Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Trở lại chính sách tiền tệ 20 năm trước (1991-1995) ?

Những gánh nặng đè lên vai lãi suất ngân hàng là điều ai cũng nhìn thấy rõ, báo chí viết rất nhiều. Còn chuyện lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm từ tháng 6 tới cũng chẳng có gì mới, cả CP lẫn NHNN đều khẳng định nhiều lần điều này. Đáng tiếc là cái chúng ta mong chờ ở TS Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh (Đại học Ngân hàng Tp.HCM), trong bài phát biểu của mình là đề xuất các giải pháp tháo gỡ thì không có trong bài báo này.

Nếu bạn đọc nào đã đọc bài "Một số ý kiến về tham luận: Đánh giá thực trạng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam từ năm 1990 đến năm 2002" của tôi đăng trên Blog này, thì sẽ thấy tình hình hiện nay rất giống năm 1989-1990 (điểm khác cơ bản so với bây giờ là tự do hóa tài chính lúc đó quá mạnh và thị trường tài chính hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát, là nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng tín dụng). Trong bối cảnh lúc đó, NHNN lúc đầu đã áp dụng chính sách lãi suất thực cao để chống lạm phát, nhưng đã phát sinh những hậu quả tai hại nên phải chuyển sang thực hiện chính sách kiểm soát chặt M2, thả nổi lãi suất danh nghĩa, kể cả chấp nhận lãi suất thực âm trong một số tháng, và cuối cùng NHNN đã thành công vì vừa khống chế được lạm phát (tỷ lệ lạm phát lúc đầu vẫn cao là do tham vọng của NHNN muốn đồng thời kiểm soát cả tỷ giá - một điều không thể làm được khi đang muốn kiểm soát chặt cung tiền tệ - nhưng sau đó giảm rất nhanh) và vừa hỗ trợ được quá trình tăng trưởng. Nếu áp dụng lại chính sách tiền tệ của giai đoạn này với những điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn nằm trong tầm kiểm soát và quy mô của nó tăng vọt hiện nay, tôi tin rằng chúng ta sẽ có thể đạt được những gì đã làm được trong giai đoạn 1991-1995, giai đoạn phát triển nhanh nhất và ổn định nhất trong lịch sử kinh tế hiện đại ở nước ta.

5 gánh nặng đè vai lãi suất

MINH ĐỨC

picture

Có quá nhiều gánh nặng đè trên vai, khiến lãi suất mới chỉ nhớm được một bước sau một thời gian dài căng thẳng.
Cuối tuần qua, Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS) tổ chức buổi hội thảo tổng kết diễn biến thị trường chứng khoán quý 1/2012. Một nội dung được đề cập là chính sách tiền tệ, trọng tâm vẫn là lãi suất. 
Tại hội thảo này, diễn giả Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh (Đại học Ngân hàng Tp.HCM), nhìn lại việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lý giải về tình thế khó khăn của công cụ lãi suất trong thời gian qua và hiện nay. Tựu trung, có 5 gánh nặng đang đè lên vai lãi suất, nên việc điều chỉnh giảm 1% các lãi suất điều hành vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là một cố gắng, đặt trong định hướng thắt chặt - thận trọng - linh hoạt.
Gánh nặng thứ nhất là nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Nhiệm vụ này xuyên suốt từ năm 2011 cho đến nay. Chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát cao.
Đầu năm 2011, có những lựa chọn được đặt ra. Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng lãi suất là công cụ chủ lực đề kiềm chế lạm phát, còn tăng dự trữ bắt buộc theo nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lúc đó là một giải pháp bạo lực. Lãi suất cao chống lạm phát cao được xem là một giải pháp kinh điển, kéo dài cho đến nay.
Gánh nặng thứ hai theo ông Dương là lãi suất đang đóng vai trò trợ lực quan trọng cho việc giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Lãi suất rất cao, cũng như chênh lệch lớn so với lãi suất USD, đang hỗ trợ cho giá trị VND. Thực tế tỷ giá đã có một quãng thời gian dài tương đối ổn định, để tiếp tục ổn định đòi hỏi lãi suất vẫn phải gánh trên vai nhiệm vụ tạo độ cao và sự chênh lệch cần thiết.
 

 Thứ ba, lãi suất VND có thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa là đảm bảo được sự hấp dẫn để thu hút tiền gửi, qua đó đảm bảo thanh khoản của hệ thống các ngân hàng. Ông Dương cho rằng mức trần lãi suất huy động 13%/năm hiện nay là tương đối cao và hấp dẫn, song đâu đó vẫn còn tình trạng trả lãi cao hơn khiến mức 13%/năm chỉ là tương đối.

Thứ tư, ở chiều ngược lại, một gánh nặng đối với lãi suất và đang làm đau đầu nhà điều hành là khó khăn của các doanh nghiệp, người vay vốn. Lãi suất cho vay quá cao kéo dài đang thể hiện rõ hơn trong nền kinh tế, ở sản xuất kinh doanh đình đốn, lượng tồn kho tăng lên… TS. Lê Thẩm Dương nói rằng, vừa qua có những con số đề cập đến lượng doanh nghiệp phá sản, và theo ông, 50.000 là quy mô chắc chắn.

Và gánh nặng thứ năm, theo chuyên gia này là vai trò của lãi suất đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế, trong đó ông nhấn mạnh đến thị trường chứng khoán.

“Lãi suất cũng đứng trước đòi hỏi làm sao để hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, làm sao để thị trường này thực sự trở thành một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, còn ngân hàng chỉ là kênh hỗ trợ vốn ngắn hạn”, ông nói.

Mối liên hệ đó cũng được ông Lê Chí Phúc, Giám đốc Đầu tư - Công ty Quản lý quỹ SGI) nhấn mạnh tại buổi hội thảo của MSBS.

Ông Phúc đưa ra dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tạo đáy trong giai đoạn quý 2 - quý 3/2012; nếu có sự suy giảm thì chỉ hạn chế trong khoảng 10% - 30% từ mốc kết thúc năm 2011, trong khi tiềm ẩn cơ hội tăng trưởng 60% - 100% sau một năm.

Một cơ sở của kỳ vọng mà Giám đốc Đầu tư SGI đưa ra là lãi suất và mối liên hệ của nó với thị trường chứng khoán. “Lãi suất có lẽ là mối quan tâm hàng đầu hiện nay trên thị trường”, ông Phúc đặt vấn đề.

Và theo ông, lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm từ tháng 6 tới. Khi lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng sẽ có điều kiện để tăng trở lại. Bên cạnh tín hiệu của lạm phát, một cơ sở để xác định mốc tháng 6/2012 là lãi suất đứng trước áp lực của tăng trưởng kinh tế.

Sau quý 1 tăng trưởng thấp, áp lực tăng trưởng GDP nửa sau 2012 sẽ lớn hơn. Thêm vào đó, từ tháng 6, khi tác động của lãi suất cho vay quá cao kéo dài trong thời gian qua thể hiện ở sự khó khăn của các doanh nghiệp, những tiếng “kêu” hay yêu cầu giảm lãi suất sẽ càng có trọng lượng hơn.

Tuy nhiên, như nhìn nhận của TS. Lê Thẩm Dương, với 5 gánh nặng cùng lúc trên vai, lãi suất vẫn sẽ có những bước đi khó khăn và thận trọng trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét