LB Nga đã chính thức được tiếp nhận làm thành viên
thứ 154 của WTO sau 18 năm đàm phán.
(DVT.vn) - Sau quá trình đàm phán dài kỉ lục suốt 18 năm, cuối cùng LB
Nga cũng đã chính thức được tiếp nhận làm thành viên thứ 154 của WTO.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức
Thương mại Thế giới (WTO). Còn Liên bang Nga, sau một quá trình đàm phán
dài kỉ lục suốt 18 năm, từ năm 1993 cho đến năm 2011 cũng đã chính thức
được tiếp nhận làm thành viên thứ 154 của tổ chức này.
Đến tháng 6/2012, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) sẽ hoàn tất việc phê chuẩn xác nhận thành viên và cuối tháng 7 Nga chính thức trở thành thành viên của WTO.
Liên
bang Nga là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, việc Nga chính thức
trở thành thành viên của WTO không chỉ là một sự kiện trọng đại đối với
Kinh tế - Thương mại toàn cầu mà còn là một sự kiện rất quan trọng đối
với Việt Nam, đặc biệt, hai nước từ lâu đã có quan hệ truyền thống tốt
đẹp và hiện là đối tác chiến lược toàn diện của nhau.
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ Nga khoảng 73 mặt hàng với mức thuế nhập khẩu bình quân 25,7%, chủ yếu là kim loại, sản phẩm dầu mỏ, phân bón, hóa chất, thiệt bị điện. Còn Liên bang Nga nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 78 mặt hàng với mức thuế nhập khẩu bình quân 12,8%. Các nhóm hàng chủ yếu là nông sản, cao su, chè, cà phê, hàng thủ công mĩ nghệ, mây tre đan, hàng may mặc, giầy dép… Khi Nga vào WTO cả hai nước đều phải giảm thuế theo lộ trình, vì thế sẽ tạo điều kiện để hàng hóa của mỗi nước thâm nhập vào thị trường của nhau nhiều hơn.
Thuế nhập khẩu của hàng Việt Nam vào Nga ước tính sẽ giảm từ 30% đến 50% so với mức hiện hành. Đó sẽ là một thuận lợi lớn để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Không chỉ là các mặt hàng nông thủy sản, mỹ nghệ truyền thống mà các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể nghiên cứu để đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu dựa trên thế mạnh của một nước nông nghiệp nhiệt đới và một số sản phẩm khác như máy vi tính, hàng điện tử, đồ gia dụng, điện thoại…
Bên
cạnh đó, những mặt hàng nhập khẩu chủ chốt từ Nga vào Việt Nam như phân
bón, sắt thép, thiết bị máy móc, xăng dầu… vốn dĩ hết sức quan trọng
với kinh tế Việt Nam chắc chắn cũng sẽ giảm, tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp trong nước hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và mở
rộng thị trường.
Đặc biệt, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hai nước gần như không có. Ngược lại, với thế mạnh riêng, hai nền kinh tế sẽ tăng cường kết nối và bổ sung cho nhau phát triển.
Ngoài ra, Liên bang Nga còn là thành viên của Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan, không gian kinh tế thống nhất Nga – Ucraina – Belarus – Kazakhstan. Do đó, khi hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Nga sẽ được đưa vào các nước thuộc liên minh này mà không bị hạn chế bởi rào cản thương mại, góp phần thúc đẩy, củng cố và phát triển các dự án lớn của Nga và Việt Nam. Hơn nữa, quan hệ đầu tư Việt – Nga sẽ được đẩy mạnh theo hướng Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào Nga, nhất là vùng Viễn Đông nhằm thu lợi trên trên một thị trường rộng lớn và giàu tiềm năng.
Khi
Nga chính thức trở thành thành viên của WTO, thể chế được cải cách sẽ
tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (VRB) hoạt
động hiệu quả hơn để thực sự trở thành một định chế tài chính đóng vai
trò trung gian, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai
nước, giải quyết tốt phương thức thanh toán, một trong những vấn đề khó
khăn trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước Việt – Nga thời gian
qua.
Vì những thuận lợi trên, ông Lã Văn Châu, tùy viên thương mại Việt Nam tại Nga nhận định: “Đây sẽ là sự khởi đầu mới cho quan hệ kinh tế chính trị giữa hai nước.” Những bước tiến nhảy vọt đang chờ đợi các doanh nghiệp hai nước và sẽ mở ra một tương lai tốt đẹp hơn.
Trịnh Thanh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét