Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Mại dâm qua vụ hoa hậu Võ Thị Mỹ Xuân

Xem ảnh cô cựu hoa hậu tàn tạ trong phiên tòa hôm nay mà xót xa quá, nhất là nghĩ đến tương lai cô ấy. Xem hình cuối bài có cảm tưởng như cô đang chứa chất nhiều uất ức trong lòng nhưng bất lực nên tạm thời mặc kệ số phận. Sau khi ra tù cô sẽ thành người lương thiện như Nhà nước ta mong chờ hay sẽ trở thành một đại ca mới, bản lĩnh và lỳ lợm hơn nhiều ?
Mại dâm

Võ Thị Mỹ Xuân
Mỹ Xuân tiều tụy tại phiên tòa
Mấy hôm nay đề tài mại dâm đang Hot trên các báo và cả trong dư luận vỉa hè. Sáng ngồi nhẩn nha ly cà phê liếc báo thì mới thấy hôm nay xử em hoa hậu Mỹ Xuân bán dâm. 
Tối qua thì tv trung ương đưa 1 phóng sự về mại dâm Đồ Sơn, đưa chi tiết, cận cảnh, tuốt tuột, mà người làm phóng sự là một em phóng viên nữ. Mình đã sởn da gà khi xem cái phóng sự ấy. Đến thế là cùng, nhân phẩm của con người... Báo Tuổi Trẻ cũng đang chơi Fơi a tông mấy kỳ mại dâm, mà là mại dâm nam, đủ nam phụ lão ấu mua bán trên ấy.

Dư luận sôi lên là bởi một bác nào đấy ở cái cục có nhiệm vụ chống mại dâm nói rằng ở Đồ Sơn và Quất Lâm không có mại dâm. Báo hại bao nhiêu người cười khẩy, chứng minh cái câu của người Nam "Nói dzậy mà không phải dzậy" là đúng.

Nó chứng minh một điều rằng: Mại dâm là cái món không thể chống được, kể cả các bác hô hào to nhất là chống thì có khi các bác ấy cũng thừa biết là không thể chống theo kiểu hành chính mệnh lệnh cấm đoán được. Nó sinh ra và tồn tại từ khi có loài người. Thời phong kiến thối nát bỏ rọ trôi sông thế mà còn chả chống, chả cấm được, huống gì bây giờ.


Nàng Kiều vĩ đại trong văn học Việt đấy, dẫu nàng thốt lên "Thân lươn bao quản lấm đầu/ chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa" thì nàng vẫn 15 năm lưu lạc, nhưng rồi nàng vẫn ngời ngời sáng, vẫn bắt biết bao sĩ tử học trò từ phổ thông tới tiến sĩ phải chứng minh là nàng trong sạch...

Thế thì hà cớ gì chúng ta bây giờ, cứ bắt chị em làm cái nghề ấy, phải là tội phạm, phải là xấu xa bẩn thỉu.

Tôi có nghe một vài chị em phụ nữ, có chức hẳn hoi, bảo nếu công nhận mại dâm là 1 nghề là xúc phạm, là hạ cấp nhân cách phụ nữ. Xin thưa chính cái kiểu cấm không xong, bắt không xong, lâu lâu lại lôi ra một ít chị em làm vật tế thần, bêu riếu họ, xỉ nhục họ... mới là xúc phạm, là hạ cấp nhân cách chị em.

Xưa thời Pháp sài lang đô hộ, nó cho mở nhà Săm, chị em muốn vào đấy phải làm thủ tục rất đàng hoàng, có nhân thân, có phiếu khám sức khỏe, chịu sự quản lý, và như thế tất nhiên có... đóng thuế. Chị em nào không có môn bài đi vạ vật ngoài đường đón khách là a lê hấp, về đồn. Rành mạch và nhân đạo, và an toàn và không xỉ nhục nhau kiểu như tối qua tivi chiếu 2 anh chị ấy ngồi thổn thện trên giường, xấu hổ không chịu được.
Bây giờ ví dụ nhé, ở mỗi thành phố, chọn chỗ nào khuất khuất tí, cho xây ở đây một khu nhà, màu vàng chẳng hạn. Chị em vào đấy được chăm sóc sức khỏe, được tư vấn, được bảo vệ, được nộp thuế... tôi đố các anh chàng nào ở thành phố ấy dám láng cháng vào đấy, ngược lại, dân nơi khác đến, nếu bí, vào mua vé đàng hoàng, được bảo hộ, ngẩng cao đầu mà vào chứ không phải như bây giờ lén lén lút lút, chỉ béo mấy anh cò chăn dắt...

Chính khi ấy, chị em được tôn trọng, được bình đẳng, nghề ấy cũng như mọi nghề khác- tất nhiên đấy là nghề có điều kiện.

Chứ như những gì báo chí nước ta đang đưa, chao ơi, mại dâm cả nam cả nữ, cả nửa nam nửa nữ nó... rầm rộ như hội thế, nhà cầm quyền lâu lâu mở một cú chiến dịch, một vài em lên thớt, nhục nhã ê chề, rồi đâu lại vào đấy.
Như cô bé Mỹ Xuân đang đứng trước tòa kia, rồi tương lai của cô ấy như thế nào khi thanh thiên bạch nhật xử như thế? Liệu đấy có phải là hành vi nhân đạo... Còn bao nhiêu người chưa bị bắt, chưa bị lộ... mà thực ra, đấy có phải tội không nhỉ?

Theo như những gì tôi hiểu, và đọc trên báo- như loạt bài trên Tuổi Trẻ chẳng hạn- thì đấy là một nhu cầu- của nhiều người, cả nam và nữ. Cấm nó vẫn xì, mà lại tốn người thực hiện lệnh cấm, mà lại bất ổn xã hội vì không quản lý được, vậy có nên xem lại không?

Là nhà cháu uống cà phê vào, đọc mấy tờ báo xong gõ chơi vậy, coi như phát chào buổi sáng, nghe thì nghe không nghe thì... thôi,...
Văn Công Hùng
(Blog Văn Công Hùng)
**********************


Toàn cảnh phiên tòa xử hoa hậu Mỹ Xuân

Hoa hậu Nam Mê Kông trông khá tiều tụy khi bước ra phòng xử án, cô đưa mắt tìm kiếm gia đình và bình thản nghe tòa tuyên án.



7h30, Mỹ Xuân và các đồng phạm được đưa đến trên 2 chiếc xe tù. Cô che mặt, nhanh chóng được các cảnh sát tư pháp áp giải, đưa vào tòa án.

Người mẫu Thiên Kim do được tại ngoại nên cô đến khá sớm, cúi đầu ngồi trên ghế trong khi chờ các bị cáo khác có mặt.

Hội trường A của Tòa án Nhân dân TP HCM không còn chỗ trống, hầu hết là giới truyền thông và người nhà của các bị cáo.

Mỹ Xuân trông khá tiều tụy, cô ngồi trên ghế và thi thoảng quay mặt lại phía những người dự khán.

Cô khai nhận đã hai lần môi giới mại dâm. Trên vành móng ngựa, Mỹ Xuân nói nhỏ, đôi lúc cô khóc khi kể về gia đình. Việc cô vướng vào lao lý làm mất thanh danh nhà giáo của mẹ và bày tỏ nỗi ân hận khi cha mất, cô lại ở trong tù.

Tòa án lần lượt mời các phạm nhân lên hỏi, phần lớn các lời khai đều trùng khớp với cáo trạng trước đó.

Mỹ Xuân là nhân vật được giới truyền thông “chăm sóc” nhiều nhất. Trong quá trình tranh tụng, tòa án cấm các phóng viên tác nghiệp.

Phần lớn các bị cáo đều khai nhận thành khẩn.

Mẹ và em gái của Mỹ Xuân cũng có mặt tại tòa. Cả hai xuất hiện khá lặng lẽ và liên tục nhận được câu hỏi của giới truyền thông.


Sau phần nghỉ để tòa nghị án, Mỹ Xuân cùng các bị cáo bước ra để nghe phán quyết của tòa.

Trong khi các bị cáo khác đều cúi mặt thì cô khá bình thản đón nhận sự quan tâm của hàng chục ống kính máy ảnh.

Cô bặm môi khi nghe tòa tuyên án 30 tháng tù.

Trong khi đó, Thiên Kim che mặt bước ra khỏi tòa. Người mẫu này nhận án treo.

Khoảnh khắc Mỹ Xuân bước ra khỏi tòa án trở lại xe tù.

Khi phát hiện các ống kính của một vài phóng viên chờ sẵn bên ngoài, cô đưa tay lên che mặt.

Trong tiếng còi hú, chiếc xe chuyển bánh, bà mẹ đưa tay vẫy cô con gái.

Đi cùng với gia đình, mẹ Mỹ Xuân nở nụ cười khi trao đổi với một phóng viên.

Nhóm phóng viên

Còn đây là ảnh cô hoa hậu thời oanh liệt:
Sáng nay (27.6), TAND TPHCM sẽ đưa ra xét xử vụ án “môi giới mại dâm” đối với Võ Thị Mỹ Xuân (Hoa hậu Nam Mê Kông 2009, SN 1983, quê Cần Thơ) cùng các đồng phạm: Trần Thị Hoa, Trần Quang Mai, Lê Quang Tuấn Anh, Lương Quốc Huy, Nguyễn Hữu Đạt

Võ Thị Mỹ Xuân (Hoa hậu Nam Mê Kông 2009, SN 1983, quê Cần Thơ)
Đây là vụ án gây chấn động không những làng showbiz Việt, mà còn thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Dự kiến, với 6 bị cáo và nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên sẽ kéo dài trong cả ngày 27.6.

Theo cáo trạng của VKSND TP.HCM, đường dây môi giới mại dâm này do Trần Quang Mai cầm đầu, giữ vai trò chủ mưu lôi kéo những người khác cùng thực hiện. Các bị cáo Lê Quang Tuấn Anh, Nguyễn Hữu Đạt và Lương Quốc Huy giữ vai trò trung gian, môi giới cho khách của Mai. Còn hai người đẹp Mỹ Xuân và Thiên Kim có vai trò môi giới trực tiếp.

Thiên Kim tên thật là Trần Thị Hoa, sinh năm 1986, quê Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trần Thị Hoa rời quê hương, vào TP HCM sinh sống và lấy nghệ danh Thiên Kim.
Trước khi dành cú đúp tại cuộc thi Miss Shining Beauty 2012 với giải Á khôi 3 và Thí sinh có hình thể đẹp nhất, Trần Thị Hoa là người mẫu ảnh quen thuộc của nhiều tạp chí và đã bước chân vào làng điện ảnh với một vai phụ trong phim Lệnh xóa sổ.

Trước đây, Thiên Kim còn có hẳn một website về mình, trong đó có nhiều bộ ảnh của cô với những trang phục rất gợi cảm. Tuy nhiên, website này đã bị đóng cửa.

Theo cơ quan chức năng, cũng giống như Mỹ Xuân, Thiên Kim vừa bán dâm vừa đứng ra tổ chức, điều hành một đường dây môi giới mại dâm cho nhiều người đẹp khác.


Người mẫu Thiên Kim
Mỗi lần Á khôi Thiên Kim bán dâm được 2.500 USD thì tú bà Trần Quang Mai được hưởng 1.000 USD. Thiên Kim cũng vừa đi bán dâm vừa môi giới cho hoa hậu Mỹ Xuân bán dâm để lấy tiền môi giới.

Thiên Kim và Mỹ Xuân khai nhận, Thiên Kim môi giới cho Mỹ Xuân đi bán dâm với “đại gia” ở TP Vũng Tàu với giá 2.500USD thì Thiên Kim hưởng 1.000USD/lượt. Hay Thiên Kim môi giới cho người mẫu L.T.T.H (còn gọi là Jenny Phương, sinh năm 1993, ngụ đường Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1), đi bán dâm giá 30 triệu đồng/lượt thì Thiên Kim hưởng 18 triệu đồng, còn lại Jenny Phương chỉ hưởng 12 triệu đồng...

Trở thành hoa hậu, Mỹ Xuân chối bỏ luôn nguồn gốc

Sau ngày ông Châu (Bố của Mỹ Xuân) mất (8-4-2013), PV báo Lao Động có tìm đến nhà ông tại  ấp Thới Xương 1, xã Thới Long, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ. Tại đây, anh Trung (em trai Mỹ Xuân) kể, ngày xưa ông Châu là thợ bạc, nức tiếng khắp vùng, mẹ là giáo viên Trường Tiểu học Thới Long. Lúc đó nhà anh được xem một trong những gia đình khá giả nhất xóm này.
Nhà chỉ có 2 chị em là Mỹ Xuân (thường gọi là Khuyên) và Trung. Ba mẹ anh chính thức ly dị vào năm 1994, nhưng từ năm 1989 họ đã “cơm không lành, canh không ngọt”. Lúc mẹ ra tòa ly dị, trong giấy ly hôn để 2 đứa con lại cho ba, không nhận cấp dưỡng. Sau khi chia tay, mẹ tái hôn với người khác và chuyển lên TPHCM dạy học, hiện có cô con gái 17 tuổi.

Còn ba thì đau buồn, bỏ nghề thợ bạc chuyển sang làm đủ mọi nghề, từ nấu ăn cho nhà hàng, làm vườn, nuôi gà vịt… nuôi các con ăn học. Lúc mới ly dị, thỉnh thoảng mẹ anh có về thăm, nhưng từ năm 1999, một lần gặp mẹ trong đám cưới cho đến khi ba mất thì không có liên lạc.

Mỹ Xuân bị truy tố về tội “môi giới mại dâm” theo Điều 255 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.
Từ khi hạnh phúc tan vỡ, ông Châu đau buồn nên thường xuyên uống rượu và hút thuốc, gia cảnh trở nên nghèo túng. Nhờ anh em khuyên bảo, ông Châu bắt đầu lao vào công việc, vừa trồng vườn, nuôi gà, vịt cho đến bắt ốc, hái rau. Theo lời anh Trung, dù làm lụng cực khổ ông Châu vẫn mong cho 2 đứa con học đến nơi đến chốn và không để 2 chị em đi làm kiếm tiền phụ gia đình.

“Những lời chị nói với báo chí là vừa đi học vừa bán vé số là nói láo. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng chị có hái sa bô, cắt đọt khoai lang ra chợ bán để kiếm tiền đi học mà thôi. Lúc đó chị hiền lắm, cả xóm ai cũng mến. Khi chị lên cấp 3 mới sanh nhiều tật, hay tụ tập bạn bè đi chơi, bỏ bê việc nhà. Chị bỏ nhà đi sau khi tốt nghiệp lớp 12 (lúc 20 tuổi). Chị từ bỏ cha thì thôi sao lại đặt điều để phỉ nhổ công lao và tình thường ba dành cho chị” - anh Trung nói.

Hàng xóm gần nhà anh Trung cũng khẳng định, khi Mỹ Xuân mới đăng quang, cả xóm ai cũng ngạc nhiên khi biết cô kể với báo chí rằng hồi nhỏ đi bán vé số. Dì Năm (chị em bạn dì ông Châu) nói: “Ba nó nghèo nhưng rất thương con, làm đầu tắt mặt tối chứ không để các con đi làm thêm. Con Khuyên nói vậy là bất hiếu với ba nó”.
Anh Trung cho hay, sau khi hay tin Mỹ Xuân bị bắt, ông Châu giả bộ nói không quan tâm nhưng âm thầm ra tiệm Net nhờ người truy cập địa chỉ chính xác trại giam của Mỹ Xuân để kiếm tiền lên thăm. Từ ngày đó đến nay, ngày nào ông cũng lụi cụi ngoài vườn, bỏ rượu và thuốc lá, dành dụm tiền để thăm con gái khi có dịp. Đến nay ông đã để dành được 6 triệu đồng, khi ông mất, anh Trung mới phát hiện nó nằm trong cái áo gối của ba.

Theo lời khai của Hoa hậu Mỹ Xuân lúc bị giam trong trại, thì quê cô là một huyện của Cần Thơ, bây giờ đã tách ra thuộc tỉnh Hậu Giang. Nhưng không nói rõ cụ thể huyện, xã nào. Anh Trung giải thích, đúng là quê ngoại ở huyện Châu Thành, Hậu Giang, từ khi ba mẹ tan vỡ anh cũng không biết thông tin gì về quê ngoại, kể cả bà Châu Ngọc Mỹ (vợ ông Châu) cũng không liên lạc với ba con anh.

“Từ khi cha mẹ ly dị, tình thường ba đã dồn hết cho 2 chị em. Lúc đó, gia đình cực kỳ khó khăn. Nhà cũ còn tệ hơn nhà bây giờ nữa, nhà này là đã sửa lại rồi. Vậy mà ba vẫn lo cho 2 chị em đầy đủ” - anh Trung nghẹn ngào.

Chơi với con đại gia từ ngày còn học lớp 11

Năm 2009, sau khi đoạt giải “Hoa hậu Mêkông”, rất nhiều người muốn tìm hiểu về nguyên quán thật của Mỹ Xuân nhưng cô luôn mập mờ về gốc gác của mình. Cô nói rằng, ba cô là người rượu chè, không thương con cái nên cô không nhìn nhận họ hàng bên nội.

Ngược lại, bà con trong xóm lại nói ông Châu bỏ rượu lâu rồi, thỉnh thoảng có hút vài điếu thuốc. Đặc biệt ông rất thương con Khuyên (Mỹ Xuân). Anh Trung kể, tuy ông Châu không nói ra nhưng anh biết ba thương chị Khuyên hơn, vì lúc chị nói với báo chí là từ bỏ bên nội, ba nói “đúng là đứa nào mình ít quan tâm thì được nhờ”.
Căn nhà ông Châu sinh sống.
Năm Mỹ Xuân học lớp 11, ông Châu phát hiện con gái thường viện cớ đi học nhóm để hẹn hò với một thanh niên trong xóm nên có la rầy. Nhưng Mỹ Xuân vẫn không bỏ tật hay tụ tập với bạn đi chơi. “Con Khuyên toàn là chơi với con đại gia không hà, có lẽ vì thế nó chán ghét nghèo khổ. Ở nhà nó chỉ nghe lời mẹ, nên lời nói của ba nó, nó xem không ra gì” - bà Võ Thị Tư (em ruột ông Châu) nói.

Theo lời bà Tư, Mỹ Xuân không những học dở mà còn ở lại lớp 2 lần (lớp 4, 7). Học kém nhưng Mỹ Xuân rất đua đòi, trưng diện như con nhà giàu, suốt ngày tụ tập bạn bè đi chơi. Năm lớp 12, thấy Mỹ Xuân không lo học còn rủ rê bạn bè đi chơi, giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần gửi thư mời phụ huynh đến trường. Sợ ba la, Mỹ Xuân nhờ chồng bà Tư đóng vai phụ huynh đến trường nghe giáo viên mắng vốn.

Có lẽ, sau chuyến lên TPHCM cắt amêđan, Mỹ Xuân say mê với cảnh tráng lệ của đất Sài thành nên vừa tốt nghiệp 12 xong, Mỹ Xuân xin cha ra Cần Thơ luyện thi, rồi bỏ đi luôn không cho ai biết. Anh Trung tiếp lời: “Mùa hè năm đó ba có lên TPHCM tìm, nhưng mẹ sợ ba bắt về nên mẹ giấu. Về nhà ba suy sụp hoàn toàn, ông bắt đầu lập quỹ riêng, khi nào đủ tiền lại tiếp tục đi tìm con gái. Đến năm 2009, 2 ba con mới biết thông tin về chị qua báo chí.

Cha mừng rỡ vì con đoạt danh hiệu Hoa hậu Mêkông, niềm vui bị đứt nghẹn khi chị Xuân đánh tiếng trên báo chí không nhìn nhận dòng họ bên nội, tức không nhìn ba và tôi. Không nói ra nhưng tôi biết lòng ba đau như cắt, từ đó ông chỉ lủi thủi sống ở nhà, không đi tìm con gái nữa”.

Bổng nhiên tháng 6 năm rồi, mọi người hỏi ông Châu có hay chị Khuyên bị bắt không, ông mới hết hồn. Dù họ hàng hết lời khuyên can nhưng ông vẫn mặc kệ. Ông nói: “Khi tỏa sáng nó không cần mình, bây giờ nó hoạn nạn, mình nên có mặt để an ủi nó”. Không ai biết được những ngày tháng Mỹ Xuân bị tạm giam, có một người đàn ông có vẻ mặt cam chịu, đứng hàng giờ ngoài cổng trại để nghe ngóng tin tức về con.

Anh Trung nhấn mạnh: “Bây giờ chị Xuân có nhận ba hay không cũng không còn quan trọng, vì ba cũng đã ra đi rồi. Còn với tôi, chị bị xử phạt ra sao là hậu quả chị phải nhận lấy. Người ta thường nói: Con bất hiếu với ba mẹ thì làm ăn không khá, có lẽ câu nói ấy rất đúng với chị Xuân” 
Viết Cường(GDVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét