Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Những người ham đọc sẽ rất đàng hoàng!

 May quá, tôi cũng là người ham (thích) đọc nên chắc cũng đàng hoàng ?

 Những người ham đọc sẽ rất đàng hoàng!

 
Là một cán bộ kỹ thuật trong quân đội (bộ đội thời hòa bình) nghỉ hưu, anh Phạm Thế Cường hiện điều hành một thư viện tư nhân miễn phí ở ngay nhà mình tại quận Gò Vấp (130/1B đường Lê Văn Thọ, phường 11). Ông chủ “Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng” có niềm vui lớn nhất là nhìn trẻ em đọc. Anh cũng rất xứng đáng với cái tên do người thủ thư (vợ anh) tặng, là một “con mọt sách” chính hiệu.
Được biết khi anh về hưu cách nay hơn mười năm thì tủ sách gia đình của anh đã có hơn 6.000 cuốn sách có giá trị. Anh đã tích cóp như thế nào để có nhiều sách như hôm nay phục vụ người đọc?
Muốn đọc nhiều sách, điều đơn giản trước tiên phải có sách đã. Vì mê đọc từ nhỏ nên khi mười lăm tuổi, tôi đã có gần 1.000 cuốn. Năm 1982 chuyển vào Sài Gòn tôi đem theo năm bao sách lớn. Đi bằng tàu lửa, lúc nhận hàng thấy mất ba bao. Họ giao nhầm ở những ga trước, cũng chẳng biết bắt đền ai, vì đi nhờ tàu quân sự.
Trong mấy bao sách bị mất đó, toàn sách văn học chọn lọc nổi tiếng thời đó như Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Xa Mạc Tư Khoa, Hồng lâu mộng... và nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc. Có cả cuốn Chiến bại có lời giới thiệu ký tên C.B mà tôi đoán không biết có phải của Bác Hồ viết hay không. Hai bao còn lại toàn sách khoa học thường thức và truyện thiếu nhi.

Mười lăm tuổi đã có chừng ấy sách! Còn nhỏ thế, anh lấy đâu ra tiền mua sách, có phải từ tiền nhịn quà sáng như trẻ con thường làm không?
Nhịn quà chỉ là một cách, tôi còn kiếm ra tiền bằng cách mùa hè về quê khâu nón. Quê tôi là làng làm nón nổi tiếng ở Nam Định. Tôi cườm nón (khâu cái viền ngoài) rất nhanh. Ai khâu đẹp nhất được 1,3 đồng, trong khi loại phế phẩm chỉ tám hào rưỡi. Tôi ở nhóm nhất nhì, một ngày khâu tới năm, sáu cái, vậy là có tiền mua sách. Nay thì số sách trong nhà đã nở nồi ra tới hơn hai vạn cuốn.
Với rất nhiều gia đình, khốn khổ nhất là nhà không có chỗ để sách. Nhiều chuyện cự cãi nổ ra, sách của con, của bố mẹ..., mỗi lần dọn nhà là khổ. Anh giải quyết chuyện này thế nào?
Đã yêu thì phải có phòng cho sách. Từ khi sửa sang ngôi nhà, tôi có điều kiện tổ chức phòng sách, phòng cho người đọc như một thư viện nhỏ.
Có phải giàu thì mới chơi sách, vì thú chơi này không chỉ tốn tiền mà còn tốn cả thời gian đọc nữa. Những ai phải mệt nhọc mưu sinh thì chẳng còn đâu tâm trí với sách...
Tôi đâu có giàu, chỉ nhiều đam mê. Không đam mê thì chẳng thể thành công được trong lĩnh vực gì cả. Không đam mê không chơi được sách. Tôi phải đi làm thêm, làm dự toán cho các công trình xây dựng. Nhưng đi làm về là cầm lấy sách đọc. Chưa bao giờ tôi ngủ trước 12 giờ 30 và đều dậy vào lúc 5 giờ 30. Như một chiếc đồng hồ sống. Nhiều bạn bè cũng hỏi rằng vì sao tôi đọc được như vậy, họ thì chịu, không đọc nổi, có khi chỉ vài chữ đã buồn ngủ ríu mắt. Tôi nghĩ, phải có thói quen từ nhỏ.
Tôi đọc Không gia đình từ khi học vỡ lòng. Lúc đó chiến tranh, bố tôi đưa về quê. Nghe bà chị học lớp bốn kể về cuốn đó hay quá, tôi lò mò đọc suốt hai tháng mới xong. Cũng nhờ thế mà ở lớp một không phải tập đọc nữa. Ngay từ cấp một, tôi đã được cô giáo dạy cho cách đọc, cách cầm sách, để thị trường mắt thâu tóm như thế nào... Kích thước sách ngày xưa cố định, không đủ các loại như bây giờ.
Anh có lý giải vì sao bây giờ người ta lười đọc sách hơn trước?
Vì có quá nhiều trò chơi, giải trí. Game thì cả người lớn cũng ham chứ đừng nói đến trẻ con. Ngay trên chiếc điện thoại di động của mỗi người cũng có game, ngồi đâu cũng chơi được. Tôi cũng có một dạo mê chơi game, nhưng rồi tự thấy như vậy phí thời gian quá, không thu được ích lợi gì. Tất nhiên, cũng có game rèn luyện cho người ta một số kỹ năng như sự tập trung, phản xạ nhanh nhạy..., nhưng gần như không khiến người ta tiếp thu gì thêm về mặt trí tuệ. Mà với những ai cần một sự phát triển trí tuệ thì sách chính là người thầy tận tụy; với người mê sách như tôi thì sách còn là người tình thủy chung. Chắc chắn tôi không bao giờ bỏ sách.
Anh thử vẽ ra chân dung mình - một "con nghiện", "con mọt sách" thế nào?
Tôi thích đọc sách trong tư thế nằm, nằm đọc nhưng không buồn ngủ, nhất là nằm võng. Cho nên tôi không thích sách bìa cứng, vì muốn đọc nó thì phải ngồi. Với tôi, đi ngủ khi chưa đọc sách là chưa hoàn thành mọi việc. Nhà tôi bố trí đèn bàn khắp nơi. Những phòng tôi hay lui tới, bắt buộc phải có giá sách để tiện tay lúc nào cũng với tới sách. Phòng nào cũng có tivi, tất cả tám cái. Đi đâu trong cặp cũng phải có cả máy tính xách tay, máy tính bảng, sách giải trí và sách trong thời gian tôi đang đọc theo chuyên đề sâu.
Ví dụ chuyên đề sâu hiện anh đang đọc là gì, có theo "đơn đặt hàng" của nhiệm vụ công việc nào không?
Chỉ theo sở thích thôi. Chẳng hạn tôi phải đọc lại Ernest Hemingway hoặc Nam Cao một cách toàn diện. Có thời kỳ đọc chuyên một tác giả nào đó. Gọi là ghiền cũng đúng. Tôi có anh bạn rất thân, là viện phó Viện Thiết kế của Bộ Quốc phòng, cũng mê Hemingway và chúng tôi có thể nói chuyện không dứt về chủ đề này.
Thư viện tư nhân và câu lạc bộ mang tên "Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng" của anh hoạt động như thế nào?
Với thư viện, trong năm học thì mở một tuần hai buổi tối và chiều Chủ nhật. Mùa hè thì một tuần mở bốn buổi, chủ yếu phục vụ học sinh. Vợ tôi làm thủ thư, có khi là con tôi lúc cháu rảnh. Hè thì có thêm các cháu đoàn viên thanh niên tham gia. Mượn sách không cần để lại gì cả, nên có khi cũng mất mát sách cho mượn. Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức cho các cháu đi chơi, lo xe cộ, người hướng dẫn, cả việc ăn uống nhiều khi cũng không mất tiền.

Anh Phạm Thế Cường. Tranh Hoàng Tường
Một số gia đình thấy con em mình tham gia một hoạt động có ích như vậy nên xin được đóng tiền, nhưng chưa bao giờ tôi phải thu tới một phần ba số tiền thực chi cả. Tốn kém nhất là những chuyến đi dã ngoại, thăm bảo tàng, công viên văn hóa, các trò chơi bổ ích, thi tìm hiểu thiên nhiên, ẩm thực hoặc tìm hiểu lịch sử, các nhân vật. Tiền lương của tôi và tiền thu được từ nhà cho thuê tuy không nhiều nhưng cũng tạm trang trải được.
Còn Câu lạc bộ "Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng" là sân chơi của những người yêu sách và thích đọc sách, mỗi tháng sinh hoạt một lần vào ngày Chủ nhật đầu tháng.
Năm nào các độc giả trẻ tuổi của thư viện cũng tham gia và đều đoạt giải cao và giải phong trào cuộc thi kể chuyện sách hè do Trung tâm Văn hóa Q. Gò Vấp tổ chức. Anh có thể tiết lộ bí quyết đã rèn luyện "lính" của mình thế nào không?
Cũng bình thường thôi, chủ yếu là nhờ các cháu rất thông minh và có niềm say mê. Tôi thường tổ chức cho các cháu nghe và giao lưu nói chuyện chuyên đề như về danh lam thắng cảnh, môi trường, biển đảo. Các cháu còn tự viết đề tài, tôi duyệt góp ý cho các cháu tự trình bày, biết dùng phần mềm powerpoint có cả hình ảnh, âm thanh thật tuyệt. Chúng tôi mời các anh bên bộ đội biên phòng đến nói chuyện về biển đảo, các cháu thích lắm.
Các nhà văn như Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Lê Phương Liên, Nguyễn Văn Thịnh, Giáng Vân, con gái của nhà văn Lê Văn Trương đều nhiệt tình đến trò chuyện với các thanh thiếu niên. Cũng có khi bị nhà văn tên tuổi từ chối lời mời, biết chuyện các cháu buồn và giận, cho là nhà văn ấy "chảnh", muốn tẩy chay tác phẩm của người ấy. Tôi phải an ủi các cháu rằng không phải vậy, mà vì họ có nhiều lời mời quá, nên phải chọn lựa. Bác cháu mình không ai biết nên người ta không nhận lời.
Nghe nói anh cũng thường "làm giỗ" các nhà văn?
Không chỉ ngày giỗ mà có khi chúng tôi còn kỷ niệm cả ngày sinh. Từ cuối năm 2011, mỗi tháng chúng tôi tổ chức cho một nhà văn, như đã tổ chức cho ngày sinh, ngày mất của Nam Cao, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Phùng Quán. Thành phần tham dự gồm có thành viên câu lạc bộ, những người trực tiếp làm thư viện, các khách mời và những ai quan tâm, yêu thích các sáng tác của nhà văn. Một cuộc kỷ niệm như vậy thường rất đơn giản nhưng cảm động, bao nhiêu câu chuyện, kỷ niệm được ôn lại...
Những cuộc gặp mặt như thế, chắc các anh cũng "săn" được nhiều tư liệu quý hiếm chưa ai biết?
Nhiều lắm. Như lần kỷ niệm nhà văn Sơn Nam, chúng tôi mời được cả nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, người bạn thân nhất, những người cưu mang nhà văn như các vị Đào Tăng, Đinh Công Tâm. Vợ chồng người con gái cả của nhà văn Sơn Nam từ Mỹ Tho lên tham dự, rất cảm động. Từ những cuộc họp mặt như thế, đã phát hiện thêm nhiều chi tiết trước nay chưa từng công bố, như sự kiện đám cai ngục yêu cầu nhà văn Sơn Nam giảng Truyện Kiều cho nghe vì thấy ông ở tù mà luôn đọc Truyện Kiều. Vì thế có câu chuyện giống y như các giai thoại chúng ta thường nghe người ta giễu kẻ dốt nát. Rằng một cai tù nghe xong nói: "Nguyễn Du là cha nào viết hay vậy, nhắn đến đây tôi tìm việc cho mà làm".
Chúng tôi cũng phát hiện ra Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao không chỉ có các tác phẩm văn chương kiệt xuất mà các ông còn làm thơ rất hay. Những tư liệu quý phát hiện được từ các cuộc kỷ niệm như thế, chúng tôi đều ghi chép và in trong bản tin của câu lạc bộ do nhiều người viết, tôi là biên tập chính.
Sau nhiều năm mở thư viện, anh có nhận xét chung về việc đọc sách của các độc giả đến thư viện của mình không?
Học sinh tiểu học tất nhiên là mê sách có hình đẹp, không cần để ý đến chất lượng giấy tốt hay xấu. Có cháu hỏi tôi: "Bác ơi, nay có sách gì hay không?", tôi hỏi lại: "Theo cháu thế nào là hay?". Trả lời: "Cứ bác thấy hay là chúng cháu cũng thấy hay". Nhiều trẻ thích truyện kinh dị, có cháu lại chỉ mê sách khoa học, trinh thám.
Anh vừa là chủ thư viện, vừa là "mọt sách", theo anh, vì sao sách của các tác giả đoạt giải Nobel bày bán ở vỉa hè mà cũng không chạy? Hiện nay, loại sách nào được ưa chuộng trên thị trường?
Sách của tác giả đoạt giải Nobel nằm vỉa hè, đó là chuyện thường tình. Còn sách gì được ưa chuộng thì do chưa có một cuộc khảo sát khoa học nào nên tôi không thể võ đoán được. Thị hiếu của độc giả ngày nay cũng có nhiều loại, đa dạng đa tầng, nên chỉ dựa vào những gì tôi thấy thì sách dạng "lá cải" vẫn bán chạy nhất, thật đáng buồn. Có cả sách của Nhà xuất bản Đà Nẵng, Thanh Hóa bị in lậu.
Truyện của Quỳnh Dao, tiếp đến là truyện tình cảm tuổi mới lớn, sách truyện của Trung Quốc, truyện ma, kinh dị, phù thủy ăn theo Harry Potter. Sách có giá trị văn chương lớn không nhiều. Văn học cổ điển có giá trị nhưng bán vẫn khó. Tôi biết có những nơi bán sách bìa cứng in đẹp, có giá trị, như Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Chiến tranh và hòa bình, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Ruồi trâu, Những người khốn khổ..., giảm giá tới 30 - 40%.
Chẳng hạn, có thể tìm mua ở nhà sách Quỳnh Mai, hoặc đến Cà phê sách của Nhã Nam có sách in cẩn thận, giá rẻ nhất. Đừng ham rẻ mà mua sách in lậu, khoan nói đến chuyện vi phạm bản quyền, mà ngay chất lượng in cũng rất kém. Nhìn bìa thì thấy giống y chang, nhưng bên trong thì giấy mỏng lét chữ nhòe nhỏ rất khó đọc. Mua sách rẻ mà như vậy thì trên thực tế không còn rẻ nữa. Sách về ký sự nhân vật cũng nhiều người thích đọc vì tính chân thật của nó.
Anh thích đọc loại sách gì?
Tôi đọc nhiều thứ, thích nhất vẫn là văn học nước ngoài. Đọc cả trên mạng các loại sách khoa học kỹ thuật. Máy tính bảng có phần mềm đọc sách rất hay, tải về đọc rất rẻ, những thứ rất mới mà thị trường chưa có sách in. Tôi đang đọc lại một loạt tác phẩm văn học Xô viết và đã có tới gần 700 cuốn thể loại này. Cảm tưởng của tôi chỉ có thể nói ngắn gọn là rất ấn tượng, rất nhiều tác phẩm rất hay.
Ngày nay, sách ra nhiều thể loại. Theo tôi, các loại sách tra cứu có khổ lớn quá, nhìn dễ bị "dội". Sách muốn bán dễ, theo tôi, phải có số trang hợp lý, khoảng 150 trang. Trừ phi là tác phẩm của các tác giả rất nổi tiếng. Thời kỳ 1956-1957 sách không bao giờ quá 180 trang, tiểu thuyết cũng thường không quá 250 trang.
Vì đó là thời nghèo khó?
Không phải. Nếu dày quá, người ta sẽ tách ra. Cuốn Không gia đình ngày xưa in thành ba, bốn tập, rất dễ đọc và hấp dẫn. Gặp cuốn sách hay, vừa đọc vừa sợ nó hết. Thế mới thú!
Vậy sách trên mạng có giết chết sách in như người ta lo báo mạng sẽ giết chết báo giấy?
Theo tôi thì chắc chắn là không. Đọc sách trên mạng rất mỏi mắt, nhất là khi đang đọc đến đoạn hay.
Các tác giả của miền Nam đã lôi cuốn anh như thế nào?
Tôi yêu văn mang đậm chất Nam bộ của Hồ Biểu Chánh và Sơn Nam. Tôi đã đọc gần hết các tác phẩm của hai ông. Cách suy nghĩ, diễn đạt rất mộc mạc, gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Tôi cũng đọc các tác phẩm khảo cứu của Sơn Nam về đời sống Nam bộ, về Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Nghé... Với các tác giả nữ, tôi yêu văn Dạ Ngân và Nguyễn Ngọc Tư. Cách viết của Dạ Ngân là sự kết hợp vốn sống của một người Nam bộ, người đã đi qua chiến tranh, đã theo chồng ra sống ở đất Bắc, vừa sâu sắc vừa hồn nhiên. Chị luôn là người gan góc, không yếu đuối, mà luôn vượt lên, không ủy mị. Đọc Nguyễn Ngọc Tư thì thấy rõ cuộc sống, ám ảnh và da diết.
Còn dòng văn học trước năm 1975 nữa, thưa anh?
Đúng vậy, đó cũng là một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của nền văn học, với các nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa, Văn Nghệ... cùng các tên tuổi như Mai Thảo, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương... mà các tác phẩm của họ vẫn lay động lòng người cho đến tận bây giờ. Tôi và Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng dĩ nhiên không quên họ. Báo với chị một tin mới nhất, là vào 9g sáng Chủ nhật (1-4) này, câu lạc bộ có tổ chức chuyên đề về Vũ Hoàng Chương, một nhân vật mà tôi vừa nhắc đến.
Ngoài việc mỗi tháng anh bỏ tiền cá nhân 3-4 triệu đồng mua sách và trang trải tiền điện nước cho thư viện, sao anh không vận động tài trợ sách cho thư viện? Với mục đích hoạt động phi lợi nhuận, chỉ phục vụ của thư viện tư nhân, thiết nghĩ sẽ có nhiều người ủng hộ?
Cũng có người có lòng ủng hộ, như anh Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ở NXB Kim Đồng. Tôi gặp anh Thắng lần đầu ở Hội sách TP. Hồ Chí Minh lần 6 trong lễ trao giải "Tủ sách gia đình" lần thứ ba mà anh Thắng cũng đoạt giải 3. Qua nói chuyện anh Thắng rất thông cảm và đã ủng hộ thư viện gia đình chúng tôi. Nhưng tôi chưa có chủ trương vận động tài trợ. Cũng có nhiều người hứa, ai nhớ lời đem cho sách thì chúng tôi nhận và cảm ơn.
Anh còn là thành viên của "Câu lạc bộ sách xưa và nay" ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều thành viên mê sách rất độc đáo?
Câu lạc bộ này thành lập từ năm 2006, có những người đam mê như linh mục Nguyễn Hữu Triết, ông Hoàng Minh, dịch giả Nguyễn Anh Tuấn thường hay giới thiệu sách ông sưu tầm được. Mục đích câu lạc bộ là tập hợp những người yêu thích sách xưa, sách cổ, sau này mở rộng cả sách nay. Tôi là một thành viên sáng lập và yêu thích sách nay. Tôi cũng tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ bạn đọc Thư viện Phú Nhuận, thỉnh thoảng đến đó đọc sách, mượn sách cho thư viện của tôi, tham gia tổ chức giới thiệu sách và nhân vật cho thư viện.
Anh có nghe câu thơ xưa "Đọc sách mười năm nghèo kiết xác..."?
Thế thì người xưa cũng có câu "Để cho con một hòm vàng không bằng để cho con một cuốn sách". Tôi thấy, khi một người có đam mê đọc sách thì những chuẩn mực sống sẽ đến với người ấy một cách tự nhiên. Cung cấp kiến thức là lẽ đương nhiên, bên cạnh đó còn hình thành nên con người trung thực, dễ cảm thông, chia sẻ. Nhiều người sẽ sống như sách. Những người ham đọc sẽ rất đàng hoàng, đó là điều chắc chắn.
Xin cảm ơn anh.
Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải/ DNSG cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét