Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

(2) Quan tài chục tỷ đồng của đại gia Việt

Quan tài chục tỷ đồng của đại gia Việt
Nghe thiếu gia P (Hà Nội) tiết lộ rằng bỏ hàng chục tỷ đồng để... làm quan tài trước cho bố mà tôi cứ "nghệt" ra vừa bất ngờ vừa… khó tin.
Sau nhiều lần đề nghị, cuối cùng P mới tin và cho tôi tường tận kế hoạch báo hiếu cha đặc biệt qua việc chuẩn bị một chiếc "áo" thật "đẳng cấp" và đặc biệt là "không đụng hàng".
Chết cũng phải theo... kiểu đại gia
P phân trần: "Đại gia "xịn" thì sống hay chết đều có đẳng cấp riêng biệt kể cả cỗ quan tài. Nếu chết đột tử, chưa kịp đặt thì ít nhất cũng phải là gỗ trắc, hoàng đàn (hay còn gọi là ngọc am) giá khoảng 3 tỷ đồng còn bình thường giá không thể dưới 5 tỷ. "Sao đắt thế, gỗ hay vàng"?.Tôi thoảng thốt hỏi. P bình thản nói: "Cả gỗ và vàng. Nếu vàng dát xung quanh cùng hoa văn độc, có thể lên tới 10 tỷ đồng".


Khi cha ốm, P đi gặp "thầy bói" cao tay và được phán rằng: Phải làm hiếu sự thật chu đáo, đặc biệt là áo quan khi bố qua đời. Ông "thầy bói" cũng chỉ dẫn, đối với tuổi của bố P thì quan tài phải chạm trổ hình rồng sẽ khắc chế được nhiều chuyện xấu, việc kinh doanh vẫn phát đạt... Để có được cỗ quan tài cho bố như ý, P thuê hẳn một chuyên gia đồ hoạ giỏi để thiết kế kiểu dáng. Chuyên gia đồ hoạ này phải ngồi vẽ theo lời mô tả của P gần một tuần mới xong. Theo P, chất liệu gỗ, chất liệu vàng dát có được tôn lên hay không là nhờ hoạ tiết của hoa văn trên chiếc quan tài đó vì vậy phải thuê bằng được thợ giỏi nếu không chỉ phí tiền.
P mở máy tính cho tôi xem hình thiết kế của quan tài "độc" rồi phân tích: "Ông cụ thích hoa hồng nên hai tấm nhỏ hai ở hai đầu, tôi cho chạm hình hoa hồng cả trong lẫn ngoài. Nhưng hai bông hoa bên ngoài sẽ được dát vàng. Xung quanh phần mặt trên quan tài cũng viền vàng. Trên mặt có một cái kệ, trên cái kệ là hình con rồng được chạm khắc rất độc đáo. Xung quanh kệ được dát vàng và con rồng cũng được mạ vàng. Hai tấm bên cạnh cũng được chạm hoa văn hình rồng ngay trên gỗ. Nắp mở ở phần đầu quan tài để người đưa tiễn đến nhìn mặt lần cuối, cũng được viền mạ vàng, được chạm trổ hình con rồng nhỏ. Tổng cộng có 12 con rồng nhỏ, to khác nhau được khắc, chạm trổ rất tinh xảo trên thân quan tài. Tôi định xin cái hình đồ hoạ ấy để minh hoạ cho bài báo thì thì P căng giọng: Cậu đi quá đà rồi đấy nhé! Đó là của độc, không thể phổ biến. Nó sẽ được bí mật đến khi ông cụ qua đời, đem đến nhà tang lễ".

Quan tài này trị giá hơn 2 tỷ đồng - nhiều đại gia cũng ưa chuộng.

Hai tỷ chỉ mới là tiền đặt cọc?
5h sáng, P bấm còi xe ô tô inh ỏi ở cổng nhà tôi rủ đi ngắm "thịt hòm" của ông cụ ở Phù Khê Thượng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Người được P tin cẩn đặt thi công chiếc quan tài đặc biệt này tên Ng (dân trong vùng gọi là Ng "dị" vì ông này có dáng người loắt choắt, đi đứng ẻo lả, giọng nói nhừa nhựa). Vừa đi P vừa kể: "Tôi đi TP.Hồ Chí Minh, dự đám tang một người bạn của cha. Bác ấy là một đại gia ngành bất động sản. Nhìn thấy quan tài của bác ấy, tôi như bị thôi miên. Con trai lớn của bác ấy là Việt kiều Đức, đặt hậu sự cho cha từ cách đấy 3 năm. Người thân trong gia đình bác ấy cho số điện thoại của ông thợ, chính là ông Ng".

P tốn rất nhiều công sang nhà ông Ng “dị” chỉ để nghe ông nói về ý tưởng, về những chiếc "hòm" mà ông đã thửa cho các đại gia. P nói một cách sành sõi: "Thẩm định thấy đúng ông Ng làm được, tôi mới quyết định đầu tư. Vì đây là công việc nghiêm túc chứ không phải chuyện chơi". Cũng theo P thì thợ ở Đồng Kỵ, phần lớn là thợ trẻ, không có kinh nghiệm làm hàng độc, lạ. Hơn nữa, gỗ cũng là gỗ xáo. Hương Mạc, Phù Khê (2 phường thuộc thị xã Từ Sơn) mới là nơi có nhiều thợ giỏi, thợ già, mối gỗ lâu đời và giá cả hợp lý.

Thấy chúng tôi, ông Ng đon đả chào rồi dắt luôn xuống xưởng. Ông Ng vừa chi tay vừa nói: "6 tấm đây, cậu nhìn đi, sướng chưa?! Tôi đã sấy một lần rồi nhưng theo yêu cầu của cậu tôi đang cho sấy lần nữa, gỗ sẽ khô kiệt hẳn và sẽ không ẩm được. Nhưng sấy xong phải để khoảng 1 tháng, độ đàn hồi của gỗ ổn định mới tiến hành chạm khắc được. P có vẻ hài lòng nên hỏi ông thợ: "Có cần phải ứng thêm tiền cho bác không? 2 "cọc" (tức 2 tỷ đồng) đã yên tâm làm việc chưa? Nếu cần thêm, bác nói, tôi chi. Miễn sản phẩm chất lượng, đúng ý là được, nếu không, bác sẽ bị phạt nặng đấy!". Ông Ng tiếp lời: "Tôi là thợ già, trọng chữ tín, cậu đừng nói thế, tôi ngại với ông cụ (tức bố P) lắm".
Thấy tôi bần thần vì giá quá đắt, P rỉ tai: "Không đắt đâu, nếu cậu đặt ở Đồng Kỵ, chắc chắn sẽ chênh thêm 1- 2 cọc đấy. Sưa đỏ hẳn hoi chứ không phải hàng thường đâu. Tôi phải chi chênh lệch 500 triệu đồng người này mới "nhả" khối gỗ ra cho mình sử dụng trước đấy". Tôi thắc mắc: "Sưa đỏ ngàn năm hay sao mà đắt hơn vàng thế?". P quả quyết: "Có đến ngàn năm không thì không biết nhưng nhìn cái vân gỗ nét căng thế thì chắc cũng phải vài trăm năm rồi. Hơn nữa, qua hai lần sấy mà thớ gỗ không rạn thì chắc chắn là sưa cổ xưa đấy"!

Đây là những hình mà các đại gia ưa chuộng,
chạm trổ trên thân quan tài của mình.

Đã đắt thì phải độc

Theo P giới thiệu thì gia đình bác Ng nhiều đời làm quan tài và đã từng làm quan tài "thửa" cho không ít đại gia. Nghe vậy nên tôi lân la hỏi chuyện, được bác Ng cho biết: Phần lớn những người bỏ tiền tỉ làm quan tài đều yêu cầu gỗ tốt, chạm trổ công phu. Hình được ưa chuộng của các đại gia là long, ly, quy, phụng nhưng có nhiều người lại thích chạm linh vật mà người quá cố cầm tinh. Tuy nhiên cũng nhiều người có những yêu cầu rất độc.
Ví dụ đại gia H.Đ (ở Quảng Ninh), chỉ yêu cầu chạm nổi hai quả chuông ở hai bên hông còn thân quan tài để gỗ mộc, đánh giấy giáp thật bóng. Gỗ trắc để mộc, được đánh bóng nhìn rất sang trọng làm nổi bật hai quả chuông đồng... "Tôi có tò mò hỏi sao bác chỉ thích chạm đôi đồng thì ông này giải thích do bị nặng tai, thầy nói rằng có chuông thì mới "điều khiển" được người thân ở trần gian vì vợ con của ông ấy rắc rối lạ, ông ấy sợ lúc chết đi thì loạn cả nhà lên", bác Ng kể lại. Hoặc có đại gia thích chạm bức tranh "Hứng dừa" của làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)... Có người thì chạm chữ "Nhân" trên đầu và chữ "Nhẫn" ở cuối để răn dạy con cháu.

Bác Ng cũng cho biết: Một chiếc hòm trung bình mà đại gia đặt giao động từ 2-3 tỷ đồng. Nếu hoạ tiết nhiều, chạm khắc lắm thì kéo theo đó gỗ cũng phải dày nên giá thành có thể dưới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó mới là là tiền gỗ với với tiền công của thợ mộc, nhiều người còn đầu tư không ít tiền để đính thêm các loại chất liệu quý. Như trường hợp của P, anh này cho biết sau khi quan tài được chế tác xong sẽ được đem đi dát vàng. Đặc biệt, vì không tin tưởng các cơ sở chế tác vàng bạc ở Việt Nam nên P có ý định gửi những bộ phận cần thiết sang Singapore thực hiện. P tin tưởng, công nghệ kỹ nghệ kim hoàn ở đó sẽ làm cho những con rồng nổi bật trên cái quan tài chưa từng ai có. P chốt: "Để làm xong bộ quan tài này tôi phải hao tâm khổ tứ cả năm trời và chi không dưới 10 tỷ đồng".

Người càng giàu, càng có nhiều tiền thì họ càng muốn khẳng định đẳng cấp của mình bằng cách tậu biệt thự, xe hơi; mặc, chơi, du lịch ở những nơi khác người... Làm gì, chơi gì, ăn gì họ cũng muốn mình đặc biệt và đẳng cấp hơn đại gia khác. Sở thích khác người của người nhiều tiền không chỉ thể hiện lúc sống mà khi chết rồi, họ cũng muốn lưu lại đẳng cấp để cho con cháu hưởng thụ, thơm lây. Chuyện "thửa" quan tài độc, lạ có ý là như vậy. Cái đẳng cấp mà người chết nghĩ, đôi khi lại làm hại người còn sống. Tốt nhất, chết rồi, mọi thứ nên khép lại, đẳng cấp hay không đẳng cấp, độc hay lạ cũng là dấu chấm hết mà thôi.

Tiến sỹ Trịnh Hoà Bình - Viện Xã hội học
Theo Lê Anh
Người Đưa Tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét