Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Ý nghĩa hình xăm giới “đao búa”

Ý nghĩa hình xăm giới “đao búa”
Thượng tá Nguyễn Văn Cao người có gần 20 năm làm cán bộ quản giáo trong trại giam Chí Hòa cho biết, lần đầu tiếp xúc với phạm nhân mới chỉ nhìn hình xăm trên người đối tượng, có thể đọc vị được đến 70% xuất xứ, “thành tích”, cũng như “đẳng cấp” của đối tượng.
Với thế giới ngầm mà ở đó người ta sống ngoài vòng pháp luật. Họ có cách sống, cách hành xử tuân theo luật giang hồ. Ngôi thứ, tôn ti, địa vị luôn được giới này đề cao, theo một nguyên tắc nghiêm ngặt. Việc “phạm thượng” được coi là một tội lớn. Vì lẽ đó ngoài tên tuổi, quê quán, thành tích, họ còn dùng hình xăm như là một thông điệp ngầm để nhận ra người trong giới, vị trí xã hội của đối tượng. Hình xăm giới đao búa này ngoài là thông điệp, dấu ấn cá nhân, còn là “đẳng cấp” được đàn em và những người trong giới công nhận.
Hình xăm rồng và chữ Nhẫn
Trong giới đao búa, nếu xếp vai vế theo hình xăm thì những kẻ sở hữu hình xăm rồng và đại bàng được xếp vào hàng anh cả. Như một quy định bất thành văn, kẻ nào không được xếp vào hàng anh chị thì tuyệt đối không dám nghĩ đến việc xăm hình rồng, đại bàng. Tuy nhiên việc xếp chiếu trên ngoài đám đàn em xưng tụng còn phải được cái bang chủ khác trên giang hồ thừa nhận. Theo luật rất rõ ràng.
Chính lẽ đó khi kẻ nào đã mang hình xăm con đại bàng với cái mỏ và bộ móng vuốt nhọn hoắc đang tung cánh, hoặc hình rồng đủ tư thế như độc long, song long, lưỡng long tranh châu với thế bừng bừng sát khí. Thì coi như vị thế của kẻ đó mặc nhiên đã được công nhận.
Việc tại sao giới giang hồ lại tôn sùng đại bàng thì có thể do loài chim được xưng tụng là bá chủ bầu trời này sải cánh rộng, có sức mạnh, vuốt sắc là biểu tượng cho sức mạnh, lòng can đảm, tầm nhìn xa và sự bất tử. Hình tượng đại bàng ngoài ý nghĩa tôn sùng sức mạnh của giới giang hồ còn thể hiện sở thích tự do, khoáng đạt của giới này thích bay nhảy không bị ràng buộc bởi bất cứ một luật lệ nào dưới mặt đất. Ví như tên cướp khét tiếng Phước “tám ngón” sở hữu hình xăm một con đại bàng sải cánh bay trên ba ngọn núi hình xăm này thể hiện tham vọng thống trị của y.

Rồng thì từ xa xưa đã được coi là biểu tượng của đế vương. Rồng là loài có sức mạnh, dáng thế uy dũng, sống được cả dưới nước, mặt đất hay trên trời, lúc thường có thể vờn mây, bay nhanh như gió, khi nổi giận khạc nước, phun mưa trấn áp đối phương. Người mang hình xăm rồng nổi tiếng nhất miền Nam những năm trước giải phóng là Lê Văn Bảy, tức Bảy Viễn. Là tên của một tướng cướp lừng danh trước năm 1945, về sau từng tham gia tổ chức lực lượng vũ trang chống Pháp, một tên tuổi lẫy lừng với chức danh thủ lĩnh Bình Xuyên. Choán hết tấm lưng to lớn của ông là hình xăm một con rồng màu đỏ với đầu rồng chạm tới cổ, đuôi rồng quá thắt lưng. “Tứ đại thiên vương” trong giới giang hồ Sài thành những năm 70: Đại-Tỳ-Cái-Thế đều có mang dấu ấn của mãnh long trên người.

Nếu rồng, đại bàng là con vật thể hiện chí khí, uy phong. Thì hổ là biểu thị sức mạnh, sự liều lĩnh, xả thân. Nó là biểu tượng của đẳng cấp chiến binh. Tuy hổ là chúa tể rừng xanh, nhưng cũng chỉ là thú hoang trong rừng sâu. Hung tợn mà không nham hiểm, khỏe mạnh nhưng không có cơ mưu, những người xăm hổ thường là những kẻ hữu dũng vô mưu xếp hàng Trương Phi.
Cùng là hổ nhưng khác với mãnh hổ nhe nanh, giương vuốt thì hình ảnh con hổ đang thong thả xuống núi hổ hạ sơn hay con cá chép bơi ngược dòng cá chép hóa rồng thể hiện sự nhún nhường tiền bối nhưng cũng ngầm thể hiện ý chí của kẻ hậu bối với giấc mộng sẽ lên nghiệp lớn.
Hải Bánh kẻ sai đàn em là Hưng “mi nhon” lấy số Dung Hà sở hữu trên mình hình xăm cả 3 con vật có ngôi thứ cao nhất trong giới giang hồ: Một con đại bàng sải cánh choán hết bộ ngực, đùi phải là một con rồng quấn từ chân lên sườn phải. Bên đùi trái Hải xăm một con hổ đang trong tư thế chồm lên vồ mồi. Thể hiện vị thế giang hồ của Hải…

Những kẻ có số có má, tuy chưa xếp vào diện chiếu trên nhưng cũng thuộc hàng có vị thế nhất định trong giới giang hồ thường chỉ xăm bò cạp cá sấu, rắn, rết… tuy là là loài thú dữ, hoặc mang chất độc chết người. Sống trong luật rừng, tức là luật lệ của thú dữ, kẻ mạnh thắng kẻ yếu thì kẻ mang những tố chất của những con vật kia cũng là kẻ mạnh, khôn khéo và nguy hiểm tuy nhiên những kẻ mang hình xăm đó không có cái khí thế của bậc minh chúa.

Còn đám cô hồn, lâu la thường xăm đầu lâu, xương chéo, súng đạn, ác quỷ, hồn ma nhiều tên ngầu hơn xăm nguyên hình một chiếc quan tài nến nhang nghi ngút, hay có tên bê nguyên hình đầu lâu xương chéo in lên giữa ngực như muốn chứng tỏ mình là loại “nguy hiểm chết người”, hù dọa để kẻ nào muốn đụng đến cũng phải dè chừng, nhóm này thường là đám tốt thí xung trận đầu tiên.
Bần cùng nhất là kẻ mang hình xăm bàn cờ trên lưng, những kẻ mang hình xăm này còn được gọi là kiếp nô tì, tức là kẻ trong khám phải quỳ gối, khom lưng nhiều giờ để các đại ca chơi cờ. Đáng thương nhất trong giới giang hồ là những kẻ mang hình xăm những cô gái, đồng tiền phía dưới là hàng chữ “hận kẻ bạc tình” hay “mãi mãi yêu em” và cả những lời than vãi phận đời đen bạc. Đối với những ai có hình xăm bông hoa hồng trên vai trái thì đó là những kẻ không cha, mẹ không người thân thích, những kẻ này do không còn gì níu giữ nên nếu là tội phạm thì độ manh động, hung hãn rất cao. Tuy nhiên họ cũng lại là những kẻ đáng thương nhất, cô đơn nhất.

Chữ “Nhẫn” đứng đầu?

Nói đến xăm hình, giang hồ xưa còn phân định ngôi thứ bằng xăm chữ. Những kẻ xăm chữ “Binh” được viết bằng chữ Hán là những tên phạm tội giết người hay đám sát thủ đâm thuê chém mướn. Chữ “Binh” ngang với chữ “Tốt” của bàn cờ tướng. Chỉ có tiến không bao giờ lùi. Những kẻ này tính khí hung dữ, tàn bạo, liều mạng nhưng xét về vai vế, ngôi thứ không được người trong giới đánh giá cao.
Đẳng cấp cao nhất trong giới giang hồ là những người sở hữu chữ “Nhẫn” trên vai, chữ “Nhẫn” trên là bộ Đao dưới là bộ Tâm. Với ẩn ý, tham vọng, nguy hiểm đều giấu ở trong lòng: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” với thâm ý (việc nhỏ mà không nhịn, việc lớn ắt hỏng), lùi một bước để tiến ba bước. Kẻ mang chữ “Nhẫn” trên vai là những kẻ vị thế giang hồ đã được khẳng định đi tới đâu đám giang hồ vặt chỉ cần nhìn thấy cũng biết đường mà tránh xa không dám mạo phạm.
Theo như giới giang hồ đồn lại, trước những năm giải phóng cả nước chỉ có 4 kẻ được và dám mang chữ “Nhẫn” trên vai. Sau này hai kẻ đã chết, một kẻ di cư đi nước ngoài, người còn lại ở Việt Nam thì đã xóa chữ “Nhẫn” để lại một vết xẹo to tướng trên bả vai. Ngày nay, nếu xét về vị thế, khả năng, mức độ thâm sâu, tầm ảnh hưởng thì trong giới giang hồ ngày này chỉ một kẻ xứng đáng được mang chữ “Nhẫn” đó là Năm Cam.

Bên cạnh ngôi thứ hình xăm còn khẳng định xuất xứ của đối tượng: Giang hồ gốc miền Nam, có xăm hình đại bàng thì cái đầu con chim cũng dứt khoát trông nghiêng. Ngược lại, đại bàng nhìn thẳng giang hồ gốc Bắc. Ở miền Bắc, hình xăm con đại bàng với sải cánh giang rộng, mắt nhìn trừng trừng vào đối tượng đang quắt vuốt trong tư thế vồ mồi đẹp và sống động hơn so với chú đại bàng nhìn nghiêng của miền Nam. Đó cũng phần nào thể hiện khí chất của giang hồ đất Bắc: Quyết liệt, liều lĩnh, máu lạnh nhưng thẳng thắn và chơi đẹp.

Nói đến giới giang hồ là nói đến những cuộc tiếm ngôi, đoạt vị không ngừng. Những cuộc chiến mang tên hình xăm luôn là những cuộc chiến khốc liệt nhất.
(tattoo.vn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét