Tăng trưởng 4% có đáng lo? Lo quá đi chứ. Đấy mới là tăng trưởng trong quý 1 nên chưa thấy sự nguy cấp. Cứ để kéo dài cả năm 2012 mà xem. Khủng hoảng xã hội chứ chả chơi.
Năm 1999 cũng đã diễn ra tình trạng này (tăng trưởng GDP chỉ 4,8%) nhưng bối cảnh lúc đó thuận lợi hơn bây giờ rất nhiều: Lúc đó các tỷ lệ lạm phát và bội chi ngân sách rất thấp (thậm chí lạm phát âm), cán cân xuất nhập khẩu thặng dư, tỷ giá VND/USD ổn định và VND được định giá quá cao... nên Chính phủ có thể triển khai hàng loạt giải pháp nhằm kích cầu như chính sách tiền tệ mở rộng, tăng nhanh bội chi ngân sách để đầu tư và hỗ trợ tiêu dùng, giảm thuế trên diện rộng, phá giá tỷ giá thực, đẩy mạnh nhập khẩu phục vụ sản xuất và cả tiêu dùng, sửa đổi cơ bản luật doanh nghiệp, luật đầu tư nước ngoài theo hướng khuyến khích đầu tư (ngược lại với lần sửa năm 1996 theo hướng thắt chặt), phân cấp, ủy quyền rộng rãi cho cấp dưới và các chính quyền địa phương... Đặc biệt, bối cảnh kinh tế thế giới từ cuối năm 1999 và nhất là năm 2000 đột nhiên tốt lên rõ rệt: Kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ, giá dầu thô tăng vọt tạo nguồn thu rất lớn cho Chính phủ để thực hiện chính sách kích cầu (xem vài thông tin ở đây, ở đây và ở đây; tiếc là một số bài viết khác của tôi thời kỳ này không còn để cùng tham khảo)...
Bây giờ thì sao ? Tăng trưởng trì trệ đi đôi với lạm phát quá cao; bội chi ngân sách và thâm hụt thương mại đều quá lớn; đồng tiền liên tục bị phá giá gây mất niềm tin cho dân chúng và nhà đầu tư; vàng và đô la Mỹ bị quản lý chặt; phân cấp, tản quyền quá tràn lan làm mất hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền Trung ương... Rõ ràng cùng cảnh tăng trưởng 4% nhưng bức tranh năm 1999 khác hẳn tình hình hiện nay. Do đó chắc chắn không thể áp dụng lại các liều thuốc đã dùng trong giai đoạn 1999-2000 được.
Tôi chẳng muốn mất thì giờ suy nghĩ, đề xuất chính sách như thời trước vì giờ chỉ thích đọc, không thích viết, đầu óc cũng càng ngày càng ngu và chán nghĩ rồi. Nhưng như trong 1 bình luận gần đây, tôi đã kiến nghị nên áp dụng trở lại nhiều chính sách của giai đoạn 1991-1995, gồm cả chính sách tiền tệ, tài chính, thương mại, cơ cấu, thu nhập... với những điều chỉnh quy mô và liều lượng thích hợp. Mong các nhà kinh tế trẻ, tài ba, kiến thức rộng, đọc được gợi ý này, có thể cụ thể hóa ra thành một hệ thống các chính sách cần thiết để tháo gỡ được tình hình khó khăn hiện nay. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hệ thống các chính sách này đã được liệt kê trong các bài cũ của tôi trên tạp chí song không còn bản phần mềm để đưa lên mạng, ví dụ như: “Về những khó khăn hiện nay của nền kinh tế nước ta và một số giải pháp” Tạp chí Nghiên Cứu Kinh Tế 8(255):3-22-1999 (tiếng Việt) và “Present economic challenges and some solutions”, VIETNAM'S SOCIO - ECONOMIC DEVELOPMENT REVIEW, No. 21 - SPRING 2000 (in English).
Tăng trưởng 4% có đáng lo?
4% là một mức tăng được xem là phù hợp để Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Với tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, của tổng cầu nền kinh tế như hiện nay mà đòi hỏi tăng trưởng 6-7% là điều vô cùng khó.
Mụa sắm tại chợ đêm Bến Thành - Ảnh: Xuân Lộc |
Mới hôm qua người viết nhận được tin một người bạn vừa từ giã “sự nghiệp” làm chủ để trở về với kiếp làm thuê. Mở cửa quán ăn chưa tròn năm, vợ chồng chủ quán đã bị “bốc hơi” gần cả tỉ đồng, lâm vào cảnh nợ nần và góp phần làm dài thêm danh sách các đơn vị kinh doanh phải đóng cửa trong ba tháng qua.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được VN Economy trích dẫn ngày 28/3, từ đầu năm nay tính đến ngày 21/3, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm 8% về lượng và 12% về vốn đăng ký so với cùng kỳ (tương ứng khoảng 15.300 doanh nghiệp và 76.400 tỉ đồng vốn).
Còn số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể là hơn 2.200 doanh nghiệp. Ngoài ra còn có hơn 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bộ này cho biết số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hay tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Đó là tình hình cả nước, cận cảnh hơn là tình hình của TP.HCM, đầu tàu kinh tế cả nước, mọi chuyện có vẻ còn tệ hơn.
Phải chăng là quy luật đào thải?
Số liệu được ông Lâm Nguyên Khôi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, công bố tại cuộc họp giao ban tháng 3/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong quý I, có 526 đơn vị đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo tổng hợp của cơ quan thuế địa phương thì TP.HCM có 931 doanh nghiệp đã khóa mã số thuế để giải thể, 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động (VN Economy 28/3).
Có thể tạm dùng hai nguồn số liệu này để đánh giá tình trạng sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chứ thực ra còn rất nhiều con số khác từ các cơ quan chức năng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội… nhưng có điều, mỗi nơi mỗi số - chẳng biết ai chính xác, ai không - một thực trạng đã quá quen thuộc với những ai quan tâm đến các con số của nền kinh tế.
Rất cảm thông với hai vợ chồng người bạn của mình, nhưng cũng phải thực lòng mà nói họ thất bại không phải là điều quá bất ngờ.
Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, rất nhiều gia đình, đặc biệt là giới trung lưu, đã phải thắt lưng buộc bụng thì việc mở một quán ăn chẳng thuộc loại cao cấp, cũng không phải loại bình dân thì họ đang nhắm vào đúng phân khúc thị trường đang bị thu hẹp.
Cạnh tranh không nổi, thất bại là điều khó tránh. Đó là quy luật của cơ chế thị trường.
Nói như vậy để thấy một vấn đề lớn hơn là trong số gần chục ngàn doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động trên cả nước đâu là những doanh nghiệp thất bại vì những nguyên nhân chủ quan, chọn sai mô hình kinh doanh, vung tay quá trán, đâu là những doanh nghiệp đóng cửa vì thiếu may mắn, vì lý do khách quan như thị trường biến động, chính sách thay đổi không tiên đoán được…
Đã có cơ quan nào chịu trách nhiệm phân tích, phân loại các doanh nghiệp loại này chưa? Trong số này có bao nhiêu là doanh nghiệp tư nhân, bao nhiêu là doanh nghiệp nhà nước?
Nếu không biết rõ những thông tin cơ bản này thì việc kêu gọi Nhà nước mau có biện pháp cứu doanh nghiệp một cách chung chung e là hơi vội. Trước khi cứu, ít ra Nhà nước nên biết là cần cứu ai để giúp nền kinh tế hồi phục, chứ không lẽ lại cứu thêm những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu
quả như Vinashin, Bianfishco…
Đúng là khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát thì hệ quả dẫn đến ắt là thực trạng nêu trên. Đây cũng chính là cái giá phải trả cho sự lựa chọn chạy theo tăng trưởng nóng trong những năm trước và là cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp.
Nhưng nếu vì quá lo lắng, nóng vội mà lại quay ngoắt sang mục tiêu tăng trưởng thì sự “hy sinh” của hàng chục ngàn doanh nghiệp suốt từ năm 2011 đến nay hóa ra lại vô nghĩa chăng?
CPI giảm, chưa vội mừng
Có thể nói những ngày đầu của năm 2012 đã trôi qua vốn là những chuỗi ngày nặng nề, với cả người dân và doanh nghiệp. Nền kinh tế cũng đang phát đi những tín hiệu thoạt nhìn tưởng là tốt nhưng lại rất đáng lo.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước, thấp nhất trong 20 tháng qua và với cùng kỳ ba năm gần đây, mặc dù giá xăng tăng ngày 7/3 được phản ánh ngay vào trong chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2012.
Với mức tăng thấp trong tháng 3, CPI tính theo năm đã tiếp nối xu hướng giảm kể từ tháng 8/2011 đến nay.
Ghi nhận thị trường ngày 24/3/2012 cho thấy giá cả chỉ tăng lẻ tẻ ở một số mặt hàng thay vì tăng đồng loạt như những đợt tăng giá xăng dầu trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua của người dân yếu.
Chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, khí đốt, chi phí nhân công, lãi suất… tăng cao nhưng chỉ số giá tiêu dùng không tăng nhiều đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu gánh nặng với phần lớn các chi phí tăng lên mà không thể chuyển nhiều vào giá bán.
Đầu ra khó khăn khiến cho lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng. Bộ Công thương cho biết đến thời điểm này, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp có thể phải tiếp tục giảm bớt giá bán, chấp nhận thua lỗ, để giải phóng hàng tồn kho cũng như thu tiền về để tránh tình trạng mất khả năng thanh toán. Và như thế, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục xu hướng giảm dù cho đầu vào các hàng hóa bị điều chỉnh.
Đây rõ ràng là tin vui cho người tiêu dùng nhưng có lẽ không hẳn đối với doanh nghiệp.
Một điểm đáng lưu ý là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I năm nay chỉ tăng 4,1%, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua (năm 2011 tăng 9,3%). Riêng ngành công nghiệp chế biến, lĩnh vực quan trọng nhất của ngành công nghiệp nói chung, bị ảnh hưởng nặng nề.
IIP trong quý chỉ tăng 3,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 12,4%. Một số sản phẩm có chỉ số IIP giảm là sợi, vải dệt, giày dép, phân bón hóa học, xi măng, sắt thép, cáp và dây điện…
Số liệu thống kê cho thấy thâm hụt thương mại cũng giảm đáng kể, chỉ khoảng 250 triệu USD trong quý I, theo Tổng cục Thống kê, bằng 1% kim ngạch xuất khẩu. Điều này có thể lý giải khi sản xuất bị thu hẹp thì nhu cầu nhập nguyên liệu đương nhiên xuống thấp.
Tăng trưởng GDP, cần nhìn vào thực tế
Vấn đề được quan tâm hơn cả là GDP - một chỉ tiêu thường được xem là thành tích của nền kinh tế - thì quý I năm nay chỉ tăng 4%, thấp thứ hai kể từ năm 2000 đến nay (thấp nhất là quý I-2009 GDP chỉ tăng 3,14%, quý I năm ngoái tăng 5,57%).
Chi tiết hơn, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,8% (năm trước tăng tới 3,65%); công nghiệp và xây dựng tăng 2,9% (công nghiệp tăng 4% và xây dựng giảm 3,8%); dịch vụ tăng 5,3%.
Vậy GDP tăng 4% có thấp không? Nếu thấp thì đúng mức kỳ vọng phải là bao nhiêu?
Có lẽ đến nay chưa thấy có một lý giải nào thuyết phục rằng, với thực trạng nền kinh tế hiện nay thì GDP phải tăng bao nhiêu mới là phù hợp, mà chỉ thấy rằng cứ thấp hơn quý trước hay cùng kỳ năm trước là xấu, cao hơn là tốt.
Đó là chưa kể, tính chính xác, độ tin cậy của chỉ tiêu GDP ở Việt Nam vẫn còn là điều tranh cãi.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Thực ra, chính điều kiện khó khăn hiện nay đang là cơ hội để Chính phủ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, vần đề còn lại là cách làm và lộ trình ra sao.
Sau những lời tuyên bố từ các vị lãnh đạo cấp cao nhất về chủ trương thay đổi mô hình tăng trưởng, về tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại, đến nay vẫn chưa thấy một sự thay đổi đáng kể nào, ngoại trừ việc hợp nhất ba ngân hàng yếu kém (mà đến nay tính minh bạch của vụ sáp nhập này vẫn để lại nhiều dấu hỏi trong công luận) và hàng loạt các cuộc lễ lạt đầy tính hình thức của các tập đoàn về việc công bố cắt giảm 5-10% chi phí.
Bài viết này không nhằm đưa ra các giải pháp vì đó là chuyện của các nhà điều hành kinh tế, các chuyên gia. Người viết chỉ mong rằng Chính phủ, dù phải rất linh hoạt trong điều hành để phù hợp với diễn biến của thị trường, của nền kinh tế nói chung, nhưng cũng nên kiên định với mục tiêu đã đề ra, chú trọng tăng trưởng về chất lượng, đảm bảo tính bền vững, coi trọng yếu tố môi trường (vì đó là mục tiêu đúng, đã nhận được sự đồng thuận của xã hội).
Mọi giải pháp đưa ra, trước mắt hay lâu dài, hành chính hay thị trường, đều nhắm đến phục vụ mục tiêu này và vì lợi ích cao nhất của nền kinh tế chứ không vì các nhóm lợi ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét