Bế con gái 7,5 tháng tuổi đến Trung tâm giới thiệu việc
làm TP HCM để đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, chị Hà cho biết vừa rời
công ty sản xuất bao bì vì không tìm được người trông con. Trong thời
gian nghỉ việc, số tiền trợ cấp sẽ giúp chị chi tiêu.
"Gánh nặng kinh tế giờ chuyển hết cho chồng nên tôi
tranh thủ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, được thêm đồng nào hay
đồng nấy", chị Hà nói.
Là công nhân, thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng,
đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 3 năm (đáp ứng đủ điều kiện được bảo hiểm
thất nghiệp theo luật), chị Hà dự kiến sẽ nhận được 6 tháng tiền trợ
cấp, tương đương khoảng 1,8 triệu đồng một tháng. Chị chia sẻ, trong
thời buổi giá cả tăng cao lại không có việc làm, số tiền này là khoản
đáng kể để cầm cự qua ngày.
"Cho nên dù có phải tới lui nhiều lần để hoàn tất thủ tục, tôi cũng kiên nhẫn thực hiện", người mẹ trẻ cho biết.
Khu vực tiếp nhận hồ sơ đăng ký thất nghiệp ở quận Bình Thạnh sáng 24/4 đông nghịt. Ảnh: B.H. |
Sáng 24/4, hàng trăm người chen nhau đăng ký hưởng trợ
cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố. Nhiều phụ
nữ tay bồng con, quệt vội mồ hôi, chen vào dòng người để lấy số thứ tự.
Nơi giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người
lao động tại Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố, thuộc Sở Lao động
Thương binh và Xã hội TP HCM, đông nghịt người trong suốt ngày 24/4, dù
đã tăng cường thêm nhân lực, phòng ốc.
Sáng sớm, hàng trăm người xếp hàng chờ bốc số. Chưa
tới 9h, nhân viên ngừng phát số. Ngay đầu giờ chiều, cảnh tranh nhau
giành lấy số thứ tự lại tái diễn. Nhân viên chỉ giải quyết cho những ai
có giấy hẹn trong ngày, chứ không giải quyết sớm hơn vì lượng người quá
đông.
Chị Ngũ Bảo Liên, làm việc cho công ty may mặc ở quận
Tân Bình rơi vào hoàn cảnh doanh nghiệp cắt giảm biên chế do không có
đơn hàng sản xuất. Giám đốc khuyến khích nhân viên tự viết đơn xin nghỉ
và còn hứa sẽ tạo mọi điều kiện để người lao động có đủ hồ sơ hưởng trợ
cấp thất nghiệp. Những ai ở lại, công ty cũng giảm lương do không có
việc để làm.
Một nách 2 con nhỏ, thu nhập của người chồng khoảng
5-6 triệu đồng một tháng không đủ chi tiêu, nên ngay khi rời công ty,
chị vội làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp trong thời gian tìm việc mới để có
tiền trang trải chi tiêu.
Chờ cả ngày, anh Trung (quận Tân Bình) cũng lấy được
số thứ tự cho mình nhưng còn gần trăm số nữa mới tới lượt, trong khi
thời gian làm việc buổi chiều đã sắp kết thúc. Anh dự kiến sáng 25/4 mới
có thể nộp hồ sơ.
Hiện tại, anh đã tìm được việc mới với vị trí kỹ sư cơ
điện và đang thử việc, thu nhập 700 USD một tháng, nhưng vẫn kiên nhẫn
tới lui nhiều lần để hoàn tất thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Lương theo
hợp đồng ở công ty cũ của anh là 16 triệu đồng, bảo hiểm thất nghiệp trả
60% lương theo hợp đồng, tức mỗi tháng anh nhận 9,6 triệu đồng.
"Với mức trợ cấp này, tôi sẵn sàng gác lại mọi việc,
xin nghỉ phép, đến ngồi chờ hàng giờ đồng hồ hoàn thành các bước nộp hồ
sơ", anh chia sẻ.
Nhân sự, phòng ốc được tăng cường nhưng bộ phận giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp của Sở Lao động cũng không thể nhanh chóng giải quyết hồ sơ của người lao động. Ảnh: B.H. |
Anh Hiếu ở quận 5, vừa tới lui nhiều lần để hoàn chỉnh
hồ sơ trợ cấp thất nghiệp; vừa bám theo lãnh đạo công ty cũ, yêu cầu
giải quyết chế độ nghỉ việc cho anh. Theo đó, anh Hiếu làm việc tại công
ty từ năm 2006 đến nay mới nghỉ việc. Bảo hiểm thất nghiệp chỉ chi trả
từ năm 2009 (khi luật bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực), còn từ năm 2008
trở về trước công ty chịu trách nhiệm chi trả.
Do đó, anh Hiếu cho biết, anh cùng công ty đã thống
nhất trợ cấp thôi việc của anh trong khoảng thời gian 2006-2008 theo mức
cứ một năm làm việc trợ cấp nửa tháng lương, tương đương 5,5 triệu
đồng. Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 tháng anh nghỉ việc mà công ty vẫn chưa
thanh toán đồng nào.
"Giám đốc hẹn gần 10 lần nhưng chưa giải quyết dứt
điểm. Tôi sẽ kiện lên Phòng lao động thương binh xã hội quận 5 để nhờ
can thiệp", anh nói. Trong khi chờ đợi, anh đeo đuổi hoàn tất hồ sơ xin
bảo hiểm thất nghiệp. "Mất việc, dù tôi đã tiết kiệm hơn trước nhưng vẫn
phải chi tiêu cho nhiều thứ, giờ chỉ biết bám víu vào bảo hiểm thất
nghiệp".
TP HCM hiện có 6 điểm hỗ trợ người lao động làm hồ sơ
hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung
tâm giới thiệu việc làm thành phố, thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội
TP HCM, lượt người tới nộp hồ sơ đang có xu hướng tăng lên.
Hiện mỗi ngày, cả thành phố tiếp nhận 700-800 lượt
đăng ký, trong khi năm trước chỉ khoảng 400-500 người. Quý 1, số người
đăng ký tăng 57% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp khó
khăn phải giải thể, ngừng hoạt động, đóng cửa khiến nhiều lao động mất
việc. Ngoài ra, không chỉ lao động phổ thông mà những người có chuyên
môn, thu nhập cao cũng tìm đến trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn.
Sắp tới, TP HCM sẽ xây dựng thêm các chi nhánh để nhận
đăng ký, tránh ùn ứ cục bộ như hiện nay. Theo ông Thắng, công tác hỗ
trợ học nghề, tư vấn việc làm cho lao động cũng được chú trọng hơn nữa,
trong bối cảnh người thấp nghiệp có xu hướng tăng lên.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung
tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM,
nhu cầu lao động phổ thông ở nhiều ngành như: dệt, may, da giày hiện
không còn gay gắt như cùng kỳ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp tính
toán chặt chẽ sử dụng lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh trong tình
hình kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Do đó, nhiều doanh nghiệp không
dám mở rộng quy mô. Mặt khác, một số đơn vị đã thu hẹp hoạt động và
tinh lọc bộ máy nhân lực, khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng (nếu đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng), được hưởng 6 tháng (nếu có đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng) và 12 tháng trong trường hợp đóng bảo hiểm từ 144 tháng trở lên. Kể cả thu nhập cao tới đâu, bảo hiểm thất nghiệp chỉ trả cao nhất là 9,96 triệu đồng. |
Bạch Hường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét