Nguy cơ khi tăng chi tiêu công để tăng trưởng
Tình trạng lãng phí, nợ công và lạm phát có thể sẽ tăng cao nếu Chính phủ thực hiện đề nghị tăng cường đầu tư công nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề nghị hôm qua 28/6.
Đề nghị tăng chi tiêu công của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
có thể làm kinh tế tăng trưởng một cách thiên lệch. Ảnh: Lao động
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013 công bố hôm qua, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013 là thách thức lớn, do cầu nội địa còn yếu và chi phí sản xuất cao. Trong khi đó, lạm phát sẽ tăng thấp trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2013 ở mức khoảng 5% nếu không có đột biến về chính sách kinh tế vĩ mô cũng như giá các mặt hàng cơ bản.Với giả định lạm phát năm 2013 ở mức 6,5%, tín dụng tăng 12% và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 2012, Ủy ban ước tính tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế trong năm nay còn thiếu khoảng 50-70 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% cho năm 2013, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị trong 6 tháng cuối năm, cần đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công, bằng các biện pháp như: phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn; sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp; tăng tốc độ chi đầu tư ngân sách nhà nước vào những công trình trọng điểm quy mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014.
Tăng chi tiêu của Chính phủ, một trong các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, sẽ góp phần làm tăng GDP. Tuy nhiên, bản thân mục tiêu 5,5% là rất khó khăn, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận trong phiên họp thường kỳ cuối ngày 27/6, dù ông vẫn cho rằng nhưng “nếu nỗ lực thực hiện, tổ chức tốt hoàn toàn chúng ta có thể thực hiện được”. Muốn như thế, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế sẽ phải tăng ở mức 6% để bù đắp cho tốc độ tăng 4,9% của nửa đầu năm.
Việc phát hành thêm trái phiếu sẽ dẫn đến nợ công tăng cao. Theo số liệu chính thức, nợ công năm 2012 là 55,4% GDP. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 vừa qua cho biết, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác, nợ công Việt Nam lên tới 95% GDP. Còn theo tính toán của các chuyên gia độc lập, con số này đã lên tới 106%.
Từ đầu năm đến nay, tiêu dùng cá nhân và đầu tư cho sản xuất đều giảm. Có nhiều biểu hiện. Đến hết tháng 5/2013, tổng vốn huy động bằng VND tăng 7,55%, còn tín dụng tăng 2,98% cho thấy một sự tắc nghẽn vốn trong hệ thống ngân hàng. Theo tính toán, số tiền huy động tăng nhiều hơn số tiền ngân hàng cho vay tới 130 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2013 của cả nước chỉ tăng 0,05% so với tháng trước, sau vài tháng giảm liên tiếp. Tính chung 6 tháng đầu năm CPI mới tăng 2,4% so với tháng 12/2012. Thông thường, CPI phải tăng 4-5% mới có thể làm giảm tình trạng tồn kho hàng hóa kéo dài hơn một năm qua và giúp nhà sản xuất, kinh doanh sống sót.
Trong khi đó, tăng đầu tư công sẽ chủ yếu đổ thêm vốn vào lĩnh vực mà như các đại biểu Quốc hội phản ánh tại kỳ vừa qua, là “lãng phí vô tội vạ”. Đây chính là nguyên nhân làm hỏng ý nghĩa của việc làm đúng đắn là thúc đẩy chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng. Các doanh nghiệp nhà nước tạo ra hiệu quả rất thấp, trong khi dự án thường xuyên phải tăng tổng mức đầu tư. Lấy ví dụ về hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, tập đoàn TKV đã đổ vào đây trên 18.000 tỷ đồng. Cả hai dự án đều chậm tiến độ trên một năm và tổng mức đầu tư tăng hơn 30% so với phê duyệt năm 2009.
Như vậy, một công thức kinh tế đúng đắn của thế giới lại không phù hợp để đem giải bài toán của Việt Nam với những đặc thù chẳng giống ai. Xét một cách toàn diện, đề nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lúc này chẳng khác nào thổi thêm hơi vào bong bóng để mong đạt tới kích cỡ cần thiết.
Nguyên Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét