vì người sắp chết thường lo lắng, hốt hoảng, có thể nói năng hàm hồ, không sáng suốt do đó người đến an ủi phải biết cách lắng nghe, giữ yên lặng để cho người kia thổ lộ tâm can. Thông thường sau khi được nói một cách thoải mái, người sắp chết dần dần bình tĩnh và bày tỏ nỗi lo sợ, lòng nghi ngờ, các thắc mắt hay tâm trạng của họ đối với đời sống. Cuốn Tử Thư ghi nhận: “Đây là lúc các chủng tử chất chứa trong tàng thức bắt đầu phát động, các yếu tố của Cận tử nghiệp bắt đầu hiện hành, giống như một ngọn đ èn sắp cạn dầu chỉ còn bùng lên một lúc trước khi tắt ngún…” Các danh sư Tây Tạng khuyên: “Hãy cố gắng giữ yên lặng, lắng nghe người sắp chết tâm sự, hãy mở rộng tâm hồn, tránh không phán đoán hay phản ứng vì không gì tai hại hơn sự phán đoán trong lúc này. Hãy đem hết tình thương truyền trao cho họ, khuyến khích họ giãi bày tâm sự và đừng quan trọng hóa những điều họ nói đó. Đôi khi vì những chủng tử xấu phát động mà người đó có thể nổi sân si, la hét mắn chửi, kêu gào vào những lúc bất ngờ nhất. Hãy tự chủ và biết rằng một người đang mất bình tĩnh, đang chịu đựng những nghiệp quả bất ngờ, không ý thức rõ rệt vì về hoàn cảnh lúc đó thật không đáng trách. Nhiều người vì quá thương xót đã lên tiếng khuyên giải nhưng sự kiện này có thể làm người sắp chết thêm giận dữ mà thôi. Sự yên lặng, chăm chú lắng nghe và không phản ứng là món quà quý giá nhất, vì hơn bao giờ hết, người sắp chết đang cần sự thông cảm và thương yêu. Đừng nghĩ rằng mình có thể cứu được người kia hay có thể làm được điều gì tốt hơn mà hãy giữ yên lặng vì chúng ta không biết rõ được tâm thức của người sắp chết khi đó ra sao”. Để giữ bình tĩnh và lắng nghe, các vị thầy Tây Tạng đã chỉ dạy một phương pháp quán tưởng như sau: “Hãy giữ vững hơi thở cho thật đều, đừng xem người sắp chết như một người thân hay một người đang cần giúp đỡ mà hãy quán rằng họ là một vị Phật sắp thành. Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, hãy quán rằng họ là một vị Phật sắp thành có hào quang sáng chói, mọi sự đau khổ, kêu la than khóc của họ chỉ là một đám mây mù và trước sau sẽ tan ra khi ánh sáng của Phật tánh chiếu sáng. Nhờ phép quán đó mà người giúp đỡ sẽ khơi dậy mầm mống thương yêu nơi mình, bình tĩnh và hoàn tất việc yên lặng lắng nghe một cách hữu hiệu hơn”.
Sự yên lặng, lắng nghe là bước đầu tiên trong việc giúp đỡ người sắp qua đời, nhưng nếu đã thành công trên phương diện này, người ta có thể đi vào bước thứ hai là việc làm khơi dậy các chủng tử thiện. Cuốn Tử Thư ghi nhận: “Trong tàng thức con người có đầy đủ mọi hạt giống thiện ác, xấu tốt và nếu biết khéo léo khơi dậy các chủng tử thiện, sẽ giúp cho người sắp chết tránh được các Cận tử nghiệp xấu xa”. Khi người sắp chết thố lộ tâm sự, đừng chú ý tới những điều tội lỗi, xấu xa người đó đã làm mà chỉ nên đặc biệt chú trọng đến những điều người đó hãnh diện, thích thú, tự hào. Lúc lâm chung, ai cũng cảm thấy sợ hãi, lo sợ, hối hận hay tuyệt vọng, nhưng đôi khi họ cũng vô tình đề cập đến một điều gì tốt đẹp mà họ đã làm. Hãy khuyến khích hay nhắc nhở người đó khai triển đề tài này để cho thần thức của họ bớt mặc cảm sợ hãi, để họ thấy rằng cuộc đời của họ cũng có những lúc tốt đẹp, tươi sáng đem lại cho họ một hy vọng. Nếu họ chuyển qua những viêc vừa ý hơn điều bất như ý thì các chủng tử xấu xa, tội lỗi không có dịp phát động, nhường chỗ cho các chủng tử thiện và điều này có thể đem lại những kết quả tốt đẹp bất ngờ.
Trong khóa huấn luyện các bác sĩ y khoa, bác sĩ Elizabeth Kubler Ross đã dạy: “Thật không có gì tốt đẹp hơn là làm cho người sắp chết trút được nỗi lo sợ, đem lại cho họ một niềm hy vọng. Nếu một người đặt câu hỏi: ‘Tôi là kẻ tội lỗi, liệu Thượng Đế có tha thứ cho tôi hay không?’ thì các bạn phải biết trả lời: ‘Thượng Đế chính là tình thương. Trong tình thương luôn luôn có sự tha thứ. Chúng ta đều là con của Ngài thì lẽ nào Ngài lại có thể không tha thứ cho con của Ngài được?’ Hiển nhiên không phải người nào cũng có đức tin tôn giáo, nhiều người nghĩ rằng nếu đem đức tin đến cho người sắp chết thì họ sẽ được thoải mái hơn. Bác sĩ Rubler Ross khuyên: “Chúng ta cần thận trọng trong việc này. Nếu người đó yêu cầu, dĩ nhiên chúng ta nên làm, còn nếu không, đừng nên quan trọng hóa nó. Biết đâu trong đời người đó đã có ác cảm với một tôn giáo nào đó và việc khơi dậy nhữnh điều này có thể mang lại những hậu quả tai hại bất ngờ”.
Phần lớn mọi người đều sợ chết vì không ai biết chết sẽ đưa họ đến đâu! Cái quan niệm chết là hết, là mất tất cả, nhà cửa, tài sản, vợ con, thân quyến, và ngay cả chính mình nữa là một điều hết sức ghê gớm không mấy ai muốn nghĩ đến. Đó là chưa kể sự sợ hãi về một nơi gọi là “địa ngục” nên hiển nhiên chẳng ai muốn giáp mặt với sự chết hay có thể chấp nhận nó dễ dàng.
Bác sĩ Elizabeth Kubler Ross đã phân tích tâm trạng con người khi phải giáp mặt với sự kiện này qua năm trạng thái tâm lý như sau: Phủ nhận, giận dữ, lý luận, buồn nản, và chấp nhận. Hiển nhiên thoạt biết mình bị bệnh nặng có thể chết, trạng thái tâm lý tự nhiên của con người là phủ nhận nó. Nhiều bệnh nhân đã từ chối không chịu uống thuốc hay chấp nhận việc chữa trị. Họ tự đánh lừa mình rằng họ không làm sao hết, họ đổ lỗi cho bác sĩ chẩn bệnh sai, rồi tìm một bác sĩ nào đó có thể nói khác hơn. Giai đoạn này thường kéo dài rất lâu, gây khó khăn cho việc chữa trị. Nhiều người đã không vượt qua được trạng thái này và đến khi chết vẫn tin rằng mình không hề làm sao cả. Nếu vượt qua giai đoạn phủ nhận này thì đa số thường trở nên giận dữ, than thân trách phận, tìm cách trách móc, đổ lỗi cho những người chung quanh. Họ dễ nổi giận vô cớ, hay gây gổ và có những lời nói hay cử chỉ nóng giận bất thường. Có người đến khi trút hơi thở cuối cùng vẫn còn chỉ trích, trách móc người khác. Vượt được giai đoạn này, phần lớn người bệnh rơi vào trạng thái tâm lý phức tạp với những lập luận, tin tưởng lạ thường như có một “phép lạ” xảy ra, một phát minh mới mẻ được khám phá, một loại thần dược có thể chữa lành mọi thứ bệnh, rồi bám lấy hy vọng viển vông, hão huyền này. Đây là lúc các bệnh nhân đi tìm những phương pháp chữa bệnh khác với lối chữa trị thông thường, đi tìm an ủi qua những điều huyền hoặc hay có những lập luận rất lạ lùng về tình trạng của họ. Nếu qua được giai đoạn này, đa số bệnh nhân sẽ cảm thấy tuyệt vọng, lúc nào cũng buồn chán, không biết làm gì nữa. Đây là lúc họ buông xuôi, mặc cho số phận an bài. Họ thường tủi thân, khóc lóc và hơi một chút bất như ý là động lòng, cho rằng không ai thông cảm hay hiểu họ hết. Cuối cùng là giai đoạn chấp nhận. Đây là trạng thái quan trọng có thể giúp người sắp chết được thảnh thơi, ung dung tự tại bước qua thế giới bên kia. Nếu biết rõ người sắp chết đang ở trong trạng thái tâm lý nào, người ta có thể giải thích cho họ hiểu để giúp họ vượt qua các khó khăn trở ngại và chấp nhận sự chết một cách dễ dàng hơn.
Bác sĩ Ross kết luận: “Người sắp chết không ao ước gì hơn là sự cảm thông và lòng thương yêu của những người chung quanh. Chúng ta không cần phải khuyên giải hay nói với họ những điều cao siêu to lớn mà hãy tự nhiên thành thật và biết chia sẻ những giây phút cuối cùng với họ là đủ”.
Theo cuốn Tử Thư, giây phút lâm chung hết sức quan trọng, có thể quyết định số phận và tương lai của người chết. Vào lúc đó, tất cả mọi chủng tử của nghiệp lực chất chứa trong tàng thức đều sẵn sàng phát động. Nếu ra đi với một tâm trạng an lành thoải mái, người quá cố sẽ dễ siêu thoát và tránh được ba đường ác (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh), và ngược lại, bất cứ một biến cố gì xảy ra trong lúc đó khiến họ xúc động, phát động các tư tưởng quyến luyến, giận hờn thì hậu quả thật không biết đâu mà lường.
Cuốn Tử Thư ghi rõ: “Tâm trạng của con người lúc chết sẽ quyết định nơi chốn hay cảnh giới mà họ sẽ đến”. Đó là một lý do người Tây Tạng chuẩn bị rất kỷ cho lúc lâm chung trong khi người Âu Mỹ, vì thiếu hiểu biết, đã hết sức bất cẩn vào những giờ phút quan trọng nhất. Đa số người hấp hối đều được đưa vào bệnh viện. Người ta cố gắng dùng những dụng cụ y khoa, những liều thuốc kích thích thật mạnh như một giải pháp cuối cùng để kéo dài thêm sự sống thay vì chấp nhận rằng đã đến lúc phải để người đó ra đi một cách an lành, thoải mái. Bác sĩ Melvin ghi nhận: “Người ta đã lạm dụng khoa học và kỷ thuật một cách vô ý thức, dường như việc kéo dài đời sống thêm dài giờ, vài phút là một điều mà người y sĩ phải thực hiện cho kỳ được. Tôi thấy người ta sử dụng các dụng cụ làm hồi tim bằng điện, các liều thuốc kích thích cực mạnh cho những người già yếu không thể kéo dài đời sống thêm bao lâu nữa. Dường như người y sĩ quan niệm rằng còn nước còn tát, dù thâm tâm họ biết rằng bệnh nhân đó khó sống quá vài giờ nữa. Sự gây bạo động trên thân thể người già bằng các dụng cụ y khoa, các thuốc men hóa học dĩ nhiên gây xáo trộn cho tâm lý người chết và tôi không hiểu tâm trạng của người đó lúc từ trần sẽ ra sao! Chắc chắn một người bị điện giật lung tung, bị dao kéo mổ khắp mình, bị chích đủ các loại thuốc không thể nào thoải mái hay bình tĩnh mà ra đi cho được”. Linh mục Thomas Merton cũng cảnh cáo: “Phần lớn các quốc gia tân tiến đã bỏ nhiều tiền bạc và công sức để tìm các phương pháp kéo dài sự sống, dù chỉ trong vài giờ, vài ngày nhưng không hề chú ý đến việc giáo dục con người về ý nghĩa của đời sống hay giúp họ cách giáp mặt sự chết, điều mà không ai có thể tránh được. Phải chăng nền văn minh kỹ thuật càng tân tiến, người ta càng mất hết nhân tính?” Sự tiến bộ của khoa học đã tạo ra một vấn đề hết sức nan giải, đó là sự kéo dài đời sống qua các máy móc nhân tạo (Life support system). Liệu chúng ta có muốn cho người thân tiếp tục sống trong trạng thái vô tri, vô giác bởi các máy móc đó không? Ai có thẩm quyền rút những máy móc này ra để cho người chết có thể ra đi một cách thoải mái? Đây là một đề tài đang được bàn cãi sôi nổi nhưng chưa đi đến một kết luận nào. Trước khi đi xa hơn, chúng ta hãy theo dõi diễn tiến của sự chết.
Theo cuốn Tử Thư, tùy theo nghiệp quả (karma) mà đời sống mỗi người có một số phận hay thời gian nhất định. Sự chết xảy ra khi nghiệp quả đã trả xong, các nhân duyên đã hội đủ và đời sống chấm dứt như ngọn đ èn hết dầu phải tắt. Tuy thế, thời gian của kiếp sống không hoàn toàn cố định mà có thể thay đổi, hoặc dài hơn hoặc ngắn hơn, tùy theo nhân duyên và thái độ của con người đối với cuộc sống. Một người biết thực hành các phương pháp thiền định, dưỡng sinh hay làm việc phúc đức có thể kéo dài thêm tuổi thơ, trái lại, một người không biết lo lắng cho thân và tâm, hay làm các điều ác thì có thể chết trước khi phận số đến. Người Tây Tạng tin rằng việc không ăn thịt , không sát sinh có thể kéo dài thêm đời sống, cứ bảy năm ăn chay có thể kéo dài tuổi thọ thêm một năm, hay việc phóng sinh chim cá có thể giúp người ta thoát khỏi các căn bệnh hiểm nghèo. Đây là một tin tưởng dựa trên luật nhân quả, giết hại sinh vật thì đời sống mình bị ngắn đi và phóng sinh hay giúp đỡ các sinh vật khác thì đời sống có thể tăng thêm.


Còn nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét