Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

(3) Khủng hoảng: Vật chất to lên, tình người bé lại

Gia đình hiện đại: Vật chất to lên, tình người bé lại

Dân Việt - Nhà to - gia đình bé, đồ đạc nhiều - tình trống trải, tiền dư dả - thời gian dành cho nhau hạn chế… là những nghịch lý mới của gia đình hiện đại. Khi sự phát triển vật chất tỷ lệ nghịch với tình cảm thì hậu quả là stress, cô đơn, bạo lực và tan vỡ.

Vườn không nhà trống
Nhà to lên, phòng rộng ra nhưng không nhiều người thấy “sướng”. Bà Lê Thị Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) chuyển nhà về sống với con. So với gian nhà 30m2 mà 5 người cùng chui rúc như ngày xưa thì đây đúng là thiên đường. Riêng phòng ngủ của bà đã rộng hơn cả nhà ngày xưa, giường cũng to gấp rưỡi, bà xoay phía nào cũng thấy trống tênh.
Nhưng chỉ được nửa năm, bà thấy mình như tù giam lỏng. Con dâu, con trai đi làm từ sáng sớm tới tối khuya, các cháu cũng đi học, đi chơi. Có gặp bà cũng chỉ chào hỏi nhạt nhẽo một câu rồi về phòng riêng. Bà lọ mọ nấu cơm ăn một mình, làm bạn với ti vi. Thi thoảng có cô giúp việc đến dọn dẹp, bà mới được nói chuyện. Việc bà thấy lạ hơn là thậm chí cả vợ chồng con trai cũng ít nói chuyện với nhau và ít chia sẻ với các con. Nhà to rộng nhưng không khác nhà trọ.
Ảnh minh họa
Còn ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Cộng đồng và trẻ em (CDECC) cho biết: “bệnh" lớn nhất của gia đình hiện đại là mối quan hệ giữa vợ chồng, bố mẹ, con cháu đang ngày càng trở nên xa cách, ít chia sẻ. Bố mẹ thường dành nhiều thời gian, tâm sức cho làm ăn kinh tế, việc giáo dục con phó mặc cho nhà trường, ăn uống có Ôsin, chơi bời thì có vô số các loại đồ chơi điện tử. Hơn nữa, kinh nghiệm “làm cha mẹ” mà bố mẹ học được từ thế hệ trước đã lạc hậu, nên bố mẹ không hiểu được con, không giúp được con đối phó với những thay đổi của xã hội, của tâm sinh lý cơ thể. … Các cặp vợ chồng cũng không có nhiều thời gian chia sẻ, tâm tình với nhau nên chỉ lấy nhau về một thời gian ngắn là trở nên xa cách. Những sự mất mát đó như một quả bóng bị xì hơi, mỗi ngày bị mài mòn đi một ít, đến lúc nhận sự thay đổi, cảm thấy hối tiếc về sự mất mát thì dường như đã khó cứu vãn.
“Các cụ thường dạy: “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nghĩa là muốn vững, cây phải nghiêng, phải chụm lại thành thế chân kiềng. Trong gia đình bố-mẹ-con cũng phải sống “nghiêng”, phải bỏ bớt cái tôi của mình đi, phải nhún nhường, phải tự kiềm chế để cùng hướng về “núi cao” là sự bền vững trong gia đình. Vừa chung sống, vừa học, vừa lựa. Nếu không sẽ chẳng có một mô hình gia đình nào thích hợp và bền vững cho tất cả mọi người” - TS Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Tâm Việt Group - Trung tâm đào tạo phát triển kỹ năng con người.
Ông Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn cho biết, bi kịch của nhiều gia đình bắt nguồn từ việc lơi lỏng sợi dây liên kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Lúc đầu chỉ do quá bận rộn công việc, làm ăn kinh tế, học hành. Nhưng sau đó, mọi người quên mất việc cần chia sẻ với nhau mà lại thích chia sẻ, tâm tình với người khác. Chồng có thú vui riêng, vợ có sở thích riêng, con cũng có mối quan tâm khác. “Khi đó, các thành viên trong gia đình không còn liên kết tình cảm mà chỉ còn quan hệ với nhau vì lợi ích khác (cư trú, tiền bạc, ổn định). Sớm hay muộn, vợ mất chồng, con xa lạ với mẹ, gia đình sẽ tan vỡ, rạn nứt. Đến lúc đó mới cuống quýt hàn gắn thì đã muộn” - ông Chất cho biết.
Biết nhiều nhưng hiểu ít
Ông Chất lo lắng, thanh niên ngày nay có đủ các kênh thông tin, được học nhiều, nhồi nhét kiến thức nhưng dường như sờ đến việc gì cũng thấy thiếu hụt kỹ năng, khiếm khuyết hiểu biết. Đó là vì các em có biết nhưng không hiểu. Nhìn thấy điều hay không học mà chỉ thích dập khuôn bắt chước những thói hư tật xấu. “Đó là sự nhiễu loạn giá trị từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Các em không được hướng dẫn, cũng không nhìn thấy các tấm gương thuyết phục để nhận biết đâu là việc tốt để theo, cái xấu để tránh. Vì thế các em thích a dua, bắt chước theo chúng bạn hơn. Ở đời, cái gì xấu lại dễ nổi tiếng, dễ được chú ý”- ông Chất cho biết.
Cuộc sống tiện nghi, nhiều trò chơi, thú tiêu khiển nhưng con người dường như ngày càng căng thẳng. Bạo lực gia đình, nhà trường leo thang, các bệnh tâm lý cũng ngày càng nhiều hơn. Chất đầy trong nhà đồ đạc đắt tiền, khoác lên người các bộ cánh sành điệu nhiều người vẫn không hiểu sao cuộc sống của mình lại quá chật chội và mệt mỏi như vậy.
Khi giá tiền, kích thức, nhãn mác trở thành thước đo của nhiều cặp vợ chồng thì hạnh phúc cũng trở nên hư ảo, mong manh. Phần lớn các cặp vợ chồng đều lấy nhau vì tình cảm, cùng đồng cam cộng khổ để xây dựng kinh tế gia đình, hy vọng vợ (chồng) mình, con mình được đầy đủ, sung túc, nhàn hạ, vui vẻ hơn. Nhưng khi có tiền thì lại quên mất hoặc đã đi quá xa mục tiêu ban đầu của mình. “Lấy tiền, lấy đồ đạc để lấp những khoảng trống tình cảm mà mình cảm thấy thiếu hụt. Nhưng đồ đạc càng nhiều thì khoảng trống càng lớn hơn” - ông Đoàn cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét