Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

(1) SỰ THẬT TÀN BẠO: ĐẠI TIỆC NAM HẢI ĐÃ BỊ CƯỚP ĐI MỘT CÁCH ĐIÊN CUỒNG

Báo Trung Quốc China.com:

(1) SỰ THẬT TÀN BẠO: ĐẠI TIỆC NAM HẢI
ĐÃ BỊ CƯỚP ĐI MỘT CÁCH ĐIÊN CUỒNG

30.3. 2012
(Không có tên tác giả)
Người dịch:  Quốc Thanh
Tranh chấp Nam Hải đã đi từ tranh chấp tài nguyên đến đấu tranh địa-chính trị, mà nguồn lợi thu được từ đấu tranh địa-chính trị sẽ bù ngược trở lại cho tranh chấp tài nguyên, một số nước xung quanh Nam Hải đang áp dụng chiến lược giành giật toàn diện, nhất thể hóa đối với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp và thoái bộ.
Năm 2011, tranh chấp về quyền lợi biển giữa nước ta với các nước xung quanh ngày càng nổi rõ, những vấn đề phải đối mặt ngày càng rắc rối, cả ở các vùng biển Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải [i] nước ta đều phải đối mặt với vô số những tranh chấp về phân chia quyền lợi biển với các nước láng giềng, hình thế bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc hết sức nghiêm trọng, trong đó vấn đề Nam Hải là nổi bật nhất, đã trở thành một tiêu điểm và điểm nóng trong quan hệ quốc tế. Do Mỹ điều chỉnh lại sách lược ở khu vực Tây Thái Bình Dương, gấp gáp tiến hành tư thế tiến công bao vây chiến lược đối với Trung Quốc, với sự  xúi giục và tiếp tay của Mỹ, các nước xung quanh đã gây nên một đợt tranh chấp mới về sự quy thuộc các đảo ở Nam Hải, khiến cho hình thế khu vực Nam Hải ngày càng trở nên căng thẳng và phức tạp. Theo con mắt một vài thế lực bên ngoài nào đó, Nam Hải đầy khả năng trở thành thế “Balkans của Châu Á”. Mà việc Mỹ điều chỉnh chiến lược xưng bá toàn cầu là động lực căn bản dẫn đến quốc tế hóa và phức tạp hóa vấn đề Nam Hải.

Tranh chấp về quyền lợi biển phát sinh giữa Trung Quốc với các nước xung quanh không hề là một sự kiện tách rời và riêng lẻ, xét từ góc độ điều chỉnh lại cục diện địa-chính trị quốc tế gần đây, tranh chấp về quyền lợi biển gay gắt giữa các nước cùng việc bảo vệ lợi ích kinh tế biển của từng nước đã trở thành chuyện thường thấy, từ vùng Bắc Cực băng giá cho đến đường thủy Malacca nhộn nhịp, cuộc đấu tranh tranh chấp tài nguyên biển và khống chế đường biển đang ngày càng căng thẳng, vấn đề Nam Hải đang trở nên ngày càng không thể nắm bắt nổi với sự thúc ép từ các nước lớn và lợi ích kinh tế.
Xét từ góc độ địa-chính trị, ai khống chế được Nam Hải, kẻ ấy có thể khống chế được Đông Nam Á, từ đó mà khống chế được toàn bộ vùng Tây Thái Bình Dương và đại lục Châu Úc. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nơi đây là vùng tiền duyên giao tranh giữa hai trận tuyến, Mỹ và Liên Xô cũ lần lượt đặt căn cứ quân sự đối đầu cách biển ở vịnh Subic của Philippines và vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nam Hải tạm thời xuất hiện thời kì chân không chiến lược, khu vực này không hề được sự quan tâm quá mức của Mỹ, nhưng bước vào thế kỷ 21, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế của các nước Đông Á như Trung Quốc, ASEAN…, nhất là sau “Sự kiện 11.9”, ASEAN tỏ thái độ thận trọng khi triển khai sự  hợp tác chống khủng bố với Mỹ, đồng thời phản ứng mạnh mẽ chính sách bá quyền của Mỹ, mối liên hệ kinh tế giữa Trung Quốc với ASEAN ngày càng chặt chẽ khiến Mỹ cảm thấy quyền lực mềm của mình ở khu vực này đang liên tục bị xói mòn, thế mạnh của Trung Quốc và sự trễ nải của Mỹ “đang ảnh hưởng tới tình hình của Châu Á”.

Sau khi chính phủ Obama lên nắm quyền, để “tái lập” sự khống chế vùng Đông Á, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, Mỹ dần dần hướng mắt về Nam Hải, mưu đồ lấy lí do “an toàn đi lại trên biển”, mượn vấn đề Nam Hải làm con chip mặc cả chính trị, giành lợi thế về vấn đề chiến lược, đồng thời gia tăng sức ảnh hưởng đối với khu vực Nam Hải về mặt địa-chính trị, hình thành thế hợp vây Trung Quốc về mặt quân sự.  Chúng ta cần thấy rằng, việc áp dụng sách lược ra sao để khiến Trung Quốc không thể phát triển thành mối uy hiếp đối với sự xưng bá của Mỹ, đó chính là một vấn đề chiến lược cốt lõi mà các chính khách Mỹ suy nghĩ đến bấy lâu nay. Khi vấn đề Đài Loan đang đi vào bối cảnh hợp tác tích cực cùng với sự cải thiện mối quan hệ hai bờ, thì việc quốc tế hóa, phức tạp hóa vấn đề Nam Hải liền trở thành một sáng kiến chiến lược mới để Mỹ khống chế sự phát triển của Trung Quốc. Mỹ hi vọng bằng việc “lưỡng hóa” này sẽ khiến cho Trung Quốc đầu tư nhiều nguồn vốn chiến lược hơn vào việc giải quyết vấn đề Nam Hải. Đây là một nước cờ để Mỹ “dẫn dắt” việc phân bổ nguồn vốn chiến lược của Trung Quốc. Sự xung đột và giành giật giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Nam Hải thực tế là một “chiến trường mới” tiến hành điều chỉnh lại đại cục diện địa-chính trị quốc tế, vấn đề Nam Hải sở dĩ khi thăng khi trầm như vậy trong năm 2011, là do Mỹ đã đóng vai cực kỳ đáng hổ thẹn ở đằng sau.
Mấy năm gần đây, Mỹ tỏ ra ngày càng sốt sắng hơn với vấn đề tranh chấp các quần đảo và tài nguyên dầu khí ở Nam Hải. Mỹ từng bước điều chỉnh chính sách “không dính líu” vào Nam Hải, tăng thêm độ lực thẩm thấu quân sự vào khu vực Nam Hải. Một chiêu trắng trợn nhất trong đó chính là tích cực thúc đẩy tổ chức diễn tập quân sự nhiều bên và hai bên, lấy Nam Hải làm bối cảnh, với một số nước Đông Nam Á. Năm 2010, với khẩu hiệu “quay trở lại Đông Á”, Mỹ đã đẩy nhanh thêm bước tiến vào Nam Hải. Còn các nước có liên quan ở Nam Hải thì thúc đẩy việc quốc tế hóa vấn đề Nam Hải, mưu đồ nỗ lực thúc đẩy “nâng cấp” vấn đề Nam Hải thành vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc để giải quyết. Một số nước thậm chí còn lấy cớ tăng cường sự hợp tác khu vực để hòng thông qua ASEAN và thế lực bên ngoài do Mỹ đứng đầu để cấu thành thế “nhiều đối một” đối với Trung Quốc, hình thành nên một hợp lực để cùng ứng phó với Trung Quốc.
Trung Quốc chưa sản xuất được một giọt dầu nào ở vùng trung và nam Biển Nam Trung Hoa[ii] thì đã bị các tiểu quốc Đông Nam Á điên cuồng giành giật tài nguyên dầu khí, hãy nghe, giàn khoan dầu của bao nước  nổ ầm ầm trên vùng biển của Trung Quốc đang tàn nhẫn hút lấy những giọt máu dầu mỏ của Trung Quốc.
Từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 5 năm 2011, Bộ ngoại giao Philippines ra tuyên bố nói, có mấy tàu hải quân Trung Quốc đã tới cắm phao tiêu và cột trụ ở Amy Douglas Bank về phía tây đảo Palawan Philippines. “Theo phía quân đội Philippines, những chiếc tàu Trung Quốc này đã đổ một ít nguyên vật liệu xây dựng để dựng một số cột trụ, rồi cắm phao tiêu”.
Điện ngày 26 tháng 5 năm 2011, giàn khoan “Dầu mỏ hải dương 981” nước sâu kiểu nửa chìm đầu tiên của nước ta, chiều ngày 26 với sự lai dắt, hộ tống của 8 tàu lai dắt và 4 tàu tuần tra biển, đã đi qua được đường Bắc Tào ở Trường Giang Khẩu một cách suôn sẻ, điều này đánh dấu sự tái lập kỷ lục hạ thủy giàn khoan có độ rộng lớn nhất ở đường biển nước sâu Trường Giang Khẩu, mở ra một trong những đường khai thác thăm dò dầu ở Nam Hải Trung Quốc dạng thăm dò dầu nước sâu của nước ta. Có tin nói giàn khoan “Dầu mỏ hải dương 981” sẽ tới Đông Hải trước trong một ngày gần đây, đồng thời sẽ tới vùng biển Nam Hải vào mùa thu.
Tháng 5 năm 2011, (theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam) Hội Dầu khí Việt Nam đã ra Tuyên bố trước việc tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày 26/5/2011, 3 tàu Hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) – Hội viên của Hội Dầu khí Việt Nam, khi đang khảo sát địa chấn trong lô 146-148 cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý về phía đông, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 9 tháng 6 năm 2011,  người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói ngày hôm trước, tàu Trung Quốc cố tình phá cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam khi đang tác nghiệp tại Nam Hải, đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi về chủ quyền và quyền quản lý của Việt nam. Điện ngày 9 tháng 6 năm 2011 (nhà báo  Đào Xã Lan), Bộ quốc phòng Trung Quốc ngày 9 biểu thị, biên đội tàu quân sự hải quân Trung Quốc dự định tiến hành huấn luyện tại vùng biển quốc tế ở Tây Thái Bình Dương vào hạ tuần tháng 6. Báo “Đất Việt” của Việt Nam ngày 10 đăng một bản Thông cáo nói ngày 13 tháng 6, Việt Nam sẽ tổ chức diễn tập đạn thật, đồng thời cảnh cáo các loại tàu thuyền hãy tránh xa vùng biển này…
Một biểu đồ phân chia lô dầu khí Đông Nam Á:  thường cơ quan chủ quản dầu mỏ hoặc công ty dầu mỏ của các nước phân chia những khu vực có giá trị tiềm năng ra thành nhiều lô hợp đồng để đấu thầu. Sau đó phân dầu mỏ được ký kết thành các hợp đồng, nếu dầu mỏ có giá trị công nghiệp cao thì tiến hành phân ra dựa vào cổ phần có được trong hợp đồng, như giếng dầu Bồng Lai 19-3 nằm trên lô 19-3 biển Bột Hải để ngỏ với các nước. CNOOC chiếm 51% cổ phần, ConocoPhillips chiếm 49% đồng thời đảm nhận làm nhà điều hành. Các ô màu xanh lá cây trên sơ đồ chính là các lô đấu thầu được các nước Đông Nam Á phân chia ở Nam Hải. Hiển nhiên là các nước xung quanh đã thò tay dần vào nơi sâu nhất của Nam Hải, thời năm 1999, giếng dầu của các nước Đông Nam Á về cơ bản nằm ngoài hoặc sượt qua đường 9 đoạn, nhưng giờ đây các nước đã không hài lòng với những hoạt động thăm dò ngày càng nhảy vọt của các nước Đông Nam Á ở Nam Hải, mưu đồ của các nước này đã không chỉ dừng lại ở trên biểu đồ, mà đã thể hiện ra cả trong hành động.

Những tin tức trên đây chắc chắn chứng tỏ sự tranh giành các giếng dầu ở Nam Hải ngày càng khốc liệt, vậy thì hiện trạng dầu mỏ ở Nam Hải rút cuộc là ra sao?
Về vấn đề này, tin tức các loại của chúng ta xưa nay đều mập mờ. Chẳng hạn như có người nói việc khai thác dầu của Việt Nam ở Nam Hải chưa tiến vào đường 9 đoạn, lại có người nói cái gọi sự thật Nam Hải là chưa có nước nào lắp đặt giàn khoan ở trong lòng Nam Hải đang có tranh chấp cả…, tất cả chỉ có vậy. Những nhận biết của chúng ta về việc khai thác dầu ở Nam Hải  luôn là hỗn loạn và mơ hồ, đều chỉ nói là các nước Đông Nam Á trắng trợn khai thác dầu, nhưng lại không thể nói rõ ra được là nước a,b,c nào, bởi vì chưa có ai tiến hành khảo cứu cho nghiêm túc về vấn đề này. Bất luận là ra sao, có những việc luôn cần có người làm, tôn chỉ của bài này là để giúp mọi người có sự nhận thức đúng về hiện trạng khai thác dầu mỏ ở Nam Hải.
 Bể dầu Nam Hải đang ngày càng bị tằm ăn rỗi
Ngoài mấy bồn trầm tích trên thềm lục địa ven biển Trung Quốc nằm trong đường hải giới truyền thống của nước ta, ở vùng dốc lục địa và vùng thềm lục địa bán đảo Đông Dương còn có 26 bồn trầm tích nữa, đó là bồn Tăng Mẫu, bồn Brunei-Sabah, bồn Vạn An, bồn Palawan, bồn máng biển Nam Sa[iii],  bồn Bãi Lễ Nhạc[iv], bồn Bắc Khang, bồn Nam Vi, bồn Trung Kiến, bồn máng biển Tây Sa[v], bồn Bút Giá, bồn Bãi An Độ… Máng biển Palawan, Bãi Lễ Nhạc, bồn Brunei-Sabah, bồn Đông Natuna, bồn Tăng Mẫu, bồn Palawan về cơ bản nằm gần bờ thềm lục địa các nước xung quanh Nam Hải, các nước đều đã tự phân chia lãnh hải, thế là các lô khai thác dầu mở trên biển của các nước này cũng phân bố ven theo đường 9 đoạn.
Biểu đồ đường địa chấn biển Đông Nam Á 

Thăm dò ngoài khơi năm 2008 chủ yếu tiến hành thăm dò địa chấn 2D hoặc 3D bằng các tàu thăm dò kéo các mảng thăm dò. Biểu đồ đo phản ánh trực tiếp mức độ thăm dò ở vùng biển này, các màu sắc khác nhau trong biểu đồ biểu thị sự thăm dò của các công ty thăm dò khác nhau, như màu đỏ đại diện cho Công ty CGG của Pháp, mà xanh da trời đại diện cho Công ty PGS.

Bản tiếng Việt © Quốc Thanh 2012
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012 

[i]   Tức Biển Đông
[ii]   Tức Biển Đông
[iii]   Tức Trường Sa
[iv]   Tiếng Anh:  Reed  Bank
[v]   Tức Hoàng Sa
[vi]   Tức Côn Đảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét