Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Khoa học Việt Nam phục vụ quân đội ?

Khoa học Việt Nam phục vụ quân đội ?
Khoa học Việt Nam trên đầu họng súng
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, khoa học Việt Nam đang được liên kết chặt chẽ với các nhu cầu quân sự. Sự phát triển của khoa học ở đất nước này, vì thế, dường như đang đứng trước một khúc quanh mới…Ngày 22 tháng Tư, 2013, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu: “Chúng ta từng bước hiện đại hóa quân đội. Khi hiện đại hóa quân đội phát triển ở mức cao thì nó sẽ quay lại giúp phát triển kinh tế đất nước, ví dụ khoa học công nghệ quốc phòng phát triển thì có điều kiện chia sẻ nguồn lực cho các lĩnh vực khác” (1)
Những diễn tiến của khoa học Việt Nam gần đây diễn ra gần như phù hợp hoàn toàn với những gì tướng Vịnh tuyên bố. Sự xuất hiện của giới quân sự tại hội nghị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch do Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM tổ chức ngày 15 tháng Ba như một khúc dạo đầu đẹp (2).
Sự có mặt của giới quân sự tại hội nghị triển khai Chương trình phát triển 
công nghiệp vi mạch do UBND TPHCM tổ chức ngày 15/3. Ảnh: ICT NEWS
Ba tháng trước đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã mạnh tay ký Quyết định số 6358 ngày 14 tháng Ba, 2012 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 – 2020 (3).

Gọi là “mạnh tay” vì Chương trình này mang theo một sức nặng đáng kế nguồn kinh phí khủng, lớn hơn bất cứ chương trình nghiên cứu khoa học nào từ trước đến nay tại TPHCM – hơn 7500 tỷ đồng cùng những tham vọng ngút trời. Xen lẩn vào mục tiêu phục vụ kinh tế-xã hội, Chương trình còn đặt mục tiêu “Nghiên cứu, cung cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, giảm dần sự phụ thuộc và tiến đến thay thế hoàn toàn các sản phẩm điện tử của nước ngoài”. Trong hơn 7500 tỷ đồng đầu tư, Chương trình đặt trọng tâm vào việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip điện tử tại Khu công nghệ cao TPHCM, diện tích 10ha, với vốn đầu tư 6.600 tỷ đồng.

Trả lời báo chí trong nước, ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM cho biết “Mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch (Việt Nam) đạt 100-150 triệu USD, góp phần tích cực cho việc đổi mới công nghệ quốc phòng và gia tăng tính bảo mật trong an ninh quốc phòng.
Sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp vi mạch theo đó sẽ góp phần làm giảm nhập siêu và kiềm chế lạm phát; nâng cao giá trị sản phẩm điện tử trong nước với mức lợi nhuận từ 20-30%; tăng sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế nhờ giảm chi phí phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng và trong xuất khẩu, cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu (4).

Hoành tráng, nhưng giống như một lâu đài xây dựng trên cát… Một chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch (đề nghị không nêu tên do tính chất nhạy cảm của vấn đề) phát biểu “việc chế tạo vi mạch với các điều kiện nước ta là ảo tưởng, không thể hiện thực được do không thể thương mãi. Lý do là chưa điều tra rõ ràng về đầu ra: Sản phẩm sản xuất xong bán đi đâu trong khi chưa rõ giá cả, phẩm chất, đặc biệt khả năng sản xuất sản phẩm đa dạng và số lượng theo đòi hỏi thị trường. Như vậy quyết định mấu chốt ban đầu để có thể thành lập một nhà máy sản xuất vi mạch là do các nhà kinh tế, kinh doanh chứ không phải của các nhà kỹ thuật. Ngày nay, việc nghiên cứu, triển khai mà không gắn kết với kinh tế, công nghiệp sản xuất sẽ dễ dàng bị “thui chột” nhanh chóng”.

Máy bay không người lái do này do Viện Công nghệ
 không gian nghiên cứu, chế tạo. Ảnh:ICT News

Để dễ hình dung thực trạng của ngành vi mạch Việt Nam hiện nay, vị này dí dỏm, “việc thiết kế thành công các phần mềm để chế tạo IC (chip điện tử) giống như chúng ta đi được một quảng đường từ Sài Gòn đến Biên Hòa, còn việc từ phần mềm đã thiết kế để tiếp tục chế tạo thành IC là một quảng đường … từ Biên Hòa đến New York!”

Trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh, ý kiến trên có thể được xem là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, trong điều kiện Việt Nam, điều rõ ràng là các phù thủy có thể phù phép biến ước mơ không tưởng thành điều có thể – sự thành công của chương trình. Có thể thấy rõ điều này qua một số ý kiến đề nghị nhà nước phải là khách hàng lớn nhất cho các sản phẩm vi mạch này (5)!

Một sự kiện khác diễn ra ra gần đây là đề tài “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học”. Đề tài này do Viện Công nghệ không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện (6). Đề tài được triển khai chính thức từ năm 2011 và tiến hành bay thử vào ngày 3/5/2013. Kinh phí cho đề tài là 12 tỷ đồng. Sau khi bay thử nghiệm, đã nảy sinh một cuộc tranh cãi giữa Quân chủng Phòng không – Không quân với nhóm nghiên cứu khi quân chủng này cho rằng, mình mới là cơ quan đầu tiên chế tạo máy bay không người lái ở Việt Nam. Cuộc tranh cãi khiến Báo Quân đội Nhân dân đưa bài viết phàn nàn tình trạng “giẫm chân lên nhau” trong quản lý nghiên cứu (7).
Trong những điều kiện trên đây, khó có thể nói rằng nền khoa học Việt Nam sẽ phát triển lành mạnh dựa trên cơ sở niềm đam mê khám phá, truyền cảm hứng sáng tạo, mong muốn có ích cho xã hội trên một tư duy hệ thống. Cùng với đó là một thể chế nghiên cứu khoa học dựa trên sự minh bạch thông qua việc công bố các bài báo khoa học, hay thủ đắc các bằng sáng chế.

Cuối cùng, “sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền khoa học và công nghệ của Việt Nam là một thất bại” như nhận định trong một Báo cáo của ĐH Havard công bố vào năm 2008 vẫn chưa được thông suốt ở VN (8).
Và trên hết, tất cả những gì đã nêu có lợi cho ai?

Marian Witkiewicz, CTV Phía Trước
———————-

Chú thích nguồn:

1. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mua vũ khí chỉ để bảo vệ Tổ quốc [http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/544345/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-mua-vu-khi-chi-de-bao-ve-to-quoc.html?page=3#ad-image-0]. Ý kiến của tướng Vịnh có thể là sự khởi đầu cho một mô hình, gọi là tích hợp (công nghiệp) dân quân [civil-military integration (CMI), hay (军民 融合)] đã được thực hiện ở Trug Quốc từ nhiều năm nay. Mô hình này nhằm phá vỡ các rào cản tách rời các ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc với hệ thống kinh tế và nghiên cứu dân sự, và đưa đến tích hợp hiện đại hóa quốc phòng vào nền kinh tế đất nước. Những người chủ trương mô hình này hy vọng tránh được lãng phí trong phân bổ nguồn lực, cũng như cải thiện khả năng phát triển KH & CN ở cấp độ chiến lược quốc gia.

2. Xem Quyết định số 6358 ngày 14/3/2012 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 – 2020 [http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh-6358-QD-UBND-nam-2012-phe-duyet-Chuong-trinh-phat-trien-cong-nghiep-vb162682.aspx]. Kinh phí dự tính ban đầu cho Chương trình là 7.506 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP hỗ trợ 453 tỷ đồng, vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 5.634 tỷ đồng, vay chương trình kích cầu của TPHCM 669 tỷ đồng [Nguồn:http://www.iavietnam.net/detailnews/M61/N977/tphcm-dot-pha-nganh-cong-nghiep-vi-mach.htm]

3. TP.HCM sẵn sàng phát triển ngành công nghiệp vi mạch [http://www.thongtincongnghe.com/article/46370]

4. [http://www.iavietnam.net/detailnews/M61/N977/tphcm-dot-pha-nganh-cong-nghiep-vi-mach.htm]

5. Ý kiến của ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM. Xem: Khởi động công nghiệp vi mạch Việt Nam [http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130315/khoi-dong-cong-nghiep-vi-mach-viet-nam.aspx]

6. Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an được xem là “người có công lớn nhất”trong đề tài “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học” (Xem: http://petrotimes.vn/news/vn/cong-nghe/thuong-tuong-nguyen-van-huong-va-viec-che-tao-uav-viet-nam.html). 22 ngày sau khi nghiệm thu, ngày 25/5, đã có 6 máy bay không người lái thuộc đề tài này tiến hành bay chụp ảnh thềm lục địa (theo Thông tấn xã Việt Nam http://www.vietnamplus.vn/Home/May-bay-khong-nguoi-lai-VN-chup-anh-them-luc-dia/20135/199141.vnplus)

7. Xem: “Giẫm chân lên nhau” [http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/242813/Default.aspx]
8. Xem: “Choosing Success: The Lessons of East and Southeast Asia and Vietnam’s Future (A Policy Framework for Vietnam’s Socioeconomic Development, 2011-2020) – P.23 [http://www.fetp.edu.vn/en/policy-papers/discussion-papers/choosing-success-the-lessons-of-east-and-southeast-asia-and-vietnam%E2%80%99s-future-a-policy-framework-for-vietnam%E2%80%99s-socioeconomic-development-20112020/ ]
© 2013 Tạp chí PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét