CHÚNG TA SẼ THU ĐƯỢC GÌ KHI PHÁ GIÁ MẠNH ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM ?
(phá giá mạnh để đổi mới cơ cấu kinh tế và phát triển có hiệu quả)
Sau những thành tựu đáng tự hào năm 2000 khi đà suy giảm kinh tế bị chặn lại và nền kinh tế đạt được một tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao, nước ta lại phải đối diện với một nguy cơ mới: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2001 có khả năng thấp hơn năm 2000 trong khi nhiều vấn đề căng thẳng trong hệ thống kinh tế - xã hội tiếp tục gia tăng. Để đáp lại thách thức này, gần đây, đã xuất hiện trở lại quan điểm cổ vũ cho việc phá giá mạnh mẽ đồng tiền nội địa nhằm tạo ra những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển từ chiến lược phát triển hướng nội hiện nay, sang chiến lược hướng ngoại, hướng vào xuất khẩu và hội nhập quốc tế. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đây là một trong những biện pháp cơ bản nhất để mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới, nhanh và dài hạn, trong quá trình phát triển kinh tế nước ta như kinh nghiệm của phá giá cuối những năm 80.Tuy nhiên, trường phái chống lại quan điểm phá giá rất đông đảo. Căn cứ vào đặc điểm kinh tế xã hội nước ta và hiệu quả thấp kém của nhiều cuộc phá giá trên thế giới, nhất là kinh nghiệm phá giá ở các nước trong khu vực Đông nam á trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu á gần đây, trường phái này khảng định cần hết sức tránh biện pháp phá giá cao vì phá giá cao tức khắc dẫn tới suy yếu mạnh đồng tiền nội địa, giảm lòng tin của công chúng vào tính nhất quán của sự nghiệp đổi mới, tăng nợ chính phủ, tạo ra những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, đe dọa sự bền vững của hệ thống ngân hàng, thậm chí có nguy cơ làm giảm xuất khẩu, tăng nhập khẩu, tăng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế và giảm dự trữ ngoại tệ, trái với mong đợi của trường phái chủ trương phá giá mạnh.
Phá giá mạnh đồng tiền nội địa là một trong những quyết định hết sức khó khăn và nhạy cảm vì nó liên quan đến rất nhiều khía cạnh của hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Do đó, việc nghiên cứu thận trọng là cực kỳ cần thiết. Để góp phần vào cuộc thảo luận hiện nay, bài viết này sẽ phân tích những diễn biến tỷ giá trong thập kỷ vừa qua, nhu cầu phải phá giá mạnh đồng tiền nội địa hiện nay và bước đầu trả lời câu hỏi: Chúng ta sẽ thu được gì khi phá giá mạnh đồng tiền Việt nam ?
I. TIẾN TRIỂN CỦA TỶ GIÁ TỪ KHI BẮT ĐẦU
NHỮNG CẢI CÁCH MẠNH MẼ NĂM 1989
Có thể nói, trong hai chục năm trở lại đây, trong tâm lý của người Việt nam, tỷ giá danh nghĩa của đồng đô la Mỹ so với đồng tiền Việt nam luôn luôn có xu hướng tăng lên, do đó giữ đô la được coi là hình thức tiết kiệm an toàn nhất đối với không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế từ khi cải cách 1989 đến nay, tình hình diễn ra không hoàn toàn như vậy. Về tỷ giá danh nghĩa, đồng đô la Mỹ chỉ lên giá so với đồng tiền Việt nam trong năm 1991 và từ năm 1997 đến nay, nhưng mức độ lên giá hàng năm không cao. Ngược lại, trong năm 1990 và suốt một khoảng thời gian dài từ năm 1992 đến 1996, tỷ lệ lạm phát cao hơn hẳn tỷ lệ phá giá. Hậu quả là khoảng cách giữa giá và tỷ giá đã bị doãng ra nhanh như đồ thị dưới đây đã chỉ ra. Đặc biệt, đã có một số năm, do lượng ngoại tệ bên ngoài đổ vào Việt nam khá nhiều, đồng đô la bị mất giá nghiêm trọng nên Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp mạnh mẽ để hỗ trợ đồng đô la. Tỷ giá danh nghĩa của đồng đô la so với tiền việt cuối năm 1991 đã lên tới 14500 đồng / USD nhưng đến giữa tháng 5/2001, tỷ giá này cũng chỉ dừng ở mức 14580 đồng / USD trong khi cùng thời gian đó, giá tiêu dùng đã tăng 87,6%. Tính chung từ năm 1989 đến cuối năm 2000, đồng đô la Mỹ đã mất giá 39,2% so với đồng tiền Việt, hay đồng tiền Việt đã lên giá 64,4% so với đồng đô la Mỹ.
|
không sao đưa được đồ thị lên đây.
(Nguồn số liệu: Tình hình kinh tế xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000 - Tổng cục Thống kê, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội, 2-2001)
Về tỷ giá thực (real exchange rate), tức là tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh theo biến động giá tiêu dùng trong nước và quốc tế, theo tính toán của chúng tôi, nếu lấy năm 1992 làm mốc, (khi đó, tỷ giá đồng đô la so với đồng tiền Việt nam xuống đến mức thấp nhất là 10500 đồng / USD sau khi đã lên tới 14500 đồng / USD vào cuối năm 1991; đồng thời đây là năm duy nhất trong lịch sử kinh tế chúng ta có cân cân xuất nhập khẩu cân bằng - một tiêu chuẩn rất quan trọng để xác định tỷ giá thực cân bằng đối với các nước đang phát triển), thì từ năm 1995 tới nay đồng tiền nước ta liên tục bị đánh giá cao khoảng 10-17% so với các đồng tiền của 18 bạn hàng lớn nhất[1]. Đến cuối năm 2000, đồng tiền nước ta đã lên giá khoảng 17%, cao đáng kể so với mức lên giá vào năm 1996 (9,8%). Tốc độ lên giá của đồng tiền nước ta đặc biệt nhanh từ sau khủng hoảng tiền tệ châu á năm 1997. Nghiêm trọng hơn, nếu so với năm 1989 khi bắt đầu những cải cách sâu rộng thì đồng tiền nước ta đã lên giá khoảng 40-45%.
Về mặt lý thuyết, đồng tiền nội địa lên giá sẽ làm giảm lãi thu được tính theo tiền nội địa của các hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu so với giá thành sản xuất ra chúng, cũng như làm giảm giá hàng nhập so với giá hàng hoá sản xuất trong nước, dẫn đến làm giảm lợi nhuận của người sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu trong khi lại làm tăng lợi nhuận cho người kinh doanh nhập khẩu, kéo theo hiện tượng co hẹp xuất khẩu, tăng nhanh nhập khẩu và điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng phục vụ thị trường nội địa. Những hậu quả lớn nhất của việc đánh giá cao nội tệ là làm giảm tăng trưởng xuất khẩu, kích thích nhập khẩu, hạn chế sự phát triển của nông nghiệp - khu vực làm hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước ta, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng hàng rào bảo hộ mậu dịch, tạo ra những mất ổn định trong thu ngân sách và thường kéo theo khủng hoảng nợ, và sẽ dẫn tới phá giá đồng tiền, kéo theo những áp lực lạm phát và phát triển nhiều loại tiêu cực, bất công trong xã hội[2]. Theo kinh nghiệm thế giới, trong một nền kinh tế thị trường, khi tỷ giá thực bị đánh giá cao trên 10% và kéo dài trên 2 năm, riêng đầu cơ dựa trên khả năng phá giá danh nghĩa cũng đủ làm nền kinh tế rơi vào khủng hoảng và một tỷ lệ vốn rất cao chạy ra nước ngoài[3].
II. TẠI SAO PHẢI PHÁ GIÁ MẠNH ĐỒNG TIỀN
VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY ?
1) Phục hồi kinh tế năm 2000 dựa trên tăng giá xuất khẩu dầu thô:
Để giải thích tại sao phải phá giá mạnh đồng tiền Việt nam trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phân tích tại sao trong năm 2000 nền kinh tế nước ta thoát khỏi vòng xoáy suy thoái, trở lại nhịp độ tăng trưởng tương đối cao. Theo chúng tôi, hai nguyên nhân quan trọng nhất là:
a) Chính phủ đã triển khai một chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng rộng lớn ngay từ quý II/1999 và áp dụng một số chính sách kinh tế tích cực, cởi mở hơn ngay từ đầu năm 2000, trong đó đáng kể nhất là Luật Doanh nghiệp và nới lỏng kiểm soát nhập khẩu. Riêng nhập khẩu năm 2000 đã tăng tới 34% so với 4,3% năm 1997, -0,9% năm 1998 và 0,9% năm 1999.
b) Tuy nhiên, vai trò của nhân tố tăng giá dầu thô là rất quan trọng. Nếu loại trừ ảnh hưởng tổng hợp của nhân tố này thì tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2000 sẽ thấp hơn năm 1999, tức là nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm tỷ lệ tăng trưởng. Thật vậy:
- Về khía cạnh lợi do giá dầu tăng: Năm 2000, xuất khẩu dầu tăng 4,2% về lượng, nhưng tới 71,2% về giá trị. Do đó riêng phần tăng giá trị xuất khẩu dầu thô do nhân tố tăng giá xuất là 64,3%%. Tổng giá trị xuất khẩu dầu thô năm 2000 là 3,58 tỷ USD, tăng 71,2% so với 1999, tương đương 1,49 tỷ USD. Phần tăng do tăng giá là 1,4 tỷ USD. Đây là số lợi trực tiếp về xuất do việc tăng giá dầu.
- Khía cạnh bất lợi do tăng giá dầu: Năm 2000, nhập khẩu dầu tăng 16% về lượng, 91,3% về giá trị. Do đó phần tăng nhập do tăng giá là 64,9%. Tổng giá trị nhập dầu là 2,02 tỷ USD, tăng 0,96 tỷ USD so với năm 1999, trong đó phần tăng do tăng giá dầu là 0,79 tỷ USD.
- So sánh trực tiếp lợi và thiệt do tăng giá dầu thấy rõ ràng phía Việt nam được lợi trực tiếp là 1,4-0,79 = 0,61 tỷ USD.
- GDP danh nghĩa năm 1999 là 399942 tỷ đồng, tương đương 29,02 tỷ USD (tỷ giá 13780 đồng / USD); GDP năm 2000 là 444139 tỷ đồng, tương đương 31,17 tỷ USD (tỷ giá 14249 đồng / USD). Do vậy, GDP năm 2000 tính theo USD tăng 7,4% so với năm 1999, trong đó tăng 6,75% về lượng, 4,0 về giá nội địa và giảm 3,4% về thay đổi tỷ giá. Mức chênh lệch giữa 2 năm là 2,15 tỷ USD, riêng phần lợi do tăng giá dầu thô là 0,61 tỷ USD, chiếm 28,4% phần tăng thêm của GDP. Do đó, xét về lượng, tăng giá dầu thô đã tạo ra 1,92% giá trị tăng thêm của GDP trong khi các nhân tố khác (kể cả tăng khối lượng xuất khẩu dầu thô) tạo ra 4,83%; đóng góp tổng cộng của cả hai loại nhân tố là tỷ lệ tăng trưởng GDP 6,75%.
Như vậy, theo tính toán trên, nếu loại trừ ảnh hưởng trực tiếp của tăng giá dầu thô, tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2000 chỉ tương đương với năm 1999 (4,8%). Tuy nhiên, bên cạnh ảnh hưởng trực tiếp, tăng giá dầu thô còn có những tác động gián tiếp tới tăng trưởng kinh tế thông qua việc làm tăng thu ngân sách để chính phủ có thể thực hiện chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng việc tăng giá dầu đã làm thu ngân sách tăng thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Do đó, nếu loại trừ thêm những ảnh hưởng gián tiếp của tăng giá dầu thô, tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2000 sẽ thấp hơn năm 1999, tức là tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm sút. Như vậy, phục hồi kinh tế năm 2000 là nhờ tăng giá dầu thô chứ không phải từ những nhân tố nội tại của nền kinh tế[4].
2) Nền kinh tế Việt nam đang chứa đựng những yếu kém, khó khăn nghiêm trọng, mà vấn đề nghiêm trọng nhất là cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng phục vụ thị trường nội địa, giá thành sản phẩm tăng nhanh, nền kinh tế đang cạn kiệt sức cạnh tranh quốc tế.
a) Cơ cấu kinh tế hướng nội
Theo phân tích của chúng tôi, toàn bộ những tiến triển về tăng trưởng sản xuất, thay đổi cơ cấu, đầu tư và xuất khẩu của nền kinh tế nước ta trong thập kỷ vừa qua có thể lý giải bằng hai lý thuyết kinh tế chính: Lý thuyết tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ và lý thuyết nhập khẩu vốn và đánh giá cao nội tệ, trong đó lý thuyết tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ là cơ sở để giải thích tiến triển kinh tế giai đoạn trước 1992 và lý thuyết nhập khẩu vốn và đánh giá cao nội tệ là cơ sở để giải thích tiến triển kinh tế giai đoạn từ sau năm 1992[5].
Nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy do thất bại của cuộc tự do hoá hệ thống tài chính quá nhanh năm 1989-1990 đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng tiền tệ, tín dụng năm 1990 và phá giá rất mạnh năm 1991[6], chính phủ Việt nam đã trở nên quá thận trọng trong mỗi bước cải cách kinh tế, nhất là trong lĩnh vực tự do hoá các hoạt động ngân hàng và tín dụng. Trong những năm 1992-1993, tự do hoá kinh tế đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh quý giá cho giới đầu tư, nhưng do chính sách tài chính, tiền tệ quá chặt để đẩy lùi lạm phát, tình trạng thiếu hụt tiền và vốn tín dụng nội địa để tiền tệ hóa nền kinh tế và tích luỹ phục vụ nhu cầu phát triển ngày càng trở lên trầm trọng. Vì vậy, các nhà đầu tư trong nước đã buộc phải tìm cách huy động vốn từ nước ngoài, trước tiên là từ Việt kiều hải ngoại. Tiếp đó, việc tăng vọt khối lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu dầu mỏ từ năm 1992-1993, sự trở lại của nguồn vốn ODA từ năm 1993 và nhất là chấm dứt cấm vận tài chính của Mỹ chống Việt nam năm 1994 đã làm cho một lượng ngoại tệ rất lớn chảy vào Việt nam. Quá trình này đã làm phát sinh hiện tượng tự phát gia tăng tỷ lệ tích luỹ nội địa và tỷ lệ đô la hoá rất cao trong nền kinh tế.
Luồng vốn nhập khẩu này đã cho phép Việt nam nâng cao tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư nội địa, từ đó tăng nhanh đầu tư cho toàn nền kinh tế, làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP đã gia tăng rất nhanh trong giai đoạn 1992-1996. Tuy nhiên, luồng ngoại tệ ồ ạt chảy vào cũng đã làm tăng nhanh tiêu dùng nội địa, kéo theo tăng nhanh chi phí tiền lương, tăng thu nhập và tăng các chi phí khác, tức là tăng nhanh giá thành sản phẩm, làm cho nền kinh tế mất dần sức cạnh tranh. Ngoài ra, do vốn nhập khẩu quá nhiều và dễ dàng, tình trạng sử dụng lãng phí và tham nhũng đã ngày càng phát triển. Tai hại hơn, lạm dụng vốn nước ngoài đã làm tăng nhanh giá nội tệ so với ngoại tệ, dẫn tới giảm nhanh lợi thế so sánh quốc tế của khu vực sản xuất hàng thương mại quốc tế được và mở ra những khó khăn ngày càng nghiêm trọng đối với sự phát triển của các ngành kinh tế hướng về xuất khẩu.
Năm 2000, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,0% nhưng GDP nông nghiệp chỉ tăng 4%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,7% nhưng GDP công nghiệp chỉ tăng 10,1%. Tính chung sau 10 năm 1991-2000, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,75 lần trong khi GDP nông nghiệp chỉ tăng 1,51 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,6 lần nhưng GDP công nghiệp chỉ tăng 2,9 lần. Điều này chứng tỏ chi phí sản xuất đã tăng rất nhanh.
Những tác động tiêu cực của việc đánh giá cao nội tệ trong nửa đầu thập kỷ 90 đã được giảm nhẹ nhờ tốc độ tăng trưởng năng suất của Việt nam trong thời kỳ này khá cao. Mặc dù vậy, do việc đánh giá cao tỷ giá thực kéo dài, hậu quả đã trở lên rất nghiêm trọng. Dưới sức ép cạnh tranh khốc liệt của hàng hoá nhập ngoại, các nhà đầu tư Việt nam và nước ngoài không còn dám đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao và làm hàng xuất khẩu nữa mặc dù Chính phủ đã không ngừng gia tăng những biện pháp nâng đỡ có tính chất bao cấp và bảo hộ. Họ đã và đang chuyển vốn đầu tư của mình vào khu vực sản xuất hàng không thương mại quốc tế được và khu vực sản xuất thay thế nhập khẩu được bảo hộ, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng và kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sơ hạ tầng và một số ngành công nghiệp nặng.
Xu hướng này một mặt đã làm tăng rất nhanh giá đất đai, dịch vụ, bất động sản và tiền lương so với tăng giá các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp hướng về xuất khẩu như chúng ta đã chứng kiến. Mặt khác, khi nội tệ đã lên giá quá cao, giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng nhanh và vốn, lao động, vật tư và các nguồn lực khác di chuyển mạnh ra khỏi khu vực sản xuất hàng thương mại quốc tế được để tập trung vào các ngành hướng nội nêu trên thì cũng là dấu hiệu báo trước tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tỷ lệ tăng trưởng GDP nói chung sẽ phải giảm sút. Trên thực tế, hiện tượng này đã xuất hiện tại Việt nam ngay từ năm 1996, trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á.
Trong những năm gần đây, tình hình đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng vì không những khu vực làm hàng xuất khẩu không thể phát triển mà ngay cả khu vực sản xuất hàng thay thế nhập khẩu cũng gặp khó khăn, điển hình là tỷ trọng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm ăn thua lỗ tăng lên. Đến nay, chỉ còn những ngành được bảo hộ bằng ngân sách (nhờ nguồn thu từ xuất khẩu tài nguyên và thuế nhập khẩu) và bằng cơ chế độc quyền là còn làm ăn có lãi (nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm dần). Kinh doanh xuất khẩu không có lãi, hoặc lãi rất ít, nhưng kinh doanh nhập khẩu lại có lãi rất cao và lãi này được các công ty xuất nhập khẩu dùng để bù đắp cho những thua lỗ khi xuất khẩu.
Do phục vụ thị trường nội địa, nên nhập khẩu đầu vào nhiều, nhưng xuất ra ít. Năm 2000, xuất khẩu tăng 25%, nhưng nhập khẩu tăng tới 34%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhiều mặt hàng thấp hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, ví dụ về mặt giá trị, nhập khẩu nguyên vật liệu dệt, may, da tăng 21,7%; nhập sợi dệt tăng 18,2%, nhưng xuất khẩu hàng dệt may chỉ tăng 3,9%; nhập khẩu linh kiện điện tử, máy tính tăng 37,9%, xuất khẩu ít về khối lượng và chỉ tăng 33%. Nhập khẩu phân bón tăng 10% (riêng phân urê tăng 40,5%), xuất khẩu gạo lại giảm 33% và xuất khẩu 8 mặt hàng trồng trọt chính (lạc, cao su, cà phê, chè, gạo, điều, tiêu, rau quả) giảm đến 9,8%. Các mặt hàng như ô tô, xe máy, chất dẻo... khối lượng và giá trị nhập khẩu tăng lên rất nhanh. Tình hình vẫn tiếp diễn trong 5 tháng đầu năm 2001.
Quá trình dịch chuyển cơ cấu hướng nội nêu trên đã tạo ra nhiều xu hướng phát triển kém hiệu quả trong nền kinh tế và toàn xã hội. Về kinh tế, do vốn quá nhiều, tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều lao động đã giảm đi trong khi tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều vốn hoặc gắn với khai thác tài nguyên thiên nhiên tăng lên. Trong toàn nền kinh tế, sau khi tăng đến 40,5% năm 1991, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm liên tục từ năm 1992 đến nay, chỉ còn 24,3% năm 2000; tỷ trọng dịch vụ sau khi lên đến đỉnh cao nhất là 44,1% năm 1995 trong cơn sốt tiêu dùng và xây dựng[7] đã giảm liên tục từ năm 1996, xuống còn 39,1% năm 2000. Trong công nghiệp, các ngành công nghiệp khai thác phát triển nhanh hơn các ngành công nghiệp chế biến[8], tỷ trọng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều vốn như cơ khí, thiết bị điện, luyện kim, hoá chất, cao su... tăng lên, trong khi tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều lao động như khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh, các ngành chế biến thực phẩm và đồ uống, dệt may, sản phẩm từ da, gỗ, giấy... giảm nhanh.
Về mặt xã hội, quá trình phát triển trên đã gây tác động tiêu cực rất lớn tới giải quyết việc làm và ổn định xã hội ở nông thôn, nhất là khi nông nghiệp không thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Chúng ta đều biết tầm quan trọng đặc biệt của nông nghiệp trong nền kinh tế Việt nam; đây là khu vực đang tạo ra 1/3 giá trị xuất khẩu nước ta[9] và góp phần tạo ra 1/3 giá trị xuất khẩu của khu vực công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; khu vực này cũng sử dụng tới 67,3% lực lượng lao động xã hội và hàng năm tạo ra khoảng 1/3 số việc làm mới. Vì tỷ giá bị đánh giá cao, lợi nhuận của khu vực nông nghiệp thấp, sản xuất và xuất khẩu không ổn định nên thu nhập của nông dân thấp, tỷ lệ không có việc làm cao, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nông dân và ổn định xã hội nông thôn. Thêm nữa, do sản xuất ngày càng khó khăn, một bộ phận nông dân đã bỏ nông thôn ra thành thị để kiếm sống, gây ra quá trình đô thị hoá tự phát và nhiều vấn đề xã hội nan giải.
b) Tham nhũng và lãng phí tràn lan, làm chi phí sản xuất tăng nhanh, nền kinh tế cạn kiệt sức cạnh tranh
Trong những phân tích ở phần trên, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề đánh giá cao tỷ giá thực, làm cho chi phí sản xuất của khu vực làm hàng xuất khẩu và toàn nền kinh tế rất cao, đưa nền kinh tế đi đến chỗ cạn kiệt sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và ngay trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân cơ bản này, còn có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là tình trạng tham nhũng và lãng phí tràn lan trong mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Có thể nói, tham nhũng và lãng phí đã trở thành căn bệnh trầm trọng trong xã hội Việt nam trong suốt thập kỷ 90.
Tham nhũng và lãng phí ở nước ta có 2 nguyên nhân chính. Một là, do Việt nam phát triển theo mô hình dựa vào vốn đầu tư và nhập khẩu vốn nước ngoài nên luồng vốn nước ngoài được nhập về ngày càng nhiều theo cơn khát vốn của nền kinh tế. Vì nguồn vốn nhập khẩu quá lớn và dễ dàng[10] nên dĩ nhiên đã phát sinh hiện tượng sử dụng lãng phí, không cần tính đến hiệu quả kinh tế. Lãng phí đi từ nguyên nhiên vật liệu, tăng lương nhanh hơn tăng năng suất lao động... đến tham nhũng đút túi riêng và hối lộ cấp trên cũng như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được bỏ qua những hành vi vi phạm pháp luật kinh tế.
Hai là, cơ chế, bộ máy không nghiêm. Trong giai đoạn đầu, cùng với bùng nổ kinh tế, bùng nổ tiêu dùng, đôi bên (người sản xuất và người quản lý cấp trên) đều vui vẻ vì được chia chác trong khi doanh nghiệp làm ăn vẫn có lãi, chưa xuất hiện nguy cơ phá sản doanh nghiệp và những cá nhân tham ô, lãng phí đưa doanh nghiệp đến chỗ phá sản chưa có nguy cơ bị đưa ra toà. Sang giai đoạn sau, khi tốc độ vốn vào không đủ bù đắp những tham ô, lãng phí trong khi điều kiện kinh doanh khó khăn hơn, doanh nghiệp rơi vào khó khăn, thậm chí phải phá sản, thì hối lộ được phát triển lên mức cao hơn, liều lĩnh hơn, để hợp pháp hoá những thua lỗ của doanh nghiệp và xin Ngân sách bù đắp. Hiện tượng này lan từ khu vực sản xuất sang mọi hoạt động khác trong nền kinh tế, làm tha hoá bộ máy cán bộ các ngành, các cấp.
Nhiều cơ quan, cán bộ có chức, có quyền đã chủ động tham nhũng, đòi hối lộ, hoặc đặt ra những thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp để tham nhũng. Trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, mặc dù chính phủ đã bãi bỏ hiệu lực thi hành 150 loại giấy phép, nhưng đến nay, nhiều loại giấy phép mới lại xuất hiện. Bên cạnh những chi phí để mua quyền kinh doanh, các doanh nghiệp còn phải thanh toán nhiều khoản chi phí khác như phí cho các đoàn kiểm tra, thanh tra, phí quan hệ với các cơ quan nhà nước... mà nếu như không cư xử đẹp trong những trường hợp này thì hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn.
Đáng tiếc là trong suốt quá trình phát triển của hiện tượng tiêu cực trên trong thập kỷ 90, Đảng và Nhà nước đã không có những biện pháp đáng kể nào để ngăn chặn. Ngược lại, nhiều biện pháp còn có tác dụng nâng đỡ và thúc đẩy tham nhũng, lãng phí và tiêu cực như xoá nợ cho các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, cấp vốn ngân sách bổ xung, cho vay tín dụng ưu đãi, bảo hộ bằng cơ chế độc quyền, chính sách thuế quan cao và hàng rào hạn ngạch...
Kinh nghiệm năm 2000 cũng là kinh nghiệm chung cho thập kỷ 90. Do có thu nhập 3,6 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ (tiền trên trời rơi xuống), thực hiện trên 2 tỷ USD vốn FDI kèm theo giá trị tiền cho thuê đất đai dài hạn, 1,8 tỷ USD vốn ODA (tăng 22% so với 1999), chi kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thanh toán nợ xã hội với các tầng lớp có công với cách mạng, từ nguồn ngân sách tăng nhanh, kiều hối khoảng 2-3 tỷ USD... nên đã có một lượng tiền rất lớn chạy vào nền kinh tế Việt nam. Một bộ phận không nhỏ trong số tiền này được tiêu xài bừa bãi hoặc chạy vào túi tầng lớp có chức có quyền các cấp, để rồi họ tiêu xài lãng phí và mua bất động sản, đẩy giá bất động sản lên đến mức kinh ngạc[11]. Những năm 1999, 2000 là giai đoạn có sự phân cấp, tản quyền tràn lan, nhưng không đi kèm chế độ trách nhiệm rõ ràng, không có cơ chế hậu kiểm, không có kỷ luật thích đáng... nên tính trạng tham nhũng phát triển rất mạnh, nhất là ở cấp tỉnh, huyện, doanh nghiệp.
Kinh nghiệm Trung quốc cho thấy, nhờ mức độ tham nhũng, lãng phí thấp và chính phủ Trung quốc thi hành những biện pháp rất kiên quyết chống tham nhũng nên chi phí sản xuất của Trung quốc rất thấp; hàng Trung quốc tràn ngập thế giới và chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực ngay cả ở Việt nam. Như vậy, vấn đề cực kỳ quan hiện nay của chúng ta là phải cải cách được bộ máy hành chính, bộ máy quản lý kinh tế và triệt để đấu tranh chống tham nhũng.
c) Khu vực sản xuất hàng hoá thương mại quốc tế được (tradable sector) không còn sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nếu như không có những loại hỗ trợ kiểu bao cấp của Nhà nước
Đáng lo ngại là sản xuất hàng hoá thương mại quốc tế được, trong đó quan trọng nhất là nông nghiệp, đã không còn sức cạnh tranh. Trong nông nghiệp, có thể nói, hầu như tất cả các loại hàng nông sản của ta đều có giá thành ngang bằng hoặc cao hơn giá trung bình ngắn hạn trên thị trường quốc tế. Do đó, khi giá quốc tế hạ xuống dưới mức trung bình thì chúng ta không thể xuất khẩu được, hoặc nhà nước phải có chính sách bao cấp ngay. Nguyên nhân trực tiếp là giá thành trên một đơn vị sản phẩm quá cao, mà nguyên nhân sâu xa là tỷ giá được duy trì ở mức thấp quá lâu trong khi tình trạng tham nhũng, lãng phí trong bộ máy quản lý vĩ mô và quản lý doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Có thể lấy trường hợp sản xuất và xuất khẩu gạo làm ví dụ: Năng suất lúa của ta vào loại cao trên thế giới và thuộc loại cao nhất khu vực châu Á. Giá thành sản xuất tại đồng bằng sông Cửu long chỉ 1100 đồng / kg thóc, nhưng nông dân phải đóng thêm các loại phí và phúc lợi địa phương tương đương 25% giá thành[12], tức 275 đồng, tổng chi phí thành 1375 đồng /kg. Nhưng Nghị quyết TW 2 khoá VIII yêu cầu trong tính toán giá bán thóc của nông dân, phải tính thêm vào giá thành 40% (tức là phải thêm 440 đồng) để nông dân có thu nhập đủ sống. Do vậy, giá bán của nông dân phải là 1815 đồng/ kg. Nếu nguồn sống của nông dân dựa 60% vào lúa và 40% vào các ngành nghề khác, thì giá bán thóc ít nhất phải là 1639 đồng / kg.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu 25% tấm hiện nay của ta chưa đến 135 USD/ tấn, tương đương 1958 đồng tiền Việt / kg gạo hay 1300 đồng / kg thóc[13]. Trên thị trường đồng bằng sông Cửu long, giá thóc mua tại cửa kho chỉ 1300-1400 đồng/kg, mua tại ruộng chỉ 1050-1100 đồng / kg. Như vậy, nếu chỉ so với tổng chi phí sản xuất là 1375 đồng/ kg thóc, thì xuất khẩu gạo đã không có lãi.
Giá thành sản phẩm ở Việt nam cao không chỉ do chi phí vật chất mà còn do tốc độ tăng trưởng tiền lương quá cao so với năng lực của nền kinh tế. Theo bảng số dưới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu nhập trung bình của người lao động (gồm tiền lương, tiền thưởng và các loại trợ cấp) tính theo đô la Mỹ trong ngành chế biến thực phẩm của Việt nam vừa cao, vừa tăng rất nhanh trong thập kỷ 90. Tiền lương của ta liên tục cao hơn tiền lương ở Trung quốc, thấp hơn của Inđônêxia khoảng 40-50% trước khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng đến năm 1998 đã cao hơn khoảng 80%.
Bảng 1: Tiền lương tính trên 1 lao động, USD/năm[14]
Năm
|
Việt nam
|
Trung quốc
|
Inđônêxia
|
Malaixia
|
Hàn quốc
|
Đài loan
|
1992
|
260
|
640
|
3640
|
9490
|
12370
| |
1993
|
430
|
790
|
3820
|
10680
|
12720
| |
1994
|
510
|
420
|
750
|
4170
|
11580
|
13480
|
1995
|
720
|
530
|
1490
|
4570
|
13520
|
14220
|
1996
|
890
|
580
|
1620
|
4840
|
13590
|
14190
|
1997
|
910
|
590
|
1310
|
4660
|
12010
|
13770
|
1998
|
900
|
620
|
490
|
3480
|
8360
|
12700
|
Đáng nói hơn là trong khi tiền lương tăng quá nhanh thì năng suất lao động tính theo giá trị gia tăng của ta còn thấp hơn rất nhiều so với hai nước trên và so với các nước khác trong khu vực. Theo bảng dưới đây cùng từ nguồn tin trên, năng suất lao động của ta năm 1997 trong ngành chế biến thực phẩm chỉ bằng 70% của Trung quốc, 51% của Inđônêxia, 11,4% của Malaixia, 4,2% của Hàn quốc và 6,4% của Đài loan. Rõ ràng, đây cũng là một lý do đẩy giá thành gạo xuất khẩu lên cao.
Bảng 2: Năng suất lao động tính theo giá trị gia tăng
(giá cố định) USD / người
Năm
|
Việt nam
|
Trung quốc
|
Inđônêxia
|
Malaixia
|
Hàn quốc
|
Đài loan
|
1992
|
590
|
1550
|
5670
|
14750
|
43560
|
31010
|
1993
|
920
|
3280
|
5560
|
15390
|
47770
|
30240
|
1994
|
1290
|
2460
|
4550
|
16640
|
50820
|
30130
|
1995
|
1710
|
2230
|
4940
|
18230
|
60290
|
31430
|
1996
|
2150
|
2890
|
5500
|
19300
|
60580
|
34530
|
1997
|
2250
|
3200
|
4400
|
19740
|
53990
|
35090
|
1998
|
2320
|
3450
|
1320
|
14730
|
33390
|
32340
|
Theo kết quả nghiên cứu về tỷ số chi phí lao động - chỉ tiêu về sức cạnh tranh đối với các sản phẩm sử dụng nhiều lao động - sức cạnh tranh của ngành chế biến thực phẩm Việt nam năm 1998 chỉ tương đương với Inđonêxia, thấp hơn hẳn so với Trung quốc, Malaixia và Hàn quốc[15]. Trong hai năm 1999-2000, trong khi sức cạnh tranh của các nước trong khu vực tăng lên đáng kể nhờ phá giá cao và cơ cấu lại nền kinh tế thì tình hình diễn ra ở nước ta có xu hướng ngược lại.
Tình hình trên không chỉ xẩy ra đối với nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm mà còn mang tính phổ biến trong nền kinh tế. Theo phân tích của Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sức cạnh tranh yếu kém của nền kinh tế nước ta còn thể hiện rõ trong các ngành dệt may, công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí và nhiều ngành công nghiệp khác.
Trong những năm gần đây, hai ngành dệt may và giầy dép ở nước ta được coi là những ngành công nghiệp duy nhất còn sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Lợi thế lớn nhất của hai ngành này là nguồn nhân công rẻ, khéo léo và có khả năng tiếp thu công nghệ tiên tiến nhanh. Hiện nay, giá công lao động trong ngành dệt may của ta chỉ khoảng 0,24 USD/giờ, trong khi của Inđônêxia là 0,32 USD/giờ, của Malaixia 1,13 USD/giờ, của Thái lan 1,18 USD/giờ, của Singapo 3,6 USD/giờ. Tiền lương rẻ là yếu tố cạnh tranh cơ bản nhất của hàng dệt may nước ta.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là trong khi tiền lương trả cho người lao động trực tiếp quá thấp thì giá hàng công nghiệp nước ta lại cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều, so với mặt bằng giá thế giới. Đối với ngành dệt may, mức giá của ta thường cao hơn giá sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN khoảng 10-15%, cao hơn hàng Trung quốc khoảng 20%; kết quả là vào thời điểm hiện nay, trong số gần 1000 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động, chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 5%) còn có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh năng suất lao động chỉ bằng 50-70% của Singapo, Malaixia và Thái lan, trình độ công nghệ thấp, mẫu mã hàng hoá chưa đa dạng, thương hiệu và khả năng thương mại, tiếp thị kém... còn có vấn đề rất quan trọng là chí phí cho bộ máy quản lý quá lớn.
Điều đáng nói thêm là sức cạnh tranh yếu kém kể trên còn có được là nhờ ngành dệt may của ta đang được bảo hộ ở mức rất cao: thuế suất nhập khẩu sợi là 20%, thuế nhập khẩu vải là 40% và thuế nhập sản phẩm may mặc là 50%[16]. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan CEPT/AFTA, những thuế suất trên sẽ phải giảm xuống còn 5% vào năm 2006. Do đó, nguy cơ sản phẩm dệt may của ta mất hoàn toàn sức cạnh tranh và thị trường nước ta sẽ bị tràn ngập bởi sản phẩm dệt may của Trung quốc và các nước ASEAN trong tiến trình hội nhập khu vực (AFTA) và quốc tế (WTO) là hoàn toàn hiện thực.
Tình hình tương tự cũng đang diễn ra trong ngành giầy dép. Theo báo cáo gần đây nhất của Tổng công ty da giầy Việt nam, trong 6 tháng đầu năm 2001, Tổng công ty chỉ có khả năng thực hiện được 40% kế hoạch năm, và chỉ đạt 70-75% so với cùng kỳ năm 2000. Tỷ lệ sử dụng công suất của những trung tâm thuộc da lớn nhất Việt nam chỉ đạt 50-60%. Trong ngành giầy, tình trạng thiếu đơn đặt hàng đã trở lên gay gắt và lan trên diện rộng từ hai năm nay. Theo các công ty da giầy xuất khẩu, tình trạng này không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp quốc doanh ít tiền, nhà xưởng, thiết bị lạc hậu mà còn xảy ra với cả các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vốn xưa nay làm không hết việc. Nhiều công ty đã phải ngừng sản xuất, cho 100% công nhân nghỉ việc hoặc trả lương cầm chừng chờ những đơn đặt hàng mới[17].
Bên cạnh một số nguyên nhân phổ biến như các doanh nghiệp Việt nam không nắm bắt được nhu cầu luôn luôn đổi mới của thị trường, chậm đổi mới công nghệ, trình độ tay nghề và năng suất lao động thấp..., còn một nguyên nhân rất quan trọng là giá thành sản phẩm giầy dép quá cao, làm cho hàng Việt nam không thể cạnh tranh với các nước xung quanh. Để vượt qua bước khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp giầy trong nước đã phải hạ giá gia công, giá bán sản phẩm giầy dép đến mức thua lỗ nhằm kiếm được đơn đặt hàng. Cách cạnh tranh này không thể là lối thoát lâu dài cho ngành giầy dép Việt nam.
Về hoạt động của khu vực kinh tế chủ đạo là các doanh nghiệp Nhà nước. Năm 1997, chỉ có khoảng 300 trong số 6000 DNNN thực sự làm ăn có lãi và có đóng góp vào ngân sách, trong khi có đến 3000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chiếm tỷ lệ 50%, so với khoảng 10% vào năm 1995. Tình trạng nợ nần của khu vực DNNN đang trở nên rất nghiêm trọng[18]. Trong những năm gần đây, tình hình tài chính của khu vực này còn tiếp tục xấu đi.
Tóm lại, nền kinh tế Việt nam đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng và toàn diện: Trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế, chi phí sản xuất đều rất cao, làm cho giá hàng Việt nam cao hơn giá thị trường quốc tế, dẫn tới không xuất khẩu được, hoặc phải chịu lỗ khi xuất để duy trì việc làm cho người lao động, hoặc phải dùng lãi của nhập bù cho xuất. Để tăng trưởng xuất khẩu và đảm bảo mức sống cho người làm hàng xuất khẩu, Nhà nước đã phải thi hành nhiều loại trợ giúp dạng bao cấp, bảo hộ, mua tạm trữ, mua theo giá sàn cao hơn giá thị trường... Xu hướng này đang ngày càng phát triển; tính méo mó, bất quy luật trong nền kinh tế ngày càng tăng, và nguy cơ khủng hoảng kinh tế ngày đang ngày càng lớn. Đến nay, có thể nói chính phủ vẫn đang bế tắc, chưa tìm được lối ra cho bài toán phát triển dài hạn.
(còn nữa)
(còn nữa)
* Viết ngày 18/5/2001. Bài viết này phản ánh quan điểm riêng của cá nhân các tác giả, không mang quan điểm của các cơ quan mà tác giả đang công tác. Do khuôn khổ bài viết, các tác giả không điểm lại những vấn đề lý luận trong chính sách phá giá. Người đọc có thể tham khảo trong bài: "Bàn về phá giá và khả năng thực hiện phá giá ở nước ta", Lê Việt Đức và Trần Thị Thu Hằng, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 3(205), tháng 6 năm 1995, trang 11-30.
[1] Đó là các nước Malaixia, Inđônêxia, Philipin, Singapo, Thái lan, Đài loan, Hồng kông, Hàn quốc, Nhật Bản, Trung quốc, Nga, Anh, Đức, Hà lan, Pháp, Thuỵ sĩ, Mỹ và Australia.
[2] Xem những phân tích chi tiết về hậu quả tiêu cực của hiện tượng trên trong bài: "Hiện tượng đánh giá cao nội tệ và những hậu quả tiêu cực", Lê Việt Đức, Tạp chí Ngân hàng số 12-1994, trang 36-40.
[3] Theo Rudiger Dornburch "Overvaluation and Trade Balance", The World Bank publication, 1993.
[4] Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu 25% năm 2000 có sự đóng góp rất quan trong của dầu thô. Nếu không tính đến yếu tố dầu thô gồm tăng khối lượng và tăng giá, xuất khẩu năm 2000 tăng chỉ 14,3%. Nếu không tính đến tăng giá dầu thô, xuất khẩu năm 2000 chỉ tăng 14,7%.
[5] Để hiểu tại sao nền kinh tế nước ta đã tự phát phát triển theo hướng thay thế nhập khẩu và mất dần sức cạnh tranh quốc tế, đề nghị tham khảo các bài: "Công nghiệp Việt nam trong chặng đường 15 năm đổi mới - thành tựu và thách thức", Lê Việt Đức và Trần Thị Thu Hằng, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 7 (254), tháng 7-1999, trang 3-22; "Về những khó khăn hiện nay của nền kinh tế nước ta và một số giải pháp", Lê Việt Đức và Trần Thị Thu Hằng, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 6 (253), tháng 6-1999, trang 3-22.
[6] Theo một phân tích lý thuyết rất xuất sắc của Mc Kinnon, tự do hoá lãi suất trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và lạm phát kèm theo tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ dẫn tới tình hình kinh tế tồi tệ hơn, Đặc biệt, nó làm chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tăng rất nhanh, kéo theo khủng hoảng nghiêm trọng thị trường tiền tệ. Căn cứ vào lý thuyết này, khủng hoảng tiền tệ, tín dụng năm 1990 ở Việt nam là điều chắc chắn phải xảy ra. Xem Mc Kinnon "Trình tự tự do hoá kinh tế - Quản lý tài chính trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường", chương 4: Các công cụ kìm hãm tài chính. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1995.
[7] Tiến triển của khu vực dịch vụ ở nước ta được giải thích theo lý thuyết "Bệnh Hà lan" của Corden W. M. et Neary J.P. (1982) "Booming Sector and De-Industrialization in a Small Open Economy", Economic Journal, 92, pp. 825-848, United Kingdom. Theo thuyết này, khi thu nhập từ bên ngoài tăng lên đột ngột (ví dụ do khối lượng dầu mỏ xuất khẩu tăng đột ngột, do giá dầu thô hoặc giá hàng xuất khẩu tăng vọt...), thu nhập của chính phủ và dân cư sẽ tăng nhanh kéo theo bùng nổ tiêu dùng và xây dựng, tức là bùng nổ dịch vụ. Ở nước ta, từ năm 1992, ngoại tệ đổ vào quá nhiều đã dẫn đến bùng nổ dịch vụ và xây dựng đúng theo lập luận của Corden W. M. et Neary J.P.
[8] Trong các năm 1996-2000, tỷ lệ phát triển giá trị sản xuất công nghiệp khai thác là 14,7% năm 1996, 14,7% năm 1997, 15,3% năm 1998, 16,4% năm 1999 và 7,6% năm 2000, trong khi đó tỷ lệ phát triển giá trị sản xuất công nghiệp chế biến qua các năm lần lượt chỉ là 13,6%, 13,6%, 12,1%, 10,8% và 17,6%. Riêng năm 2000, tỷ lệ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khai thác thấp là do sự cố trong khai thác dầu thô, làm tỷ lệ tăng trưởng khai thác dầu thô giảm còn 6,3% so với trên 15% của những năm trước. Nguồn số liệu : Tình hình kinh tế xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000 - Tổng cục Thống kê, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội, 2-2001.
[9] Trong những năm 1990-1996, nông nghiệp đã liên tục tạo ra 45-50% giá trị xuất khẩu toàn nền kinh tế.
[10] Nguồn vốn nhập khẩu lớn và dễ dàng vì vào đầu thập kỷ 90, Việt nam là nước dân số đông và được các nước cấp vốn ODA ưu tiên vì mới được nối lại viện trợ. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bị Việt nam hấp dẫn do Việt nam có thị trường tiềm năng lớn, giá nhân công, đất đai và tài nguyên tương đối rẻ. Ngoài ra, cơ chế kinh tế ở Việt nam vào đầu thập kỷ 90 cũng thông thoáng hơn so với giai đoạn cuối thập kỷ 90. Hiện nay, nếu căn cứ vào luật, các điều kiện kinh doanh ở Việt nam có vẻ thông thoáng hơn vào đầu thập kỷ 90, nhưng trên thực tế, các văn bản dưới luật lại bó hẹp các ưu đãi và cơ chế thực thi luật cực kỳ khó khăn do bộ máy thi hành luật rất kém hiệu lực.
[11] Người ta không tích luỹ hàng hoá vì giá hàng hoá sẽ ngày càng giảm, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, chỉ tập trung mua nhà cửa, đất đai vì hiển nhiên là trong tương lai, giá đất sẽ còn tiếp tục tăng nhanh do đất chật, người đông và nhà nước đang và sẽ tích cực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
[12] Trách nhiệm tài chính của nông dân rất nặng nề. Ngoài thuế và các nghĩa vụ khác cho chính phủ trung ương và chính quyền địa phương, muốn được hưởng phúc lợi gì, người dân nông thôn đều phải đóng tiền. Ví dụ người nông dân phải góp tiền xây dựng đường nông thôn, góp tiền xây dựng trường học, trạm y tế, bệnh xã, làm đường dây tải điện và biến thế, và còn đóng góp nhiều loại lao động công ích cho địa phương. Những chi phí này người dân thành thị không phải chịu. Thậm chí trên một số tuyến đường mới mở chạy qua địa bàn, nông dân cũng buộc phải bỏ tiền để được sử dụng hàng ngày.
[13] Quy đổi theo tỷ lệ 1 kg thóc cho 0,67 kg gạo; nếu tính theo tỷ lệ 50/50 tại đồng bằng Sông Cửu long thì giá xuất khẩu gạo chỉ tương đương với 1000 đồng/ kg thóc.
[14] Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Tổng quan về cạnh tranh công nghiệp Việt nam", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1999, trang 86.
[15] Cũng tài liệu trên của Viện Chiến lược Phát triển, trang 86.
[16] Các số liệu dệt may trong 3 đoạn này là của ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch hiệp hội dệt may Việt nam trong bài: "Dệt may trên bước đường hội nhập", Thời báo kinh tế Việt nam, số 52, ngày 30 tháng 4-2001. Những số liệu trên cũng đã được công bố trong tham luận của ông Trần Văn Quyến, Tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Việt nam tại hội thảo "Làm gì để nâng cao sức cạnh tranh của Việt nam trong thời kỳ hội nhập" do Báo Sài gòn Tiếp thị kết hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam tổ chức ngày 30-3-2001 tại Hà nội.
[17] Số liệu được trích dẫn trong báo Tin tức số 639, ngày 11-5-2001.
[18] Thông tin về DNNN được lấy từ: "Tổng quan về cạnh tranh công nghiệp Việt nam", Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1999, trang 49.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét