Tôi cũng có những ký ức y như tác giả mô tả trong bài này. Nhưng chuyện xem phim bãi ở HN xảy ra vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước.
Ký ức thời bao cấp: CHUYỆN XEM PHIM BÃI
[03.04.2012 00:01 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) “… tôi vẫn nhớ bãi chiếu phim ngoài trời, nhớ những buổi cả nhà đi xem phim mùa hè, mẹ ngồi quạt cho con mát, còn bố thì cõng tôi về khi hết buổi chiếu, nhớ tiếng loa oang oang thông báo chiếu phim, tất cả đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của một thời”.
Thế Anh và Như Quỳnh trong “Mối tình đầu”, bộ phim của một thời
Lâu lắm rồi tôi không có cái cảm giác thích thú khi xem một bộ phim truyện nhựa mới của Việt Nam. Có thể do thời nay tràn ngập các phim “bom tấn” mới tinh và hấp dẫn của Hollywood, chiếu ngoài rạp hiện đại với điều hòa mát lạnh, ghế nhung đỏ chót và bắp rang bơ cầm tay? Hay do truyền hình cáp HD luôn phong phú với các bộ phim truyền hình lâm li bi đát của Hàn Quốc, và thót tim với loạt phim hành động điều tra của Mỹ?
Có lẽ vì vậy mà hầu như tôi chỉ còn nhớ và thích những bộ phim truyện nhựa của Việt Nam từ ngày xưa, chiếu ở những rạp cũ kỹ hay bãi chiếu bóng ngoài trời, những bộ phim đen trắng chầm chậm, âm thanh đơn điệu, những diễn viên xinh đẹp mộc mạc, không trang điểm, nhưng sao vẫn hay và đọng lâu hơn trong trí nhớ của mình.
Những năm giữa và cuối thập niên 80, khi chả nhà ai ở vùng tôi ở có lấy một cái ti vi thì một thú vui to lớn của đám trẻ chúng tôi là được đi xem chiếu bóng.
Nhà tôi cách bãi chiếu bóng thị xã khoảng nửa cây số, cứ đến chiều là có đứa đạp xe ra bãi xem có thông báo phim mới gì không, nếu có là phi như bay về, hô ầm ỹ cả khu tập thể là hôm nay có phim gì, của nước nào, chiếu mấy giờ. Thi thoảng hiện đại hơn thì có chiếc xe U oát, treo cái loa trên nóc, đi vòng quanh thị xã để quảng cáo cho bộ phim mới. Thế rồi cả xóm nô nức rủ nhau đi xem, nhà nhà ăn cơm sớm hơn thường lệ để còn đi sớm giữ chỗ đẹp.
Bãi chiếu phim là một khu đất rộng, có quầy bán vé ngoài cổng nhỏ như chuồng chim treo bóng điện và một cô nhân viên ngồi bán vé mặt khó đăm đăm. Cổng vào bãi chiếu được chắn lại bằng hàng rào gỗ, có hai chú thanh niên đứng soát vé, ai đưa vé thì xé ngay và vứt đầy xuống đất như xác pháo. Thi thoảng lũ trẻ con bọn tôi không có tiền mua vé thì xin đi ké người lớn, có lúc các chú dễ tính thì cho vào, có lúc thì quát tháo loạn xạ cả lên.
Mỗi người tự vác một chiếc ghế con theo để ngồi, nhanh nhanh chọn vị trí đẹp, không gần màn ảnh mà lại phải ở trung tâm, ai không có ghế thì lấy hòn gạch hay đá hộc có sẵn ở bãi rồi trải giấy lên ngồi, có người kê cả dép ngồi cho nhanh. Trời nóng thì ai nấy đều cầm theo quạt nan, quạt giấy, nước uống cho vào chai hay bi-đông, bình tông. Phía cuối bãi là phòng chiếu phim, có hai máy chiếu kêu rè rè, hôm nào bị hỏng một máy thì khi hết cuốn phim cũ lại phải đợi các chú thay cuốn phim mới mất một lúc, rất sốt ruột.
Với những bộ phim mới và hấp dẫn thì đi xem thật vất vả, phải xếp hàng mua vé từ sớm, nếu hết vé là chịu chết. Bãi chiếu đông chật như nêm, mọi người chen lấn xô đẩy để kiếm chỗ ngồi. Xung quanh bãi chiếu là mấy quả đồi không thể có rào chắn nên đám thanh niên hay trèo qua để chui vào bãi xem trộm, không chịu mua vé. Họ thậm chí còn có các chiêu trò khá bẩn để chiếm chỗ như giả vờ đánh nhau để bà con nháo nhác chạy đi rồi xông vào chiếm chỗ ngồi.
Thậm chí có lần đám thanh niên càn quấy còn ném cả trứng thối vào giữa bãi để bà con dạt ra chỗ khác, xem ra công cuộc xem phim thật gian nan. Khi còn khoảng 15 phút thì hết phim, bãi mở cửa cho bà con vào tự do, gọi là “xem tháo khoán”. Khá đông người đứng ở ngoài cổng để nghển cổ xem mặt sau của màn ảnh, giờ được ùa vào, xem nốt đoạn cuối của phim.
Khổ hơn cả là đang xem phim hay mà gặp trời mưa. Sấm chớp đùng đùng mà phim thì đang đoạn gay cấn, không nỡ bỏ về. Ai đoán được thời tiết thì cầm sẵn áo mưa từ nhà, lúc này giơ lên che đầu để ngồi xem tiếp. Người nọ chui nhờ mảnh áo mưa của người kia, cố gắng cầm cự xem cho hết phim, xem xong ai ai cũng ướt như chuột lột.
Gian nan là thế, nhưng tất cả những bộ phim hay và ấn tượng nhất với tôi lại được xem ở bãi chiếu phim này, từ những phim “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Tọa độ chết”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Chị Tư Hậu”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Trên từng cây số”, “Mối tình đầu”. Sau thì có thêm các phim như “Huyền thoại mẹ”, “Dòng sông hoa trắng”, “Tình khúc 68”, “Phương án ba bông hồng” và rất nhiều bộ phim cổ tích của Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri mà tôi không nhớ hết tên, đã làm giàu thêm đầu óc cho bọn trẻ chúng tôi, đem lại những niềm vui, sự hứng khởi cho một thời thiếu thốn phương tiện giải trí.
Vài năm sau, thị xã xây hai rạp chiếu bóng mới khang trang với ghế ngồi đẹp đẽ nhưng tôi vẫn nhớ bãi chiếu phim ngoài trời, nhớ những buổi cả nhà đi xem phim mùa hè, mẹ ngồi quạt cho con mát, còn bố thì cõng tôi về khi hết buổi chiếu, nhớ tiếng loa oang oang thông báo chiếu phim, tất cả đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của một thời.
Mai Quỳnh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét